Theo Luật Di sản Văn hóa và các văn bản dưới luật của Việt Nam, di sản văn hóa vật thể bao gồm: các di tích lịch sử - văn hóa và các di vật, cổ vật, báu vật quốc gia. Đây là đối tượng gốc, là linh hồn của các bảo tàng. Đồng thời xuất phát từ đặc thù di sản văn hóa, ở Hội An nhiều năm qua trong tư duy nhận thức và cả trong thực tiễn chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo, cơ quan chuyên môn không chỉ tập trung quan tâm đầu tư xây dựng các bảo tàng theo nghĩa “Cổ điển”- Quen gọi như: Bảo tàng lịch sử, bảo tàng tự nhiên, bảo tàng mỹ thuật, hay các bảo tàng chuyên đề… là nơi lưu giữ, bảo quản, trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hiện vật liên quan đến qua khứ lịch sử tự nhiên, xã hội và con người tại các thiết chế trụ sở/bảo tàng. Mà ở đây, còn tập trung xây dựng các bảo tàng được hiểu theo một khái niệm “mới” mở rộng, là nơi giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên ngay tại/trong môi trường sinh thái, nhân văn, nơi chúng được sáng tạo ra và tiếp tục lưu truyền, không tách rời với đời sống của các cộng đồng dân cư. Hay trong một khái niệm cô đọng đó là “Bảo tàng sống” hay bảo tàng sinh thái - nhân học. Ở Hội An có thể thấy, đó là Bảo tàng lịch sử kiến trúc, cư dân đô thị Khu phố cổ Hội An - Di sản văn hóa thế giới; bảo tàng làng quê sông nước đặc thù Cẩm Thanh; làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng... Trong bài viết này tôi chỉ xin tập trung trình bày về hệ thống bảo tàng chuyên đề trong các thiết chế bảo tàng.
Ở Hội An hiện nay có 4 bảo tàng chuyên đề đó là: Bảo tàng Đô thị thương cảng Hội An - gọi tắt là Bảo tàng Hội An
(tại số 10B đường Trần Hưng Đạo); Bảo tàng Văn hóa Sa Huỳnh
(tại số 149 đường Trần Phú); Bảo tàng Văn hóa Dân gian
(tại số 33 đường Nguyễn Thái Học); Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch
(tại số 80 đường Trần Phú) và một Nhà lưu niệm: Đồng chí Cao Hồng Lãnh
(nhà tiền bối cách mạng của Hội An ở số 129 đường Trần Phú). Tuy nhiên các bảo tàng này ở Hội An không được hưởng những cơ chế, chính sách như một thiết chế bảo tàng, bởi cũng theo Luật Di sản Văn hóa, cấp huyện không có bảo tàng. Hệ thống bảo tàng Hội An được hình thành là kết quả của một quá trình gần 40 năm nghiên cứu, điều tra, khai quật khảo cổ học, dân tộc học, nhân học và về lịch sử văn hóa Hội An của các lớp thế hệ cán bộ, chuyên môn thuộc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An và bằng nguồn ngân sách đầu tư của thị xã/thành phố Hội An. Tổng số hiện vật trưng bày tại các bảo tàng ở Hội An hiện nay là 3.482 hiện vật và với 8.740 hiện vật kho. Các hiện vật này đã được thiết lập, xây dựng hồ sơ đầy đủ từ lý lịch hiện vật, sổ đăng ký kiểm kê bước đầu, sổ phân loại. Ngoài việc lưu hồ sơ bằng văn bản theo quy định, cán bộ bảo tàng xây dựng phần mềm quản lý, lưu trữ kết nối với phần mềm quản lý di sản của cơ quan
(Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An). Nhờ sự hỗ trợ của công nghệ thông tin mà việc quản lý, lưu trữ và phục vụ công tác thông tin tuyên truyền được thuận lợi. Bảo tàng ở Hội An không chỉ trưng bày với hình thái tĩnh mà còn đưa những hoạt động trực quan vào giới thiệu tại các bảo tàng như hoạt động trình diễn nghề truyền thống tại Bảo tàng Văn hoá Dân gian và tạo ra những không gian nghỉ chân ngay tại các điểm bảo tàng. Ngoài ra, Bảo tàng đã kết nối với Phòng Giáo dục xây dựng đề án Giáo dục di sản trong nhà trường/học đường
(giáo trình được xây dựng từ học sinh khối lớp 1 đến lớp 9). Và
“Hoạt động chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” chính thức thực hiện vào tháng 10 năm 2013, đến nay đã có hàng nghìn em học sinh tiểu học tham gia, bao gồm cả nhóm nhà trường và nhóm gia đình
(có cả các em học sinh trường tiểu học từ Đà Nẵng vào tham dự). Những hoạt động này đã thật sự thu hút các em học sinh vì có sự nối kết bục giảng với thực tiễn đời sống, phát huy tính năng động, sáng tạo, rèn luyện cho các em thêm kỹ năng ứng xử, tạo điều kiện cho các em tiếp cận và khám phá các giá trị lịch sử, văn hoá. Thông qua đó khích lệ lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương đất nước cho lớp trẻ khi còn trên ghế nhà trường. Từ những đặc trưng văn hoá của vùng đất Hội An được thể hiện tại các bảo tàng đã đưa khách đến bảo tàng ngày càng đông hơn. Năm 1999, các điểm bảo tàng, di tích đón 202.668 lượt khách, thì đến năm 2017 đã tăng lên 1.992.000 lượt khách/năm, góp phần thu hàng tỉ đồng cho sự nghiệp bảo tàng của địa phương. Ngoài ra, để quảng bá hình ảnh Hội An đến với công chúng, Bảo tàng còn tổ chức triển lãm lưu động trong và ngoài tỉnh phục vụ các sự kiện chính trị. Từ năm 1999 đến nay có gần 100 cuộc triển lãm đã thu hút trên 500.000 lượt khách tham quan, nghiên cứu. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, có thể nói Hội An là địa phương cấp huyện ở Việt Nam có nhiều bảo tàng chuyên đề nhất, thu hút được nhiều khách tham quan và đóng góp tích cực cho các hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa thế giới Hội An nói chung và sự nghiệp bảo tàng ở Hội An nói riêng. Đồng thời, trong những năm qua hệ thống bảo tàng ở Hội An đã luôn thể hiện rõ vai trò của một thiết chế văn hóa đặc thù, được xây dựng nhằm gắn kết hiện tại với quá khứ, đồng thời chuyển giao các giá trị văn hóa mà tiền nhân đã sáng tạo ra cho các thế hệ tương lai và đang thực hiện tốt các chức năng: Nghiên cứu khoa học; Giáo dục khoa học; Tư liệu hóa di sản; Một trung tâm thông tin có khả năng cung cấp nguồn sử liệu có tính nguyên gốc; và là một trung tâm cung cấp các loại dịch vụ văn hóa, cả hình thức nghỉ ngơi, giải trí tích cực cho du khách tham quan
(điểm dừng chân). Thông qua những hoạt động đa dạng để đạt được các chức năng, nguyên tắc bảo tàng học, các cán bộ bảo tàng ở Hội An luôn hướng tới cách tiếp cận đa ngành và liên ngành về di sản văn hóa, nghĩa là xem di sản văn hóa như một chỉnh thể thống nhất không tách rời giữa động sản và bất động sản, vật thể và phi vật thể, thiên nhiên và văn hóa, truyền thống và cách tân, duy trì và trao truyền. Việc thiết lập và phát triển các bảo tàng ở Hội An luôn được quan tâm đến đặc trưng của di sản văn hóa và được xem xét ở dưới các cấp độ: Cá nhân, với tư cách là chủ thể sáng tạo, trình diễn, giảng dạy, chuyển giao và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, chủ nhân của các các di sản văn hóa vật thể; Gia đình
, là tế bào cơ bản của xã hội, nơi có ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp nhất tới việc hình thành nhân cách của các các cá nhân, là môi trường chuyển giao văn hóa vật thể và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể, cũng là nơi bảo tồn gien di truyền văn hóa; Làng xã, là địa điểm và không gian tiến diễn của di sản văn hóa phi vật thể, nơi sáng tạo, gìn giữ và phát huy kho tàng di sản văn hóa vật thể hết sức phong phú đa dạng; Đồng thời gắn với yếu tố lịch sử văn hóa vùng, quốc gia - dân tộc trong mối quan hệ giao lưu, tiếp biến văn hóa quốc tế.
Hoạt động của bảo tàng ở Hội An trong nhiều năm qua không theo cách nghĩ đơn thuần chỉ dựa vào hiện vật gốc và nhận thức chủ quan của cán bộ bảo tàng qua nội dung trưng bày mà điểm tựa ấy đã được bổ sung/nhấn mạnh nhiều hơn tới công chúng và các nhu cầu thiết yếu của họ khi đến thăm bảo tàng. Có nghĩa là, các hoạt động của bảo tàng ở đây không chỉ xuất phát từ hiện vật gốc, mà còn xuất phát/ nắm vững toàn bộ các nhu cầu của các loại công chúng trong xã hội để tìm ra những phương thức đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất. Tập trung mọi nỗ lực nhằm xác định rõ và tư liệu hóa các giá trị văn hóa phi vật thể kết tinh trong các bộ sưu tập, đồng thời nghiên cứu những nhu cầu cụ thể của công chúng để kịp thời đáp ứng.
Bảo tàng Hội An - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Xuất phát từ đặc tính đa dạng là bản chất của văn hóa và di sản văn hóa và chính là một biểu hiện sinh động/tấm gương phản chiếu đa dạng của văn hóa Hội An mà hệ thống bảo tàng ở Hội An đã bao gồm nhiều chủ đề, chuyên đề trưng bày và các góc tiếp cận thể hiện khác nhau. Ở đây có cách tiếp cận của ngành dân tộc học
(như bảo tàng Văn hóa dân gian); khảo cổ học
(như Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch); Nhân học - lịch sử văn hóa
(Bảo tàng Đô thị thương cảng Hội An - Bảo tàng Hội An) hay nhân học - dân tộc học
(Nhà lưu niệm đông chí Cao Hồng Lãnh)... Nhìn chung, hệ thống bảo tàng ở Hội An đã gắn với nhịp sống sôi động trong xã hội, ở trong lòng công chúng, trở nên gần gũi với mọi loại công chúng. Trong tương lai, các bảo tàng tiếp tục chỉnh lý, bổ sung trưng bày, hoặc Bảo tàng Đông Y cổ truyền sắp được hoàn thành đưa vào hoạt động. Đặc biệt Bảo tàng Hội An đang có kế hoạch bổ sung trưng bày gắn với đầu tư công nghệ... chắc chắn hệ thông bảo tàng ở Hội An sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn và đóng góp to lớn trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An.
Bảo tàng Văn Hóa Sa Huỳnh - Ảnh: Trung tâm QLBT DSVH Hội An
Tuy nhiên, để hệ thống bảo tàng ở Hội An hội nhập và phát triển theo tốc độ phát triển và nhu cầu cao của cộng đồng địa phương, khách du lịch, công chúng nói chung, hướng đến các bảo tàng cần phải được đầu tư công nghệ kỹ thuật số. Bởi ứng dụng công nghệ mới ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trợ thủ đắc lực trong mọi hoạt động của bảo tàng: từ ứng dụng công nghệ phục vụ trưng bày, khách tham quan như công nghệ 3D, màn hình cảm ứng tương tác, scan kỹ thuật ảo, công nghệ thực tế ảo... hay audioguide, multime guide... đến các hoạt động an ninh, bảo vệ, giám sát điều kiện môi trường bảo quản, lưu trữ dữ liệu số. Đặc biệt, cần quan tâm, ưu tiên hang đầu cho gắn kết với cộng đồng, nhằm phục vụ cộng đồng ngày càng tốt hơn. Đây đang là mục tiêu, là xu hướng mới của hầu hết các bảo tàng trên thế giới và là một trong những chỉ tiêu đánh giá một bảo tàng hoạt động đã thực sự hiệu quả hay chưa. Chú ý tạo ra những giá trị mới, hiện đại cho các bảo tàng bằng chính công nghệ ngay trên những trưng bày hiện tại của bảo tàng; Tạo cơ hội trải nghiệm mới cho du khách tham quan. Công nghệ mới cung cấp các ứng dụng giúp khách tham quan tương tác toàn diện với trưng bày được chuẩn bị trước, trong cũng như sau khi tham quan bảo tàng; Nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ bảo tàng để tiếp cận ứng dụng công nghệ mới với việc làm trước tiên phải tư liệu hóa thông tin dưới dạng kỹ thuật số của các sưu tập, nội dung trưng bày bảo tàng - từng bước xây dựng dữ liệu lớn
(big data) của riêng từng bảo tàng. Hơn nữa dữ liệu số các hiện vật sẽ còn vô cùng hữu ích cho quá trình bảo quản, phục hồi hiện vật trong trường hợp không may bị hư hỏng, mất mát. Đặc biệt trong hoạt động giáo dục tại bảo tàng, ứng dụng trí tuệ thông minh luôn là “ trợ lý” đắc lực cho cán bộ bảo tàng. Những nội dung số “ thông minh”, như hộp thoại chia sẻ thông tin, diễn đàn trao đổi kiến thức, hay các chương trình khám phá, tìm hiểu lịch sử, văn hóa, thiên nhiên... với các ứng dụng tùy biến, sẽ giúp trưng bày bảo tàng tăng khả năng kết nối một cách thân thiện với khách tham quan là học sinh, sinh viên. Hệ thống những bài giới thiệu trưng bày với ứng dụng tương tác, hỏi - đáp, trao đổi trực tiếp, riêng tư giữa khách tham quan và trưng bày cũng sẽ dễ dàng truyền tải cảm xúc, nội dung của trưng bày đến khách tham quan, đồng thời tạo cảm giác thân thiện, chủ động trong tiếp nhận kiến thức mới, hạn chế những định kiến về bảo tàng hay những mặc cảm về khoảng cách kiến thức giữa trưng bày và khách tham quan. Chia sẻ thông tin sau khi tham quan bảo tàng tại những ứng dụng do bảo tàng cung cấp cũng là một lợi ích mà các bảo tàng hướng tới (
trước đây rất khó thực hiện). Đây cũng chính là kênh học tập tự nguyện, giúp khách tham quan, các nhà nghiên cứu có thể trao đổi với nhau, vừa giúp bảo tàng thu thập được thông tin.
Để các di vật, cổ vật, báu vật quốc gia, cũng là tài sản quý giá của dân tộc được bảo tồn, giữ gìn, phát huy, hội nhập quốc tế, bảo tàng ở Hội An nói riêng và bảo tàng nói chung đang cần sự quan tâm đầu tư, cần một cơ chế vận hành mới, năng động nhằm kết nối, huy động được cộng đồng, công chúng và cả sự tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa, có sự tham gia quản lý, thẩm định, hỗ trợ chuyên môn của các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp³