Hồi ký điền dã: Ghi chép ở Cù Lao Chàm

Thứ hai - 26/11/2018 23:00
Từ cầu Câu Lâu nhìn ra biển, vào những ngày trời trong xanh chúng ta có thể trông thấy nhóm đảo Cù Lao Chàm trấn ngự ngoài xa, cách cửa Đại khoảng 15km, đó là một nhóm gồm 8 đảo lớn nhỏ: hòn Lao, hòn Tai, hòn Dài, hòn Mồ, hòn Lá, hòn Khô mẹ và hòn Khô con, Hòn Ông. Tám hòn đảo lớn nhỏ thấp thoáng xa xa trông giống như một đàn rùa đang nhấp nhô trên sóng biển. Sách Đại Nam Nhất thống chí viết về Cù Lao Chàm như sau: “Cách huyện Diên Phước 68 dặm về phía Đông, ngất ngưỡng giữa biển gọi là đảo Ngọa Long, cũng gọi là hòn Cù Lao, có tên nữa là núi Tiêm Bút, tên cổ là Chiêm Bất Lao, làm trấn sơn cho cửa biển Đại Chiêm; dân phường Tân Hợp ở phía Nam núi; ruộng đất trên núi có thể cày cấy, thuyền bè nước ta thường trông núi này làm chừng đi về đều đổ ở đấy để lấy củi, nước …”.[1]
Những đảo ở vùng này là  núi đá, được cấu tạo bởi đá hoa cương (granit), diệp thạch và cẩm thạch (marble). Hòn Biền cao nhất trong các ngọn núi ở Cù Lao Chàm (517m) nằm trên hòn Lao. Thực vật ở vùng này khá phong phú, có một số loại gỗ quý như lim, gõ, kiền kiền, cho, xoan núi…; các loại cây bụi thấp như sim, mua, các loại dây mây, song… Động vật hoang dã có khỉ, thỏ, trăn, rắn, kỳ đà, cheo, chim sẻ, cu đất, bìm bịp, đặc biệt là chim yến tập trung làm tổ rất nhiều tại các hang Khô, hang Cả, hang Tò vò.
Hòn Lao có diện tích lớn nhất trong nhóm đảo Cù Lao Chàm; tại hòn Lao có 8 bãi cát phân bố dọc theo bờ phía Tây: bãi Bấc, bãi Ông, bãi Làng, bãi Xếp, bãi Chồng, bãi Bìm, bãi Hương và bãi Nần; dân cư tập trung sống ở bãi Làng và bãi Hương, họ khai phá những dải đất bồi hẹp, tạo thành một số ruộng bậc thang. Sườn phía Đông dốc đứng hiểm trở nên không thể làm nhà được.

Con người có mặt ở Cù Lao Chàm khá sớm, kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho biết, cách nay khoảng 3.000 năm đã có người cư trú trên hòn Lao. Tại một cồn đất nằm sát chân núi, phía sau khu vực lăng Ông, thuộc bãi Ông, vào tháng 5 năm 1999, Khoa Sử  - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cùng với Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã phát hiện và đào thám sát một khu cư trú cổ. Tầng văn hóa còn lại dày trung bình 120cm, dựa vào diễn biến địa tầng và sự phân bố hiện vật, các nhà khảo cổ xác định di chỉ bãi Ông có hai tầng văn hóa sớm muộn, niên đại cách xa nhau, hai tầng này được phân cách bởi một lớp vô sinh mỏng([2]). Tầng văn hóa trên chứa các mảnh gốm sứ Trung Hoa và Chăm, niên đại vào khoảng thế kỷ IX-X.

Từ kết quả của đợt thám sát năm 1999, tháng 6/2000, Bảo tàng Quảng Nam đã phối hợp với khoa Sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An tiến hành khai quật di tích bãi Ông. Trong đợt khai quật này, Bảo tàng Quảng Nam đã mời giáo sư Trần Quốc Vượng làm cố vấn khoa học, Khoa Sử Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội có TS. Lâm Mỹ Dung, tham gia đoàn có Nguyễn Hồng Kiên và Nguyễn Đăng Cường là chuyên gia của Viện Khảo cổ học.
Những năm trước đây, khi du lịch Hội An chưa phát triển, ra Cù Lao Chàm chỉ có phương tiện duy nhất là tàu chợ. Chúng tôi lên tàu ở bến Bạch Đằng từ 7 giờ sáng, chờ đến 7 giờ rưỡi tàu rời bến từ từ tiến ra phía biển, khi tàu lướt trên sông có cảm giác rất êm, tuy nhiên khi ra đến cửa biển, thì tàu bắt đầu nhấp nhô theo con sóng, lênh đênh hơn 2 tiếng đồng hồ trên biển với những người bị  say tàu xe thì đó là một cực hình, cảm giác chóng mặt buồn nôn làm một số người không chịu được, to khỏe như anh Nguyễn Đăng Cường cũng phải xức dầu gió và nằm một chỗ, có người không kìm được nôn ra mật xanh mật vàng, nhưng chưa hết đâu, khi vừa bước lên bờ thì lại đối mặt với hội chứng “say sóng trên bờ”, đứng trên mặt đất phẳng nhưng cảm giác như đất đang chao đảo khủng khiếp muốn té nhào, phải mất vài phút mới lấy lại thăng bằng.

Các anh ở Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An đã liên hệ tìm chỗ ở, lúc bấy giờ chưa có dịch vụ lưu trú trên đảo, ở khu vực bãi Làng chỉ nhà vợ chồng chị Lệ là rộng rãi nhất và thỉnh thoảng đón khách ở lại qua đêm. Nhà có một căn gác gỗ rất thoáng hướng ra biển, chúng tôi tạm trú tại đó và nhờ chị Lệ nấu cơm cho cả đoàn. Mặc dù trên đảo có nhiều người làm nghề đánh cá, tuy nhiên hầu hết hải sản được đưa vào Hội An và Đà Nẵng nên muốn ăn cá ngon phải đặt trước, chị Lệ là người bản địa, quen biết nhiều ngư dân, do vậy trong bữa ăn của chúng tôi luôn có cá tươi. Nhớ có lần được thưởng thức món mồi nhậu ưa thích của ngư dân trên đảo mà tôi rất ấn tượng, đó là món cá nóc um nghệ. Ai cũng biết cá nóc là loại cá có chất kịch độc, có thể gây chết người, ban đầu tôi thấy ngại không dám đụng đũa, tuy nhiên thấy mấy bạn thanh niên địa phương ăn ngon lành, họ giải thích, chất độc cá nóc nằm ở bộ gan, khi bắt cá làm thịt không được làm dập gan, chỉ cần loại bỏ toàn bộ nội tạng cá là an toàn, nghe nói có lý tôi cũng liều mạng gắp đại, quả là món cá thơm ngon lần đầu tiên tôi được thưởng thức.
Ở trên đảo vào tháng 6 trời khá nóng, thế nên vào buổi trưa, tôi thường nằm đong đưa trên chiếc võng treo trên hai thân cây trước nhà, thoạt nhìn tưởng là võng đay, tuy nhiên sợi võng láng mịn, mềm mại, các mắc đan rất đều và đẹp, hỏi ra mới biết là võng đan bằng sợi ngô đồng, loại võng riêng có ở Cù Lao Chàm. Người dân trên đảo cho biết, cây ngô đồng mọc tập trung ở sườn phía Tây của Hòn Lao. Vào khoảng tháng 4, lá cây ngô đồng bắt đầu chuyển màu vàng, sang tháng 5, tháng 6 lá bắt đầu rụng, cũng lúc ấy, trên cành cây trụi lá bắt đầu nhú lên những nụ hoa màu đỏ tháng 7, tháng 8 hoa nở rộ tạo thành một màu đỏ tươi điểm xuyết trên sườn núi xanh lam. Vào mùa mưa, người dân trên cù lao thường chọn những cây có đường kính 10-15cm để khai thác lấy sợi, người ta cho biết, những cây già không thể sử dụng để đan võng vì sợi thô và cứng. Sau khi đốn cây, người ta chặt bỏ cành lá chỉ dùng phần thân, tước vỏ cây đem ngâm ở suối, sau khoảng 10 ngày, lớp vỏ ngoài phân hủy chỉ còn lại phần sợi lụa bên trong, lớp sợi này được rửa sạch và phơi khô trong vòng hai ngày, sau đó tước thành những sợi nhỏ để đan võng. Đan võng ngô đồng không nhanh như võng đay hoặc sợi nilon, thời gian từ khi tước sợi đến lúc đan hoàn chỉnh một chiếc võng có khi mất cả tháng trời. Nhìn những mắc đan không hề có một múi thắt gút để nối dây mới thấy được sự khéo léo của người đan võng ngô đồng, những đoạn dây chỉ dài khoảng 2-3 m mà có thể đan được chiếc võng dài và rộng. Người thợ đan gọi kỹ thuật nối dây ngô đồng là “tiếp dây”, khi sắp hết một đoạn dây, người ta tiếp đoạn dây khác vào và chần các múi dây lên nhau rồi đan nên dây không bị sút ra, cứ thế mà đan tiếp từ đoạn này sang đoạn khác. Võng ngô đồng rất bền, có thể dùng hàng chục năm, khi võng bẩn chỉ việc đem ra giặt sạch và phơi trong bóng râm là có thể dùng lại. Lúc bấy giờ người dân trên đảo đan võng ngô đồng chủ yếu để dùng trong gia đình chứ chưa phải là sản phẩm buôn bán…

Chúng tôi chọn một vị trí kề bên hố thám sát năm 1999 để mở hố khai quật. Từ vị trí này có thể nhìn khá rõ cả vùng bãi Ông. Kết cấu đất ở đây là đất pha cát nên rất dễ đào. Di vật thu được qua cuộc khai quật gồm có hàng ngàn mảnh gốm, chất liệu chủ yếu là gốm thô; xương gốm bở, màu đen, pha nhiều cát, bã thực vật, vỏ nhuyễn thể nghiền vụn; áo gốm thường có màu xám, vàng sáng, nâu đỏ… Trên thân gốm được trang trí các loại hoa văn như văn thừng, văn in mép vỏ sò, văn khắc vạch răng cá, văn in cuống rạ… Một vài mảnh gốm có dấu vết tô màu đỏ của thổ hoàng. Về loại hình, có các kiểu nồi thân hình cầu, cổ gãy miệng loe, bên trong thành miệng thường được trang trí bằng những băng in mép vỏ sò, răng cá, kết hợp với những đường vạch chéo… Một số mâm bồng; chân đế cao loe choãi trang trí văn in mép vỏ sò, kết hợp miết láng, tô màu thổ hoàng… Về đồ đá, đã tìm thấy một số bàn mài bằng đá cát hạt mịn, gồm có các loại bàn mài phẳng, bàn mài lõm hình lòng máng, bàn mài rãnh. Bên cạnh đó còn có 3 chiếc rìu mài…

Qua kết quả đào thám sát và khai quật, các nhà khảo cổ nhận định: Đây là một di chỉ có hai tầng văn hóa, được phân cách bởi một lớp vô sinh mỏng. Tầng trên với những di vật gốm Chăm, gốm thời Đường…  có niên đại khoảng thế kỷ IX-X. Tầng dưới có nhiều khả năng là di chỉ cư trú xen lẫn mộ táng, đây là kiểu mộ nồi có kè cuội. Xét về đồ gốm, đồ đá, những đặc điểm về địa tầng cũng như kiểu thức mộ táng, cho thấy địa điểm này có những nét tương đồng với lớp dưới của di tích Bàu Trám, di tích Long Thạnh (Quảng Ngãi)…, một số đặc điểm đồ gốm và đồ đá còn biểu hiện những nét chung với di tích Xóm Cồn (Khánh Hòa), Bàu Tró (Quảng Bình) là những di tích thuộc sơ kỳ thời đại kim khí ở miền Trung Việt Nam. Tầng văn hóa này có niên đại C14 là 3100 ± 60 BP.
Những ngày ở lại Cù Lao Chàm, giáo sư Trần Quốc Vượng hướng dẫn cả đoàn đi khảo sát khắp nơi. Được sự hướng dẫn của nhân dân địa phương, chúng tôi đã phát hiện được ở lưng chừng núi những gờ đất bậc thang được người xưa tạo nên bằng cách xếp đá để giữ nước, theo GS. Trần Quốc Vượng đó là hệ thủy của cư dân cổ dùng cho cúng tế, sinh hoạt và trồng trọt… Như vậy, trên dải đất hẹp của Cù Lao Chàm, người xưa đã sản xuất lương thực, thực phẩm, khai thác nước ngọt để đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân trên đảo, ngoài ra còn có thể cung cấp cho một số tàu thuyền từ các nơi khác ghé vào. Qua đó có thể thấy, Cù Lao Chàm chưa hẳn là nơi lưu đày tù nhân mà là nơi người dân tụ cư sinh sống khá đông, họ làm nghề biển và trồng trọt các loại nông sản, vùng đảo này giữ vai trò như là một tiền cảng của Hội An.

Đã 18 năm qua, nhớ lại những ngày điền dã ở Cù Lao Chàm, càng thấy yêu quý và trân trọng sự miệt mài dấn thân vì khoa học của GS. Trần Quốc Vượng, dẫu tuổi cao nhưng đi khảo sát thì rất nhanh nhẹn, thanh niên như chúng tôi ngày ấy cũng không theo kịp. Những ngày cùng làm việc, học hỏi với thầy Vượng đã khơi dậy lòng say mê nghiên cứu khoa học cho các cán bộ trẻ của Bảo tàng Quảng Nam và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An để họ trưởng thành như ngày hôm nay…

[1] Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất Thống Chí, NXB Thuận Hóa, 1996.
[2] Lâm Mỹ Dung và cộng sự, Kết quả thám sát, khai quật địa điểm bãi Ông – Hòn Lao – Cù Lao Chàm năm 1999-2000,  Kỷ yếu Hội thảo Khoa học 5 năm nghiên cứu và đào tạo của bộ môn Khảo cổ học (1995-2000), NXB Chính Trị Quốc gia, 2002, tr.144.
 

Tác giả: Hồ Xuân Tịnh

Nguồn tin: vanhoaquangnamonline.gov.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây