Hội An và sau đó

Thứ tư - 06/06/2018 21:32
Hội An thực sự mở cửa cho đại thương nghiệp quốc tế từ đầu thế kỷ XVII.
           Những hiệu quả và hậu quả của nó không thể nào cho biết được đối với địa phương và đất nước trong đối nội, đối ngoại.

         Trước hết, nhờ Hội An mà hội nhập những dân tộc khác với người Việt: người Hoa, người Nhật, người Bồ, người Hà Lan… không thể nói những dân tộc này không lưu lại dòng máu riêng biệt của họ cũng như người Chiêm Thành đã từng lai hóa không ít dòng máu Việt Nam tại đây. Sự hỗn hợp các dòng máu khác nhau tạo nên một số con lai có những tính cách đặc biệt mà đến nay ta chỉ còn có thể truy cứu được những người mang dòng máu Việt – Hoa.

          Sự hiện diện của họ cũng lưu lại hoặc tạo ra các ngành nghề chưa hề có ở Việt Nam hoặc dù có nhưng còn ở trình độ đơn giản. Tỷ như người Chăm với các đền tháp và nghề chạm trổ đá cực kỳ tinh xảo, với người Bồ Đào Nha có thể nói là các thứ súng đại tháo đến điểu thương, nổi tiếng nhất là hóa hổ lẫy lừng một thời trên chiến trường Việt Nam mà danh tánh nhà đại hùng tài Đào Duy Từ với Hổ trướng Xu cơ là sách binh pháp đặc biệt của ông còn lưu lại đời đời. Nhờ các súng này ta đã giữ được nước cho đến mãi thế kỷ XIX khi Pháp tiến hành đánh ta và đã không thành công từ mặt trận Đà Nẵng 1858-1860.

         Người Nhật và người Hoa thì lưu lại nghề tiểu công nghiệp và thương mại quốc gia, quốc tế. Ngày nay, cầu Nhật Bổn còn đó không chỉ nói ngành mộc của ta phát triển mà không rút kinh nghiệm ít nhiều cũng như từ đó không thể có ngành xây dựng vượt hẳn vùng đất tổ đã không rút được bài học lớn lao nào mà Phú Chiêm, Kim Bồng, ngày nay, hễ nơi nào có xây dựng mà không có người các làng ấy đã tới là một điều lịch sử sống còn tái diễn. Cũng như Phú Chiêm có rất nhiều ngành nghề và món ăn xoa xoa, đậu hủ và nhất là mì Quảng làm sao không có những mối quan hệ hữu cơ với Hội An.

          Nhưng quan hệ nhất là nhờ các cư dân nơi này đã đóng góp rất nhiều để làm sinh động hàng hóa ven sông Thu Bồn. Họ đã đi tới các ngọn nguồn con sông – linh hồn Quảng Nam – Đà Nẵng để tích cực xây dựng và tạo ra các điểm mua bán, sản xuất hàng hóa, các nghề dệt vải, dệt lụa, dệt chiếu, đường, nhộm để rồi sau này nó trở thành đầu vào tại Hội An và đi tìm đầu ra khắp xứ, nhất là đất Nam Kỳ lục tỉnh và sau đó nữa… ngay như quế là đặc sản mọc trên nhiều vùng núi rừng Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến 1945, chiều nào tôi cũng thấy xe người Hoa mang quế bó từ Trà My đi gởi bán ở Hương Cảng. Nếu nghiên cứu Hội An, nơi đường Pháp gọi là Cauforsnais (Quảng Châu tạm dịch hơi lộn là Quảng Đông), mà không biết đó là cơ sở sản xuất khẩu quế trước kia thì cũng là một thiếu sót đáng tiếc.

         Ngoài ra, nhiều ngành văn học – nghệ thuật đặc biệt hát bội, ngành sân khấu tuyệt hảo của ta nếu không bị ảnh hưởng Triều Châu (hát tiều) thì không hoàn toàn đến thế để rồi ngành này khi phát triển rộng rãi trong miền Nam đã sản sinh nghề cải lương cũng sinh động một thời khắp Nam – Trung – Bắc (hát bội và cải lương).

         Sự mở mang và quản lý trông cậy nhất vào thuế má, mà thuế má trông cậy vào sản xuất và thương mại. Do lẽ đó từ Quảng Nam vào toàn Nam Bộ nghĩa là từ Đà Nẵng vào Hội An nơi nào cũng tấp nập thương thuyền Âu Châu và của người Việt để làm giàu và làm mới xứ sở nghèo nàn lạc hậu này, nhưng như thế thì quyền lợi đất nước phải bị ngoại nhân thâu túng. Người Âu Châu quyết lập cho được sự cai trị để tự do buôn bán và khai thác một cách ồ ạt, còn người Tàu khôn khéo âm thầm và nhẫn nại giành trong tay người Âu cũng như người Việt đại bộ phận thương mại và sản xuất. Giữa thế kỷ XVIII không cần gươm súng, người Tàu đã đuổi gần trọn áp lực và ảnh hưởng của người Âu để tự mình nắm giữ độc quyền buôn bán toàn bộ xứ sở này.

         Người Việt Nam đã hăng hái vào hoạt động thương mãi nhưng dù cố vùng vẫy thế nào cũng không thể thoát ra khỏi bàn tay thao túng của người Tàu. Đến thế kỷ thứ XIX Gia Long tuy thống nhất đất nước nhưng không thể thoát khỏi nạn Tàu buôn, vua Minh Mạng mới nghĩ tới cách để thoát bớt nạn này. Ông mở đường buôn bán trực tiếp với Đông Nam Á không phải thông qua sự trung gian trục lợi vĩ đại của thương nhân người Hoa. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ông mua hoặc tự chế tạo những tàu thủy chạy bằng hơi nước theo kiểu mới sáng chế của Âu Mỹ để chở hàng hóa từ Việt Nam, cụ thể từ Đà Nẵng ra khơi. Chúng ta cũng cần nhớ những thuyền mành ở Bắc cũng như ghe bầu ở Trung, dù to lớn kềnh càng tới đâu cũng chỉ là những loại cận duyên tức là men theo bờ sông, bờ biển và phải chịu áp lực gió mùa. Còn loại thuyền mới này tự do hoạt động trên biển không sóng gió nào thao túng cả. Minh mạng đã làm cuộc cách mạng lớn về hàng hải Việt Nam. Nhà bác học (gọi theo lối phương Tây) này không chỉ rành về súng ống, xây dựng và nhất là chữ nghĩa mà ông còn biết tính toán chi ly để đổi mới sản xuất và thương mãi. Ông biết trong hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi ẩn tàng nhiều bảo vật mà thế giới thèm thuồng: dọc theo rừng núi có không hết cơ man nào là quế quý và trong dân gian có những tay nghề cừ khôi chuyên việc nấu đường từ nhiều thế kỷ. Đường xứ Quảng được tiếng ngon xốp mịn, rẻ nhất thiên hạ. Ông không ngồi chỉ tay năm ngón mà đào tạo chuyên viên đi khảo sát từng vùng để tiến hành việc ký kết, đặt tiền cọc trước để giúp vốn sản xuất rồi mở đường giao thông cho tiện việc vận tải. Những bến đường mọc lên nhiều nơi. Đường lộ vận chuyển khó khăn nên ông đã cho đào hẳn một con kênh dài từ sông Thu Bồn, bây giờ tên là sông chợ Củi, mở cửa từ làng Câu Nhí ra tận Bền Hàn – tứ là Đà Nẵng bây giờ để đưa hàng hóa từ khắp các nơi về tồn kho tại đây. Ông thừa thông minh để biết Hội An đang từng bước đi vào quá khứ và chỉ có Đà Nẵng – nơi tàu lớn cập bến được mới mở đường cho tương lai. Toàn bộ các kho đồ sộ chứa quế và đường của ông đã được ông hướng dẫn trực tiếp và gián tiếp chứ không phải chỉ biết trên giấy tờ. Ông đã từng gặp gỡ và biết rõ các chuyên viên phụ trách máy móc (người Âu), quản lý việc buôn bán (người Tàu). Ông biết rằng các quan lại Việt Nam đi trên tàu tuy có bằng cấp lớn, phẩm hàm cao nhưng không phải là những nhà chuyên môn. Ông theo sát nguyên lý của cha ông là vua Gia Long - người đã từng đổi mới hoàn toàn lề lối phong kiến cổ lỗ: hễ giỏi thì giao việc không cần lai lịch. Việc buôn bán rất phát đạt, nhờ đó mở mang phương tiện vật chất cho xứ sở về hạ tầng cơ sở. Sau khi ông chết (1840), Thiệu Trị lên ngôi vẫn kế tục nền quốc thương lớn này đến 1847, quân xâm lăng Pháp bắn chìm hết hạm đội gồm 7 chiếc thuyền đồng (mỏ bọc đồng) của nước Đại Nam. Cuộc cách mạng thương nghiệp trên biển cả đã bị tiêu diệt, đường và quế Quảng Nam gặp khó khăn.

         Cho đến 1905, Phan Châu Trinh đứng dậy cũng trong mục đích chấn hưng công, thương nghiệp để cứu nước. Đó là một điều cực kỳ mới lạ vì những nhà trí thức của ta vẫn hiểu đơn giản phương pháp yêu nước duy nhất là dùng vũ khí để giành độc lập nhưng giành độc lập rồi thì sẽ phải làm gì để nhân dân nước ấy được khai dân trí, chấn dân khí và mở mang đời sống (hậu dân sinh). Họ không để ý nước Việt Nam không chỉ nằm dưới ách thực dân Pháp mà còn nằm trong tay thao túng của người Hoa, người Ấn. Chính những người này đang cấu kết với thực dân Pháp và quan lại Việt Nam đã hút hết máu của nhân dân. Giành được độc lập có thể đuổi hết quan lại và người ngoại quốc khác nhưng còn sức mạnh người Hoa thì thật không dễ gì lay chuyển mà dù có lay chuyển được thì ta không biết nghề nghiệp, không có vốn liếng, không biết chuyên môn lại càng không biết quản lý tất nhiên sẽ đưa đất nước vào tệ nạn chao đảo. Phải làm sao cho đa số nhân dân biết nghề nghiệp để sinh sống, để cạnh tranh để đứng vững trên bao chặng kinh tế, chính trị mà trước hết là chủ trương một chính sách giáo dục hợp lý, tiến bộ. Vì vậy phong trào Duy Tân đi từ bước đầu là học nghề nghiệp đã:
“mau mau đi học lấy nghề
Học rồi ta sẽ đem về dạy nhau”
 
          Chỉ cần giỏi nghề nghiệp như người Hoa cũng đủ để giành độc lập cho Chợ Lớn nếu hiểu một cách thực tế trong một đất nước bị trị hai lần: Một lần bị mất chủ quyền và thêm một lần bị làm thuộc địa. Thế mà bằng nghề nghiệp người Hoa không chỉ vươn lên làm thượng đẳng nhân mà còn nghiễm nhiên vươn lên đóng vai trò ảnh hưởng chính trị Pháp với một vốn liếng 60/40 so với Pháp. Trong khi đó người Việt Nam chỉ có khả năng tiếp tục công việc “xưa bày nay bắt chước” của cha ông lưu lại. Mà việc xưa bày thành công trong việc đối nội chứ đối ngoại chỉ là việc thất bại thảm thương như năm 1863, Phan Thanh Giản cùng phái đoàn Việt Nam sang Pháp chuộc lại 3 tỉnh miền Đông và quà tặng mang theo toàn là những bao đường cát thứ chất lượng cao đã từng làm mưa gió ở Đông Nam Á trước đó. Chưa tới 15 năm thì bây giờ nó là cái gì? Cụ thể là so với đường nước ngoài thì sao mà nó quê mùa xấu xí, thô thiển đến nỗi chẳng biết đổ vào đâu.

         Đến thời Phan Chu Trinh mới dấy lên phong trào Duy Tân là Âu hóa và hiện đại hóa. Phải có những người học thức mạnh dạn học lấy nền văn minh Tây phương chung nhau góp tiền, góp của để mở mang công thương kỹ nghệ và lấy nó nuôi nền giáo dục cần phát triển. Đây là công việc cực kỳ khó khăn mà người hai Đảng Đông Du và Duy Tân phải chung sức, quên hết mâu thuẫn để cùng chiến đấu chống người Pháp và Hoa của Việt Nam. Mà nếu không thắng lợi thì không thể thực hiện được công cuộc đấu tranh thực tế người Việt Nam đã có một số thành công đáng kể để bắt đầu. Nhưng rồi cái bệnh nôn nóng cố hữu đã làm cho người Pháp hoảng sợ, phải diệt ngay những hoạt động mà họ ngờ đó là cuộc cách mạng trá hình. Thế là bao nhiêu công của đổ ra cho giáo dục đổi mới cho công, nông nghiệp hợp tác, cho công ty này, công ty nọ phút chốc trở thành mây khói. Không đương đầu được với người Pháp có súng ống thì những nhà công thương non trẻ nổi lên đương đầu với thế lực thứ hai, những cuộc tẩy chay hàng hóa khách trú (người Tàu) nghiêm nghiêm nổi dật trong Sài Gòn – Chợ Lớn đã được vài tỉnh ở miền Trung hưởng ứng. Nhưng không có khối lãnh đạo cụ thể nào tổ chức đứng sau lưng, lâu ngày nó cũng tự tan biến. Tuy nhiên ảnh hưởng của nó rõ ràng cho thấy mặt trận kinh tế, thương mại không phải thứ yếu và việc không dùng hàng ngoại hóa để dùng nội hóa cũng có ý nghĩa là kêu gọi hồn nước về. Đó cũng là một trong những lý do căn bản để đến năm 1926 Quốc tang của Phan Châi Trinh người phất cao cờ thực nghiệp và khua dậy trống tân dân, khơi dậy tình yêu Tổ quốc khắp ba Kỳ.

          Kể từ đây nơi quê hương ông Phan căn cứ địa của phong trào Duy Tân tuy bị tận diệt trên tổ chức nhưng trên ảnh hưởng vẫn âm thầm vươn lên tràn đầy sức sống. Những người sau vẫn tiếp tục một cách không chính thức ngành giáo dục công và tư để phổ biến thầm lén tư tưởng Duy Tân bằng  chữ quốc ngữ hoặc tiếng Pháp, Hán nhưng mạnh nhất là các hoạt động về sản xuất và thương mại. Ngành dệt của Quảng Nam ngày càng tiến bộ. Trước cách mạng kể từ năm 1877 ông Nguyễn Thành Ý đã mang tơ lụa Quảng Nam sang “Đấu xảo” ở Pari và trong đó tơ lụa vọt cao như chưa từng bao giờ xảy ra. Nhất là tại Sài Gòn và miền Nam thời bấy giờ đàn bà đều mặc quần đen, quần lãnh nên nhu cầu càng trở nên cấp thiết. Khung cửi máy phát triển nhanh chóng trong một số làng dệt của các Phủ Điện Bàn và Duy Xuyên dẫn theo là ngành nghề thợ mộc đóng khung cửi kiểu mới tinh xảo và phức tạp. Máy móc kêu gọi máu móc, nước ta phải cải tiến gấp rút các lề lối quay tơ, đánh chỉ. Người bán hàng cũng xuất hiện đông đúc hàng giờ, hàng ngày đến nổi các chuyến tàu suốt xuyên Đông Dương phải bỏ thông lệ cứng rắn là chỉ dừng lại ở các ga lớn thì bấy giờ cũng dành mấy phút cho một ga ở xã quê để kéo mấy chuyến Vagông  đầy ắp hàng tơ lụa đã chờ sẵn. Khắp Sài Gòn người ta dễ dàng tìm thấy những nhà chứa hàng tơ, lụa tuýt xo và những nhân viên tiếp thị. Từ Sài Gòn nhà buôn đổ lên Nam Vang tấp nập. Nơi đây ngoài tơ lụa, lãnh tuýt xo thường người ta còn tìm thấy ngồn ngộn các xấp hàng sưa như vải mùng dành cho hàng trăm, hàng ngàn nhà sư may áo cà sa. Đời sống nhân dân của tỉnh nhờ công nghệ và thương mãi phát đạt mà vọt lên cao như chưa từng thấy trong dĩ vãng. Đời sống ấy ngang nhiêu tự sánh không thua kém đô thị như Hội An, Đà Nẵng mà chính nó mặc nhiên cũng trở thành một thành phố thứ ba mà sản xuất và thương mãi vượt hẳn Hội An – Đà Nẵng. Nó cũng không cần biết có sự hiện diện của hai thành phố này trong địa phương mà trực tiếp hoạt động, trực tiếp Sài Gòn – Nam Vang.

          Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chấm dứt hoạt động công thương này. Nhưng khung dệt máy mới vẫn hữu dụng. Nhờ có nó mà bộ đội được trang phục bằng bộ đồ xita đẹp nhất trong các trang phục của bộ đội đoàn Việt Nam. Riêng các sĩ quan được mặc bộ xi ta “chỉ đánh” gọi là xi ta “bà Tân” thì được coi như hàng ngoại hóa tức là loại hàng cao cấp mà ngày nay ta quen gọi là “hàng chất lượng cao”. Ngày nay ở vùng này ngoài bộ binh phục, người ta còn thấy có người còn giữ được mền và các phương tiện may dệt bằng xita lưu lại từ xưa.

         Sau Hiệp định Giơnevơ, ông Võ Diễn tản cư vào Sài Gòn cư ngụ tại một vùng đất gọi nôm na là “chó ỉa” với vài gia đình bạn. Thị trường lại đòi hỏi tơ lụa của Quảng Nam. Ông lại cùng bạn bè khởi công xây dựng ở Ngã Tư Bảy Hiền (nay người ta thường gọi là Bảy Hiền) và khiến địa chủ mới mỗi ngày một phát đạt, thịnh vượng. Máy bây giờ không còn do con người đạp mà chạy bằng mô tơ; một người thợ có thể đứng coi đôi ba máy. Tại đây nhiều người còn giữ nguyên ngôn ngữ và bản sắc Quảng Nam với những sinh hoạt tinh thần riêng biệt, kể cả món ăn. Họ cũng đưa cả những quán mì vào Sài Gòn với tên mới “Mỳ Quảng”, cái tên này đã dần dần quen thuộc với đất Sài Gòn. Thời kỳ này làng dệt Ngã Tư Bảy Hiền đã ngang nhiên “chia ba thiên hạ” với những xưởng của Sài Gòn toàn dùng những khung dệt tối tân và Chợ Lớn chuyên môn dùng khung cửi giật. Bây giờ, riêng tại tỉnh nhà, làng Duy Trinh vẫn là nơi tập trung máy dệt  cũ và phát đạt hơn hết trong khi khí thế chung về các ngành trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt vải tiếng tăm mỗi ngày một đi vào vang bóng một thời.

        Bà chúa Tàm Tang, cô gái hái dâu xứ, tức vợ Nguyễn Phúc Lan, mẹ Nguyễn Phúc Tần – người có công lớn trong việc mở mang Nam Bộ để Quảng Nam có đất dụng võ suốt mấy thế kỷ thì nay chẳng còn ai nhắc tên. Mà cả ông Võ Diễn – người đổi mới ngành dệt của tỉnh nhà, linh hồn của ngành dệt Bảy Hiền thì lớp trẻ cũng ít khi nghe biết. Còn ngành mía đường nổi tiếng bên biển Đông đến tận Đông Nam đời Minh Mạng, Thiệu Trị là ngành mũi nhọn của địa phương thì nay người ta không còn tìm thấy dấu vết các kho tàng lớn của tỉnh đầu thế kỷ XIX, mặt dù lịch sử thế giới và Đông Nam Á vẫn còn cho thấy uy danh của nó đó đây…

        Nhưng phải chăng Hoàng tiên bất phụ hảo. Công trình các thế kỷ trước ngày nay được nhân loại chưa quên. Di sản văn hóa thế giới, gắn huy hiệu lên Hội An là phần thưởng xứng đáng của loài người chưa quên sức nhẫn nại, hòa hợp, sáng tạo bền bĩ của một địa phương năng động.

        Nhưng ngã tư cũng diễn ra từ đây, thay vì nó quảng bá cho công thương nghiệp thì lại mở đầu cho loại kỹ nghệ không khói mà trên đây không phải người tiêu dùng và cả khách tham quan.
 
Trích sách: Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay,
(Kỷ yếu hội thảo Hội An tháng 6 năm 2000) – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Tác giả: Nguyễn Văn Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây