Nghề Trễ ở xã Cẩm Hà

Thứ hai - 26/11/2018 23:04
Với địa hình vùng cửa sông, ven biển là môi trường gặp gỡ, chuyển tiếp giữa biển cả bên ngoài và các nguồn sông suối ở sâu trong nội địa, vì thế diện tích mặt nước lợ ở Hội An tương đối lớn, thuộc các nhánh sông, hói, đầm, vũng… Từ tính chất sông ngòi đa dạng làm nên sự phong phú của môi trường sinh thái, của nguồn thuỷ hải sản và cũng từ đó làm nên sự đa dạng của các nhóm nghề đánh bắt sông nước truyền thống trên môi trường nước lợ ở Hội An.
         Nằm trong địa hình chung của Hội An, Cẩm Hà là một trong những xã có địa hình sông nước cũng rất phù hợp để phát triển nhóm nghề đánh bắt trên môi trường nước lợ, với một số nghề chính như chươm, đăng, trễ, trũ, nò, nơm, lưới bén,… Trong đó, nghề trễ là một nghề truyền thống đặc trưng của Cẩm Hà, vì thế khi nhắc đến nghề này, người ta nghĩ ngay đến địa danh Bến Trễ của xã Cẩm Hà. Bởi lẽ, trước đây ở Cẩm Hà có một xóm chuyên làm nghề trễ, từ đó ra đời địa danh Bến Trễ và địa danh này vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay mặc dù nghề trễ đã đi vào dĩ vãng.

        Nghề trễ hay còn gọi là nghề rà tôm, sản phẩm gần như duy nhất của nghề là tôm đất. Ở Cẩm Hà, vào khoảng những năm 1950 nghề này cùng với nghề trũ cá bống là hai nghề phát triển nhất. Trước đây, hầu như mỗi gia đình làm nghề trễ có từ một đến hai chiếc sõng để làm nghề trễ. Đến khoảng năm 1965, nghề này ít dần và đến sau 1975 ở đây chỉ còn 3 hộ làm nghề trễ là ông Lê Dậu (ông Nhơn), ông Bùi Nhứt (ông Mười Ruộng), bà Huỳnh Thị Hí (bà Được) và đến khoảng những năm 1990 nghề này dần mất hẳn và không còn ai làm nữa.

        Trước đây, trên địa bàn thành phố Hội An, ngoài xã Cẩm Hà còn có xã Cẩm Thanh (thôn Vạn Lăng hiện nay) cũng làm nghề này nhưng ít người làm hơn so với xã Cẩm Hà. Ở Cẩm Hà nghề này được làm tập trung ở thôn Bến Trễ, Đồng Nà và Trà Quế (hiện nay).

       Công cụ chính của nghề trễ là chiếc sõng. Sõng là chiếc ghe được đóng bằng gỗ, thân dài, mình nhỏ, với kích thước chiều dài khoảng 7m, chiều rộng 0,5m, có 7 khoang. Sõng có nhiều bộ phận như cần rà[1], đá ganh[2], đọ lái[3], đọ mũi[4], lưỡi sõng[5], nẹp[6], roi[7], tay dượng[8], then[9], then mũi[10], tre ganh[11], xà bát[12], vỉ sõng[13], dây giằng[14]… (Theo sách “Công cụ đánh bắt sông nước Hội An”, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Chi hội Văn nghệ Dân gian Hội An (2001), Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội).

       Đối với những người làm nghề trễ ở Cẩm Hà trước đây thường đặt đóng sõng của ông Biền ở Cẩm Châu, nhưng chỉ đóng một chiếc sõng gỗ, còn những bộ phận khác của cái sõng do những người làm nghề tự làm thêm vào.

       Bên trong lòng sõng được bỏ nhiều dây lòng bong hoặc dây tơ hồng khô  để khi tôm nhảy vào lòng sõng bị vướng không nhảy ra ngoài. Trước đây, ở Cẩm Hà cũng có dây lòng bong nhưng không nhiều, do đó một số người làm nghề phải lên khu vực gần miền núi để hái về làm, sau này tận dụng lưới cũ để thay cho dây lòng bong.

        Một dụng cụ cũng rất quan trọng đối với nghề trễ là đèn dầu. Đèn được làm bằng ống tre hoặc ống nứa, bên trong bỏ đèn dầu (đèn vịt) có khoắc một lỗ rồi lắp vào một cái gương nhỏ để tạo ánh sáng giống đèn pin, vì lúc đó chưa có đèn pin. Đây là dụng cụ không thể thiếu khi đi hành nghề trễ. Khi thấy đèn sáng tôm sẽ nhảy vào nhiều, do đó khoang gần nơi đặt đèn sẽ có nhiều tôm nhất. Ngoài những dụng cụ trên, giỏ tre là dụng cụ cũng rất cần thiết, được đan bằng tre, dùng để đựng tôm.

        Địa bàn hoạt động của nghề trễ trước đây chủ yếu ở sông Để Võng đoạn chảy qua xã Cẩm Hà. Sau khi đập Để Võng được đắp, những người làm nghề trễ ở Cẩm Hà chuyển địa bàn đánh bắt xuống Cửa Đại hoặc vào chợ Bà, chợ Được. Nếu đi làm xa như ở Cửa Đại, chợ Bà, chợ Được thì khoảng 4h chiều bắt đầu đi làm, đến khoảng 6-7h tối bắt đầu xuống sông hành nghề, đến khoảng 3h sáng thì về. Đối với những người làm nghề trễ ở Cẩm Hà làm quanh năm và chỉ làm vào ban đêm, ban ngày làm thêm nghề trũ cá bống hoặc nghề nò, chươm, đăng… Nghề này chỉ cần một người làm và chủ yếu làm ở những nơi nước cạn, khoảng ngang bụng hoặc đầu gối. Trong quá trình làm nếu nước vào sõng nhiều thì trợt sõng lên bờ (đẩy sõng lên bờ) tát nước rồi xuống sông làm tiếp.

        Để chuẩn bị hành nghề, phải dựng cần rà lên vì khi bơi sõng đi phải tháo cần rà ra mới bơi đi được, nếu không sẽ bị vướng. Khi tiến hành làm nghề thì người làm phải lội xuống sông, dùng tay chận cần rà và đẩy sõng đi tới. Khi đó chiếc sõng sẽ nghiêng về một bên và những roi trên cần rà sẽ cọ xuống đất làm cho tôm nhảy lên vỉ sõng và nhảy vào trong lòng sõng, những dây lòng bong sẽ giữ tôm lại không cho nhảy ra ngoài. Người làm sẽ làm từ tối cho đến khi nào về thì trợt sõng lên bờ, giũ dây lòng bong và lấy tôm bỏ vào giỏ. Thường thì mỗi đêm làm được khoảng 7kg đến 8kg tôm, có hôm nhiều thì được 10kg tôm.

       Đối với nghề nào cũng có những tục lệ, kiêng cữ liên quan đến nghề và nghề trễ ở xã Cẩm Hà cũng không ngoại lệ. Những người làm nghề khi bắt đầu đi làm mở hàng cho một năm thì sắm một mâm lễ vật gồm áo giấy, gạo muối, bánh trái… đem ra bờ sông để cúng nhằm cầu mong cho việc hành nghề trong năm được thuận lợi, bình an, đánh bắt được nhiều tôm, cá. Có gia đình, mỗi khi đi làm thì có thắp hương hoặc kiêng cữ không đi làm vào những ngày rằm, mồng một trong tháng…

       Có thể thấy, cộng đồng cư dân Hội An đã rất năng động, sáng tạo, họ đã làm nên nhiều công cụ để phục vụ cho hoạt động sản xuất khi mà máy móc, công cụ hiện đại chưa có. Trong đó, những công cụ, dụng cụ được sử dụng trong nghề đánh bắt sông nước truyền thống là rất phong phú, đa dạng. Chẳng hạn như từ những chiếc sõng đơn giản họ đã hình thành nên nghề trễ rất đặc trưng và cũng rất phát triển trong một khoảng thời gian nhất định trong lịch sử. Đây được xem là nghề truyền thống đã có từ khá lâu đời ở Hội An nói chung, trong đó địa bàn hoạt động chủ yếu là của cộng đồng cư dân làm nghề sông nước ở vùng ven sông Để Võng thuộc xã Cẩm Hà. Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của xã hội, nghề trễ ở xã Cẩm Hà đã dần mai một và hiện tại đã mất hẳn. Tuy nhiên, sự tồn của nghề này trong lịch sử đã góp phần tạo nên một bức tranh hoạt động kinh tế, sản xuất ở Hội An vô cùng phong phú, đa dạng.
 
[1] Cần rà: Đoạn tre dài có gắn roi, đẩy dưới nước tạo âm thanh cho tôm nhảy vào sõng.
[2] Đá ganh: Đá buộc vào tre ganh để giữ thăng bằng cho sõng.
[3] Đọ lái: Tấm ván phẳng để ngồi bơi, nằm sau cùng của sõng.
[4] Đọ mũi: Tấm ván phẳng nằm ở trước mũi sõng.
[5] Lưỡi sõng: Mặt đáy của sõng nhìn từ phía ngoài.
[6] Nẹp: Thanh tre nằm ngoài cùng kẹp giữ dằm tre của sõng.
[7] Roi: Dụng cụ bằng tre vót tròn, vuốt đầu to, đầu nhỏ để cắm vào cần rà của sõng có tác dụng làm tôm nhảy.
[8] Tay dượng: Thanh tre kẹp đở dằm tre và có phần thừa đều nhau để buộc vào then sõng của nghề trễ.
[9] Then: Thân gỗ nằm ngang be sõng và có tác dụng chịu lực.
[10] Then mũi: Thanh gỗ nằm ngang trước mũi sõng.
[11] Tre ganh: Đoạn tre dài hơn 1m có buộc đá nằm giữa then sõng và tay dượng để giữ sõng thăng bằng.
[12] Xà bát: Dụng cụ dùng để chống đỡ cần rà.
[13] Vỉ sõng: Được đan bằng tre kẹp thành tấm vỉ cột một bên của chiếc sõng để ngăn không cho tôm nhảy ra ngoài.
[14] Dây giằng: Sợi dây dùng để cột cần rà vào khoang sõng để giữ cần rà.

Tác giả: Lệ Xuân

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây