Thông tin về di tích miếu Ngũ hành ở khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô

Thứ năm - 26/04/2018 05:21
Làng Cẩm Phô là một trong những làng được hình thành sớm ở Hội An. Trong sách Ô Châu Cận lục ra đời vào đầu thế kỷ XVI, tác giả Dương Văn An có ghi địa danh làng Cẩm Phô. Theo tư liệu hồi cố, vào khoảng cuối thế kỷ XV, các vị tiền hiền tộc Trần, Huỳnh, Lê, Nguyễn từ Bắc bộ và Bắc Trung bộ đến định cư, khai cơ tại đây. Trong thời kỳ thương cảng Hội An phồn thịnh, Cẩm Phô đóng một vai trò quan trọng đối với sự phát triển, trao đổi thương mại biểu hiện qua sự lớn mạnh của nghề buôn ghe bầu, các nghề thủ công, gia công lâm thổ sản và ngư nông nghiệp. Đến thời nhà Nguyễn, Cẩm Phô là một xã bao gồm các ấp Tu Lễ, Xuân Lâm, Xuân Mỹ (nay thuộc phường Tân An), Trường Lệ (nay thuộc phường Cẩm Châu) và các châu: Xuyên Trung, Châu Trung, Hà Trung (các châu này nay thuộc phường Cẩm Nam), về sau còn có thêm các ấp Trung Tín, Xuân Quang (nay thuộc phường Tân An). Làng Cẩm Phô cũng như bao làng xã người Việt xưa trên địa bàn Hội An, trải qua thời gian định cư, cư dân tại đây đã thiết lập nên các công trình kiến trúc tín ngưỡng nhằm phục vụ đời sống tâm linh chung của cộng đồng cư dân địa phương, trong đó có miếu Ngũ hành ở khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô.
          Di tích hiện tọa lạc tại khối Tu Lễ, phường Cẩm Phô, thành phố Hội An. Vị trí này trước đây thuộc ấp Tu Lễ, làng Cẩm Phô, tổng Phú Triêm hạ, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đây là một trong những di tích, công trình tín ngưỡng được xây dựng từ lâu đời trên vùng đất này.
 
hinh tran phuong

         Ngũ hành Tiên Nương là năm vị nữ thần tượng trưng cho năm yếu tố cấu tạo và vận hành nên vạn vật dựa trên các nguyên tắc tương sinh tương khắc, đó là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, gọi chung là Ngũ hành. Theo quan niệm trong dân gian, tín ngưỡng thờ Ngũ hành có sự liên quan tới mọi mặt của đời sống con người, làm những nghề nghiệp khác nhau, như ngư nghiệp, nông nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán; kể cả cư dân sống ở ven biển, dọc sông hay vùng đất bán sơn địa. Người ta thờ Bà Ngũ hành và cầu mong Bà phù hộ độ trì trong việc làm ăn, cầu sức khoẻ, cầu may mắn, tránh rủi ro, hoạn nạn...

         Về niên đại xây dựng ngôi miếu Ngũ hành tại khối Tu Lễ hiện chưa có tư liệu để xác định. Tuy nhiên, qua phỏng vấn hồi cố các vị cao niên lân cận miếu cho biết ngôi miếu đã được gầy dựng từ lâu đời. Trước năm 1975, ngôi miếu thờ Bà Hội Trầu, là đầu mối buôn bán các sản liệu như trầu, cau, quế, hồ tiêu, trong số đó nổi tiếng nhất với mặt hàng trầu. Sau khi mất, do không có con cái thờ phụng nên người dân trong ấp đã xây dựng ngôi miếu trên đất nhà Bà để thờ phụng Bà. Bà thường hiển linh, phò hộ dân làng có cuộc sống bình yên, ấm no. Do đó, nhân dân địa phương rất tôn kính, thường xuyên lui tới dâng hương hoa tại miếu, cầu xin Bà độ trì, phò hộ. Sau năm 1975, trước tác động của phong trào bài trừ mê tín dị đoan, các vị cao niên trong ấp lo ngại ngôi miếu sẽ bị hạ giải, cùng lúc đó ngôi miếu xuống cấp nên người dân đã tiến hành tu bổ nhỏ, chỉnh sửa chữ Hán trên án thờ thành: (Ngũ Hành) và xây dựng lại bức bình phong như hiện nay.

         Qua những thông tin thu thập được như trên, bản thân có nhận định như sau: đối tượng thờ tự ban đầu tại ngôi miếu có thể là bà Phường Chào, còn gọi là bà Phường Trầu. Bà tên thật là Nguyễn Thị Của, sinh ngày 25 tháng 2 năm Cảnh Thịnh bát niên (năm 1800) tại làng Phường Chào (thuộc châu Phiếm Ái), nay thuộc thôn Mỹ Phiếm, xã Đại Cường, Đại Lộc, Quảng Nam. Thân phụ của bà làm quan triều Lê, tên là Nguyễn Trí; thân mẫu họ Trịnh, húy là Tình và nhũ mẫu là Đoàn Thị Vệ. Lớn lên, Bà hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Ở trần gian được 17 năm, ngày 19 tháng 11 năm Gia Long thứ 16 (năm 1817), Bà hiển linh tại đất Phường Chào. Bà Phường Chào được triều đình nhà Nguyễn phong thần hai lần, lần thứ nhất vào năm Thành Thái thứ 6 (năm 1894) với mỹ hiệu: “Trai thục Dực bảo Trung hưng trung đẳng thần nữ Nguyễn thị linh ứng tôn thần”, lần thứ hai vào năm Khải Định thứ 4 (năm 1919), triều đình ban sắc phong Bà Phường Chào là “Trang huy Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần”.

        Di tích có mặt tiền xoay về phía Tây Nam, trước mặt là khoảnh sân, các hướng Đông, Nam, Bắc giáp nhà dân. Tổng thể di tích gồm có bình phong, sân và miếu. Bình phong cách miếu 400cm, kích thước (kể cả bệ thờ): rộng 201cm, dày 81cm, quét vôi màu vàng, mặt ngoài không trang trí, mặt trong có một bệ thờ, sát tường đắp nổi 02 chữ Hán, quét vôi màu đỏ: 陰 灵 (Âm linh). Bên trên bình phong có mái che xây bằng ximăng. Miếu có kích thước 352 x 290cm, gồm có 01 gian, tường xây gạch, các mảng tường quét vôi màu vàng. Trên tường ngoài, vị trí sát phần nhỏn (cả 2 bên) có đắp nổi đồ án hình con dơi. Hệ mái lợp ngói âm dương (kích thước ngói: 17 x 16cm), bên trên bờ nóc trang trí đồ án “lưỡng long triều dương” chất liệu ximăng. Do miếu có kích thước nhỏ, hệ khung chịu lực đỡ mái không có kèo, trính mà chỉ có đòn tay, đòn đông gác trực tiếp lên tường hồi. Lối vào chính diện có dạng hình vuông, kích thước 218 x 144cm, không có cửa, hai bên đắp nổi cặp câu đối chữ Hán: 五 祀 古 人 皆 自 信 (Ngũ tự cổ nhân giai tự tín); 行 前 象 得 自 然 成 (Hành tiền tượng đắc tự nhiên thành), 02 lối vào hai bên dạng hình chữ nhật, có cùng kích thước 66 x 139cm, không có hệ cửa.

       Bên trong miếu, vị trí sát tường trong cùng có xây một bệ thờ, kích thước: dài 218cm, cao 92cm, rộng 100cm. Quần bàn quét vôi màu vàng, viền kẻ vôi màu đỏ, không có đồ án trang trí. Bên trên bệ thờ có xây một bệ thờ nhỏ, kích thước: dài 100cm, cao 16cm, rộng 47cm, trên bệ thờ có đặt 02 tượng Ông Địa chất liệu bằng đất nung, hai tượng này có kiểu dáng và kích thước khác nhau: kích thước tượng bên trái (từ ngoài nhìn vào): cao 28cm, rộng 15cm; Kích thước tượng bên phải (từ ngoài nhìn vào): phần đế cao 11cm, phần tượng cao 19cm, rộng 13cm. Sát tường bệ thờ trang trí hình thức đơn giản (nền quét vôi màu đỏ, viền màu xanh), chính giữa cẩn sành 02 chữ Hán: 五 行 (Ngũ hành).

       Miếu Ngũ hành (khối Tu Lễ) được nhân dân, chính quyền địa phương quan tâm, chung sức chăm lo, gìn giữ. Tuy nhiên, qua một thời gian dài tồn tại, di tích không tránh khỏi hư hao, xuống cấp. Hệ mái ngôi miếu hiện xuống cấp nặng, các cấu kiện gỗ bị mối mục. Hiện nay, các hoạt động cúng tế tại di tích luôn được nhân dân địa phương duy trì thường xuyên. Ngôi miếu là nơi diễn ra các hoạt động, sinh hoạt tín ngưỡng đã góp phần gắn kết, thắt chặt tình cảm của cộng đồng cư dân địa phương. Lễ cúng tại miếu được thực hiện theo phong tục cổ truyền, thời gian ấn định mỗi năm một lần vào ngày 14 tháng 2 âm lịch, kỳ tế này có một mâm chay cúng Bà (đặt trong miếu) và một mâm mặn đặt ở ngoài miếu. Những ngày thường, người dân địa phương thường lui tới miếu Bà để dâng hương, hoa quả, bánh trái, trầu, cau.

        Ngôi miếu là một trong những công trình tín ngưỡng của cư dân địa phương đã được gầy dựng từ lâu, trải qua thời gian dài cùng những biến động lịch sử nhưng ngôi miếu hiện vẫn gìn giữ được những giá trị vật thể, phi vật thể liên quan đến đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương. Ngôi miếu không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc mà còn thể hiện được những giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các hoạt động cúng tế với những lễ nghi truyền thống qua đó thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn từ bao đời nay của nhân dân Hội An nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Với những giá trị đó, miếu Ngũ hành khối Tu Lễ đã được ghi vào danh mục bảo vệ của Thành phố năm 2008.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây