Tại Hội An, việc hôn nhân nhìn chung có phần giản lược các lễ nghi hơn so với một số địa phương ở miền Bắc Việt Nam. Tùy vào quy định của từng địa phương, hoàn cảnh lịch sử và điều kiện của mỗi gia đình mà phong tục trong hôn nhân có những quy định phù hợp. Việc hôn nhân thường bị chi phối bởi quan niệm “
môn đăng hộ đối”, tức là hai gia đình sui gia phải tương đương với nhau về điều kiện kinh tế, bởi lẽ hôn nhân không chỉ đơn thuần là việc đến với nhau của cặp đôi trai gái mà còn là việc trọng đại, ảnh hưởng đến hai bên gia đình, hai dòng họ, dẫn đến sự xác lập mối quan hệ qua lại giữa hai gia tộc. Bên cạnh đó, việc dựng vợ gả chồng đều phải theo quan niệm: “
lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống”, “
mua heo xem nái, cưới gái chọn dòng”.
Người phụ nữ là người sinh con nối dõi cho nhà chồng nên được quan tâm lựa chọn cho việc sinh “
con đàn cháu đống”, để dòng họ luôn được duy trì và phát triển bền vững. Trong việc “
dựng vợ, gả chồng” tuyệt đối kiêng kỵ việc những người bà con, người cùng một họ mà không xác định được gốc gác đến với nhau. Trong mối quan hệ hôn nhân giữa người Hoa và người Việt thì những người con trai Việt và con gái Hoa thường khó nên duyên vợ chồng, ngược lại con trai người Hoa lấy vợ người Việt khá thuận lợi vì người Hoa khuyến khích con trai lấy vợ người Việt, con gái lấy chồng người Hoa.
Quy định trong tục lệ nộp lễ vật tùy theo từng địa phương mà có những quy định riêng, như tại làng Để Võng: theo quy định hai người trong một làng lấy nhau thì không nộp tiền phí và không có lệ trình làng, nếu người con trai là người khác làng phải đến trình báo, và làm một mâm trầu - cau - rượu; tại làng Tân Hiệp: nếu trai làng khác cưới vợ làng này thì phải dùng trầu –cau - rượu cùng với một quan tiền trình làng để làng biết; tại làng Minh Hương: làng không có bắt buộc gì mà sau khi thành hôn phải nhập hôn thú bộ nộp 0
[1]$20.
[2]Hôn nhân tuy có nhiều lễ nghi nhưng cũng tùy thuộc vào điều kiện của hai bên gia đình mà có thể xem xét giảm bớt. Song, về cơ bản vẫn phải thực hiện đầy đủ các thủ tục như sau: khi hai bên gia đình đã thăm hỏi về tuổi tác của đôi trai gái sẽ đến nhờ thầy tướng số xem tuổi
[3] có hợp hay không. Nếu đôi trai gái hợp tuổi với nhau thì đàng trai sẽ sắm sửa mâm trầu - cau - rượu và nhờ một người thân thiết với bên đàng gái đến nhà đàng gái mai mối. Người làm mai có thể là đàn ông hay đàn bà đều được, nhưng phải là người có uy tín, đức vọng, có vợ/chồng, con cái đủ đầy. Ông/bà mai không chỉ làm cầu nối giữa hai họ đi đến hôn nhân của con cái, mà còn là người hòa giải sau này nếu có việc gì trắc trở giữa vợ chồng và hai họ. Ở Hội An, ông/bà mai thường là bán chuyên nghiệp, dân gian gọi là ông/bà
mai dong. Có nhiều cặp vợ chồng trước đó chưa hề biết mặt nhau, chỉ thông qua ông/bà mai mới nên duyên vợ chồng và mãi cho đến lễ cưới mới trông rõ mặt nhau: “
Hai người trai gái, đôi bên cha mẹ đã thuận hỏi và gả cho nhau rồi nhưng khi ra đường rủi có gặp nhau thì người con gái phải che mặt đi tránh, tránh cho thật xa, không được chào nhau. Lỡ ra có nhìn nhau là bàng quan đã xầm xì chê bai”
[4].
Sau khi hai đàng đã đồng thuận, các lễ nghi chính gồm có 4 lễ: đầu tiên là lễ bỏ trầu - cau (
chạm ngõ), là ngày nhà trai gồm có cha mẹ, anh, chị hoặc ông bà, sắm lễ trầu - cau - rượu cùng ông/bà mai đến nhà gái và hai bên bàn bạc để thống nhất việc dựng vợ gả chồng cho con. Lễ này có ý nghĩa đánh tiếng về việc nhà trai đã chọn một người con gái của một gia đình nào đó. Tiếp đến là lễ hỏi (
vấn danh), lễ vật gồm có trầu - cau - rượu - trà, một đôi bông tai (
nếu gia đình khá giả thì bông tai bằng vàng, còn khó khăn thì bằng đồng xứng), trong lễ này hai bên sẽ thống nhất ngày và giờ cưới. Trong lễ hỏi của người Minh Hương, nhà trai thường soạn tờ Chánh Sính bằng chữ Hán với những lời lẽ rất trân trọng, nội dung cho biết nhà trai sẽ đi những sính lễ gồm kim ngân bao nhiêu thứ, tiền nộp cho công quỹ làng xã theo lệ, có khi các loại tiền và số lượng sẽ được thể hiện bằng nhiều hình tượng (
hình vẽ). Buổi tối trước ngày cưới, cô dâu/chú rể người làng Minh Hương thường về nhà của vợ/chồng mình lạy thưa cha mẹ, ông bà xin ngày mai được tiến hành hôn lễ.
Sau đó là lễ thỉnh kỳ của nhà trai gồm cha mẹ hoặc anh em khoảng từ ba đến năm người, có ông/bà mai cùng đến nhà gái, hai bên gặp gỡ cùng bàn bạc, rà soát lại công việc chuẩn bị hôn lễ để đi đến thống nhất thực hiện. Đặc biệt, tại lễ này nhà trai trao tay đầy đủ vật dẫn cưới như tiền heo, tiền giẻ, vật sính lễ (
ruộng, vườn, nhà...) theo đúng như lời ghi trong “hôn thơ” trước đó. Tiền “heo” là để nhà gái làm mâm cổ cúng ông bà và đãi họ hàng, tiền “giẻ” để cô dâu sắm sửa áo quần trong ngày cưới. Lễ này thường diễn ra trước lễ cưới khoảng 10 ngày. Cuối cùng là lễ cưới, thời gian tổ chức thường vào ban đêm, nhà trai chủ động sắp xếp thời gian để làm sao vào nhà gái đúng giờ đã quy định. Lễ vật đem đến gồm có trầu - cau - rượu - trà - đèn giác/trầm để làm lễ cúng. Lễ vật dẫn cưới được đựng vào những cái hộp tròn, sơn màu đỏ (
gọi là quả)
, trên phủ khăn đỏ có chữ song hỉ, thường được chia thành 5 quả, gồm trầu - cau, kim - ngân, trà - rượu, đèn - giác/trầm, nem - chả chia cho đội ngũ bưng quả, những người bưng quả mặc trang phục khăn đóng áo dài, là những người lớn tuổi, gia đình hòa thuận, con cái đủ đầy.
Đến năm 1970, cưới hỏi ở Hội An không còn ông/bà mai, hai bên nhà trai gái tự tìm hiểu nhau, tiệc cưới được tổ chức đơn giản, chỉ có 2 mâm quả là trầu cau rượu và tiền sính lễ. Đội ngũ bưng quả cũng dần dần trẻ hóa và cũng không còn tục lệ mặc áo dài khăn đóng nữa. Về trang phục của cô dâu chú rể chỉ mặc áo dài khăn đóng, trùm khăn voan.
Về phương tiện vận chuyển trong lễ cưới thường sử dụng xe kéo, chỉ có những gia đình khá giả mới đi xe ô tô. Nhà trai mang lễ vật đến nhà gái thực hiện các nghi lễ, sau khi hoàn tất thì nhà trai ra về, chỉ có chú rể và ông/bà mai ở lại để cùng đi với họ nhà gái - đưa dâu/dẫn dâu. Riêng cha, mẹ cô dâu không đi cùng đoàn mà đi riêng đến sau. Việc đưa rước dâu về nhà trai, vào nhà cũng phải theo đúng giờ đã định từ trước. Có tục lệ nếu cô dâu có thai trước thì phải gửi rể hoặc nếu rước thì phải đi vào nhà trai bằng ngõ sau, rồi đi từ dưới bếp lên để vào nhà. Sau phần nghi lễ là trao quà cưới cho cô dâu chú rể của ông/bà, đại diện bên nội, bên ngoại của cả hai bên và các bác, chú, cô, cậu dì, anh chị em của cô dâu, chú rể. Thông thường họ nhà gái cho trước, họ nhà trai cho sau. Tiếp theo là phần tiệc mừng của họ nhà trai cùng họ nhà gái. Về thời gian diễn ra lễ cưới thường không trùng đám với nhau, tránh “
đụng đầu” nhằm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người đi dự lễ cưới. Người ta không mời thiệp mà chỉ mời miệng, đôi khi không mời nhưng người quen biết vẫn đến chúc mừng gia đình, tặng quà như rượu, trà và gia đình cũng không đãi tiệc, chỉ có thiết đãi hội thân trong gia đình, bà con có bữa cơm thân mật chứ không đãi bạn bè nhiều, khách mời cũng tầm khoảng 20 đến 30 người. Trong lễ cưới, người ta thường thắp đèn mà không thắp nhang, vì dân gian quan niệm rằng hương thì tàn mà đèn thì không tàn, mà tàn tức là xấu. Khi động phòng, người chồng phải đợi người vợ cởi áo dài ra treo lên, thì khi đó người chồng cởi áo ngoài ra tròng lên trên áo người vợ, dân gian gọi là “đè đầu vợ”. Sau khi lễ cưới kết thúc, sau 3 ngày thì làm lễ phản diện (
còn gọi là lễ lại quả), cha mẹ chồng sắm một lễ nhỏ gồm: bánh, rượu, trà, đi cùng cô dâu, chú rể, ông/bà mai đến nhà gái, lễ vật này đặt lên bàn thờ cúng ông bà/tổ tiên bên nhà gái để tạ ơn.
Đối với cộng đồng người Hoa, khi cô dâu chú rể ra mắt họ hàng và nhận quà từ người thân, người Hoa có tục lệ để hai chiếc ghế cho ông bà, chú bác (
người cao niên) ngồi và cô dâu - chú rể dâng trà kính mời ông bà, sau đó ông bà tặng quà cho hai cháu. Đặc biệt còn có lễ tục “
lữ hành kết hôn”, đó là hai bên giao ước với nhau xong thì chú rể mang hành trang lên xe cho đầy đủ, tới nhà cô dâu làm lễ, cô dâu - chú rể lên xe chở ra sân bay đi đâu đó du lịch (
những gia đình giàu có khoảng năm 1950 đi “pha da đình ấp”, gọi là hưởng tuần trăng mật).
Có thể nói, dù trải qua thời gian, với những biến động về thời cuộc, đã có những nghi lễ đã được tinh giảm đi dần nhưng những tục lệ quan trọng trong hôn nhân cơ bản hiện nay vẫn được gìn giữ, duy trì bởi lẽ hôn nhân là một việc trọng đại của đời người. Những lễ nghi trong hôn nhân là điều cần thiết để tạo nên một gia đình tương đối toàn diện và duy trì được thuần phong mỹ tục, giúp các cặp vợ chồng hiểu rõ hơn về ý nghĩa của hôn nhân, từ đó vun đắp yêu thương, có trách nhiệm với nhau trong cuộc sống hôn nhân.