Phòng Truyền thống cách mạng Hội An

Thứ tư - 12/09/2018 22:08
Sau ngày quê hương Hội An hoàn toàn giải phóng, thực hiện chủ trương của Thị ủy, công tác sưu tầm, nghiên cứu và trưng bày tài liệu, hiện vật liên quan đến lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An được chú trọng thực hiện.
Ngày 02/9/1977,  Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An được khánh thành tại địa điểm số 12 Phan Châu Trinh, do Phòng Văn hóa Thông tin Hội An quản lý. Tháng 10/1982, Phòng Truyền thống Cách mạng này được nâng cấp lần thứ nhất. Đến tháng 2/1986, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An được thành lập, Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An được Phòng Văn hóa Thông tin bàn giao cho Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch Hội An quản lý. Năm 1992, Ban Quản lý Di tích và Dịch vụ Du lịch sáp nhập vào Phòng Văn hóa Thông tin, phòng Truyền thống Cách mạng Hội An được chuyển đến số 149 Trần Phú. Năm 1996, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An) thành lập và quản lý Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An đến nay. Năm 1998, Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An được nâng cấp, bổ sung hiện vật lần 2 để phục vụ đón nhận danh hiệu Hội An Thị xã Anh hùng. Năm 2010, Phòng Truyền thống Cách mạng chuyển về Bảo tàng Hội An - số 10B Trần Hưng Đạo, được trưng bày tại tầng 2 với tổng cộng 377 tư liệu, hiện vật giới thiệu về lịch sử đấu tranh cách mạng anh hùng của quân và dân Hội An từ thời tiền khởi nghĩa đến năm 1975.
 
tuoi tre

Mở đầu dòng lịch sử địa phương tại phòng Truyền thống Cách mạng là phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (1885-1887) với sự lãnh đạo của chí sĩ Ngyễn Duy Hiệu - người con quê hương Bến Trễ, Cẩm Hà, Hội An. Nhân dân ta biết đến ông, khâm phục ông không chỉ đơn thuần là vị chỉ huy kiệt xuất với những trận đánh lẫy lừng, mà còn là một hội chủ có tài thao lược cả về quân sự, chính trị,... Cái chết đầy bi tráng của vị thủ lĩnh Nghĩa hội đã khép lại một phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân không kém phần sôi động oanh liệt còn vang mãi đến ngày nay.

Trải qua bao biến cố lịch sử, lần lượt các tổ chức cách mạng được ra đời như Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên do đồng chí Nguyễn Ái Quốc thành lập vào tháng 6/1925 thì tháng10/1927 tại nhà Đức An, đồng chí Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh) chủ trì cuộc họp thành lập Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên Hội An. Kể từ đây, phong trào cách mạng ở Hội An bước vào quỹ đạo ảnh h­ưởng của chủ nghĩa Mác - Lê Nin và t­ư tư­ởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc soi đ­ường. Hình ảnh nhà Đức An - di tích lịch sử cách mạng không những được trưng bày trang trọng tại Phòng Truyền thống Cách mạng mà di tích đã được tu bổ, xây dựng thành Nhà lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh tại số 129 Trần Phú để phục vụ du khách.

Mùa Xuân năm 1930, lịch sử dân tộc bước sang một bước ngoặt mới, đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hương Cảng, Trung Quốc vào ngày 3/2/1930. Ngày 28/3/1930, Tỉnh ủy Lâm thời ra thông cáo tuyên bố thành lập Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Nam, do đồng chí Phan Văn Định làm Bí thư. Hình ảnh Cây Thông Một - xã Cẩm Hà, thị xã Hội An (nay thuộc khối Tân Thanh, phường Tân An, thành phố Hội An) được trưng bày tại phòng Truyền thống Cách mạng là dấu ấn ghi lại sự kiện lịch sử trọng đại này. Và gần một tháng sau (4/1930), Chi bộ Đảng của thị xã Hội An được thành lập gồm 4 đồng chí, do đồng chí Hà Mùi làm Bí thư. Từ đây, có Đảng soi đường chỉ lối, nhân dân Hội An một lòng tin tưởng vào Đảng. Trong những năm tháng đen tối nhất của cách mạng, nhân dân Hội An vẫn tổ chức nhiều cuộc rải truyền đơn kêu gọi đấu tranh, tổ chức diễn thuyết giữa ban ngày. Hiện nay, chiếc ghế đá mà đồng chí Trần Kim Bảng đứng lên diễn thuyết trước hội quán Quảng Triệu vào lúc 11h30 phút ngày 01/9/1930 vẫn được lưu giữ, trưng bày trang trọng tại phòng Truyền thống Cách mạng.
 
truyen thong

Trong giai đoạn từ 1930 - 1945, bên cạnh những hình ảnh, tài liệu có giá trị được giới thiệu tại Phòng Truyền thống Cách mạng, hiện vật chiếc áo của anh hùng Bùi Chát để lại nhiều tình cảm sâu đậm trong lòng người xem. Bùi Chát - người anh hùng đã đi vào sử sách với những chiến công oanh liệt. Trận đánh xuất sắc của đội Công binh Đại đội 68 trên đường đèo Hải Vân vào năm 1947 do đồng chí chỉ huy, trực tiếp giật mìn làm lật nhào xuống vực thẳm một số toa của đoàn tàu chở 600 tên lính Âu - Phi vừa mới được tăng viện từ Pháp sang. Qua trận đánh đã thể hiện tinh thần kiên trì, dũng cảm, mưu trí của người chiến sĩ, người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Chiến công nối tiếp chiến công của đồng chí Bùi Chát đã được Nhà nước ghi nhận, phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào ngày 31/8/1955, là người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân đầu tiên của tỉnh Quảng Nam.

Trong giai đoạn chống Pháp, có nhiều hình ảnh, hiện vật có giá trị nhưng trong đó phải kể đến là cây súng Các Bin của Bác Hồ tặng quân và dân Hội An qua trận đánh bắt sống tỉnh trưởng Hồ Ngận vào đêm 4/1/1949. Một trận đánh rất khó khăn, quyết liệt, nhưng nhờ có kế hoạch chính xác, chuẩn bị chu đáo, nên đã diễn ra nhanh gọn và hoàn toàn thắng lợi. Với chiến công bắt sống tỉnh trưởng bù nhìn, mở đầu đợt phá tề trừ gian trong toàn tỉnh, quân và dân Hội An xứng đáng được Bác Hồ ngợi khen và gửi tặng khẩu súng Các Bin có khắc tên Người.

Kết thúc kháng chiến chống Pháp, cùng với số phận của miền Nam ruột thịt, quân dân Hội An lại tiếp tục đương đầu với cuộc chiến chống Mỹ. Qua tư liệu, hiện vật tại Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An, chúng ta hiểu rằng để có ngày hôm nay, ông cha ta đã trải qua nhiều hy sinh mất mát. Nhà Lao Hội An - một thời được mệnh danh là địa ngục trần gian, nơi đã giam cầm, tra tấn dã man hàng nghìn đồng bào, đồng chí ta. Cũng chính tại “địa ngục trần gian này” quân địch không thể nào khuất phục được ý chí sắt thép của đồng bào, đồng chí khát khao độc lập tự do cho quê hương đất nước. Vào đêm 14/7/1967, Tiểu đoàn 2 bộ đội Tỉnh phối hợp lực lượng vũ trang Thị xã tấn công từ ngoài vào kết hợp từ trong đánh ra, giải phóng hơn 1.200 đồng bào, chiến sỹ thoát khỏi đọa đày. Tiếp tục sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy vào mùa xuân 1968, nhiều trận chiến diễn ra ác liệt. Tại Chùa Bà - hình ảnh đang trưng bày ghi dấu sự kiện lịch sử 2 đồng chí Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường đã anh dũng hy sinh khi cùng với Đại đội 2 đánh vào cơ quan USOM và đoàn bình định khét tiếng tại đang đóng tại đây.

Ngày 25 tháng 3 năm 1975, Ủy ban khởi nghĩa Thị xã và các xã phường được thành lập. 12 giờ trưa 27 tháng 3 năm 1975, Ủy ban khởi nghĩa Thị xã phát lệnh tổng tiến công và nổi dậy. 4 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 1975, quân và dân thị xã đã chiếm lĩnh các vị trí yết hầu của địch. Nhà lao Hội An được gỡ mìn, mở khóa lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng đã giải phóng 1500 đồng bào, đồng chí bị giam cầm. 6 giờ ngày 28/3/1975, chiến sỹ Đại đội 2 vinh dự cắm lá cờ chiến thắng trên tòa hành chính tỉnh Quảng Nam đánh dấu thời điểm. Quê hương Hội An được hoàn toàn giải phóng hòa vào dòng chiến thắng chung của đại thắng mùa xuân 75 lịch sử.

Với khuôn khổ bài viết không cho phép giới thiệu đầy đủ những hiện vật đang trưng bày tại Phòng Truyền thống Cách mạng Hội An. Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng tại đây mỗi một hiện vật đều gắn liền với sự kiện lịch sử đấu tranh cách mạng của quân và dân Hội An, khẳng định sự chiến đấu kiên cường của các chiến sĩ cách mạng và sự lãnh đạo tài tình của Đảng bộ Hội An lúc bấy giờ. Từ những chiến công to lớn ấy, quân và dân Hội An đã được Đảng và Nhà nước tặng các phần thưởng cao quý: 500 dũng sĩ được tặng 8686 huy chương, huân chương và các loại giấy khen; Lực lượng vũ trang Thị xã được tặng cờ “Thành đồng quyết thắng”, “Đánh mạnh, đánh giỏi, đánh trúng hậu cứ địch”, “Trung dũng kiên cường, liên tục thọc sâu, đánh nhanh, diệt gọn”; 09 xã/phường và 27 cá nhân được trao tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm cũng là ngần ấy thời gian Hội An dần thay da đổi thịt và phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Nhưng mỗi người con Hội An hôm nay sẽ khắc sâu những bài học lịch sử, bài học về lòng yêu nước được rút ra qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
 
 

Tác giả: Lê Thị Tuấn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây