Tục đập nước của cộng đồng cư dân làm nghề sông nước ở xã Cẩm Hà

Chủ nhật - 18/11/2018 21:51
Cẩm Hà là xã nằm về phía Bắc thành phố Hội An, có nguồn tài nguyên đất đa dạng cùng với hệ thống sông ngòi, bàu, đầm phong phú. Dòng sông Để Võng, đoạn chảy qua Cẩm Hà, và những dòng chảy cổ từng tồn tại ở đây, hàng năm bồi đắp lượng phù sa màu mỡ là điều kiện thuận lợi để Cẩm Hà hình thành và phát triển nghề nông với việc trồng các loại rau, hoa màu, cây lương thực và gần đây là cây quật cảnh. Vì thế, hiện nay khi nhắc đến Cẩm Hà người ta liên tưởng ngay đến hai thương hiệu nổi tiếng ở Hội An, đó là “Rau Trà Quế” và “Quật Cẩm Hà”. Bên cạnh nghề nông, trong lịch sử nghề đánh bắt thủy sản trên môi trường sông nước cũng là một trong những nghề chính của cộng đồng cư dân ở đây.
       Với diện tích mặt nước lợ khá lớn thuộc nhiều dạng địa hình như sông ngòi, đầm, bàu,… nên nghề đánh bắt trên môi trường sông nước ở Cẩm Hà phát triển đa dạng với nghề nò, đó, nhũi, nơm, chươm, đăng, trễ, mò, rập cua, lưới bén,… Trước đây, Cẩm Hà là một trong những nơi cung cấp nguồn ngư phẩm nước lợ cho cộng đồng cư dân cả vùng Hội An.

       Gắn liền với nghề nghiệp của cộng đồng cư dân là những phong tục, tập quán đặc trưng. Đối với cộng đồng cư dân làm nghề đánh bắt trên môi trường sông nước ở Cẩm Hà có tục đập nước, một trong những tục lệ đặc trưng riêng có ở nơi đây mà chủ thể là cộng đồng cư dân làm nghề sông nước ở ấp Đồng Nà và ấp Trà Quế làng Thanh Hà xưa (nay là thôn Đồng Nà và thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà).

        Theo một số cụ cao niên làm nghề sông nước ở xã Cẩm Hà, tục đập nước đã có từ khá lâu tại địa phương. Ông Ngô Quốc Sách năm nay 75 tuổi, sống ở thôn Đồng Nà cho hay, khi còn nhỏ ông thường xuyên tham gia thực hiện tục lệ này của địa phương. Tuy nhiên, từ những năm 80 thế kỷ 20 đến nay thì không còn duy trì nữa.

        Tục đập nước được diễn ra vào ngày mồng 3 Tết Nguyên đán. Đây được xem như là ngày hội của cả xóm. Vào ngày này, gần như dân cả xóm tập trung tại bến sông ở Đồng Nà, Để Võng để cùng tham gia.

       Theo kinh nghiệm của người dân tại địa phương, dịp tết Nguyên đán, đa số hộ làm nghề đánh bắt thủy sản nghỉ ngơi nên vào những ngày đầu xuân sông sẽ có nhiều cá, tôm. Dân gian gọi những ngày này có nhiều cá “dọng” (tức là cá đi nhiều). Sau dịp nghỉ tết, việc đánh đánh bắt trên sông nước bắt đầu lại nên không còn nhiều cá tôm. Từ những lý do đó, tục đập nước chỉ diễn ra một năm một lần, bắt đầu vào ngày mồng 3 đến mồng 4 Tết. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể hàng năm có khi kéo dài thêm đến ngày mồng 5 Tết.

       Theo quan niệm của cộng đồng cư dân sông nước, thời điểm bắt đầu cho hoạt động hành nghề của một năm là rất quan trọng. Với mục đích nhằm tưởng nhớ, tạ ơn các vị thần linh, cầu mong sự an lành, tốt đẹp trong năm mới nên trước khi tiến hành hoạt động đập nước, người dân chuẩn bị một mâm lễ vật    đặt trên mũi ghe, thắp hương cúng vái xong rồi mới xuống sông đập nước đuổi cá.

        Phương tiện, công cụ chính dùng cho hoạt động đập nước là ghe, sáo[1] và dạy[2]. Ghe là loại ghe nhỏ, số lượng từ 5 đến 10 chiếc, có khi nhiều lên đến 20 chiếc, tùy theo lượng người tham gia. Ngoài phương tiện là ghe thì các bức sáo được xem là công cụ chính yếu. Để bắt đầu cho hoạt động đập đuổi cá, các tấm sáo được giăng thành hình chữ V, phần phía dưới chữ V giăng sáo thành hình vòng cung, trên các bức sáo được bao tùng[3] và treo dạy. Sau khi hoàn tất việc này thì các ghe tiến hành hoạt động đập, đuổi cá. Trên mỗi ghe có hai người, một người vừa chống ghe đi vừa dùng cây sào đập mạnh xuống nước, một người ngồi trên ghe dùng cây dầm hoặc tấm ván gõ vào ghe tạo nên nhiều âm thanh để đuổi cá dồn về phía các tấm sáo. Bắt đầu từ phía dưới (hướng Đông) các ghe đập, đuổi cá lên phía trên (hướng Tây) dồn vào các tấm sáo đã được giăng. Sau khi các ghe đã về tới vị trí các tấm sáo, người dân sẽ sử dụng một số tấm sáo để chắn phần hình vòng cung còn lại ngăn không cho cá ra ngoài. Sau đó, tiếp tục đập đuổi để cá nhảy vào dạy và dùng vợt hoặc tay để bắt cá. Loại cá bắt được chủ yếu là cá trảnh, cá rằn, cá đối, cá dìa, cá hanh,…

       Thực hiện tục đập nước này thường có khoảng từ 5 đến 10 chủ ghe tham gia, chủ yếu là những người làm nghề chươm, đăng, nò…. Họ làm chung, cá bắt được sẽ đem bán rồi chia đều cho nhau. Ngoài những người tham gia trong hoạt động đập, đuổi bắt cá còn có một số người dùng nơm để bắt cá ngoài khu vực giăng sáo.

       Trước đây, với những người làm nghề sông nước, đây được coi là hoạt động khởi đầu cho một năm đánh bắt mới, dân gian gọi là hoạt động làm mở hàng đầu năm. Sau khi tục lệ này diễn ra, những người làm nghề sông nước mới bắt đầu hành nghề đánh bắt.

      Trong không khí của những ngày đầu xuân, hoạt động đập nước được xem như ngày hội của cả vùng. Vào dịp này, tại bến sông Để Võng, kẻ trên bờ, người dưới sông, kẻ gõ, người đập, cùng với sự reo hò của những người xem tạo nên không khí sôi nổi, hào hứng trong cộng đồng vào đầu năm mới.

      Tục đập nước của cộng đồng cư dân xã Cẩm Hà trong lịch sử là một tục lệ rất đặc trưng của ngư dân vùng sông nước này, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là hoạt động mang tính tập thể, gắn kết cộng đồng. Trải qua thời gian cùng với sự biến thiên của lịch sử, tục lệ này dần bị mai một và cho đến hiện nay đã bị mất hẳn ký ức của người dân nơi đây về tục lệ này cũng dần phai nhạt. Vì thế hiện nay việc tìm hiểu, nghiên cứu về tục lệ đặc trưng này là rất cần thiết nhằm nhận diện thêm các giá trị và hướng đến phục hồi, phát triển phục vụ hoạt động du lịch của địa phương.
 

[1] Sáo: Dụng cụ được đan bằng những nẹp tre, liên kết bằng dây mây hoặc dây tre tạo thành từng tấm. Mỗi tấm sáo dài khoảng 5 - 7m, có thể giăng ra hoặc cuộn vào kiểu bức mành. (Theo sách “Công cụ đánh bắt sông nước Hội An”, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An (2001), Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).
[2] Dạy: Công cụ đón cá nhảy, đan bằng lưới, dùng treo trên đầu các hàng đăng, sáo tạo thành võng để đón bắt cá. (Theo sách “Công cụ đánh bắt sông nước Hội An”, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An (2001), Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).
[3] Tùng: Một bộ phận của giàn đăng hình bán nguyệt để đón giữ cá. (Theo sách “Công cụ đánh bắt sông nước Hội An”, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An (2001), Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).
 
 

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây