Café Chanh

Thứ hai - 25/06/2018 22:10
Dân ghiền cafe Hội An ngày trước chắc ít có ai không một lần ngồi café Chanh, một trong những quán café có tiếng tăm ở Hội An từ thế kỷ trước. Quán do cô Chanh thường gọi là cô Ba mở từ năm 1969 trong hẻm đình Ông Voi, đối diện với một tiệm phở có tiếng không kém là phở Liễu.
          Thoạt tiên chỉ là một quán café cóc chỉ có mình cô Ba đứng bán. Café được pha chế theo kiểu café vợt - một kiểu tựa như café bít-tất. Tuy nhiên, thay vì dùng một chiếc tất để lọc café, cô Ba làm vợt bằng vải mùng bọc vài lớp quanh một vòng sắt nhỏ có tay cầm, cho café vào trong vợt để pha café. Khách đến uống chỉ cần hâm nóng lên rồi rót ra ly là có ngay ly café nóng hổi. Cách này còn một tên gọi là café kho.

          Café sữa ở đây thuộc loại thơm ngon nhất nhì Hội An. Thân tình lắm cô Ba mới chịu cho biết bí quyết là dùng sữa lon đã qua một hai kỳ, nghĩa là sữa đã được sản xuất từ trước đó khoảng ba đến sáu tháng, sữa cô đặc lại nên vị ngọt đậm đà hơn. Café phải đun thật sôi để khi pha vào làm sữa đủ chín, mùi sữa dậy lên hòa quyện vào mùi café xông lên tận đỉnh mũi gây một cảm giác sảng khoái khi uống, ai thích đá thì bỏ vào sau. Nghĩ lại bây giờ uống ly café sữa pha bằng phin, lúc café xuống đầy thì đã nguội ngắt thấy không ngon là phải.

          Khách hàng thời đầu chủ yếu là thanh niên và học sinh, những người không muốn chạm mặt với người lớn và các vị giáo sư thường hay ngồi tại café Tiêu. Càng về sau khách mỗi ngày một đông nên cô Sương còn gọi là cô Năm, nghỉ nghề may về phụ chị mình bán cho đến ngày cả hai cô nghỉ hưu.

          Những khách hàng là công chức đâu phải lúc nào cũng sẵn tiền trong túi, uống café ghi sổ cuối tháng lãnh lương ra trả nợ là chuyện thường tình. Nhưng hơn thế nữa, khách hàng sau khi uống còn có thể mượn thêm một ít tiền tiêu vặt rồi ghi sổ trả sau luôn một lần cho tiện. Có lẽ đây cũng là một chiêu giữ khách của hai cô chủ quán trẻ đẹp.

         Một thời gian sau chũ cũ lấy lại địa điểm. Café Chanh dời ra mặt đường Lê Lợi đầu con hẻm đi vào hãng rượu S.I.C.A. Khoảng giữa thập niên 80, một người cô của cô Ba và cô Năm thuận cho hai người dời quán café xuống địa điểm góc ngã ba Trần Phú - Hoàng Văn Thụ bây giờ, vừa bán vừa giữ nhà luôn cho bà.

           Khách hàng thời kỳ này đa dạng hơn. Không hẹn mà nên gần như họ uống theo từng khung giờ nhất định. Từ ba giờ sáng là những người thu đổi phế liệu, đồng thời bán cà-rem đến uống sớm. Họ chờ đến giờ nhận cà- rem Bửu An, rồi tranh thủ chở lên miền ngược bán hoặc đổi phế liệu mang về. Đến bốn giờ sáng là phiên những người chở cá, bắp đi bán ở Đà Nẵng và các vùng ven, tranh thủ vào uống rồi đạp xe đạp tỏa đi các vùng kiếm sống.

          Khoảng gần năm giờ sáng là lúc mấy ông lớn tuổi khó ngủ lò dò đến uống. Trong ánh sáng lờ mờ của mấy ngọn đèn vàng hiu hắt, dường như có đông đủ các gương mặt tiếng tăm ở Hội An một thời. Cánh thợ may có ông Châu Toàn, ông Hoàn Mỹ, Ông Sum vét - tông, ông Nguyễn Tạo. Ông Sữ Triệu Sum may áo vét - tông cực đẹp nhưng quần vét - tông thì phải mang qua ông Nguyễn Tạo mới đúng chất. Nhiều người hay đùa may một bộ vét- tông cũng phải đi hai hiệu may của hai ông thì mới ra chất Ăng- Lê được. Ông Châu Toàn và ông Hoàn Mỹ sở trường về sơ mi và quần tây, áo sơ mi ông Hoàn Mỹ may đẹp hơn nhưng ông Châu Toàn lại dựng quần tây chuẩn dáng hơn.
 
hinh ca fe chanh

Café Chanh - Tranh sơn dầu của Trương Bách Tường

          Một lúc sau các ông bán kim hoàn lục tục kéo đến. Ông Kim Hùng ốm ốm, ông Kim Tâm mập mập, ông Kim Hồng với bộ râu có một không hai ở Hội An. Hình như ở xứ này những người buôn kim hoàn đều lấy chữ Kim làm hiệu. Chỉ duy có ông Thanh Tri hay cười, cao to mập mạp như ông hộ pháp, nổi tiếng cả đời chỉ hát độc một bài Xin Cho Tôi của Trịnh Công Sơn là ngoại lệ, lấy đúng tên mình làm hiệu. Đặc biệt là mỗi giờ mỗi khách, mỗi người mỗi góc, mỗi ghế. Trăm lần như chục, bước vào quán bất kỳ giờ nào cũng có thể đoán biết là ai đang ngồi bàn nào, góc nào, ngồi với ai, có lẽ cũng là một điểm thú vị riêng của quán cafe này.

         Sau năm giờ sáng khách bắt đầu đông hơn, cánh thợ gò hàn dọc đường đi xuống bờ sông và công nhân của những cơ sở sản xuất cũng tranh thủ ghé uống ly café cho kịp giờ đi làm. Cánh buôn bán ở chợ Hội An thì đến trễ hơn do phải dọn hàng sớm rồi chờ vợ xuống trông hàng mới được lên uống. Thời mở cửa, những họa sĩ, nghệ sĩ như Lưu Công Nhân, Kazik, và nhiều ngệ sĩ khác tiếng tăm một thời cũng đã là khách ruột của quán khi họ về sống hoặc làm việc làm việc ở đây.

         Dân Hội An vốn thích nhàn, nên làm gì thì làm cũng phải ngồi café đủ ngày hai cữ. Ngoại trừ cánh buôn bán xa, còn lại cũng chừng ấy con người có bận bịu chi cũng cứ một giờ chiều lại lục tục kéo đến làm một ly café chiều cho minh mẫn rồi mới về làm việc. Nếp sống bình lặng, nhẹ nhàng, của thế hệ này cũng tạo nên một chất sống riêng của người Hội An mà không dễ nơi nào có được .

         Thời du lịch phát triển, đi qua cảnh cũ quán xưa thấy quán café giờ đã trở thành cửa hàng bán áo quần lưu niệm. Tự nhiên thấy buồn. Vẫn biết là muốn kinh tế phát triển phải chấp nhận mất đi một phần giá trị nào đó. Những nhu cầu đời thường không thể đi ngược với thời cuộc, với quy luật phát triển, nhưng không hiểu sao trong lòng vẫn không thoát được một chút bùi ngùi tiếc nuối những hình ảnh của bao ngày xưa cũ. Ngày đó Hội An không như bây giờ.
 

Tác giả: Trương Nguyên Ngã

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây