Từ xa xưa, người Việt Nam đã có quan niệm “
sống gửi, thác về” (
sinh ký, tử quy), nghĩa là cuộc sống trên dương thế chỉ là cõi tạm, khi thác (
chết) rồi mới thực sự trở về nơi vĩnh cửu. Những tục lệ trong tang ma được người Việt quan niệm là hình thức thể hiện một phần đạo hiếu mà con cháu dành cho ông/bà, cha/mẹ khi quá cố. Vào thời kỳ phong kiến Việt Nam, một số nhà nho biên soạn sách “
Gia lễ” với vô số lễ tiết cầu kỳ, phức tạp về tang ma như
Hồ thượng thư gia lễ của Hồ Sĩ Dương,
Gia lễ tiệp kính của Ngô Doãn,
Thanh thuận gia lễ của Lê Quý Đôn,... Trước tình hình ấy, nhà nho Hồ Sĩ Tân biên soạn
Thọ Mai gia lễ. Do có ít nhiều tiến bộ so với các tập sách trước,
Thọ Mai gia lễ nhanh chóng được dân gian tiếp nhận và lưu truyền. Đặc biệt dưới triều Nguyễn,
Thọ Mai gia lễ được sử dụng như một luật lệ về tang ma do triều đình nhà Nguyễn quy định.
Việc lo liệu hậu sự cho người quá cố còn phụ thuộc vào phong tục của từng vùng miền và phải phù hợp với vai vế của người đó trong gia đình, địa vị trong xã hội, điều kiện kinh tế hay mối quan hệ của người chết đối với cộng đồng. Tại Hội An, cũng như những địa phương khác vẫn có những nét riêng trong phong tục tang ma, tạo nên sự đa dạng trong bức tranh văn hóa Việt Nam. Theo giáo lý của Phật pháp, giờ phút lâm chung là thời khắc vô cùng quan trọng của một kiếp người, là những phút giây cuối cùng của một đời người sắp đi về “
thế giới bên kia”. Khi người thân đã qua đời thì phải cử người thông báo cho bà con, họ hàng biết tin. Xóm làng biết tin cũng đến để phụ giúp, chuẩn bị mọi thứ để tắm gội và khâm liệm. Lúc này sẽ có người nấu cơm, luộc trứng, bới cơm vào chén thành một chén cơm in, cắm một đôi đũa và một quả trứng luộc đặt ở phía trên, cạnh đầu người quá cố, thực hiện việc vuốt mặt người quá cố, chỉnh cho cơ thể được ngay ngắn (
trường hợp cơ thể người quá cố bị cứng đơ, co quắp thì dùng rượu mạnh xoa bóp và nắn cho thẳng dần ra), sau đó đặt một tờ “
vàng mã” lên trên mặt người quá cố
[1]. Đối với cộng đồng người Hoa, người làng Minh Hương, khi người thân qua đời, người con trai trưởng trong gia đình phải mang theo mâm trầu - cau - rượu - thuốc đến thưa với Bang trưởng (
đối với cộng đồng người Hoa) hoặc lý trưởng (
đối với người làng Minh Hương) để trình bày cho làng biết; sau đó Bang trưởng/lý trưởng sẽ cử người đến trợ giúp đám tang. Làng Minh Hương có những quy định về việc tang ma được ghi chép cụ thể trong “
Quảng Nam Minh Hương Tam Bảo Vụ”, trong đó áp dụng theo những cấp bậc khác nhau: đối với cấp A là quan - viên, cựu hương - trưởng; cụ thể đối với quan – viên: “
trong trường hợp không tham gia vào việc của làng khi lâm bệnh thì Ban thường vụ sẽ đi thăm và biếu một can sữa; khi quan - viên qua đời thì Ban thường vụ sẽ đến chia buồn, túc trực giúp đỡ gia đình trong việc tổ chức tang ma, lễ điếu là một mâm hương đèn số một, một cân trà và một quả bánh trái; khi đưa đám thì cấp cho một tấm chăn, đại thọ công và Ban trị sự đi đưa có kiển cổ. Nếu người đã mất có tham gia vào hoạt động của Ban Tam Bảo đương thời thì được cấp thêm một “kim trư”, “kiển cổ”, mười cờ làng, toàn thể nhân dân trong làng sẽ đi điếu và đưa tiễn. Đối với cựu Hương trưởng, khi lâm bệnh thì Ban thường vụ sẽ đi thăm và tặng cam, sữa; khi qua đời, Ban thường vụ đến chia buồn, cử người đến giúp đỡ, điếu một mâm hương đèn, một cân trà, khi đưa đám sẽ cấp cho một tấm chăn, Ban thường vụ đi điếu và đưa tang, nếu đang tham gia trong Ban Tam Bảo thì tăng thêm một mâm bánh trái, toàn Ban trị sự sẽ đi đưa tang, có kiển - cổ”. Đối với cấp B là Cựu Hòa - Mục - Ngũ Hương: “
khi lâm bệnh thì Ban thường vụ sẽ cử người đến thăm viếng; khi qua đời sẽ “lễ điếu” một mâm nhang đèn số hai, ½ cân trà, gia thêm can sữa, điếu hương - đèn số một, một cân trà, một tấm chăn nếu hiện đang giúp đỡ Tam Bảo, Ban trị sự sẽ đến điếu và đưa tiễn”. Đối với Cấp C, chỉ có phụ - mẫu, thê - đẳng của các vị quan viên, cựu Hương - Trưởng, Hòa - Mục, Lý - Hương hiện đang tham gia Tam Bảo: “
do Thường vụ tùy cấp, tùy công mà quyết định, nhưng không có tấm chăn, người ngoại xã có hoạt động trong Tam Bảo cũng vậy”. Đối với người Việt, tại làng Thanh Nam quy định: “
nếu có người chết, thân nhân phải đến trình báo cho làng biết, kèm theo mâm trầu, cau, rượu thì làng sẽ cấp đất chôn cất, nếu có đóng góp công đức cho làng thì làng sẽ đi điếu và đi đưa đám tang”; tại làng Thanh Đông: “
nếu có chết thì người thân đến trình làng, khi đó làng sẽ cấp đất chôn, cử người đến trợ táng”; tại làng Sơn Phô: “
nếu một người trong làng qua đời thì người thân phải đến trình báo với làng kèm theo một mâm trầu - cau - rượu thì làng sẽ cấp đất an táng, nếu là người có công đức với làng thì làng sẽ đi điếu và trợ giúp trong việc tang ma nhằm đền ơn người khi còn sống đã có những đóng góp cho làng, nếu người làng khác muốn xin đất trong làng để an táng thì phải chịu tiền mộ địa”; tại làng Điển Hội: “
tùy theo người có đóng góp cho việc làng mà căn cứ vào đó để đi điếu với những lễ khác nhau; tại làng Sơn Phong:
khi có người qua đời thì phải đến trình báo cho làng biết, kèm theo mâm cau, trầu, rượu, ở làng này không có lệ nộp tiền (
mộ địa)
kể cả người ngụ quán”; tại làng Tân Hiệp: “
nếu người dân trong làng qua đời thì người thân phải đến trình báo làng, lễ vật là mâm cau, trầu, rượu thì làng sẽ cấp đất để gia đình an táng; nếu là người dân làng khác muốn đến xin đất của làng để an táng thì phải nộp tiền cho làng, trừ các thương thuyền hay ngư thuyền có người chết đến xin đất chôn thì làng sẽ cho phép an táng mà không lấy tiền gì cả”; tại làng Để Võng: “
nếu người dân trong làng qua đời thì người thân đến trình báo làng kèm theo mâm cau trầu rượu, khi đó làng sẽ cử người đến phụ giúp việc an táng và không cần nộp tiền mộ địa; làng này còn có tục lệ cúng điếu cho những người có công đức với làng và giúp những người nghèo khổ thiếu thốn”.
[2] Trong thời gian thi thể người quá cố còn quàn trong nhà thì đặc biệt tránh không cho mèo lảng vảng quanh khu vực người quá cố vì sợ mèo nhảy ngang qua thi thể sẽ làm xác chết tự nhiên bật dậy, dân gian gọi là hiện tượng “
quỷ nhập tràng”. Tiếp theo, gia chủ thắp hương lên bàn thờ gia tiên yết cáo với tổ tiên, đồng thời cử người đến nhờ thầy xem giúp người mất năm đó tốt, xấu thế nào và các ngày, giờ tốt để tiến hành nghi lễ tang ma. Sau khi mọi việc đã chuẩn bị xong, sẽ tiến hành tục “
phạn hàm”: dùng một chiếc đũa đặt nơi cửa miệng người mất, bỏ gạo, muối đã được rửa sạch vào miệng (
người nam bỏ bảy hạt, người nữ chín hạt), một số trường hợp còn bỏ cả tiền đồng, châu ngọc, vàng… Việc làm này nhằm giúp cho người quá cố có gạo, muối, tiền/vàng… để đi đường từ dương gian về âm phủ
[3]. Tiếp đến là khâm liệm và nhập quan, trước khi bắt đầu khâm liệm phải dùng rượu phun, xoa rửa, lau cho người chết sạch sẽ và nắn cho tư thế nằm ngay thẳng, khi đó mới mặc đồ liệm. Tại Hội An, đối với người Việt có tục liệm bằng cát trắng, còn người Hoa có tục liệm bằng bằng trà và giấy súc. Để khâm liệm - nhập quan, phải bỏ cát vào trong bao vải may sẵn đặt lên mắt, tai và trên đầu đặt một cái gối (
may bằng vải bỏ cát). Phía dưới lưng của người quá cố đặt một tờ giấy, dùng hương đã đốt lửa đục lỗ thành hình Thất Tinh (
biểu tượng của chùm sao Bắc Đẩu). Tiếp đến, tiến hành thủ tục “
hạ thổ”, đặt người quá cố dưới đất, bên cạnh quan tài, nâng lên hạ xuống ba lần rồi mới đưa vào đặt trong quan tài, đổ cát vào, khỏa cho bằng phẳng. Đợi đến đúng giờ
nhập quan thì đậy kín nắp quan tài, dùng lạt tre, thanh ngang tre
đặt dưới đáy hòm rồi buộc lại cho chặt bằng ba vòng lạt tre.
[4] Việc khâm liệm - nhập quan đã xong, lúc này quan tài được đặt ở gian giữa của nhà, gần với cửa ra vào và quan tài luôn được đặt quay đầu ra hướng ngoài, đối với những nhà còn có người lớn hơn thì đặt sang gian trái/phải ngôi nhà, thắp hai ngọn nến trắng trên quan tài và một đĩa đèn dầu để dưới quan tài. Lúc này, bàn án trước linh cữu, chuẩn bị sẵn cũng được thiết lập để làm lễ
thiết linh, sau đó mới được thắp hương. Tiếp đến là lễ
thành phục, người được nhờ làm chủ tang sẽ đứng ra xé, phát khăn tang cho từng người chịu tang, theo thứ tự từ lớn đến bé, nam trước nữ sau, con cháu
nội trước, con cháu
ngoại sau và người nhận/chịu tang phải bái lạy bốn lạy rồi mới mặc đồ tang hoặc bịt khăn tang. Con trai, con gái, vợ hoặc chồng, cháu đích tôn của người quá cố đều mặc đồ tang, trên đầu, lớn thì trùm khăn, nhỏ thì đội mũ... Con trai trưởng, dâu trưởng áo có thêm miếng vải thừa ở sau lưng. Con trai trưởng còn phải đội mũ rơm, đeo dây rơm, chống gậy
[5]. Phần lớn con, cháu nội trai, dâu phải để tang 3 năm, cháu gái có thể tùy hoàn cảnh mà giảm bớt. Còn lại đều để tang chín tháng đến một năm.
Đối với những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, chất liệu vải tang người ta sẽ dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; những nhà điều kiện kinh tế khó khăn thì dùng vải trắng để may đại liệm (
một mảnh dọc, năm mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (
một mảnh dọc, ba mảnh ngang). Trước khi nhập quan, người ta thường chọn giờ tốt để tránh kỵ tuổi. Có tục lệ nếu người qua đời phải giờ xấu thì phải bỏ một cỗ bài trùng vào bên trong quan tài. Một số trường hợp trẻ nhỏ nếu chẳng may mất đi mà trùng với ngày mất của người lớn thì khi liệm sẽ lấy một cái rá xén hết xung quanh rồi để lên mặt đứa trẻ và bỏ một bộ bài trùng vào bên trong quan tài. Trang phục liệm gồm có quần trắng, bộ bà ba trắng, bộ áo dài, mũ, điểm nhãn, điểm nhĩ, bao cằm, gối, bao tay, bao chân, dây sương (
đàn ông 7 dây, đàn bà 9 dây). Trong đám tang, thông qua trang phục, người ta có thể nhận biết được ai là con trai trưởng, ai là cháu nội đích tôn… Cùng với trang phục khâm liệm người quá cố, trang phục dành cho người để tang gồm có mũ dùng cho trẻ em, người lớn thì quấn khăn tang và mặc bộ áo dài bằng vải màu trắng, người con trai trưởng sẽ đội “
mũ trưởng nam” (
mũ có đuôi dài 50cm, bên ngoài bịt khăn và quấn mũ dây rơm). Trong gia đình có người qua đời, nếu cha còn, mẹ mất hoặc ngược lại, con cháu trong nhà phải mặc áo có “
sống lưng” lật ra bên ngoài. Khi cha và mẹ đều mất thì “
sống lưng” may vào bên trong. Người con trai trưởng mặc áo dài có hai ống tay, may hai lớp từ khủy tay trở xuống, ống tay bên trong nhỏ, ống tay ngoài rộng, bình thường xoắn ống tay ngoài lên, khi tiếp khách thả ống tay xuống.
Khi viếng thắp hương bái hay lạy thì chỉ được 2 bái hoặc 2 lạy, gia quyến của người mất luôn túc trực 2 bên quan tài để bái, lạy đáp lễ. Trong thời gian linh cữu còn quàn tại nhà thì phải cúng cơm hàng ngày. Đối với cộng đồng người Hoa ở Hội An có tục lệ nếu tập thể đi phúng điếu thì chủ nhà tạ một khay trầu - cau - rượu và trao cho mỗi người một tờ giấy đỏ, một tờ giấy trắng được cắt theo dạng hình vuông, tờ giấy đỏ lớn hơn tờ giấy trắng. Về ý nghĩa của việc này là dùng để báo tang (
mảnh giấy trắng); mảnh giấy đỏ nhằm thể hiện lòng cảm ơn của tang chủ đối với khách, đồng thời cầu chúc cho khách được bình an, may mắn trong cuộc sống. Về phần khay trầu - cau - rượu, người nào lớn nhất thì đại diện tập thể nhận lấy. Trường hợp mỗi người đi viếng riêng lẻ thì gia chủ trao cho một cây quạt (
vào mùa nắng) hoặc là một bao lì xì (
thường là gia đình giàu có) trong đó có tiền hoặc một gói kẹo.
Lễ an táng, còn được gọi là lễ phát dẫn hoặc đưa ma, phải tiến hành đúng theo giờ lành mà thầy cúng đã xem trước nhằm tránh vào ngày xấu sẽ gây tổn hại đến người thân trong gia đình. Những người đàn ông, thanh niên trong xóm có trách nhiệm khiêng quan tài đến huyệt. Trước khi di quan phải sắm lễ cúng “
đạo lộ”
[6]. Lễ cúng này phải cúng vào ban đêm hoặc rạng sáng ngày di quan. Đồng thời cũng phải có lễ cúng khai huyệt để đào huyệt chôn người quá cố tại nơi an táng. Khi di quan, có tục đập bể một om/nồi đất ở trong góc gần nơi đặt quan tài gọi là để “
tống hồn thư” của người chết đi theo linh cữu. Đoàn di chuyển quan tài từ nhà ra đến đường chính, người con trai trưởng bưng nồi hương, các con thứ lo bưng di ảnh họa hay bài vị... Tuy nhiên, tùy vào hoàn cảnh của từng người quá cố, nếu không có con hoặc có con nhưng đã mất thì chọn người thân ruột thịt quan trọng nhất với người quá cố. Khi đoàn tang ma đi trên đường thì mọi người đang đi lại ở hai bên đường sẽ dừng lại nhường đường cho đoàn đưa tang và ngã mũ cúi đầu chào.
Trước khi hạ huyệt - hạ rộng, người chủ đám tang phải làm lễ cúng trời đất, thổ công, thổ địa, báo cáo với những ngôi mộ xung quanh về “
thành viên mới”. Hạ/đặt quan tài vào huyệt xong phải nhắm hướng cho đúng, cho cân bằng, rồi nhờ thầy cúng tuyên đọc triệu; người đọc triệu thường là thầy cúng, trước tiên là kéo lá triệu trải dài theo quan tài rồi lật mặt chữ lên đọc xong úp xuống (
3 lần), dùng nước để xóa chữ, vo nhàu lá triệu đặt xuống cạnh quan tài để lấp đất
[7]. Sau 3 ngày an táng sẽ làm lễ cúng “
mở cửa mả”, thường trong thời gian 3 ngày này (
kể từ lúc chôn xong) người nhà tiến hành xây mả, lập bia mộ cho người chết, công việc này phải hoàn tất trước khi cúng mở cửa mả. Tang chủ rước di ảnh/bài vị về làm lễ an vị, lập bàn thờ, bàn thờ được đặt nơi trang trọng trong nhà. Bàn thờ phải đặt một gian bên vì gian giữa đã có bàn thờ gia tiên, sau khi hết tang thì mới được rước sang thờ chung.
Sau lễ mở cửa mả thì gia đình còn tiến hành một số tục lễ như: “
cúng cơm vào các thời điểm làm lễ 7 ngày, 14 ngày, 21 ngày, 49 ngày và 100 ngày, trong đó quan trọng nhất là lễ 49 ngày và 100 ngày. Sau khi người chết được tròn một năm thì làm lễ cúng giỗ đầu, gọi là cúng tiểu tường; tròn hai năm thì tổ chức lễ cúng đại tường, sau lễ này con cháu để tang lên bàn thờ người quá cố, trừ con trai trưởng và dâu trưởng, cháu đích tôn; Đến sau ba năm, gia đình tổ chức lễ mãn tang hay còn gọi là mãn khó, trong lễ này các khăn tang, bức trướng, câu chữ để thờ, bàn thờ... được đem đốt”
[8]. Sau lễ này, bàn thờ được chuyển vào bàn thờ tổ tiên
, đồng thời gia đình xem như từ đây hết tang.
Những kiêng kỵ trong tang ma tại Hội An được chú trọng, từ cách đi đứng, ăn nói cũng phải giữ gìn, ý tứ vì khi nói đến tang ma là người ta nói về chữ hiếu; khi nhìn vào một đám tang thì có thể nhìn nhận được một phần nào trình độ văn hóa của một gia đình, một dòng tộc. Nếu như phạm phải những điều cấm kỵ sẽ bị người đời chê trách, mang tiếng xấu con cháu bất hiếu. Chẳng hạn như trong gia đình có ông, bà hoặc cha, mẹ chết thì con cháu không được đi giày dép mà phải đi chân trần. Trong những ngày diễn ra tang lễ, gia quyến không được tỏ ra vui vẻ, hát hò, từ người lớn đến trẻ nhỏ đều phải buồn rầu và thậm chí con cháu đến thăm viếng thì phải khóc lóc, u sầu. Người con trai trưởng trong nhà khi tang ma còn ở trong nhà thì đi chân không, không được cắt tóc, cạo râu
[9] và không được đi đâu xa. Bên cạnh đó con cháu còn ăn uống kiêng chay, cầu nguyện, phóng sanh nhằm hồi hướng công đức cho người quá cố được nhẹ nhàng, thanh thản dưới “
suối vàng”.
Tang ma là một trong những lễ nghi thuộc phong tục của người Việt Nam từ bao đời nay. Trong đó, có những quy định đã tồn tại và lưu truyền cho đến hiện nay, mặc dù đã có những tục lệ được người đời đổi thay, giản lược nhưng những tục lệ cốt yếu cho đến hiện nay phần nào vẫn được duy trì, gìn giữ theo phong tục cổ truyền của dân tộc. Thông qua đó, có thể nhìn nhận được tinh thần tương trợ, tình làng nghĩa xóm, sự đoàn kết trong tộc họ, sự gìn giữ thuần phong mỹ tục của cộng đồng cư dân Hội An trong tiến trình lịch sử./.