Bảo tồn 'di sản sống’: Cách làm từ Hội An

Thứ ba - 18/09/2018 21:38
Chia sẻ về câu chuyện quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị Đô thị cổ Hội An sau gần 20 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hoá Hội An cho rằng Hội An đã làm được những việc mà ngay cả Nhật Bản cũng phải học.
          “Cẩm nang” giữ gìn di sản

         Theo ông Trung, Phố cổ Hội An là di sản của cha ông để lại, trải qua thời gian dài, may mắn không bị chiến tranh tàn phá, đặc biệt không bị đô thị hóa như các thành phố khác của Việt Nam. Sau giải phóng, đời sống của người dân Hội An khó khăn, kinh tế nông ngư nghiệp đều không phát triển. Hội An lúc này trở thành thành phố “dưỡng già” vì thanh niên đi hết.
 
baotonhoian1
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An - Ảnh: VGP/Thế Phong

          Thời điểm năm 1982 trở đi, bắt đầu có những chủ trương của Chính phủ về văn hóa, nhờ vậy, Hội An sớm được sự quan tâm của các tổ chức, chuyên gia bảo tồn trong và ngoài nước. Việc này đã tác động đến ý thức của chính quyền địa phương và người dân trong việc giữ gìn di sản. Chính quyền các cấp Hội An đã sớm quan tâm và xây dựng các quy chế, coi như “cẩm nang” giúp chính quyền trong hoạt động quản lý, tu bổ, sử dụng các ngôi nhà cổ.

           Ông Trung cho biết, việc xây dựng quy chế trên xuất phát từ thực tế Hội An là di sản “sống”, người dân sống trong phố cổ, nếu không có quy chế riêng thì rất khó quản lý. Còn áp dụng Luật Di sản, các Nghị định của Nhà nước thì khó giữ được Hội An, bởi chủ yếu quản lý các di sản gần như không có người sinh sống và không điều tiết được với di sản cộng đồng như Hội An.

         “Trong quy chế, từng chi tiết, từng đối tượng, từng khu vực trong nhà cổ, phố cổ đều được đặt ra và người dân tham gia quy chế, quy định này. Trên cơ sở quy chế tạo được công bằng, cụ thể, công khai đối với mọi người dân.

          Khi anh muốn tu sửa nhà cửa, dù tháo dỡ viên gạch, viên ngói âm dương cũng phải tuân thủ quy chế, cửa phải là cửa gỗ, không được phép làm bằng chất liệu khác. Ngay việc lập bảng hiệu quảng cáo cũng có quy định về chiều dài rộng, chất liệu hay kiểu cỡ chữ. Các thủ tục liên quan đến tu sửa nhà cổ đều qua thủ tục một cửa, công khai. Kể cả cơ chế hỗ trợ tùy theo loại nhà là được hỗ trợ bao nhiêu chứ không có xin cho”, ông Trung chia sẻ.

           Đến nay, Hội An đã hình thành được 6 quy chế gồm: Quy chế quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; quy chế về trật tự kinh doanh; quy chế về biển hiệu quảng cáo; quy chế về tham quan, du lịch; quy chế về hoạt động du lịch trên sông; kể cả các cơ chế phối hợp. Hiện Thành phố đang tập hợp 6 quy chế này thành một quy chế chung tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhằm bảo đảm tính pháp luật.
 
baotonhoian2
Phố cổ Hội An là di sản “sống” rất quý và hiếm có trên thế giới - Ảnh: VGP/Thế Phong
 
             Sống hài hòa trong lòng phố cổ

           Nói về giải pháp bảo tồn, phát huy Di sản Hội An trong thời gian tới, ông Trung lo lắng cho hay, Hội An hiện nay đang chịu áp lực từ hoạt động kinh doanh, buôn bán, giao thông, du khách quá nhiều, rồi cư dân nơi khác đến sinh sống, kinh doanh làm ảnh hưởng đến tính chân xác của di sản, tức là giá trị nổi bật toàn cầu của Hội An, di sản “sống”.

            Tuy nhiên, ông cho rằng nhờ là nơi giao thương, hội nhân, hội thương, Hội An mới có giá trị di sản văn hóa như ngày hôm nay. Bây giờ, Hội An đang lặp lại việc hội nhập dân cư, buôn bán phát triển kinh tế, du lịch. Vấn đề đặt ra là cần có định hướng như thế nào trong quản lý dân cư và biến người dân ngụ cư trở thành công dân Hội An như lịch sử trước đây đã làm. TP. Hội An đang xây dựng văn hóa con người Hội An, đã làm ăn buôn bán ở Hội An phải có trách nhiệm với đô thị cổ này.

            Ngoài ra, Hội An cũng đang đối mặt với xu hướng người nơi khác đến mua, thuê nhà kinh doanh, không thờ ông bà, không thờ thần bếp, không có thần giếng, có chăng chỉ thờ thần tài. Đây là chuyển biến văn hóa và chuyển biến này phải thích ứng và phải dựa trên nền tảng truyền thống tại Hội An.

            “Hiện nay, chúng tôi đang điều tra xem có bao nhiêu nhà đã bán, chuyển nhượng, cho thuê từ năm 1999 đến nay. Tình trạng thờ tự, sử dụng những căn nhà như thế nào. Tôi nghĩ rằng khó bảo tồn được 100% ngôi nhà ở trong khu phố cổ, nhưng đối với các di tích, nhà cổ có giá trị đặc biệt thì bằng mọi cách phải giữ, kể cả hỗ trợ bảo tồn bằng cơ chế, chính sách”, ông Trung nhấn mạnh.

            Ông cho rằng công tác quản lý, bảo tồn Di sản Hội An bây giờ không chỉ áp dụng tính chân xác mà còn phải hài hòa đối với di sản “sống”. Ở thời kỳ 4.0, không thể bắt ép chủ nhân các ngôi nhà cổ sống trong điều kiện nhà bếp, vệ sinh hay phòng ngủ như ngày xưa. Hội An hiện nay không chỉ có công trình thế kỷ 17 mà còn có công trình thế kỷ 20, nhưng tất cả phải hài hòa trong không gian phố cổ.  

           “Tóm lại, chúng ta không nên đóng băng giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, mà phải bảo tồn để phát triển. Về dài hạn, Hội An cần một quy hoạch có quy mô quốc tế. Quy hoạch ở đây không chỉ là địa giới hành chính mà quy hoạch tổng thể Hội An trong phạm vi không gian văn hóa và kinh tế khu vực”, chuyên gia này nhìn nhận.

Tác giả: Thế Phong

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây