Các di tích tôn giáo, tín ngưỡng ở Hội An rất đa dạng, phong phú về loại hình và hình thức kiến trúc, tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ đề cập đến tên gọi của một số di tích trong dân gian ở Hội An có sự khác biệt giữa tên gọi di tích và đối tượng được thờ tự bên trong di tích.
Các loại hình di tích tôn giáo, tín ngưỡng tiêu biểu ở Hội An: đình, chùa, miếu, lăng, hội quán, văn chỉ. Dưới đây là quy ước về các loại hình di tích này và đối tượng được thờ tự bên trong di tích
([1]):
- Đình: là nơi thờ Thành hoàng, các vị Thần bảo hộ dân làng theo quan niệm của người Việt xưa. Thành hoàng là người có công với dân, với nước, lập làng. Ngoài ra, đình còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động của cộng đồng làng xã
(lễ hội, văn hóa, văn nghệ), là nơi hội họp của người dân… dưới thời phong kiến. Đặc biệt ở Hội An, trong đình còn thờ các bậc “tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ”, phối thờ thêm nhiều vị thần khác, cả Nữ thần liên quan đến người Chăm như bà Thiên Y A Na; thờ âm linh. Và một điều đặc biệt nữa, ngoài ngôi đình chung của làng còn có thêm đình ấp.
- Chùa: là nơi thờ Phật, cơ sở hoạt động, truyền bá Phật giáo, là nơi sinh hoạt, tu tập và thuyết giảng Phật pháp của sư tăng, ni. Chùa cũng là nơi các tín đồ Phật giáo đến chiêm bái, thực hành các nghi lễ, nghe giảng đạo… Chùa luôn mở rộng cửa chào đón tất cả mọi người đến tham quan, vãn cảnh.
- Miếu: là nơi quỷ thần an ngự. Loại hình di tích này chiếm số lượng khá nhiều trong hệ thống công trình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng ở Hội An, có quy mô, hình thức và đối tượng thờ tự khác nhau. Ngoài miếu thờ Ngũ Hành, thờ cô hồn - âm linh chiếm đa số, còn có miếu thờ tổ nghề, thờ thổ thần - ông địa, thờ các bậc thánh hiền - các vị nho học, thờ Quan Công, thờ Bạch Mã Thái Giám, thờ Lục vị, thờ Thần Nông, chúa Mộc, thờ bà Mụ liên quan đến việc sinh nở.
- Lăng: là nơi chôn cất thi hài các bậc vua chúa, quan lại, vĩ nhân, là công trình kiến trúc được xây dựng quanh nơi chôn cất người chết. Về tính chất, lăng vừa là nơi chôn cất xương cốt, vừa là nơi thờ tự. Với các làng nghề đánh bắt trên biển, khi cá Ông lụy dạt vào bờ, người ta xây dựng một công trình kiến trúc riêng biệt, lấy xương cốt đem thờ bên trong, gọi là lăng Ông.
- Hội quán
(của người Hoa): là nơi hội họp của người trong bang, nơi để cộng đồng người Hoa tha hương gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn; là nơi bang trưởng làm việc, giải quyết công việc nội bộ; nơi thờ Thiên Hậu và nhiều vị thần linh theo tín ngưỡng dân gian của người Hoa, là nơi sinh hoạt tế lễ hàng năm của các cộng đồng dân cư trong bang.
- Văn chỉ: là di tích tín ngưỡng liên quan đến Nho học, thờ Khổng Tử và những bậc Tiên Nho, các nhà khoa bảng tại các làng, xã của địa phương.
Theo trên, chỉ các di tích có thờ Phật bên trong mới được gọi là chùa. Tuy nhiên, trong thực tế ở Hội An, nhiều di tích tín ngưỡng không thờ Phật vẫn được người dân quen gọi là chùa, có thể kể đến: Chùa Cầu, chùa Âm Bổn, chùa Lễ Nghĩa, chùa Ông… Các hội quán của người Hoa không thờ Phật mà chỉ thờ các vị Thần, Thiên Hậu Thánh mẫu, anh linh…
(trong hội quán Phúc Kiến và Ngũ Bang có phối thờ Quán Thế Âm Bồ Tát, tuy nhiên mới được đưa vào thờ tự trong thời gian gần đây, trước đó không hề có), nhưng người dân vẫn quen gọi các hội quán này là chùa. Quan Công miếu thờ Quan Thánh đế quân, rất nhiều người dân địa phương biết điều này, bởi phần lớn họ đã từng tham gia lễ vía Quan Thánh vào ngày 24/6 ÂL hằng năm, tuy nhiên, khi nhắc đến di tích này, họ luôn gọi bằng cái tên “chùa Ông”. Hay điển hình nhất là Chùa Cầu, bên trong công trình kiến trúc gắn liền với cầu thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ nhằm cầu mong sự bình an, ổn định về địa thế, phong thổ của Hội An. Như vậy, đúng ra đây phải gọi là miếu chứ không phải chùa, nhưng người dân quen thuộc với tên gọi này từ rất lâu rồi, bởi câu “thượng Chùa Cầu, hạ Âm Bổn” đã được lưu truyền từ xa xưa. Trong “Quảng Nam xã chí” của Viện Viễn Đông Bác Cổ
([2]), khi mô tả phường đệ nhị Minh Hương có viết:
“Chùa Quan Thánh lập thì còn di chỉ có bia có bản để lại rõ ràng… Làng này còn có một ngôi chùa, gọi là chùa Cầu”.
Có thể nhận thấy rằng, các di tích tín ngưỡng bị đồng nhất với chùa đều là di tích có liên quan đến cộng đồng người Hoa hoặc người làng Minh Hương, là các hội quán, miếu Quan Công, Chùa Cầu. Chùa Cầu do người Nhật xây dựng nhưng qua thời gian dài đã được trùng tu nhiều lần, dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt, Hoa. Hiện tượng đồng nhất một số cơ sở thờ cúng, thờ Thần với chùa không chỉ xảy ra ở Hội An mà còn với các địa phương khác có cộng đồng người Hoa cùng chung sống, mặc dù người Hoa hay lập miếu thờ Ông
(Quan Thánh), thờ Bà
(Thiên Hậu Thánh mẫu) chứ hiếm khi lập chùa thờ Phật. Ví dụ, chùa Bà Thiên Hậu
(còn gọi là chùa Bà Chợ Lớn) ở quận 5, Sài Gòn có tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, vị thần được thờ chính là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Trong khu Chợ Lớn còn có chùa Ông Bổn, thực ra đây là miếu Nhị Phủ
(trước đó gọi là Hội quán Nhị Phủ), do người ở tỉnh Phúc Kiến đến đây mưu sinh, lập nghiệp xây dựng nên, đối tượng thờ tự chính là Ông Bổn
(Bổn Đầu Công), một vị thần bảo vệ đất đai và con người. Ngoài ra còn có chùa Ông
(còn gọi là miếu Quan Đế hay Nghĩa An hội quán do người Triều Châu xây dựng để thờ Quan Công), chùa Ngọc Hoàng
(còn gọi là Ngọc Hoàng điện, tên chữ là Phước Hải tự, đây là điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và phối thờ nhiều vị thần khác)… Hay ở vùng đất Cà Mau xa xôi, cộng đồng người Hoa xây miếu thờ bà Thiên Hậu, người dân địa phương lại quen gọi là chùa Bà Mã Châu.
Việc dùng phổ biến từ “chùa” để gọi các cơ sở thờ thần, thánh trong dân gian có lẽ là do đạo Phật xâm nhập sâu rộng vào đời sống tinh thần của cư dân, cách nhìn nhận có tính linh hoạt của cư dân trước các hiện tượng thờ tự, nhưng cần phải tìm hiểu sâu hơn để có thể khẳng định cho lý giải này. Có ý kiến cho rằng, người Việt không quen sử dụng từ “miếu” mà chỉ quen dùng từ “chùa” với ý nguyện nâng giá trị tâm linh của miếu lên một bậc
([3]). Nếu vậy, câu hỏi đặt ra là: tại sao việc gọi “chùa” thay cho “miếu” hoặc “hội quán” chỉ xảy ra với các di tích của người Hoa hoặc người làng Minh Hương mà không thấy xảy ra với các di tích thuần Việt? Hay bởi các di tích này thường có quy mô khá lớn, tương đương với quy mô của một ngôi chùa? Ở Hội An, người dân có thể gọi nhầm giữa lăng và miếu, nhưng tuyệt nhiên chưa thấy gọi nhầm một ngôi đình, miếu, lăng của người Việt thành “chùa” bao giờ
(trong “Quảng Nam xã chí” (sđd) có nhắc đến “chùa Âm linh” ở làng An Mỹ và làng Thanh Nam, tuy nhiên, đến ngày nay, người dân ở đây đều gọi là miếu Âm linh chứ không ai gọi là chùa Âm linh nữa).
Một khái niệm nữa liên quan đến kiến trúc Phật giáo, đó là tam quan. Tam quan có nghĩa là cổng có 3 lối vào
(chùa), mang ý niệm "ba cách nhìn" của Phật giáo gồm có "giả quan", "không quan" và "trung quan"
([4]). Như vậy, có thể nói rằng tam quan là một hạng mục kiến trúc gắn liền với các công trình kiến trúc Phật giáo. Một số di tích tín ngưỡng ở nước ta, cụ thể là Hội An vẫn có lối vào được làm theo hình thức tam quan, như đình, miếu,… tương tự cả về quy mô lẫn hình thức kiến trúc, tuy nhiên nó không mang ý niệm "ba cách nhìn" của Phật giáo bởi đối tượng thờ tự bên trong không phải là các vị Phật. Theo Giáo sư mỹ thuật Trần Lâm Biền, “tam quan” gắn với chùa, còn “nghi môn” thường gắn với đình, đền
([5]).
Nếu hiểu theo nghĩa này thì tên gọi “Tam quan chùa Bà Mụ” có nhiều điều phải suy ngẫm. Thứ nhất, chùa Bà Mụ là tên người dân địa phương thường gọi
(tục danh) cho công trình kiến trúc tín ngưỡng cung Cẩm Hà và cung Hải Bình
(tên tự) của cộng đồng người Minh Hương tại Hội An. Cung Cẩm Hà thờ chính là Bảo Sinh
(Sanh) Đại Đế, phối thờ thêm tam thập lục tướng; cung Hải Bình thờ Thiên Hậu và phối thờ 12 bà mụ. Như vậy, 2 cung này không có thờ Phật nên gọi “chùa” là không chính xác, mà phải gọi là “miếu”. Thứ hai, vì đây không phải là chùa, nên gọi cổng vào là “tam quan” trở nên không phù hợp. Có lẽ tên gọi chùa Bà Mụ đã có từ trước khi làng Minh Hương bàn giao 2 cung này cho Tỉnh hội Phật giáo làm trường Bồ Đề vào năm 1965
(bây giờ là trường Nguyễn Duy Hiệu, do 2 cung này xuống cấp, không có kinh phí tu bổ công trình), bởi thực tế hiện nay nhiều người biết đến địa danh này là “chùa Bà Mụ” hơn là “trường Bồ Đề”.
Một hiện tượng khá phổ biến nữa, xảy ra ở nhiều địa phương tại Hội An là việc gọi “miếu”
(do cư dân địa phương xây dựng) thành “lăng”. Mỗi xóm, ấp đều có xây dựng miếu, lăng gắn với tín ngưỡng của cư dân địa phương với quy mô khác nhau, sự phân biệt giữa hai lại hình này có phần linh hoạt.
Trong Quảng Nam xã chí
(sđd), nhiều di tích được mô tả là lăng, nhưng thực ra là miếu:
“
Tại làng Cẩm Phô có lăng ông Thái Giám, có thể gọi là cổ tích… Trong lăng Ngũ Hành tại ấp Châu Trung có một cái cốt đầu ông Hổ”. (Làng và phường Cẩm Phô)
“… Ngày này làng tế luôn nơi lăng ông Thành Hoàng… Về lăng ông Thần Nông, thì mỗi năm tế một kỳ…”. (Làng Sơn Phô)
“
Làng này có một ngôi đình và các lăng Ngũ Hành, Thành Hoàng, Thiên Tiên, Thái Giám, đều hội tế mỗi năm tế tại đình 4 kỳ”. (Làng An Mỹ)
Hiện tượng này xảy ra phổ biến nhất là ở xã đảo Tân Hiệp. Nhiều ngôi miếu ở đây có các đối tượng thờ tự khác nhau như Thổ thần, Bà Mộc, Bà Mụ… vẫn được gọi là lăng. Hay như đình Tiền hiền Tân Hiệp, thờ các bậc tiền hiền, hậu hiền có công lập nên làng xã, người dân gọi là “lăng Tiền hiền” chứ không gọi “đình Tiền hiền”. Miếu thờ Ngũ Hành Tiên nương ở một số địa phương như Tân Hiệp, Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm An, người dân đều quen gọi là lăng
(Bà). Có thể nhận thấy, nhiều địa phương có hiện tượng này, nhưng mức độ nhiều hơn cả là ở những vùng có liên quan đến nghề đánh bắt sông nước, làng chài, có tục thờ cá Ông như Cẩm An, Tân Hiệp. Một số điểm thờ cúng lớn hơn miếu, thờ thần được người dân gọi là lăng, tuy nhiên, việc gọi “miếu” thành “lăng” có lẽ không liên quan đến quy mô, hình thức kiến trúc của di tích, bởi hình thức kiến trúc lăng, miếu ở Hội An không có quá nhiều khác biệt, nhiều ngôi miếu có quy mô rất khiêm tốn vẫn được người dân gọi là “lăng”.
Ở khối Tân Thịnh, phường Cẩm An có ngôi miếu Hội Đồng đã bị tháo dỡ từ lâu, nay đang được người dân địa phương phục dựng, tên gọi dân gian là lăng miếu Hội
(còn có tên khác là lăng miếu Cả, lăng Hội Đồng). Theo hồi cố của các vị cao niên trong vùng, đây là một cụm 3 lăng gồm: giữa là lăng thờ Thành hoàng và các vị tiền hiền, hai bên tả hữu là hai lăng thờ Ông và Bà
(không xác định cụ thể chủ thể thờ cúng). Đây là một trường hợp hy hữu, tên gọi này khá thú vị, vừa là “lăng” vừa là “miếu”. Qua đây cũng có thể thấy rằng, hiện tượng không phân biệt rõ giữa lăng và miếu diễn ra khá sâu rộng trong các cộng đồng cư dân địa phương.
Cho đến nay, vẫn chưa có công trình nghiên cứu cụ thể về sự khác biệt giữa tên gọi di tích và đối tượng được thờ tự bên trong di tích, có lý giải hợp lý cho hiện tượng này ở Hội An. Tên gọi di tích là yếu tố khá quan trọng trong việc tìm hiểu, nghiên cứu về di tích đối với người làm công tác bảo tồn di sản, tuy nhiên, đối với người dân, họ lại không mấy đặt nặng vấn đề này. Như nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Bội Liên đã đề cập: “
Đến Hội An đều nghe người ta gọi là Chùa hết thảy các công trình kiến trúc thờ phụng nằm trên đường Trần Phú hiện nay như: Chùa Ông Bổn, Chùa Phúc Kiến, Chùa Ông, … nhưng thực ra đây là những ngôi miếu thờ thần, nó không phải là Chùa như người ta hiều theo tiếngViệt. Song ở đây đã hình thành một từ thông dụng mà lúc nói người ta không cần hiểu theo nghĩa chính của nó nữa”
([6]). Không cần phải phân biệt quá rạch ròi giữa hội quán, miếu với chùa, hay miếu với lăng, đó chính là biểu hiện sự linh hoạt cởi mở, không câu nệ của cư dân địa phương, bởi sâu trong tâm thức, các công trình kiến trúc tín ngưỡng này đều chiếm một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt tín ngưỡng, tinh thần của họ./.