Văn hóa Sa Huỳnh – Tròn một thế kỷ khám phá

Thứ tư - 29/08/2018 22:29
Tròn một thế kỷ kể từ khi những dấu vết đầu tiên của một nền văn hóa từng phát triển rực rỡ trên dải đất miền trung, có niên đại cách ngày nay 2.500 đến 3.000 năm được phát lộ tại cồn cát Sa Huỳnh, những di tích, những hiện vật mới thuộc văn hoá Sa Huỳnh vẫn tiếp tục được nhiều thế hệ nhà nghiên cứu trong và ngoài nước dày công tìm kiếm, sưu tầm và nghiên cứu… Diện mạo của văn hóa Sa Huỳnh, từ nguồn gốc đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật đến đặc trưng văn hóa… ngày càng rõ nét.
           
Pottery vase Sa Huynh Culture 696x928

          Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh

         Phân bố trên dải đất miền Trung Việt Nam nhưng trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh là khu vực Quảng Nam – Quảng Ngãi, còn khu vực Nam Trung Bộ, từ Phú Yên đến Bình Thuận những di tích và di vật thời tiền – sơ sử chỉ được phát hiện và nghiên cứu từ sau năm 1975. Cho đến nay số lượng di tích ở khu vực này không nhiều và có thể nói, tính chất và diện mạo của “văn hóa Sa Huỳnh” ở đây có phần khác biệt so với vùng trung tâm, kể cả giai đoạn nối tiếp từ văn hóa Sa Huỳnh sang văn hóa Chămpa.

           Văn hóa Sa Huỳnh với giai đoạn đỉnh cao là “Sa Huỳnh cổ điển” vào sơ kỳ đồ sắt cần được hiểu là kết quả hội tụ sự phát triển của từng khu vực trong các giai đoạn thuộc thời Đồng thau trước đó (khoảng 1.500 – 500 trước công nguyên), cho đến nay biết được là ở Quảng Nam có Bàu Trám, Quảng Ngãi có Long Thạnh, Bình Châu, Cù lao Ré, đảo Lý Sơn, Bình Định có Bàu Đỏ, Phú Yên có Gò Ốc, Gò Bộng Dầu, Khánh Hòa có Xóm Cồn, Bích Đầm, Hòn Tre, Ninh Thuận có Hòn Đỏ, Bình Thuận có Bàu Hòe… Ngoài ra những phát hiện khảo cổ học ở Tây Nguyên gần đây cũng góp phần chứng minh cho sự phát triển “văn hóa đa tuyến” ở khu vực miền Trung: văn hóa Biển Hồ (Gia Lai), Lung Leng (Kon Tum), những di tích ở Đăk Lắk, Đăk Nông… đều thể hiện những đặc trưng riêng biệt đồng thời vẫn có “yếu tố Sa Huỳnh” trong di tích và di vật, nhất là về mộ chum, cách thức mai táng và đồ tùy táng chôn theo. Những nhóm di tích hay văn hóa khảo cổ này có sắc thái văn hóa rất đa dạng từ biển và hải đảo đến núi và rừng, vừa độc lập với nhau vừa có mối giao lưu hoặc quan hệ tộc thuộc với nhau và cùng tham góp vào quá trình đưa văn hóa Sa Huỳnh phát triển lên đỉnh cao trong thời đại sơ kỳ Đồ Sắt (khoảng 500 năm trước Công nguyên đến đầu công nguyên).
 
IMG 0830 2 200x300

 
IMG 0820 1 1 683x1024

            Mộ chum được xem là đặc trưng nổi trội nhất của văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ thời đại sắt cách đây 2500 – 2000 năm
 
          Văn hóa Sa Huỳnh là thành quả đóng góp của nhiều nhóm cư dân – tộc người, trong đó mang đậm dấu ấn văn hóa biển của những người thuộc ngữ hệ Malayo – Polynesien cư trú trên vùng đảo và quần đảo Đông Nam Á (và rộng hơn), bên cạnh dấu ấn văn hóa của những người thuộc ngữ hệ Nam Á – Môn Khmer cư trú trên dải Trường Sơn – Tây Nguyên. Quá trình tiếp xúc, giao lưu giữa các tộc người đã tạo nên sắc thái đặc trưng từng vùng, từng khu vực.

           Như vậy, Văn hóa Sa Huỳnh là sản phẩm của những cư dân nông nghiệp trồng lúa ở những đồng bằng ven biển cồn bàu. Tuy vậy nền kinh tế của họ là nền kinh tế đa thành phần, họ sớm biết khai thác những nguồn lợi của biển, của rừng, biết phát triển các nghề thủ công, từng bước họ đã mở rộng quan hệ trao đổi buôn bán với các cư dân trong khu vực Ðông Nam Á lục địa, hải đảo và rộng hơn với Ấn Ðộ, với Trung Hoa. Ðặc biệt ở giai đoạn cuối, nghề buôn bán bằng đường biển rất phát triển. Ở ven biển miền Trung, vào những thế kỷ trước, sau công nguyên đã hình thành một số tiền cảng thị hay cảng thị sơ khai, như khu vực Hội An với di tích Hậu Xá. Mật độ phân bố và quy mô các di tích cho biết đó là những khu vực tụ cư đông đúc và lâu đời, một xã hội sức có nền sản xuất khá phát triển và do đó, vào giai đoạn cuối của nền văn hóa này có thể đã hình thành một hình thái “nhà nước sơ khai” kiểu liên minh bộ lạc. Cùng trên địa bàn mà sau này hình thành nhà nước Lâm Ấp – vương quốc Chămpa, mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.

           Những phát hiện mới, nghiên cứu mới

        Từ thông tin đầu tiên trong Niên giám 1909 của Viện Viễn Đông Bác Cổ về việc phát hiện “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong một cồn cát ven vùng biển Sa Huỳnh” (huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi), đến nay hàng trăm di tích của nền văn hóa này đã được tìm thấy khắp các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận và lan cả sang một số địa bàn lân cận.

          Các cuộc khai quật được tiến hành trên một địa bàn rộng lớn, dọc duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ mà nhiều nhất là địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Theo đó, các lần khai quật lớn ở đây lần lượt là: Năm 1976 khai quật tại Gò Ma Vương (Phổ Khánh – Đức Phổ); năm 1997 khai quật tại xóm Ốc (Lý Sơn); năm 2000 tại suối Chình (Lý Sơn); năm 2005 tại Bình Đông (Bình Sơn) và gần đây nhất là năm 2009 tại xã Đức Thắng (Mộ Đức). Hiện vật tìm thấy qua những lần khai quật cho phép tái hiện không gian văn hóa Sa Huỳnh rộng lớn hơn nhiều so với hình dung của các nhà khảo cổ học Pháp trước đây. Các cuộc khai quật này đã phát hiện sự tồn tại của một giai đoạn văn hóa sớm, liền trước, tiền thân của Sa Huỳnh cổ điển, mà ngày nay được định danh là giai đoạn tiền Sa Huỳnh hoặc Sa Huỳnh sớm.

            Trong những năm 90 của thế kỷ XX, việc phát hiện và khai quật cụm di tích Giồng Cá Vồ – Giồng Phệt (thuộc huyện Cần Giờ – TPHCM) đã gây “chấn động” giới khảo cổ học và sử học. Đó là những bãi mộ chum lớn với hiện vật vô cùng phong phú, đa dạng về chất liệu cũng như loại hình. Đồ tuỳ táng gồm có kiếm sắt, dao sắt, khuyên tai, hạt chuỗi thuỷ tinh, hạt chuỗi vàng, khuyên tai vàng… Và cuối năm 2008 đầu năm 2009 mới đây, một cuộc khai quật khảo cổ ở di tích Bãi Cọi (xã Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã phát hiện những hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh như khuyên tai hình hai đầu thú, mộ bình, mộ nồi chôn đứng, mộ chum… và rất nhiều hiện vật gốm như chum, vò, bát bồng, nắp nón cụt, khuyên tai ba mấu bằng thuỷ tinh và đất nung, đặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào. Chính những phát hiện này cho thấy, dù đã tròn một thế kỷ phát hiện và nghiên cứu, nhưng văn hóa Sa Huỳnh vẫn luôn tiềm ẩn những bất ngờ, không những thú vị mà còn là thách thức với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong và ngoài nước.
           
CHUM 248x420

           Cùng với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh là một trung tâm văn minh rực rỡ thời kỳ đầu dựng nước

         Bên cạnh những phát hiện mới, những năm gần đây, nhiều cuộc khai quật khảo cổ học đã được tiến hành nghiên cứu nhằm tìm hiểu mối quan hệ giữa văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Địa bàn quan trọng là tỉnh Quảng Nam vì đây được xem là trung tâm của văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chămpa. Trong nhiều di tích, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những mảnh gốm vừa mang đặc điểm của gốm Sa Huỳnh và cả đặc điểm gốm Chămpa. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để chứng minh con đường phát triển từ văn hóa Sa Huỳnh lên văn hóa Chămpa. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra từ thư tịch cổ một số “yếu tố Sa Huỳnh” trong xã hội và văn hóa Chămpa.

           Con đường phía trước

         Cùng với sự khẳng định những kết quả thu được sau 100 năm, các nhà khoa học cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm của giới nghiên cứu trong thời gian tới là cần tập trung làm rõ câu hỏi về danh tính của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh. Cần có một định hướng cơ bản về điều tra, điền dã và khai quật để có thể lý giải các câu hỏi, tránh làm hỏng di tích, bởi khả năng bảo quản hiện vật của ta vẫn còn hạn chế, mà di vật sẽ bị phá hủy rất nhanh do tác động của môi trường sau khi khai quật. Cũng cần có biện pháp để bảo vệ di tích trước sức ép rất lớn của tốc độ phát triển kinh tế khu vực miền trung giai đoạn hiện nay… Vấn đề đặt ra là nên chăng xây dựng một bảo tàng về văn hoá Sa Huỳnh mà ở đó, thông qua những bộ di vật đặc sắc và hấp dẫn của những giai đoạn phát triển trước Sa Huỳnh, hậu Sa Huỳnh, tiền Chămpa để giới thiệu một cách toàn diện về đời sống vật chất, tinh thần, hoạt động kinh tế, cơ tầng xã hội, sự phát triển nội tại, sự tiếp thu ảnh hưởng bên ngoài của nền văn hoá này với thế giới.
 
1779 mo chum 696x522 (1)

            Còn nhiều bí ẩn, độc đáo của nền văn hóa Sa Huỳnh hiện đang được các nhà khảo cổ, khoa học nghiên cứu và khám phá
——o0o——
 
            Là một trong những văn hóa tiền sử được phát hiện và nghiên cứu sớm nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, văn hóa Sa Hùynh có vị trí quan trọng trong việc định vị và đối sánh các văn hóa cùng thời, nhất là những văn hóa ven biển và hải đảo có mối quan hệ giao lưu mật thiết với nó. Những gì chúng ta đang lưu giữ và biết được về cư dân Sa Huỳnh, văn hóa Sa Huỳnh trong 100 năm qua đủ để chúng ta hình dung ra diện mạo của nền văn hóa Sa Huỳnh và cư dân Sa Huỳnh, từ nguồn gốc cho đến các giai đoạn phát triển, từ loại hình di tích di vật cho đến đặc trưng văn hóa ngày càng rõ nét hơn.

 

Tác giả: Thiên Phong

Nguồn tin: nguoiquangxaque.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây