Tri thức dân gian về lựa chọn cây mây làm nhà ở trên đảo Cù Lao Chàm

Thứ sáu - 27/04/2018 03:51
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi đã tạo nên một hệ thực vật khá phong phú cho rừng núi ở Cù Lao Chàm. Ở đây, nhiều loại cây, lá được cư dân địa phương khai thác để phục vụ nhu cầu cuộc sống của mình như làm rau trong bữa ăn hàng ngày, làm thuốc chữa bệnh, … và làm nhà. Cây mây được xem là một trong những vật liệu chính để làm nhà ở truyền thống của cư dân đảo Cù Lao Chàm trước đây. Lá mây được kết lại thành từng tấm để lợp mái, làm phênh vách, thân cây mây gia công thành sợi để buột các chi tiết kiến trúc trong ngôi nhà. Trong một thời gian dài, nhà lợp tranh mây gắn bó thân thiết với nhiều thế hệ cư dân địa phương nhưng rất tiếc hiện nay, do nhiều nguyên nhân đã làm mất hẳn kiểu nhà lợp tranh mây này ở Cù Lao Chàm. Dù vậy, những tri thức dân gian về lựa chọn cây mây để làm nhà ở vẫn được gìn giữ trong đời sống văn hóa của cư dân.
          Không biết từ bao giờ, người dân Cù Lao Chàm đã biết sử dụng cây mây làm vật liệu để làm nhà ở nhưng chắc hẳn cũng đã rất lâu rồi. Nhà sư người Trung Quốc là Thích Đại Sán trong một lần ghé lên đảo Cù Lao Chàm vào năm 1696 có ghi chép trong cuốn Hải ngoại kỷ sự về con người và những ngôi nhà nơi đây: “Ghé vào một nhà tranh nghỉ tạm, nhà cửa rất thấp, đi vào phải khom lưng để tránh khỏi đụng đầu. Kiểu nhà gần biển sợ gió thốc nên đều làm như thế… Dưới chân núi, một bãi cát bằng phẳng hình bán nguyệt. Có rải rác chừng non trăm chiếc nhà tranh, trừ những người già và trẻ con, có chừng 300 tráng đinh, dân nội tịch, sanh nhai bằng hai nghề đánh cá và hái củi”. Phải chăng kiểu “nhà tranh” mà Thích Đại Sán nói đến có mối liên hệ với nhà tranh mây này.
hinh viet

          Ở núi Cù Lao Chàm có 2 loại mây: mây đỏ và mây trắng. Theo phân biệt của người dân địa phương thì cây mây đỏ có đọt màu đỏ, lá đọt nhai vị ngọt, trong khi mây trắng là vị đắng. Hầu khắp sườn Tây của hòn Lao là khu vực có nhiều cây mây nhất.

          Hiện tri thức dân gian trong việc chọn lá mây làm nhà còn lưu giữ trong người dân địa phương là khá phong phú. Theo kinh nghiệm nhiều người thì chỉ chọn lá của cây mây đỏ để làm tấm tranh lợp vì độ bền tốt hơn so với cây mây trắng, có thể được hàng chục năm. Thời gian chuẩn bị lá được thực hiện trước từ vài tháng, có gia đình chuẩn bị trước đến cả năm bởi số lượng lá mây cần đủ để làm nhà tương đối lớn. Thông thường một ngôi nhà 3 gian 2 chái phải cần từ 30 đến 40 bó lá mây, mỗi bó tương ứng với 300 cộng lá. Trong phân công lao động, người phụ nữ đảm nhận chủ yếu khâu bứt (hái) lá vì khéo tay nên đạt hiệu quả cao hơn; trong khi đàn ông phụ trách khâu kết lá. Trong kinh nghiện lựa chọn lá, chỉ chọn lá của những cây mây còn non vì lúc đó cây mây có lá dài, thẳng, dễ bẻ khi thực hiện công đoạn kết lá, trong khi cộng lá mây già sẽ nhiều gai khó hái, lá ngắn và thô, không đẹp. Tuy nhiên lá non cũng phải đến độ đã xòe ra, không chọn lá quá non vì sẽ mau bị mục. Chọn cây mây non cao khoảng 1m, lá dài khoảng 1,2m là tốt nhất để hái lá. Công cụ để hái lá là rựa có cán dài. Sau khi rọc sạch gai trên bẹ rồi mới đốn lấy cộng lá. Thường thì trong 1 buổi mỗi người hái được khoảng 300 cộng lá mây, tương đương với một tấm tranh. Hái đủ 300 cộng lá, người ta dùng dây mây hoặc các loại dây leo trên rừng bó lại rồi vác về nhà để tiện cho việc phơi khô và kết tấm tranh sau này. Riêng đối với lá làm cửa, yêu cầu phải chọn lá dài hơn lá lợp mái và phênh nên người ta phải chọn kích thước lá dài đến khoảng 1,5m. Những địa điểm gần suối, đất đai ẩm ướt là điều kiện để cây mây phát triển tốt, và vì thế lá mây ở đây cũng sẽ dài hơn. Thời gian hái lá chỉ trong mùa nắng, khoảng từ tháng 2 đến tháng 8 âm lịch hàng năm, tập trung chủ yếu từ tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Mùa mưa không hái lá vì không phơi được nên lá xấu và dễ bị mục. Khi mang lá về nhà, trước tiên phải bẻ toàn bộ lá bên phải qua bên trái, đặt úp mặt lá xuống dưới, trải cộng lên trên để cộng và lá được khô đều. Các cộng lá được xếp cạnh nhau về bên trái tạo thành từng thớt. Phơi từ 3 đến 4 ngày lá sẽ đạt độ khô vừa phải, lúc đó lá dẻo dai hơn, sau đó bó các thớt lá lại thành một bó, đủ 300 cộng lá để làm một tấm tranh.

           Thân mây có công dụng làm dây buột. Theo kinh nghiệm, tốt nhất là chọn và chặt cây mây dài khoảng 3m đến 4m. Tùy theo đường kính cây mây lớn hay nhỏ để chẻ thành nhiều hay ít sợi. Cây mây nhỏ được khoảng 5 sợi, cây mây lớn hơn được khoảng 8 sợi. Sợi mây lúc này chưa cần vót, chỉ đem phơi 2 ngày rồi bảo quản. Trước khi thực hiện công đoạn liên kết lá khoảng 2 ngày thì ngâm sợi mây trong nước mặn khoảng ½ đến 1 giờ. Sau đó vót đều các mặt làm cho sợi mây mềm dễ buột nhưng vẫn đảm bảo chắc chắn. Sau khi được gia công sẽ tạo thành các sợi mây dày, mỏng hay dài, ngắn tùy theo mục đích sử dụng. Sợi mây là vật liệu chính để liên kết các chi tiết kiến trúc trong ngôi nhà, nhất là trong việc liên kết lá, lợp mái, cột phênh. Chỉ dùng sợi cây mây đỏ để liên kết lá thành tấm tranh vì loại này mềm dễ buộc, các nút buộc mềm mại, sắc sảo; trong khi sợi cây mây trắng cứng nên thường dùng để buột tấm tranh khi thực hiện công đoạn lợp mái và phênh. Thời gian khai thác cây mây có thể diễn ra quanh năm, nhưng thường vào đầu năm từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch vì đây là thời điểm chính chuẩn bị để làm nhà. Để làm 1 ngôi nhà, 2 loại mây này cần khoảng 500 sợi.


          Có thể thấy đây là những tri thức dân gian quý và có tính đặc trưng riêng có của cư dân Cù Lao Chàm, đúc kết qua quá trình thực hành lâu dài và khá phong phú. Rất tiếc hiện nay, những tri thức này không có điều kiện thực hành để gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau nên theo thời gian, nguy cơ mai một vốn tri thức này là điều khó tránh khỏi. Vì thế nhận diện, kiểm kê là những việc làm cần thiết hiện nay, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, nhất là người dân địa phương, để qua đây không chỉ lưu truyền lại vốn tri thức dân gian bản địa mà còn góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nói riêng, phát triển kinh tế-xã hội nói chung của cư dân biển đảo nơi này.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây