Tản mạn Võng Ngô Đồng

Thứ hai - 02/07/2018 04:23
Kể cũng lạ khi mà Cù Lao Chàm, một cụm đảo nằm cách đất liền Hội An chừng 15km trở thành là vương quốc của cây ngô đồng. Lạ, vì xưa nay trong suy nghĩ của nhiều người, ngô đồng là một loại cây vương giả, chốn cung đình, dinh thự sang trọng còn không muốn bắt rễ, có đâu đến một vùng đảo đầy nắng gió như Cù Lao Chàm, Hội An. Vậy mà thật bất ngờ khi phát hiện ở đây bạt ngàn một rừng ngô đồng, cứ đến tháng 6, tháng 7 âm lịch hàng năm lại ra hoa đỏ rực cả một góc trời đảo xanh, tạo thành một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục…
           Một câu cổ thi Trung Hoa từ lâu đã làm rạng danh loài cây này: “Ngô đồng nhất diệp lạc; Thiên hạ cộng tri thu” (Tạm dịch là: Ngô đồng một chiếc lá rơi; Khắp nơi chung đón đất trời vào thu”. Thì ra trong một chiếc lá chuyên chở cả mùa thu là ở hình tượng này.

           Cũng theo huyền thoại Trung Hoa, vị vua đời thái cổ là Phục Hy thấy 5 ngôi sao đáp xuống cây ngô đồng, rồi có chim phượng hoàng đến đậu, biết là cây quý nên sai đốn lấy gỗ chế làm nhạc khí, gọi là Dao cầm, với ý nghĩa là đàn của cung Dao Trì, nơi Tây Vương mẫu ngự. Dao cầm cất lên mê đắm lòng người, chim chóc, muông thú kéo đến múa hát hòa điệu. Thế mới biết ngô đồng không phải là loại cây gỗ thường mà là một loại cây gỗ quý, gỗ thiêng.

          Ở Việt Nam ta, theo Đại Nam nhất thống chí bản Tự Đức (1848 - 1883) mục sản vật tỉnh Thừa Thiên – Huế ghi: “Ngô đồng, các tỉnh ven núi đều có. Kính xét: Đời Minh Mạng (1820 - 1841) được từ Quảng Đông đem về trồng hai bên góc điện Cần Chánh. Lại sai biền binh đem lá lên núi để tìm khắp, tìm được đem trồng ở các góc điện”. Như vậy xem ra nước ta không phải không có ngô đồng nhưng việc trồng ngô đồng làm cây cảnh thì không phổ biến, trừ ở kinh đô Huế. Mà việc trồng ngô đồng ở Huế cũng mới bắt đầu từ thời Minh Mạng, nửa đầu thế kỷ 19. Còn những rừng ngô đồng tự nhiên như ở Cù Lao Chàm thì đã có từ bao đời… Người dân ở đây vẫn truyền tụng câu hát “Cây Ngô đồng không trồng mà mọc…” để nói lên sự phát triển tự nhiên theo con đường phát tán hạt của cây ngô đồng.

         Trong tâm thức dân gian người Việt, ngô đồng và chim loan phượng được xem là biểu tượng của hạnh phúc lứa đôi, của tình yêu được thỏa nguyện.
“Lạy trời bướm nọ gặp hoa
Mấy chim loan phượng lại qua ngô đồng”
“Mừng đàn rồi lại mừng dây
Mừng chim loan phượng đậu cây ngô đồng”
“Ai làm cho đó xa đây
Cho chim loan phượng xa cây ngô đồng”
 
          Ở đây ta thấy có sự chuyển hóa từ cây ngô đồng vương giả đến cây ngô đồng dân dã. Người dân ở các xóm thôn không chuyên chú dõi theo những chiếc lá ngô đồng nhẹ nhàng rơi báo hiệu sự chuyển mùa mà nhìn ra ở ngô đồng và chim loan phượng một biểu tượng về tình yêu và hạnh phúc lứa đôi.

         Nguyễn Tuân, ông vua tùy bút của văn đàn Việt đã có một số lần nhắc đến cây ngô đồng trong trước tác của mình. Trong tác phẩm Chùa Đàn, khi kể lại quá trình học đàn của Bá Nhỡ, để có một cây đàn hay nhằm mời thương nữ tên Tơ lên Mê Thảo “… Bá Nhỡ đi bào lại một cây đàn đáy cũ, thành bằng gỗ trắc đã lên nước, tang bằng gỗ ngô đồng Chiêm Thành…

           Chi tiết gỗ ngô đồng Chiêm Thành làm ta liên tưởng đến những rặng ngô đồng cổ thụ ở Cù Lao Chàm. Dường như Nguyễn Tuân đã lấy ý tưởng này từ những cây ngô đồng ở Cù Lao Chàm vì ông đã từng sống ở Hội An để viết nên tùy bút Cửa Đại nổi tiếng. Và ngoài Cửa Đại, vào năm 1943 ông còn có tùy bút Võng Ngô đồng. Tuy nhiên một điều kỳ lạ là trong tác phẩm này ông không có một chữ mô tả về chiếc võng ngô đồng cụ thể mà chủ yếu nói lên những quan điểm, suy nghĩ của mình về nghệ thuật và sáng tác. Dường như có một mối liên hệ gần gũi nào đó giữa công việc cần mẫn, tinh tế, đầy sáng tạo của những nghệ nhân đan võng với quá trình trăn trở sáng tác của văn nghệ sĩ nên Nguyễn Tuân mới lấy tên Võng ngô đồng làm tiêu đề cho tuyên ngôn nghệ thuật của mình. Mà quả thật như vậy, khi chạm tay và những tao võng ngô đồng mịn màng, tinh tế, đầy mỹ thuật ta mới cảm nhận được công sức và tâm huyết của những người mẹ, người chị - những nghệ nhân đan võng ngô đồng đã dồn vào sản phẩm - tác phẩm của mình. Chim phượng hoàng về đậu bên ngô đồng không biết có thật hay không nhưng những chiếc võng ngô đồng - sự sáng tạo kỳ công của những người mẹ, người chị ở Cù Lao Chàm thì có thật…
 
dsc08492

          Có thể ngô đồng mọc ở nhiều nơi nhưng chỉ ở Cù Lao Chàm mới có nhiều võng ngô đồng, những chiếc võng xinh đẹp, tinh xảo đan từ vỏ cây ngô đồng tại chỗ. Từ cây ngô đồng Champa đến võng ngô đồng của các gia đình người Việt là cả một chặng đường phát triển lịch sử gắn với quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Chăm - Việt, Việt Chăm diễn ra khá sớm ở vùng đảo Cù Lao Chàm.

         Thời gian trôi qua, cuộc sống lao nhanh về phía công nghiệp hóa, hiện đại hóa, võng ngô đồng dần vắng bóng trong nhiều gia đình ở Cù Lao Chàm. Những nhịp võng đong đưa kèm theo tiếng ầu ơ thiết tha, đằm thắm cũng dần thưa thớt. Thay vào đó, những chiếc võng ngô đồng ngày nay trở thành là sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách với tính chất và vẽ đẹp riêng có của mình. Một chiếc võng ngô đồng đan nhanh cũng mất 2 tháng và bán với giá hai hoặc ba triệu đồng, một cái giá tuy cao so với các loại võng vải, võng nhựa nhưng chẳng tương xứng với công sức bỏ ra để đan một chiếc võng ngô đồng.

           Và một điều đáng lo là những người có kinh nghiệm đan võng ngày càng vắng bóng dần do tuổi tác và sức khỏe. Năm 2014 khi ra đảo tôi còn gặp được cụ bà Nguyễn Thị Môn người có đôi bàn tay khẳng khiu với nhiều vết chai sạn, bằng chứng của quá trình nhiều năm gắn bó với nghề đan võng. Đến năm 2016 khi ra lại đảo, cụ đã ra người thiên cổ; mang theo những kỹ thuật, kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy từ bao năm của nghề đan võng ngô đồng.

Trước đây, võng ngô đồng là vật dụng quen thuộc của nhiều gia đình ở Cù Lao Chàm. Ngày nay, võng ngô đồng đã bước ra khỏi vùng biển đảo địa phương để đi đến nhiều vùng miền trong cả nước, mang theo trong mình nhiều câu chuyện về quá trình giao lưu - tiếp biến văn hóa Chăm - Việt, Việt - Chăm; về quá trình chung sống, thích nghi với môi trường biển đảo của bao lớp cư dân ở Cù Lao Chàm… Một cuộc hành trình đầy ý nghĩa về sự kế thừa, phát triển…
 
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây