Trước đây, nhà nước phong kiến Việt Nam, đặc biệt là các vua Triều Nguyễn từng công nhận vai trò quan trọng của cá Ông trong đời sống của cộng đồng ngư dân nên đã nhiều lần ban sắc phong, tước hiệu, gia tặng mỹ tự: “
Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân tôn Thần”,
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân chi Thần”,
“Từ Tế Linh Chương Trợ Tín Trừng Trạm chi Thần”,
“Từ Tế Chương Linh Trợ Tín Trừng Trạm Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần” cho cá Ông, biến cá Ông từ vị phúc thần của biển cả thành vị thần của quốc gia. Ngoài ra, triều đình phong kiến còn cho phép ngư dân ở các địa phương lập lăng để thờ cúng cá Ông, trong đó có di tích lăng Ông Ngư ở Cù Lao Chàm. Di tích này đã được Bộ Văn hoá và Thông tin
(nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2006.
Trong sách Đại Nam Nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, mục chép về sơn xuyên của Quảng Nam có đề cập đến các đền thờ ở Cù Lao Chàm, trong đó có lăng Ông Ngư với tên gọi là đền thờ thần Ngọc Lân: “
Đại Chiêm dư còn có tên là ngọn Tiêm Bút, xưa gọi là núi Chiêm Bất Lao, tục danh là Cù Lao tại biển Đông huyện Diên Phước. Xưa còn có hiệu là Ngọa Long dư, là bức bình phong của Đại Chiêm hải khẩu. Dân phường Tân Hiệp sinh sống bên sườn phía Nam của núi, trên núi có ruộng có thể cày cấy được. Những người đi biển của nước ta và ngoại quốc lấy đấy làm mốc. Phàm khi ra đi và trở về đều dừng lại đây để lấy củi và nước. Trên núi có nhiều đền thờ như đền thờ 3 vị Phục Ba Tướng quân, đền thờ Cao Các, đền thờ thần Bô Bô và các đền thờ thần: Ngọc Lân, Thành Hoàng, Chúa Lồi, Bạch Mã, Ngũ Hành...” Lăng Ông Ngư tọa lạc tại khu dân cư xóm Đình, xoay hướng Tây Nam, mặt nhìn ra biển, lưng tựa vào núi theo thuật phong thủy dân gian truyền thống. Xung quanh lăng là hàng rào xây bằng gạch, án ngự trước mặt là bình phong kiểu cuốn thư. Nằm cách bình phong một khoảng về hai bên là trụ biểu vuông có đắp hình búp sen ở đỉnh. Sân lăng khá rộng và thông thoáng nên rất thuận lợi mỗi khi tổ chức các hoạt động tín ngưỡng tại lăng, đặc biệt là diễn xướng bả trạo. Lăng được xây theo kiểu cuốn vòm, mái lợp ngói âm dương, tường bao bằng gạch vừa mang chức năng bao che vừa đảm nhiệm chức năng chịu lực. Trên bình diện, lăng được kiến trúc theo kiểu chính điện và hậu tẩm. Nếp chính điện gồm 2 nhịp cuốn vòm. Bờ nóc cong hình thuyền, đắp tạo thành những ô hộc hình chữ nhật với mặt trước đắp và cẩn sành sứ đề tài hoa - điểu. Trên bờ nóc trang trí con giống theo đề tài
“lưỡng long triều dương”. Bờ chảy đắp giật cấp. Tại điểm kết thúc của bờ chảy ở mái trước trang trí đĩa sứ, bên trên trang trí hình con lân. Nếp hậu tẩm có diện tích nhỏ, bờ nóc trang trí dao lá ở hai bên và hình con rùa ở giữa.
Lăng Ông Ngư - Cù Lao Chàm - Hội An
Vào nội thất lăng bằng ba lối cửa cuốn vòm với các cánh cửa mở rộng ra hai bên. Nội thất lăng tương đối rộng. Bên hậu tẩm là nơi cất giữ xương cốt cá Ông được cải táng, lối vào được che kín và án giữ bởi bàn thờ chính xây bằng gạch nằm ở gian giữa chính điện. Bàn thờ chính chia thành nhiều cấp. Ngoài một số hòm gỗ đựng xương cốt cá Ông, trên bàn thờ chính đặt những bài vị bằng gỗ sơn son thép vàng có khắc thần hiệu gồm:
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Quí Nương Đẳng Thần Tọa Vị”,
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Đại Tướng Quân Tôn Thần”,
“Nam Hải Cự Tộc Ông Bành Tôn Thần”,
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Từ Tế Chi Thần”,
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Hổ Tôn Thần”,
“Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Hàm Tôn Thần Chi Linh Tôn”,
“Cung Thỉnh Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Ông Mặc Tôn Thần”. Các bài vị có đế cao và được chạm trổ khá cầu kỳ hình rồng, hoa dây, hồi văn. Có ba bài vị đặt trên bệ có tay ngai chạm đầu rồng, trong đó bệ lớn nhất nằm ở chính giữa bàn thờ chính. Tường phía trên bàn thờ chính trang trí đề tài
“lưỡng long triều dương”, quần bàn bàn thờ chính trang trí rồng phượng. Bên trái bàn thờ chính là bàn thờ Phúc Hải, bên còn lại là bàn thờ Thọ Sơn. Hai bàn thờ này được trang trí nhiều đồ án khác nhau với màu sắc rực rỡ.
Lễ cúng cầu Ngư tại lăng ông Ngư - Cù Lao Chàm
Theo lời kể của các vị cao niên sinh sống ở Cù Lao Chàm, trong lịch sử cũng như hiện nay, mỗi khi phát hiện cá Ông luỵ, ngư dân thường đem về an táng tại Bãi Ông, bên cạnh di tích lăng Cô Hồn
(Âm Linh). Vì vậy đây có thể là căn nguyên xuất hiện địa danh Bãi Ông. Ở Cù Lao Chàm còn có một số địa danh khác liên quan đến cá Ông như Hòn Ông, mũi Ông Luỵ ở Hòn Lá. Việc an táng cá Ông lụy được ngư dân ở Cù Lao Chàm tổ chức rất chu đáo với việc lựa ngày, chọn giờ và cử hành nghi lễ cúng tế. Xác cá Ông chôn ở Bãi Ông sau 2 hoặc 3 năm thì được ngư dân trên đảo đào lấy cốt, rửa sạch bằng rượu rồi thỉnh về thờ tại lăng Ông Ngư. Cốt được đặt vào hòm gỗ để trên bàn thờ chính hoặc xếp chồng bên trong hậu tẩm. Qua các bài vị thờ trong lăng Ông Ngư nêu ở phần trên, trong quan niệm dân gian của ngư dân Cù Lao Chàm, cá Ông không chỉ là cá Voi mà còn nhiều loại sinh vật biển khác có hình dáng, màu sắc và kích thước khác thường.
Hằng năm, ngư dân trên đảo Cù Lao Chàm tổ chức lễ cầu ngư tại lăng Ông Ngư vào ngày mồng 3-4/4 âl. Lễ cầu ngư được tổ chức quy mô với sự tham gia của hầu hết ngư dân trên đảo và một số ngư dân ở các vùng lân cận. Lễ diễn ra trong hai ngày, vào ngày đầu, ngư dân tập trung mua sắm, bày trí lễ vật và cúng lễ túc, sáng ngày hôm sau tổ chức cúng âm linh và cúng lễ chính - tế Ông. Trong những ngày lễ, bên cạnh việc thực hành các nghi thức cúng tế theo lệ truyền còn có diễn xướng bả trạo với nội dung ca ngợi công đức của cá Ông cũng như tỏ bày sự tiếc thương của ngư dân khi cá Ông gặp nạn phải luỵ, diễn tả lại quá trình lao động của ngư dân trên biển giữa những lúc phong ba bão táp. Ngoài ra, sau phần lễ, ngư dân còn tổ chức phần hội với những trò chơi sôi nổi, hào hứng mang đậm tính chất cầu mùa màng bội thu, sức khoẻ dồi dào.