Từ Chu Lai nhìn lại phải chăng có một bài học của văn hóa Hội An?

Thứ tư - 06/06/2018 03:34
Hội An có một sức hấp dẫn rất đặc biệt đối với du khách, mà thường ai đã qua đó đôi lần đều cố tìm cách giải thích. Tuy nhiên không dễ. Có lẽ cũng giống như đối với một người con gái đẹp mà ta quyến luyến, chẳng dễ gì nói được rành mạch vì sao. Trong những trường hợp đó thường người ta tìm một lối đi vòng, một cách nói quanh. Xin thử nói về Hội An theo kiểu đó xem sao.
          Đến Hội An, la cà ít nhiều, nói chung thấy cũng thường thôi chẳng có gì ghê gớm lắm… Vậy mà khi ra đi, bỗng nghe dậy lên một cảm giác lạ, nhẹ nhàng mà sâu, càng về sau càng sâu: Cảm giác muốn trở lại.

          Trở lại. Như một nhu cầu tự thân, nảy lên càng lúc càng đậm đà tự nơi nào đó rất sâu trong chính ta.

         Trở lại. Hoặc có lẽ nói thế cũng chưa thật chính xác. Không phải trở lại, mà là trở về.

         Như trở về nhà. Trở về quê. Trở về cố hương…

         Hội An với những phố cổ, những ngôi nhà cổ, hai trăm, ba trăm, năm trăm năm…

         Những đường phố hẹp, tạo không khí gần, thân như đường làng…

        Những mái ngói âm dương rêu phong, trầm tư lịch sử…

        Hội An với mấy tầng văn hóa chồng lên nhau trong lòng đất, nào Sa Huỳnh, nào Champa, nào Đại Việt, Đàng Trong…, những mộ chum, những giếng Chăm đến tận bây giờ vẫn trong ngọt lạ lùng…

       Tất cả những cái đó đều rất quý, thậm chí vô giá, đều đáng để hết sức trân trọng, đều thấm đẫm màu, mùi và vị của thời gian…

        Nhưng nghĩ cho cùng, những cái đó không phải ở đâu cũng có, song cũng không phải không nơi nào có nữa. Những cái ấy, như tiếng vọng xa xôi của chính thời gian, bao giờ cũng hấp dẫn. Người ta đến để tò mò nghe và xem. Tò mò được “nếm” một chút dư vị vừa nhạt vừa nồng của lịch sử.

       Hội An có những cái đó, như một số ít nơi khác. Nhưng lực ấp dẫn của Hội An không chỉ toát lên từ những cái đó. Người ta bị hút đến Hội An không phải vì cái lạ của những di vật lịch sử. Người ta bị hút đến đây không phải vì cái lạ.

       Mà trái lại

              Vì cái quen

        Một cái gì đó quen lắm, thân thuộc lắm, lắng đọng đâu đó sâu tận nơi đấy của chính mình, mà mình đã nhãng đi, đã quên rồi, tuy nhiên nó vẫn nằm ở đấy, im lặng và bền bỉ vô cùng, bây giờ ta gặp lại nó ở đây, nghe thức dậy ở đây.

        Sức hấp dẫn của Hội An là sức gọi về của một cái gốc chứ không phải sức lôi đi của những thứ “của lạ” (exotique).

       Có điều rất lạ là cái cảm giác trở về, tiếng gọi về đó của Hội An, không phải chỉ ta, người ta mới cảm nhận, nghe thấy, mà cả người Tây cũng nghe thấy, cũng bị sức hút.

       Tôi rất thích nhìn những khách Tây ở phố Hội. Những người Tây đầm đi trên phố, vào các nhà, ngồi ăn ở một quán vắng bên sông, lang thang trong các hẻm kiệt… Hoàn toàn không có cảm giác họ là khách. Và trông rõ ràng chính họ cũng không tự có cảm giác là khách. Họ như đang ở giữa chính quê họ, ở nhà họ vậy. Ở quê xứ của họ.

       Các con số thống kê của du lịch Hội An cho thấy tỷ lệ du khách nước ngoài đến Hội An, rồi trở lại hai lần, ba lần, bốn, năm, sáu… lần rất cao. Thậm chí có người mong muốn cuối đời được về chết ở đây. Ta biết một con người chỉ nghĩ và nói ra điều đó khi đã đi qua những trầm luân xáo trộn của cuộc đời. Được về an nghỉ ở quê cuối cuộc hành trình làm người gian nan…

       “Quê” nào vậy

       Anh Nguyễn Thành Long, nhà văn đã quá cố, có những chữ dịch rất hay tên cuốn sách nổi tiếng Terre des Hommes của Saint Exupéry, anh dịch là Quê xứ con người.

       Hội An là Quê xứ con người. Quê xứ của người. Sức hấp dẫn của Hội An là sức hút về của Quê xứ con người.

      Trong thời đại tưng bừng và trộn trạo dữ dội của văn minh công nghiệp rồi hậu công nghiệp ngày nay, hơn bao giờ hết từ đấy sâu của con người vang lên tiếng gọi của cái quê xứ ấy.

      Có lẽ đó là một mối quan hệ, hơi bất ngờ chăng, nhưng khắng khít và quan trọng lắm – ngoài mối quan hệ lịch sử về những kinh nghiệm kinh tế giữa một Hội An với một Chu Lai - Khu Kinh tế mở mới mẻ hôm nay
*     *
*
      Trong một công trình nghiên cứu gần đây về làng Minh Hương ở Hội An thời thế kỷ 18 – 19 do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An thực hiện, có viết:

      “Nhìn trên góc độ hoạt động kinh tế thì tính chất phường thị trong xã Minh Hương rất rõ, nhưng về cơ cấu tổ chức quản lý thì yếu tố làng vẫn mạnh hơn yếu tố phường thị. Về cơ bản, có thể khẳng định đây là một làng hoạt động thương nghiệp”.

       Trong văn bản vừa nói, câu này chỉ là một ý thoáng qua, vì công trình ấy tập trung vào những mục tiêu khác. Nhưng từ góc độ ta đang quan tâm thì có thể đây là một nhận xét quan trọng rất đáng chú ý.

       Cái đặc sắc của Hội An phải chăng chính là ở chỗ là phố nhưng vẫn là làng, là làng nhưng lại là phố, mộc mạc như làng mà văn minh như phố, văn minh như phố mà cứ mộc mạc như làng.

       Đặc sắc là ở sự kết hợp hết sức tự nhiên, nhuần nhị, “như không” của hai mặt tưởng chừng trái ngược đó. Kết hợp với quá khứ mà nay vẫn giữ được bền bỉ.

       Điều này có thể có cội nguồn và ý nghĩa sâu xa.

       Văn hóa “làng”, văn minh “làng”, như ta đã biết, là một trong những nét độc đáo và đặc sắc nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam, hoặc thậm chí cũng có thể nói, bản lĩnh Việt.

       Để nói sâu thêm đôi chút về điều này, xin trở lại một ít lịch sử.

      Những năm gần đây, một số nhà nghiên cứu đã dần dần đi đến khẳng định một cách đúng đắn rằng người Việt tiếp thu Nho giáo, tức tiếp thu văn hóa đến từ phương Bắc, của người Hán, văn hóa Trung Hoa, không phải do bị áp đặt từ ngoài và trong thời gian đằng đẵng một nghìn năm Bắc thuộc; mà là chủ động tiếp nhận, từ khoảng cuối thiên niên kỷ thứ nhất, đầu thiên niên kỷ thứ hai, khi đã đánh đuổi được kẻ xâm lược, chấm dứt được ách thống trị ngoại bang, khôi phục được quốc gia độc lập tự chủ. Người Việt chủ động tiếp nhận Nho giáo là “đạo cai trị” cho phép tổ chức được lực lượng của toàn dân tộc để chống lại một cách có hiệu quả nguy cơ xâm lược thường trực của Trung Hoa. Và như vậy cha ông chúng ta đồng thời cũng đã chủ động tách khỏi con đường Đông Nam Á cổ truyền, Đông Nam Á với tính cách là một thể cộng đồng văn hóa rộng lớn mà Việt Nam từng đứng ở vị trí địa lý trung tâm. Tổ chức nhà nước theo lối Đông Nam Á là kiểu liên hiệp lỏng lẻo các tiểu quốc (các nhà nước Chân Lạp và cả Âu Lạc và Văn Lang trước đây chính là như vậy) dễ bị đánh tan tành trước các đòn xâm lược dữ dội của Trung Hoa.

         Tức người Việt học văn hóa Trung Hoa là để đủ sức chống ngoại xâm  Trung Hoa, bảo vệ vững chắc lãnh thổ Tổ quốc và bản sắc dân tộc của mình.

         Mục đích rất biện chứng và rất rõ ràng.

       Chính tính biện chứng sâu sắc và thú vị của mục đích đó quy định nên hai đều rất đặc biệt trong cách ứng xử văn hóa của người Việt trước văn hóa Trung Hoa hùng mạnh và khổng lồ.

        Một là, trong khi học đạo Nho của Trung Hoa, người Việt hầu như đã thay đổi toàn bộ cốt lõi nội dung của nó. Nếu ở bên ấy, đó là đạo quy định mối quan hệ giữa “người quân tử” tức kẻ cầm quyền với “thiên hạ” tức quần chúng bị cai trị, nhằm giữ vững sự cai trị ấy (“tu nhân”, “tề gia”, “trị quốc”, cuối cùng là nhằm để “bình thiên hạ”); thì ở đây, cũng dưới cái vỏ những tên gọi ấy, là đạo lý về bổn phận thiêng liêng của người dân đối với cái cao quý nhất là Tổ quốc. Cũng có thể gọi đây là “đạo Tổ quốc”. Tức yếu tố Nho giáo “ngoại sinh” đã được “nội sinh hóa”, Việt hóa sâu sắc.

         Hai là: Vừa tiếp nhận Nho giáo làm hệ tư tưởng chính thống của xã hội, vừa vẫn có một cơ chế rất đặc biệt để duy trì nền văn hóa bản địa truyền thống của mình, tức một nền văn hóa có gốc Đông Nam Á. Cơ chế đó, nói một cách gọn, là Nho giáo đậm, chặt ở bên trên, ở cấp nhà nước Trung ương, còn bên dưới là làng xã tự trị theo lối Đông Nam Á bản địa. Hoặc cũng có thể cắt theo một lớp khác: bên ngoài, cái vỏ, là Nho giáo chặt chẽ; bên trong, trong ruột, là quan hệ kiểu Đông Nam Á cổ truyền. Điều đó tạo nên một thế nhị nguyên Nước – Làng độc đáo, có thể coi là nét diện mạo riêng nổi bật nhất của văn hóa Việt Nam.
*   *
*
          Cơ chế tự trị của Làng, thực chất là cái ngày nay ta diễn đạt bằng ngôn ngữ hiện đại: một cơ chế dân chủ ở cơ sở nông thôn.

          Xin phép không nói ở đây về những mặt kinh tế, chính trị và nhiều khía cạnh xã hội của cơ chế Làng Việt Nam độc đáo này. Chỉ xin nói một khía cạnh liên quan nhiều  đến vấn đề chúng ta đang quan tâm.

         Chính cái cơ chế Làng này, cụ thể hơn là cái “quyền” của Làng trong mối quan hệ Làng – Nước (“Phép vua thua lệ làng”), tạo nên thế nhị nguyên độc đáo về quyền lực thực sự trong xã hội, đã khiến cho cái riết róng vốn có của Nho giáo khi vào Việt Nam đã bị triệt tiêu bớt đi, bị làm mềm, làm dịu đi rất nhiều, hạn chế rất nhiều tác dụng quyền lực chuyên chế của trung ương đối với làng xã, của thống trị bên trên đối với người dân bên dưới. Nó khiến cho xã hội dể thở hơn, quan hệ giữa con người với nhau “người” hơn, sinh động, “cá thể” hơn, người ta sống với nhau không phải chỉ có và chủ yếu bằng quan hệ quyền lực, mà là bằng tình làng nghĩa xóm, làng trên xóm dưới, tối lửa tắt đèn có nhau… Thậm chí có tác giả đã viết: “Văn hóa làng xã… có những yếu tố dân chủ và xã hội chủ nghĩa”.[1]

          Đương nhiên giữa “phép vua” với “lệ làng”, trong phát triển lịch sử không phải lúc nào cũng hòa hiệp, yên ổn. Chính mức độ hài hòa trong mối quan hệ đó là thước đo sự ổn định xã hội. Và mỗi khi mối quan hệ đó bị mất cân đối nghiêm trọng, bị phá vỡ, thì ấy là lúc xã hội khủng hoàng, rối ren, sức mạnh dân tộc bị sứt mẻ, yếu kém.

         Chúng ta đều biết thời Lê Thánh Tông giữa thế kỷ 15 là đỉnh cao của chế độ phong kiến – hoặc có lẽ nói cho thật đúng hơn, là đỉnh cao nhà nước phong kiến Việt Nam. Nhưng đó cũng là đỉnh cao cuối cùng của chế độ ấy, nhà nước ấy. Ngay liền sau đó là Lê – Mạc và Trịnh – Nguyễn phân tranh….

         Chính là vì nhà nước Lê Thánh Tông được xây dựng trên cơ sở chuyên chế rất cao của chính quyền phong kiến trung ương. Mối quan hệ nhị nguyên Làng – Nước nói trên bị phá vỡ nghiêm trọng. Quan hệ phong kiến thâm nhập ngày càng sâu xuống bên dưới. Cơ chế tự trị làng xã bị tha hóa nặng nề, ngày càng phong kiến hóa, trở thành bộ máy đàn áp bóc lột nông dân. Xã hội trở nên oi bức và phân rã, đòi hỏi phá vỡ…

          Một tác giả viết đúng đắn về cuộc Trịnh Nguyễn phân tranh và các cuộc chuyển cư lớn của người Việt vào phía Nam thời bấy giờ như sau:

          “… Cuộc phân tranh kéo dài mấy trăm năm, bề ngoài là sự tranh giành địa vị của các họ phong kiến, mà bên trong là sự phân rã của xã hội Đại Việt mà dân tộc đã phản ứng lại bằng con đường đi về nam”.[2]

         Theo một cách nào đó có thể nói Quảng Nam, và sau đó Hội An của người Việt, đã ra đời trong chính quá trình đó, là kết quả của “phản ứng” đó. Và như vậy cũng túc là nói rằng vùng đất này được hình thành chính từ yêu cầu khôi phục trở lại cái thế nhị nguyên đã bị phá vỡ, “dân chủ hóa” trở lại các mối quan hệ xã hội hài hòa từng có và đã bị suy thoái.

         Và phải chăng chính vì vậy mà trong khi kế thừa (của Champa) và phát triển Hội An thành một phường thị thương nghiệp năng động vào bậc nhất bấy giờ so với cả Đông Nam Á, người Việt vẫn quy trì ở đây một tổ chức đời sống xã hội theo lối làng xã đậm đà truyền thống của làng xã Việt Nam, tạo nên ở đó một thế nhị nguyên rất độc đáo và sâu sắc trong quan hệ xã hội của con người. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hồng Phong đã nói về điều đó như sau: Nó “Không phải làng thị tộc chỉ có cái chung, mà mỗi cá thể bị hòa tan trong đó. Nó cũng không phải là làng Pháp bao gồm những “công dân ngẫu nhiên” (như những củ khoai tây trong một cái bị).

          Quả thật cơ chế đó tiềm chứa một sức mạnh văn hóa lớn.

         Nó cho phép nảy sinh ở đây những cá thể sáng tạo nhiều tài năng và độc đáo trên nhiều lĩnh vực, qua các thời kỳ; đồng thời lại vẫn duy trì được một không khí cộng đồng khắng khít, ấm áp, thâm tình, tin cậy.

          Nó làm dịu đi rất nhiều, hoặc cũng có thể nói, “nhân văn hóa” đi các mối quan hệ lợi ích chi phối một thương trường sôi nổi.

         Nó khiến cho Hội An “nội sinh hóa” được nhuần nhuyễn, Việt hóa được rất tự nhiên bao nhiêu yếu tố văn hóa ngoại sinh từ Champa, cho đến Hoa, rồi Nhật, rồi Phương Tây…

         Nó tạo nên một sức đề kháng văn hóa rất đặc biệt Hội An mà những ai ít nhiều biết Hội An đều phải chú ý và ngạc nhiên một sức mạnh văn hóa không hề ồn ào, to tiếng, phô trương, không lên gân, cũng chẳng khắt khe, thậm chí ngược lại, “hiền lành”, dân dã, mộc mạc, nhưng quả thật cường tráng và sâu sắc. Trong suốt cuộc chiến tranh vừa qua, như ai cũng biết, văn hóa thực dân mới của Mỹ ầm ĩ, trâng tráo, hoành hành khắp miền Nam, nhưng không sao vào nổi Hội An. Ngày nay cũng vậy, các hiện tượng hỗn loạn văn hóa xô bồ nhiều nơi, song không sao lọt được vào đây. Mà có rào cản, ngăn cấm gì ghê gớm, hùng hổ lắm đâu. Hình như mọi thứ đến đây, đi vào trong không khí này, thì bỗng dịu lại, được lọc trong đi, mỗi người tự mình dịu lại, lắng lại và tự lọc trong mình đi. Như người đang đi giữa chang chang nắng lửa bỗng được vào trong bóng râm mát dịu – bóng râm mát dịu của xóm làng nguồn cội, của quan hệ thân tình con người với con người.
*
*   *
          Ở Hội An có một món ăn, cũng chẳng sang trọng gì lắm, nhưng thật tình: món chè đậu ván. Và người thông thạo sẽ cho ta một địa chỉ cụ thể: chè đậu ván của bà Giáp Thêm, nổi tiếng từ lâu. Bà Giáp Thêm đã mất, nay con dâu bà nối nghiệp, vì nghề chè đậu ván của bà là gia truyền. Và ở Hội An, những người làm nghề thủ công coi cái nghề của mình như một thứ “tôn giáo”, thiên liêng, cha truyền con nối, làm tốt, giữ tốt mãi cái nghề gia truyền của mình là đạo đức cao nhất của con người đối với xã hội.

         Chè đậu ván của bà Giáp Thêm nấu sao đó, mà nước trong veo, hạt đậu ván thì còn nguyên, hạt nào cũng vậy, không hề vỡ, không hề nứt, mà mịn bâng, bỏ vào miệng thì tan ra, ngọt thanh tao, còn mãi dư vị ở cổ họng.

         Hỏi thăm, thì ra chỉ có một bí quyết: nấu bằng đường gì?

         Thật lạ: Không phải đường cát, cũng không phải đường kính. Nấu đường cát hay đường kính hạt đậu sẽ nát vụn hết.

        Phải dùng hai loại đường: đường bát đen, tức là thứ đường dân dã nhất, quê mùa nhất, chế biến thô thiển nhất, vừa mới qua khỏi giai đoạn mật, còn đầy tạp chất, còn nồng nguyên mùi rơm rạ, mùi đất cày, mùi cỏ cây, mùi mồ hôi của con người, thậm chí cả mùi nước đái trâu… Đường bát ngọt đến khé cổ.

         Và trộn với đường phèn. Tức là thứ đường tinh nhất, thanh nhất, cao cấp nhất, sang trọng nhất trong các loại đường thủ công.

         Đường bát, ở đầu bên này của quy trình đường.

         Đường phèn, ở cuối mút bên kia.

        Chỉ có một hỗn hợp của hai thứ đường ở hai cực ấy thì mới tạo ra được món chè đậu ván tuyệt vời như chè đậu ván gia truyền của bà Giáp Thêm Hội An…

         Hội An là vậy đó, đó nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn đến mức tự nhiên như không giữa cái dân dã, mộc mạc, cội nguồn và cái tân tiến, văn minh, hiện đại, mới mẻ.

         Quả thật ở Hội An có một bài học văn hóa mà người Việt một thời mở cửa đã tìm ra để giữ vững và làm giàu, làm sâu thêm bản sắc của mình trong đua chen cùng thiên hạ. Thành tựu ấy, Hội An còn giữ được cho đến hôm nay, và đã chứng tỏ sức mạnh của nó qua nhiều thách thức.

         Bài học văn hóa của Hội An là bài học về việc tìm ra được một cách kết hợp, một kiểu quan hệ. Bởi “bản sắc văn hóa không phải là một vật, mà là một kiểu quan hệ”[3]. Mà “quan hệ” tức là kết hợp cái này với cái khác. Nghệ thuật kết hợp.
*
*   *
        Khu kinh tế mở, mà chúng ta đang tìm mô hình và triển khai thực hiện ở Chu Lai, không chỉ là một “cố gắng làm ăn” thông thường. Đây là nỗ lực sáng tạo để tìm ra câu trả lời cho thách thức lịch sử đang đặt ra: làm thế nào thoát khỏi lạc hậu và đói nghèo dai dẳng, rút ngắn và đuổi kịp thiên hạ trong thời đại ngày nay.

        Làm Chu Lai, tức là chúng ta tấn công vào công cuộc to lớn thay đổi phương thức sản xuất trong nước, một cuộc thay đổi tận gốc, một cuộc cách mạng (mà không làm thì sẽ phải cam phận đời đời đói nghèo, lạc hậu, lẹt đẹt giữa thiên hạ).

        Cũng tức là sẽ có một kiểu xã hội khác, cách sống khác.

        Về kinh tế là vậy.

        Còn về văn hóa?

        Rõ ràng văn hóa cũng phải đối mặt và giải quyết cuộc thách thức của mình, như kinh tế đang dấn bước vào làm.

       Ba trăm năm trước ở Hội An, cha ông chúng ta đã giải thành công bài toán kinh tế và bài toán văn hóa của mình, hoặc nói cho chính xác hơn, đã giải thành công bài toán kinh tế - văn hóa, hay văn hóa – kinh tế của mình, tạo nên một văn hóa Hội An kết hợp tài tình buôn bán đua chen với đạo đức cội nguồn nhuần nhị.

       Lịch sử không lặp lại, nhưng lịch sử để lại những bài học.

       Rất có thể, nếu khu kinh tế mở (mà Chu Lai là một điểm khởi đầu) là một “vườn ươm sự sáng tạo thể chế kinh tế thị trường hiện đại ở nước ta”, thì ở đấy cũng tất phải là vườn ươm một cơ chế văn hóa Việt trong thời đại kinh tế thị trường hiện đại.

       Đó cũng là một nội dung cốt yếu của sự nghiệp Chu Lai.  
 
Trích sách: Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay,
(Kỷ yếu hội thảo Hội An tháng 6 năm 2000) – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam
 
 
 
 

[1] Phan Ngọc: Bản sắc văn hóa Việt Nam. Trang 52.
[2] Tạ Chí Đại Trường: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam. Trang 35.
[3] Phan Ngọc: Một cách tiếp cận văn hóa. Trang 131.

Tác giả: Nv. Nguyên Ngọc

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây