Nghề rà, tên gọi khác là nghề trễ. Có thông tin cho rằng, do làm nghề rà, người dân thường đi làm muộn, từ chiều tối về đêm/khuya nên gọi là “trễ”. Tuy nhiên, cách giải thích này chưa thực sự thuyết phục. Trước đây, ở Hội An, nghề rà/trễ rất phát triển. Dọc sông Để Võng từ Hà My về đến Cửa Đại, có nhiều gia đình chuyên làm nghề này nên đã hình thành những xóm nghề mà địa danh vẫn còn lưu lại đến ngày nay như Bến Trễ, xóm Rà. Những khu vực khác như Đồng Nà, Trà Quế hay Cẩm Thanh cũng có không ít người làm nghề rà.
Cấu tạo cái Sõng - Ảnh: Sách công cụ đánh bắt sông nước
Thông tin từ những người cao tuổi ở Đồng Nà - Cẩm Hà trước đây từng làm nghề cho biết, công cụ quan trọng nhất của nghề rà/trễ là chiếc sõng. Ngoài ra còn có một số công cụ khác như đèn gió hay đèn vịt, giỏ đựng tôm,... Chiếc sõng vừa là công cụ đánh bắt tôm nhưng đồng thời cũng là phương tiện để di chuyển trên sông nước đi đến khu vực làm nghề. Chiếc sõng là chiếc ghe hẹp nhưng dài, không có mắt ghe, được đóng bằng gỗ tốt, thường là gỗ kiền kiền vì gỗ này chịu được môi trường nước nên lâu hư. Trước đây, để đóng chiếc sõng, người dân thường chuẩn bị sẵn 5 tấm gỗ có độ dài chừng 12-13 thước mộc, rộng 18-20cm, sau đó nhờ thợ đến đóng. Lúc bấy giờ, những thợ đóng sõng giỏi có ông Sớm, ông Hối ở Đồng Nà, ông Xây ở Trà Quế. Về sau, để đóng chiếc sõng, những người làm nghề thường đến trại đóng ghe của ông Biên ở khu vực Bàu Đà nhờ đóng. Trong 5 tấm gỗ để đóng sõng, 1 tấm dùng làm lá lườn, 2 tấm làm be, 2 tấm làm tè. Mỗi tấm tè thường xẻ làm đôi để đóng cho phần hông chiếc sõng được cong đều.. Sau khi đóng xong, chiếc sõng có độ sâu lòng khoảng 25cm, chiều ngang chừng 45-50cm. Ngoài bộ phận đóng bằng gỗ, cấu tạo của chiếc sõng còn có các bộ phận chính gồm đòn ganh, vỉ sõng, cần rà. Những bộ phận này thường đo người làm nghề tự làm. Đòn ganh làm bằng tre già, chắc, một đầu buộc chặt vào thân chiếc sõng, đầu kia có gắn hòn đá ganh để giữ thăng bằng cho chiếc sõng. Tấm vỉ sõng rộng chừng 30cm, được bện bằng tre, có tay dượng để buộc vào then của chiếc sõng. Bộ phận rà tạo âm thanh để đuổi tôm gồm có cần rà và roi, đều làm bằng tre khô. Cần rà có chiều dài ngắn hơn chiều dài của chiếc sõng, làm bằng tre mỡ
(tre ống, mỏng để tạo âm thanh), có khoan lỗ để tra roi. Roi được vót từ tre già, chắc, dẻo. Mỗi cần rà thường tra 26-27 roi. Chiều dài và khoảng cách các roi tùy thuộc vào vị trí trên cần rà, càng về phía đầu cần rà roi càng dài, khoảng cách các roi càng thưa. Trên cần rà, roi dài nhất khoảng 1,6m, roi ngắn chừng 0,7m. Cần rà liên kết với chiếc sõng qua co giữ cần rà. Giữa chiếc sõng, người dân làm thêm xà bát để đỡ cần rà. Trong lòng sõng được đặt dây lòng bong, tơ hồng để giữ tôm khỏi búng/nhảy ra ngoài.
Là một công cụ quan trọng nhất của nghề rà nên hằng năm, vào tháng Giêng, người dân tiến hành sữa chữa, xảm trét lại chiếc sõng để chuẩn bị cho mùa đánh bắt mới kéo dài từ khoảng tháng 2 đến tháng 8, 9 âm lịch tùy vào điều kiện thời tiết. Trải qua quá trình sử dụng, đến khi chiếc sõng hư hỏng nặng thì thêm ván, nhờ thợ xắp lại.
Việc đánh bắt tôm bằng chiếc sõng đòi hỏi người làm nắm vững kỹ thuật điều khiển sõng, đặc tính của tôm và thông thuộc địa bàn sông nước. Nghề này thường chủ yếu do một người làm, vào ban đêm. Kinh nghiệm làm nghề cho biết, ban ngày tôm chui xuống bùn, cát nằm im, ban đêm tôm đi mới đánh bắt được. Tuy nhiên, việc đánh bắt được nhiều hay ít còn tùy thuộc vào con nước. Hiệu quả nhất là lúc nước lớn gần đứng đến lúc chảy cạn vì lúc này tôm đi nhiều. Để bắt tôm, trước khi bắt đầu phải hạ cần rà xuống nước, đầu cần rà hướng về phía bờ. Người đi rà lội dưới nước, nghiêng và đẩy chiếc sõng đi về trước men theo bờ sông hoặc mé đầm, hói. Những chiếc roi gắn trên cần rà quẹt xuống nước và đất của sông, đầm tạo ra âm thanh lùa tôm nhảy/búng lên tấm vỉ trượt vào lòng sõng. Những sợi lòng bong trong khoang sõng có tác dụng giữ tôm không nhảy ngược ra ngoài. Trước đây, nhiều người làm nghề rà ở Đồng Nà, Bến Trễ có khi chèo sõng qua Kim Bồng, Phú Triêm hoặc vào đến sông Thi Thại, chợ Bà để rà tôm, bắt được rất nhiều. Thường mỗi đêm tôm bắt được đem bán có thể mua 1 đến 2 ang gạo. Tôm bán cho vạn câu làm mồi câu hoặc bán ở chợ.
Mặt bằng của cái Sõng - Ảnh: Sách Công cụ đánh bắt sông nước
Trong nghề rà, mở đầu mùa đánh bắt của năm là lễ cúng mở hàng. Lễ này được tổ chức theo quy mô gia đình, cúng tại bến ông nơi cặm sõng để hành nghề.
Những bến sông mà cư dân làm nghề rà ở Đồng Nà thường cặm sõng là bến ông Sự, bến ông Kiểm (
còn gọi là bến vũng cống), bến sõng. Lễ cúng mở hàng là lễ cúng quan trọng của người làm nghề rà với mục đích cầu mong đánh bắt tôm được nhiều và an toàn trong quá trình hành nghề trên sông nước. Ngoài ra, vào dịp đầu năm, sau lễ cúng xóm vài ngày, những người làm nghề rà tổ chức lễ cúng chung gọi là cúng vạn, tại vạt đất rộng ở bến sông, lễ vật gồm thịt, cá, xôi, chè, hoa quả, kim ngân, áo giấy.
Hiện nay, do sự thay đổi trong phương thức đánh bắt thủy sản nên nghề rà/trễ cùng chiếc sõng đã bị mai một. Tuy vậy, những thông tin liên quan đến nghề vẫn còn lưu giữ trong ký ức của một số người dân cần được sưu tầm để bổ sung nguồn dữ liệu về văn hóa dân gian ở Hội An, nhất là văn hóa ngành nghề liên quan đến môi trường sông nước.