Vài đặc tính của cư dân qua nhận xét của các giáo sĩ, thương nhân nước ngoài (trích sách Cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử)

Thứ hai - 17/09/2018 04:19
Xét về đặc tính “ứng xử” của cư dân Faifo - Hội An trong lịch sử - phần nào do nhiều nguyên nhân hạn chế và để có tính khách quan hơn, chúng tôi chỉ xin trích dẫn những quan sát, nhận xét của các giáo sĩ, thương nhân nước ngoài đến Hội An - Đàng Trong vào các thế kỷ trước.
          Trước hết phải nói đến Giáo sĩ Cristoforo Borri (1583-1632) người Ý, đến Hội An - Đàng Trong năm 1618 và lưu trú ở đây gần 5 năm. Ông đã viết lại những gì ghi nhận được về con người và cuộc sống xung quanh ông lúc bấy giờ qua tác phẩm nổi tiếng “Xứ Đàng Trong năm 1621”, được xuất bản năm 1631 tại Ý. Theo Borri nhận xét: “... Về nét mặt thì cũng giống như người Tàu, cũng có mũi tẹt, mắt bé, còn về kích thước thì trung bình, tôi có ý nói họ không quá lùn như người Nhật, không quá cao như người Tàu. Nhưng về thân hình vạm vỡ thì họ vượt cả hai, về can đảm thì hơn người Tàu, chỉ có người Nhật là hơn họ về một điểm độc nhất là coi thường mạng sống trong gian nguy và chiến trận...” Về tính cách người Hội An - Đàng Trong ông cho biết: “Họ dịu dàng hơn và lịch thiệp hơn khi đàm đạo, hơn tất cả các dân phương Đông nào khác... Khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta... như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu... Từ tính tình rất trọng khách và cách ăn ở giản dị đó mà họ rất đoàn kết với nhau, rất hiểu biết nhau, đối xử với nhau rất thành thật, rất trong sáng, như thể tất cả đều là anh em với nhau, cùng ăn uống và cùng chung sống trong một nhà, mặc dầu trước đó chưa bao giờ họ thấy nhau, biết nhau”. Nhiều câu chuyện kể sinh động của Cristoforo Borri để minh chứng cho nhận xét của ông là “họ coi là một nết xấu, nếu ai ăn món gì dù rất nhỏ mọn mà không chia sẻ cho bạn, bẻ cho mỗi người một miếng. Họ có tính quảng đại, hay bố thí cho người nghèo, họ có thói quen không bao giờ từ chối, không cho kẻ xin bố thí”. Chính vì thế, ông kể lại, có một lần một số người ngoại quốc bị đắm tàu ở đây, dân địa phương vội vàng đến cứu họ, những nạn nhân chỉ cần thốt lên một tiếng “doy” (đói), nhưng bao nhiêu đó đủ để nhiều người dân đi thu góp thức ăn mang đến cho họ. Lòng nhân ái và sự hào phóng của người dân nơi đây, kể cả những người nghèo, lắm lúc làm cho người ngoại quốc hết sức ngạc nhiên. Có lần một thương nhân Bồ Đào Nha đi thuyền cặp theo thuyền đánh cá của một ngư dân nghèo, đặt tay lên chiếc giỏ đầy cá của ông và nói: Xin một cái (nguyên văn của Borri: Scin mocaij). Người ngư dân chẳng nói, chẳng rằng, đưa hết cái giỏ cá cho người thương nhân Bồ Đào Nha. Như vậy “họ coi là rất bất lịch sự nếu người ta từ chối dù đó là vật quý và hiếm, và chỉ có một cái mà thôi. Ai từ chối họ thì liền bị coi là người xấu”. Trong giao tiếp, người Hội An - Đàng Trong luôn biết tôn trọng lẫn nhau, “họ đặc biệt kính trọng người già nua, tuổi tác... Trong mọi việc, ở vào bất cứ cấp bậc nào, gia thế nào, bao giờ họ cũng nhường ưu tiên cho người già hơn”. Hơn nữa, theo Cristoforo Borri nhận xét: “không chỉ như người Nhật trọng nhiều về võ thuật hơn về học thuật. Trái lại người tàu trọng nhiều về học thuật và coi thường võ thuật. Người (Hội An) Đàng Trong không hoàn toàn xa người Nhật và lại cũng gần giống người Tàu... vừa trọng võ, vừa trọng văn tùy theo cơ hội...”.

          Giáo sĩ Alexandre De Rhodes (1593 - 1660) người Pháp, ông đến Hội An - Đàng Trong trong năm 1624. Chỉ sáu tháng sau ông đã giảng đạo bằng ngôn ngữ bản xứ. Theo ông nhận xét: “Dẫu họ (người Hội An - Đàng Trong) đánh giặc giỏi, coi thường mạng kẻ địch nhưng đối với nhau họ lại thương nhau như anh em ruột và không bao giờ tôi nghe thấy một người lính dùng khí giới đánh người đồng đội... Công lý ở xứ này... người dân không phải tốn kém gì khi bênh vực quyền lợi của mình. Vì thế không hề có các thứ giấy tờ, thể thức gây bao tốn kém phiền phức...”.

          Còn một thương nhân khác Pierre Poive, một nhân viên của công ty Ấn Độ thuộc Pháp, năm 1749 được giao nhiệm vụ đến Hội An - Đàng Trong, ông đã lưu sống ở đây và có nhận xét: “Người dân ở đây dũng cảm và cần cù, bản tính giản dị, thẳng thắn tôn trọng sự thật. Họ nghèo và ít học nhưng lịch thiệp đặc biệt đối với người ngoại quốc... Ngoài việc buôn bán giỏi, những người lao động, những người nấu đường và dệt vải, cả những người xây nhà... rất được quan tâm”.
 

Tác giả: Nguyễn Chí Trung

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây