Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành Tiên Nương ở Hội An

Chủ nhật - 27/05/2018 22:40
Trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Hội An, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng như tín ngưỡng thờ cá Ông, Thành Hoàng, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng tổ các nghề, thờ cúng âm hồn…thì tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương cũng có một vai trò quan trọng.
     Tín ngưỡng Ngũ Hành tiên Nương là dạng tín ngưỡng thờ năm vị nữ thần, bao gồm: Kim Đức Thánh Phi, Mộc Đức Thánh phi, Thủy Đức Thánh Phi, Hỏa Đức Thánh Phi và Thổ Đức Thánh Phi. Dân gian gọi là chung năm Bà Ngũ Hành. Vào năm Duy Tân thứ 5 (năm 1911), Ngũ Hành Nương Nương được triều đình nhà Nguyễn gia tặng mỹ tự “Tư Hóa Mặc Vận Thuận Thành Hòa Tự Tư Nguyên Trang Duy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng thần”.[1] Giáo sư Ngô Đức Thịnh viết: “Ngũ Hành trong quan niệm dân gian liên quan tới mọi mặt đời sống con người, không kể người làm những nghề nghiệp khác nhau, như ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán; không kể cư dân sống ở ven biển, dọc sông hay vùng đất bán sơn địa. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, những lăng miếu thờ hay phối thờ Bà Ngũ Hành thường tập trung ở ven biển, các lạch, cửa sông, vốn là nơi từ xa xưa, dù làm nghề đánh bắt cá hay trồng trọt thì cũng đều quy tụ ở những nơi này. Đặc biệt các làng làm nghề cá ven biển, nghề thủ công (làm muối, làm đường, làm gốm…). Người ta thờ Bà Ngũ Hành và cầu mong Bà phù hộ độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khỏe, cầu may mắn, tránh rủi ro, hạn nạn…”.[2]
 
56B NGUYEN THI MINH KHAI
 
56B d

Miếu Ngũ Hành - Số 56b Nguyễn Thị Minh  Khai
 
        Về nguồn gốc, tín ngưỡng này xuất phát từ triết lý Ngũ Hành ở Trung Hoa thời xa xưa, là một dạng thức trừu tượng hóa năm yếu tố vật chất cơ bản của vũ trụ là: Kim (biểu trưng cho yếu tố kim loại), Mộc (biểu trưng cho yếu tố cây, gỗ), Thủy (biểu trưng cho yếu tố nước, chất lỏng), Hỏa (biểu trưng cho yếu tố lửa), Thổ (biểu trưng cho yếu tố đất đai, thổ nhưỡng). Khi xuất hiện ở Việt Nam thì tín ngưỡng này được cải biên theo tinh thần trọng nữ, đặc biệt là ở khu vực miền Trung và miền Nam, là nơi giao thoa tín ngưỡng Việt – Chăm mạnh mẽ. Người Chăm theo chế độ Mẫu hệ, coi trọng người phụ nữ. Theo Li Tana: “Người Việt Nam đã bị chi phối rất nhiều bởi phong tục của người Chăm. Sống trong vòng ảnh hưởng của bùa, phép, thư, ếm rất linh ứng, người Việt bị bắt buộc phải theo các tục lệ hoặc phương thức thờ cúng của người Chiêm Thành”.[3] Tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương có thể được xem là một trong những nét đặc trưng văn hóa của cư dân khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam.

         Tại Hội An, hiện có khá nhiều công trình tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương theo dạng miếu thờ riêng hoặc phối thờ trong đình, lăng. Ngày xưa, hầu như ở các vị trí đầu xóm, làng đều có miếu thờ Ngũ Hành tiên Nương. Do nhiều yếu tố tác động mà ngày nay một số ngôi miếu Ngũ Hành đã  không còn. Hiện nay, các công trình tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương, phân bố trên các địa phương ở Hội An với quy mô, kiểu dáng kiến trúc, bài trí thờ tự cũng có nhiều điểm khác nhau. Đối với các miếu được xây dựng ở vị trí riêng biệt, hiện nay có khoảng 20 ngôi miếu như: miếu Ngũ Hành, miếu Hiệp Hòa, miếu Bà Xóm Trong, miếu Bà Xóm Giữa ở thôn Bãi Hương, xã Tân Hiệp; miếu Bà ở thôn Phước Thắng, xã Cẩm Kim; miếu Trà Quân ở xã Cẩm Thanh; miếu Ngũ Hành Trà Quế ở xã Cẩm Hà; miếu Ngũ Hành xóm Sơn Đông, miếu Bà Xóm Mới ở phường Cẩm Châu; miếu Ngũ Hành Phổ Trung Hòa, miếu Ngũ Hành Phổ Trung Lương ở phường Thanh Hà; miếu Ngũ Hành khối Phước Tân, miếu Bà ở khối An Bàng phường Cẩm An; miếu Ngũ Hành số 56b Nguyễn Thị Minh Khai, miếu Ngũ Hành trong khuôn viên nhà lao Thông Đăng, miếu Ngũ Hành Tu Lễ, miếu Ngũ Hành khối Hoài Phô bên cạnh chùa Cầu thuộc phường Cẩm Phô; miếu Ngũ Hành Hy Hòa, miếu Ngũ Hành Thượng (số 124 Nguyễn Thái Học) thuộc phường Minh An; miếu Ngũ Hành ấp Bàu Đà ở khối Thanh Tây phường Cẩm Châu…Một số ngôi miếu Ngũ Hành khác được xây dựng chung trong một cụm miếu như: miếu Ngũ Hành thuộc khu miếu ấp Thanh Chiếm ở phường Thanh Hà, miếu Ngũ Hành thuộc cụm lăng Năm Sở ở phường Cẩm Nam, miếu Ngũ Hành nằm trong khuôn viên đình ấp Trường Lệ ở phường Cẩm Châu…Tại các chùa cũng có miếu thờ Ngũ Hành như chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, chùa Hải Tạng, chùa Chúc Thánh. Các ngôi miếu Ngũ Hành này được xây dựng với quy mô nhỏ, thường là 1 gian, mái lợp ngói âm dương, hướng mặt tiền quay theo hướng chùa. Trong các ngôi miếu thờ riêng biệt, nhiều nơi có bài vị, linh tượng trang nghiêm, đa số các linh tượng này được đặt trong lồng kính, mỗi tượng có màu sắc khác nhau, tượng trưng cho mỗi hành và có ý nghĩa riêng biệt: Kim Đức Thánh Phi (tương ứng với màu trắng, hướng Tây), Mộc Đức Thánh Phi (tương ứng với màu xanh, hướng Đông), Thủy Đức Thánh Phi (tương ứng với màu đen, hướng Bắc), Hỏa Đức Thánh Phi (tương ứng với màu đỏ, hướng Nam) và Thổ Đức Thánh Phi (tương ứng với màu vàng, ở trung tâm). Các ngôi miếu thờ Ngũ Hành có thờ linh tượng như: miếu Ngũ Hành số 56b đường Nguyễn Thị Minh Khai, miếu Ngũ Hành trong khuôn viên Nhà lao Thông Đăng (thuộc phường Cẩm Phô); miếu Ngũ Hành thuộc cụm lăng Ông ở Cẩm Nam; miếu Ngũ Hành Hy Hòa ở phường Minh An. Bên cạnh đó, có một số ngôi miếu trên bàn thờ không có bài trí linh tượng nhưng có bài vị như miếu Ngũ Hành Thượng ở đường Nguyễn Thái Học. Các cơ sở thờ tự Ngũ Hành khác không có linh tượng lẫn bài vị thì trên ngai thờ viết hoặc đắp nổi lớn các chữ Hán: (Ngũ Hành Tiên Nương), (Ngũ Hành) và (Tiên Nương), kết hợp với các câu đối ca ngợi ân đức của các vị Thần. Đồ án trang trí trong công trình tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương thường vẽ hoặc đắp nổi đồ án chim Phụng ở vị trí chính giữa ngai thờ hoặc quần bàn án thờ.
 
MIEU NGU HANH THUONG
 
MIEU NGU HAN HTHUONG
 

Miếu Ngũ Hành Thượng - Số 124 Nguyễn Thái Học

        Trong những dịp cúng tế Xuân Thu tại các đình, lăng, miếu ở Hội An, Ngũ Hành tiên Nương được nhắc đến trong các văn tế. Vào dịp này, bà con nhân dân cùng họp nhau lại để bàn bạc tổ chức lễ cúng dâng lễ vật nhằm tạ ơn Bà đã phù hộ, giúp đỡ dân làng có được cuộc sống bình an, làm ăn thuận lợi. Thời gian tổ chức lễ cúng tại các miếu thờ Ngũ Hành tiên Nương thường vào tháng giêng, tháng 2 Âm lịch, lễ vật gồm có trầu cau, rượu, thuốc, hoa, quả, hương, đèn, xôi, chè, thịt heo, bánh tráng, 5 bộ đồ thờ Bà…

       Có thể nói trong tâm thức của người dân Hội An, tín ngưỡng thờ Ngũ Hành tiên Nương đã đi sâu vào đời sống văn hóa tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng cư dân nơi đây. Lễ cúng hằng năm tại miếu là dịp để bà con nhân dân trong xóm gặp gỡ nhau hàn huyên, cùng bàn bạc, chung sức chung lòng giúp đỡ nhau trong công việc, gắn kết cộng đồng cư dân địa phương thêm thắt chặt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết hơn trong cuộc sống thường ngày.
  
[1] Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr 135.
[2] Ngô Đức Thịnh, Ba dạng thức thờ Mẫu của người Việt, Website của khoa Văn hóa học, trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM
[3] Li Tana (1999) Xứ Đàng Trong, Hồ Chí Minh; NXB Trẻ - Tr.196.

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây