Ở các địa phương này biển đảo là đối tượng chủ yếu của các đơn vị tục ngữ, ca dao. Biển đảo cũng đã có mặt trong nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ sưu tầm được ở các địa bàn khác của Hội An chứng tỏ ảnh hưởng sâu rộng của biển đảo trong đời sống vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân địa phương. Các đơn vị ca dao, tục ngữ về biển đảo đã góp phần quan trọng làm nên sự phong phú, đa dạng và sắc thái riêng có của kho tàng di sản văn nghệ dân gian Hội An nói riêng, xứ Quảng, Đàng Trong nói chung và mặt khác, quan trọng hơn, chúng chứng tỏ rằng từ lâu đời người dân ở đây đã có cuộc sống gắn bó máu thịt với biển đảo, không ngừng vươn ra chiếm lĩnh biển đảo để làm không gian sinh tồn và sáng tạo nên nhiều giá trị văn hóa có giá trị, trong đó có các đơn vị ca dao, tục ngữ về biển đảo.
Trước hết những câu ca dao, tục ngữ này cho thấy nhận thức, tâm thức của người dân địa phương về biển đảo mà cụ thể ở đây là biển Đông. Đối với họ, biển đảo không phải là nơi “lạ bến đậu nhờ” mà là quê hương gần gũi, thân thương, gắn bó:
- Quê ta biển bạc non vàngBiển bạc Đông Hải, non vàng Bồng Miêu- Cù Lao đảo nhỏ quê taDạt dào sóng biển thuyền ra thuyền vàoĐêm nằm ngữa mặt trông saoTrông cho biển lặng cá vào đầy ghe- Ra Lao bước tới Mồ DàiGần Khô có Lá gần Tai có NồmBiển bạc có nhiều cá tômRừng vàng tươi thắm hoa thơm bốn mùaHỏi rằng đây phải Cù LaoThưa rằng Tân Hiệp đã bao nhiêu đời[1] Qua các câu ca dao, tục ngữ trên và qua nhiều câu khác không trích dẫn ở đây ta thấy biển đảo hiện ra rất thân thương, gần gũi, gắn bó với con người, biển đảo là quê hương, quê ta, quê mình chứ không hề là môi trường xa lạ, tạm thời, là nơi sống nhờ ở đậu. Đàng sau các câu chữ là một tình yêu mãnh liệt, nồng thắm đối với quê hương, biển đảo. Biển đảo qua các sáng tác dân gian cũng hiện lên rất đỗi tươi thắm, giàu đẹp không thua kém bất cứ một miền quê nào khác. Biển bạc, rừng vàng không hề là những câu hoa ngữ, khoa trương mà rất cụ thể với các nguồn tài nguyên phong phú vốn có của mình. Biển bạc Đông Hải là một hiển hiện thực tế sau những vụ mùa bội thu tôm cá:
- Được cá làng Gành ghe mành chở gạo
Hoặc biển bạc hiện ra với những tổ chim yến quý hiếm, được xem là vàng trắng của phương Đông:
- Lao Chàm nắng đẹp ban mai
Có đàn chin yến kéo dài mùa xuân
- Rủ nhau cơm gói ra Hòn
Muốn ăn được yến phải lòn hang Khô
Cho dù biển khơi không phải lúc nào cũng trời yên gió lặng mà có lúc trái tính trái nết nhưng không vì thế mà người dân ở đây chối bỏ, xa cách biển. Họ vẫn kiên trì bám biển, dựa vào biển để sống với ước mơ biển đảo sẽ đem lại cho mình nhiều điều tốt đẹp, cuộc sống no đủ:
- Ra khơi bữa có bữa không
Lạy trời đừng để tố giông cho mình
Biển đảo là quê hương đồng thời cũng đã đem lại cho cộng đồng dân cư ở đây một cái nhìn toàn diện về sự rộng lớn, bao la của đất nước, của tổ quốc. Từ rất sớm trong ca dao tực ngữ đã hình thành quan niệm, cách nhìn về phạm vi lãnh thổ của đất nước không chỉ gồm đất đai, rừng núi, sông hồ mà còn có cả biển đảo. Đó là một chỉnh thể không thể chia cắt, tách rời.
- Sông Thu khúc lỡ, khúc bồi
Khúc mô lỡ lỡ hết khúc mô bồi bồi luôn
Trời sinh ra có biển có nguồn
Có ta có bạn bạn buồn nỗi chi
Quan niệm, nhận thức này đã được định hình và ăn sâu vào tâm thức của người dân địa phương để khi nói về quê hương họ có cái nhìn kết nối giữa núi rừng và biển đảo:
- Ngó lên trên rừng thấy cặp cu đang đá
Ngó xuống dưới biển thấy cặp cá đang đua
Biểu anh về lập miễu thờ vua
Lập lăng thờ mẹ, lập chùa thờ cha
Chữ trung chữ hiếu chữ hòa
Đố anh ba chữ thờ cha chữ nào?
- Ngó ra sông thấy vạn chèo đua
Con trùng kêu thấp tha thấm thỏm bốn mùa xuân thu
Ngó ra vườn thấy vọng tiếng chim cu
Ngó lên non thấy những bà vọng phu trông chồng
Ngó ra biển Bắc, biển Đông
Người thương ơi người thương hỡi bỏ cảnh tang bồng cho ai
“Ngó lên trên rừng ngó về dưới biển” là câu nói cửa miệng và là mô típ lặp đi lặp lại ở nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ của địa phương. Thật ra, điều này không có gì lạ khi ta đọc lại truyền thuyết Con Rồng Cháu Tiên với 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển. Đó chính là địa bàn cư trú truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, trong đó biển là môi trường mang tính cội nguồn. Có lẽ do tâm thức này mà tại địa phương có tục gát đòn đông nhà phải theo quy định “Gốc biển ngọn nguồn”, gốc của cây đòn đông phải luôn quay về hướng đông, hướng biển, ngọn quay về hướng Tây, hướng núi.
Cùng với việc thể hiện tình cảm gắn bó đối với quê hương biển đảo những đơn vị ca dao, tục ngữ nêu trên còn là sự khẳng định tư thế làm chủ của người dân địa phương đối với biển đảo nơi mình sinh sống. Các câu ca dao, tục ngữ với những địa danh cụ thể được xác định là quê mình, quê ta như Đông Hải, biển Đông, Cù Lao, hòn Khô, Lá, Tai, Nồm,... và nhiều địa danh biển đảo khác chứng tỏ chúng là những vùng biển đã được khai phá, chiến lĩnh và có chủ quyền từ lâu đời. Có thể nói đây là những tấm bản đồ xác định chủ quyền biển đảo bằng ca dao, tục ngữ.
Qua các đơn vị ca dao, tục ngữ sưu tầm được cho ta thấy rằng người dân ở đây có những hiểu biết rất sâu sắc về biển đảo chứ không phải “xa rừng nhạt biển” như một số người nhận xét. Sự hiểu biết sâu sắc này là kết quả của quá trình chung sống lâu dài và không ngừng tìm tòi, khám phá để khái quát, tập hợp thành kho trí thức đồ sộ về biển đảo được diễn đạt, thể hiện ở nhiều hình thái, loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có ca dao, tục ngữ.
Trước hết đó là những câu ca dao, tục ngữ ghi lại những kinh nghiệm về thời tiết trên biển, về đặc điểm, tính chất của biển đảo.
- Đi ra trông sao đi vào trông rú
- Nồm mưa sông giông mưa biển
- Chiều chiều mây phủ Sơn Chà
Chớp giăng Cửa Đại trời đã chuyển mưa
- Mống đóng Cù Lao không mưa chao cũng gió giật
- Sông sâu mà biển cũng sâu
Muốn ăn cá lớn giăng câu cho dài
- Lên non mới biết non cao
Có ra ngoài biển mới biết sóng chao gió nhồi
- Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn
- Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo...
Rõ ràng đây là những nhận xét, tri thức của những người từng chung sống, lặn lội với biển, rất hiểu biết về biển kể cả về đặc điểm, tiềm năng, lợi thế về cả những hiểm nguy, bất trắc do biển mang lại. Các câu ca dao, tục ngữ trên cũng cho thấy để thích ứng với biển ngoài sự đoàn kết, đồng lòng, tính gan dạ, dũng cảm dám đương đầu với sóng gió thì sự hiển biết vể biển, kỹ năng đi biển cũng hết sức quan trọng.
Đó là những tố chất, đức tính cần thiết để chung sống với biển và trở thành là dân biển thực thụ.
Ảnh hưởng và sự thâm nhập sâu sắc của biển đảo trong đời sống tinh thần của cư dân địa phương còn được thể hiện ở chỗ hình tượng biển đảo xuất hiện ở nhiều đơn vị ca dao, tục ngữ để chỉ những điều thiêng liêng cao quý, những cung bậc tình cảm; để diễn đạt tình yêu đôi lứa thủy chung cũng như sự chia ly, xa cách...
Khi nói về công ơn lớn lao của cha mẹ các tác giả dân gian địa phương đã đi từ mô thức truyền thống “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra” để có cách diễn đạt mới gắn với biển cả:
- Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày
- Ngó ra ngoài biển dờn dờn
Cửa tiền chất đống cũng không bằng công ơn cha mẹ già
Sớm mai cơm, trưa cháo chiều trà
Ơn Cù Lao chín chữ bạn mà chớ quên
Biển cả cũng đã cho ta một câu khẩu ngữ để diễn đạt công ơn sinh thành, dưỡng dục là “công ơn trời biển”. Cách diễn đạt này có chiều sâu và mang tính khái quát hơn. Rõ rang núi, sông còn có giới hạn và có thể xác định nhưng trời biển, biển cả thì thật vô hạn và mang tính thiêng liêng, làm sao có thể xác định được.
Hoặc khi nói về sự thâm sâu, khó dò của lòng người, các tác giả dân gian ở đây có cách diễn tả rất độc đáo, khác với truyền thống:
- Dò sông dò biển dễ dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người
Lòng người thăm thẳm mù khơi
Không bờ không bến biết nơi mô dò
Lòng người thăm thẳm sao đo
Ai đo dài ngắn ai dò nông sâu
Lòng người ở đây không còn được so sánh với sông sâu như truyền thống (Sông sâu còn có kẻ dò; Nào ai lấy thước mà đo lòng người) mà thay vào đó là biển khơi thăm thẳm. Hiệu quả của cách diễn đạt vì thế được tăng lên rõ rệt. Ở đây cho thấy biển đảo đã tạo nên một bước chuyển biến mới trong suy nghĩ, tâm thức của các lớp cư dân địa phương và thực tế này có thể xác định qua nhiều đơn vị ca dao tục ngữ.
Biển đảo cũng đã trở thành hình tượng trong nhiểu câu ca dao tục ngữ để diễn tả tình yêu đôi lứa với nhiều cung bậc và trạng thái khác nhau, tạo thành một nét riêng mới:
- Đêm nay anh gối tay nàng
Ngày mai ra biển anh gối đàn dây neo
Bạn hẹn với ta lên động xuống đèo
Con chim kêu trên gành đá con vượn trèo Hải Vân
Bạn hẹn với ta trên ngõ sông Ngân
Cầu cao vời vợi có cặp sóng thần bửa bao
- Một mai mai một ngó chừng
Ngó sông sông rộng ngó rừng rừng cao
Ngó ra ngoài biển ngoài Lao
Thấy thuyền anh chạy như dao cắt lòng
Ta thấy phải là những người dân biển thường xuyên hòa nhịp sống của mình với biển mới có cách diễn tả tình cảm sinh động và cụ thể đến như vậy.
Để diễn tả sự chung thủy, gắn bó trong tình yêu những câu ca dao miền biển cũng có cách diễn đạt mới mẻ, sinh động:
- Biển Đông sóng gợn cát đừa
Kết duyên chẳng đặng lên chùa đi tu
- Bao giờ bãi nọ xa gành
Cù Lao xa biển anh mới đành xa em
- Con còng nằm bực biển con còng co
Con sóng xô con còng chạy ngọn gió hò con còng lui
Lòng ta thương bạn chưa nguôi
Bạn ở sao cho nước chảy xuôi không ngừng.
- Gió Nam thổi xuống lò vôi
Ai đồn với bạn ta có đôi bạn buồn
Dời chân bước xuống ghe buôn
Sóng bao nhiêu gợn dạ chàng buồn bấy nhiêu
Cạnh buồn gió thổi xiêu xiêu
Nước mắt ra chàng chặm bốn múi dây lưng điều không khô
Sự tình thảm biết chừng mô
Con cá lui về biển Bắc bỏ chiếc nơm khô một mình
Bài ca có hai hình ảnh, hình tượng mới mẻ, đó là những chiếc ghe buôn, mà ở đây là ghe buôn biển và những cơn sóng biển được dùng để chỉ sự nhớ thương. Trong kho tàng ca dao truyền thống có câu:
- Qua đình ngã nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu
Cấu trúc câu “Bao nhiêu… bấy nhiêu” vốn phổ biến ở nhiều vùng miền, nhiều đơn vị ca dao, dân ca. Đến Hội An, Quảng Nam và nhiều địa phương có biển cấu trúc này được vận dụng với hình tượng mới là sóng biển, lòng biển để chỉ sự nhớ thương, mức độ sâu đậm của tình yêu đôi lứa. Ta thấy “đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu”, “cau bao nhiêu lóng, thương chàng bấy nhiêu”, “cầu bao nhiêu nhịp, thương nàng bấy nhiêu”, “Đồng bao nhiêu lúa, thương chồng bấy nhiều”… là những biểu tượng có hạn, có thể xác định. Sóng biển, lòng biển thì vô hạn cả về bề rộng và chiều sâu, lại là hình tượng có tính động thể hiện rõ sự dạt dào, mênh mông của tình yêu đôi lứa.
Nhìn ý kiến xác đáng khi cho rằng ca dao,tục ngữ là tấm gương phản ảnh chân thực đời sống tình cảm, cách tư duy và thái độ của các cộng đồng dân cư trong những môi trường và điều kiện sống cụ thể. Các đơn vị ca dao, tục ngữ về biển đảo cũng vậy, chúng cho ta thấy rõ diện mạo những người dân biển chân chất, bộc trực, ăn sóng nói gió nhưng rất đổi nghĩa tình, gan dạ, sẵn sàng đương đầu với sóng gió, với hiểm nguy bất trắc để sinh tồn và phát triển. Cũng qua các đơn vị ca dao, tục ngữ này ra thấy biển đảo đã thâm nhập thực sự sâu sắc vào đời sống vật chất và tinh thần hàng ngày của cư dân địa phương tạo thành một truyền thống bền chắc về tương tác và thích ứng với biển đảo gồm nhiều sắc thái phong phú và đa dạng³
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền