Một số tư liệu Hán Nôm về làng gốm Thanh Hà - Hội An

Thứ ba - 04/09/2018 03:53
Sự phát triển của làng gốm Thanh Hà gắn liền với sự phát triển của Đô thị - thương cảng Hội An nói riêng, xứ Quảng nói chung. Cũng giống như sự có mặt của một số làng nghề thủ công khác, sự có mặt của làng gốm Thanh Hà là một minh chứng cụ thể về quá trình đô thị hóa và sự phát triển của nền sản xuất kinh tế hàng hóa ở Hội An, xứ Quảng ngay từ thời các Chúa Nguyễn. Một số tư liệu Hán Nôm giúp ta xác định thực tế này.
         Tư liệu sớm nhất liên quan đến nghề gốm Thanh Hà mà chúng tôi được biết cho đến nay là một ghi chép trong cuốn sổ ngân lễ làng Minh Hương năm Đinh Mão (1747). Trong đó có ghi lại việc viên chức làng Minh Hương cử người đến Thanh Hà (清 霞) mua bảy chiếc chậu để trồng một số loài hoa quý biếu quan Cai Án kiêm Tri Tàu Vụ. Điều này cho thấy, muộn nhất cũng vào giữa thế kỷ XVIII, cách đây hơn 270 năm, đồ gốm Thanh Hà đã có thương hiệu vì không dễ gì mà làng Minh Hương chọn chậu gốm Thanh Hà để trồng hoa tặng các quan.

          Một cuốn địa chí khá sớm của triều Nguyễn được viết vào đầu đời Gia Long (1806) là Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, trong đó có đoạn ghi: “... 742 tầm, bên Nam chạy dọc theo phù sa của sông, bên Bắc là dân cư xã Thanh Hà, dân ở đây chuyên làm nghề đúc gạch ngói, làm đồ gốm và nấu vôi trắng, đến nền cũ miếu Bát Vị, ở địa phận xã Thanh Hà”.

          Như vậy, đến đầu thế kỷ XIX làng gốm Thanh Hà đã đi vào hoạt động chuyên nghiệp, ổn định với các nghề làm gạch ngói, làm đồ gốm, nung vôi. Đây là các nghề thủ công làm nên danh tiếng một thời của làng Thanh Hà trong các thế kỷ trước đây. Gạch ngói, vôi Thanh Hà là những vật liệu chính (cùng với gỗ) để xây dựng các công trình ở phố Hội An và các vùng lân cận. Gạch ngói Quảng Nam, trong đó có gạch ngói Thanh Hà cũng đã được triều Nguyễn huy động để xây dựng cung đình Huế, điều này chứng tỏ uy tín của sản phẩm gạch ngói Thanh Hà, xứ Quảng. Đại Nam Thực lục, bộ chính sử đồ sộ nhất của triều Nguyễn, phần về đời Gia Long cho biết, từ năm 1803, để chuẩn bị xây dựng miếu điện, Gia Long đã: “... Sai các địa phương đều chở vật liệu đá, gỗ sản ở địa phương đến nộp (Nghệ An thì gỗ lim, Gia Định thì ván gỗ, Thanh Hóa thì đá lát, Quảng Ngãi thì mật bọt, Quảng Nam thì gạch ngói, Bắc Thành thì son, sơn và vàng quỳ”.

        Nghề gốm Thanh Hà đã cung cấp các sản phẩm phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của cư dân địa phương cũng như nhu cầu trao đổi, buôn bán tại chỗ và xuất khẩu. Chủng loại đồ gốm Thanh Hà trước đây khá phong phú, một số loại trong chúng đã được tìm thấy ở Nhật Bản và một số nước trong khu vực. Đồ gốm ở đây ngoài loại gốm đỏ còn có gốm sành và gốm men đơn sắc như nâu, vàng chanh... Trong các tư liệu văn khế mua bán đất đai của làng Thanh Hà xuất hiện các từ: Cương lô (  炉), Diêu lô (窑 炉). Có thể hiểu đó là các lò gốm xanh (đồ sành) và các lò gốm đỏ (đồ gốm) theo cách gọi dân gian.

          Đặc biệt, tư liệu thư tịch cũng cho biết, làng gốm Thanh Hà từ rất sớm đã có thợ thạo nghề nấu gạch ngói lưu ly. Trong Quảng Nam xã chí thực hiện bởi Viện Viễn Đông bác cổ năm 1943, phần khai của làng Thanh Hà có liệt kê văn bằng, sắc phong ba tượng mục của làng. Đó là Võ Văn Hòa (1861), Bùi Phước Châu (1841) và Bùi Phước Thạnh (1829). Trong đó bằng tượng mục cấp cho ông Bùi Phước Thạnh năm Minh Mạng thứ 10 (1829) ghi rõ: “Do rành nghề nấu ngói và gạch lưu ly”. Phải biết rằng kỹ thuật nấu gạch, ngói lưu ly là kỹ thuật đặc biệt, không phổ biến ở các thợ người Việt. Có lẽ thợ Thanh Hà đã học kỹ thuật này từ người Hoa. Rất tiếc kỹ thuật này đến nay đã thất truyền tại địa phương.

        Đại Nam Nhất thống chí, bản Tự Đức (1848 - 1883) khi kê khai các sản vật tiêu biểu của Quảng Nam đã ghi: “Đồ gốm: Sản ở xã Thanh Hà, có hộ chuyên nghiệp”. Trong sách này, Hội An có ba sản vật được liệt kê là yến sào, bánh in đậu xanh và đồ gốm, toàn những sản vật nổi tiếng. Đây là sự tôn vinh chính thức của triều Nguyễn đối với một số sản vật của địa phương, trong đó có gốm Thanh Hà.

         Cũng cần nói rằng, tại Thanh Hà hiện lưu truyền địa danh Nam Diêu (Giao) và ngôi miếu tổ nghề có tên là Nam Diêu tổ miếu (南 窑 祖 廟). Nam Diêu là gốm của phương Nam, của người Nam trong mối tương quan với gốm phương Bắc, người Bắc. Một danh xưng có tính lịch sử gắn với sự tự hào về nghề nghiệp hiếm thấy ở địa phương khác.

         Một số tư liệu Hán Nôm như vậy để chúng ta có thể thấy được sự phát triển và tầm vóc của nghề gốm Thanh Hà trong tiến trình phát triển các nghề thủ công truyền thống của xứ Quảng nói riêng, Đàng Trong, Việt Nam nói chung.
 

Tác giả: Trần Văn An

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây