Thanh Hà là một trong những làng/xã hình thành sớm ở Hội An, vào khoảng thế kỷ XVI - XVII. Căn cứ vào gia phả tộc Nguyễn Viết, tộc Võ Văn ở Thanh Hà, có thể nhận thấy việc di dân, lập làng diễn ra từ rất sớm. Các bậc tiền hiền tộc Nguyễn, Võ... đến từ Thanh Hóa, từ ông tổ này đến nay đã lưu truyền được 18 đời. Theo địa bạ làng Thanh Hà được lập vào thời vua Gia Long năm thứ 11
(tức năm 1812), xã Thanh Hà thuộc tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX với việc dân cư tăng nhanh và diện tích được mở rộng, một số làng/xã ở Hội An có quy mô dân số, diện tích đất phát triển đã tách ra thành các làng nhỏ hoặc dưới làng hình thành các thôn ấp, làng Thanh Hà lúc này được chia thành 13 ấp, trong số đó có ấp An Bang.
Tại khu vực ấp An Bang trước đây có rất nhiều mộ cổ. Hiện nay, khu vực này vẫn còn mộ số ngôi mộ cổ xây bằng vôi ghè có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học. Một trong những ngôi mộ tiêu biểu là Mộ bà Nguyễn Quý Nương
(vợ ông Thống suất họ Lê) ở khối An Bang, được UBND Thành phố bổ sung vào Danh mục di tích được bảo vệ của Thành phố vào tháng 5/2018.
Ngôi mộ này hiện tọa lạc tại tổ 17, khối An Bang, phường Thanh Hà, trước vườn nhà ông Nguyễn Dè, cách đình ấp An Bang khoảng 220m về phía Nam. Thông tin từ gia đình ông Nguyễn Dè và một số người cao tuổi sinh sống ở An Bang cho biết, ngôi mộ này đã có từ rất lâu đời nhưng không xác định rõ là khi nào, chỉ biết là từ nhỏ lớn lên đã thấy ngôi mộ giống như bây giờ. Ngôi mộ này không có thân nhân, mấy chục năm nay, gia đình ông Nguyễn Dè chăm nom, hương khói.
Trên bia mộ bằng sa thạch có khắc hai chữ “
Nam cố” và thượng khoản có ghi “
Giáp Thìn niên mạnh xuân nguyệt cốc nhật” (dịch nghĩa: Ngày tốt, tháng Giêng năm Giáp Thìn), dòng chữ chính:
Hiển tỷ y phu Thống Suất Lê Hầu phối thất Nguyễn Quý Nương thụy Trinh Thục chi mộ (dịch nghĩa: Đây là mộ của bà họ Nguyễn thụy là Trinh Thục, là vợ của ông họ Lê giữ chức Thống Suất, tước Hầu). Từ các dữ liệu đó, cũng như hoa văn trang trí trên bia, thư phong và niên đại Giáp Thìn, cho thấy bia thuộc thời chúa Nguyễn, thế kỷ thứ XVIII, niên đại của bia là năm Giáp Thìn trước và gần nhất với năm 1802, tức là năm 1784. Như vậy, ngôi mộ này đã được tạo dựng cách ngày nay khoảng trên 230 năm.
Ngôi mộ xoay mặt về hướng Đông – Đông Bắc, được xây bằng vữa vôi hợp chất. Mặc dù đã xuống cấp một vài phần bị hư hỏng chỉ còn phần nền móng, tuy nhiên tổng thể công trình vẫn còn khá hoàn chỉnh, quy mô ngôi mộ khá bề thế, đặc biệt phần bia đá vẫn còn rất rõ nét với chữ khắc chìm và các hoa văn trang trí. Tổng thể ngôi mộ gồm có: tay ngai, bao bia và bia mộ, nấm mộ, quynh
(hay còn gọi là huynh), bình phong hậu, diện tích khoảng 62,7m
2. Dựa theo những gì còn lại của ngôi mộ, có thể hình dung ngôi mộ trước đây có hình thức kiến trúc đơn giản, phù hợp với sự thô ráp của vật liệu
(vôi ghè).
Bao bia có mặt bằng hình móng ngựa, hai đầu bao bia
(phía trước) vát cong hình trụ tròn, cao dần về phía sau. Mặc dù vữa vôi bị bong tróc nhiều mảng nhưng bao bia vẫn giữ được hình dáng ban đầu. Bệ đá đặt nồi hương hiện còn nguyên vẹn. Bia mộ làm bằng sa thạch, chữ và hoa văn khắc sâu, đến nay, trải qua thời gian rất dài nhưng các chi tiết vẫn còn rất sắc nét. Diềm trên có hoa văn hình mặt trời tua mây cách điệu hình đao; diềm trái, phải dây hoa, diềm dưới đế trang trí bệ sen hai lớp cánh đối xứng trên dưới. Qua đó có thể nhận định đây là hoa văn đặc trưng thời chúa Nguyễn, tiếp nối phong cách điêu khắc tạo hình trên gỗ, đá thời Lê. Về thư phong: khải thư, mang hơi hướng đầu triều Nguyễn.
Nấm mộ thấp, hình hột xoài. Quynh bao quanh mộ, có chu vi hình chữ nhật, vát cong ở 4 góc và có hai trụ vuông phía trước bia mộ tạo lối vào. Tay ngai bắt đầu từ mép ngoài trụ vuông của quynh, kéo dài và mở rộng về phía trước. Theo như dấu vết hiện trạng, tay ngai mỗi bên có hai cấp, mỗi cấp có mặt bằng chữ L và một trụ vuông, cấp phía trong cao hơn cấp phía bên ngoài. Bình phong hậu bị hư hỏng nặng nên rất khó để hình dung kiến trúc hạng mục này trước đây như thế nào.
Về ông Thống suất, họ Lê, tước Hầu, sẽ được khảo cứu tư liệu kỹ hơn để xác định, qua đó giúp tìm hiểu lai lịch bà họ Nguyễn – vợ ông, đồng thời xác định niên đại ngôi mộ được chính xác hơn.
Mộ bà Nguyễn Quý Nương vợ ông Thống suất họ Lê là một trong những ngôi mộ táng có kiến trúc tiêu biểu của thế kỷ XVIII, mặc dù bị hư hại nhiều song vẫn giữ được bố cục, quy mô tổng thể. Ngôi mộ là nguồn tư liệu thực địa có giá trị để tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển làng Thanh Hà, để nghiên cứu về loại hình mộ táng cũng như về lịch sử, văn hóa của địa phương cả về lịch sử dân cư. Với những giá trị văn hóa, lịch sử nêu trên, việc gìn giữ, bảo vệ ngôi mộ là hết sức cần thiết và cần sớm đưa di tích này vào danh mục tu bổ trong thời gian đến.