Vài nét về di tích lịch sử cách mạng trong khu vực I phố cổ Hội An

Thứ hai - 20/08/2018 05:01
Khu phố cổ Hội An với bề dày lịch sử lâu đời đã kết tinh, hội tụ trong mình nhiều giá trị quý báu. Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, mỹ thuật,… nói chung, nhiều ngôi nhà, góc phố còn lưu lại những dấu ấn lịch sử cách mạng quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Hội An trong những năm tháng đấu tranh gian khổ, hào hùng để bảo vệ quê hương, đất nước.
         Theo Quy chế Quản lý, bảo tồn, sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An do UBND thành phố Hội An ban hành, phạm vi khu vực I - khu phố cổ Hội An nằm trên địa bàn các phường Minh An, Cẩm Phô, Sơn Phong, trong đó chủ yếu thuộc địa bàn phường Minh An. Nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, 12 di tích lịch sử cách mạng trong khu vực I đã được xác định đưa vào danh mục di tích bảo vệ của thành phố Hội An.

           Liên quan đến thời kỳ tiền khởi nghĩa, trong khu vực I hiện có 05 di tích. Các di tích này ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong buổi đầu vận động thành lập và ra đời của tổ chức Đảng Cộng sản ở Hội An.

          Nhà Đức An (nay là nhà số 129 đường Trần Phú) là di tích có niên đại sớm nhất trong số các di tích lịch sử cách mạng ở Hội An. Từ năm 1925, ngôi nhà này đã trở thành nơi gặp gỡ của những thanh niên, trí thức tiến bộ có tinh thần yêu nước, kháng Pháp đồng thời là đầu mối để tuyên truyền các sách báo tiến bộ như báo Chuông rè, Đông Pháp thời báo, Tân thế kỷ, Nhân loại, Việt Nam hồn. Tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hội An vào tháng 10/1927. Sự kiện này có ý nghĩa to lớn, đánh dấu bước chuyển mới của phong trào cách mạng Hội An đi theo ánh sáng soi đường của Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng cứu nước của Nguyễn Ái Quốc đến ngày thắng lợi vẻ vang.

           Sau khi được thành lập vào tháng 10/1927, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Hội An đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho quần chúng, trong đó Hội đã thành lập một hiệu sách lấy tên là Vạn Sanh (nay là nhà số 76 đường Lê Lợi). Tại đây, ngoài việc bán sách, báo tuyên truyền về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng của Đảng, các ấn phẩm tiến bộ, Hội còn tổ chức nhiều chuyến trao đổi buôn bán vải, tơ lụa ra miền Bắc và ngược lại. Thông qua đó, Hội có điều kiện trao đổi thông tin với các tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở phía Bắc, tiếp nhận tài liệu mới phục vụ công tác tuyên truyền ở Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung. Việc in ấn truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cũng được Hội thực hiện ở đây. Truyền đơn được phân cho hội viên rải nhiều nơi trong và ngoài Hội An nhân các ngày lễ như Cách mạng tháng Mười Nga, Quốc tế Lao động 1-5,... Đặc biệt bài Quốc tế ca do Bác Hồ dịch thành thơ lục bát được in đầu tiên ở Hội An cũng tại nơi này... Những hoạt động của Hội tại hiệu sách Vạn Sanh đã góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng ở Hội An phát triển lên cao, tạo tiền đề để Chi bộ Đảng Hội An thành lập vào tháng 4/1930.

            Ngay sau khi thành lập, dưới sự chỉ đạo của tỉnh ủy Quảng Nam, ngày 1/5/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Hội An tổ chức rải truyền đơn trên đường Cầu Nhật Bản (đường Trần Phú hiện nay) nhằm kêu gọi quần chúng hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động. Tại các vị trí quan trọng như Chùa Cầu, ngã tư đường Hội An - Cầu Nhật Bản (hiện nay là đường Lê Lợi – Trần Phú), Giếng Máy, chợ Hội An, lá cờ Đảng được treo trang trọng tạo niềm tin để quần chúng nhân dân vững bước trên chặng đường đấu tranh giành độc lập dưới sự lãnh đạo của Đảng.

           Tiếp đó vào ngày 1/9/1930, tại đường Phúc Kiến trước chùa Quảng Triệu (nay là đường Bạch Đằng đoạn gần chùa Cầu), đáp lời kêu gọi của Trung ương Đảng đứng lên chống Pháp, ủng hộ phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức buổi diễn thuyết trước sự chứng kiến của đông đảo quần chúng nhân dân. Tại buổi diễn thuyết, đồng chí Trần Kim Bảng tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược và bọn phong kiến Nam Triều đã áp bức, bóc lột nhân dân ta bằng chính sách khai thác thuộc địa tàn bạo với sưu cao thuế nặng, làm cho nhân dân ta rơi vào cảnh khốn khổ tột cùng. Đồng chí cũng nói lên sứ mệnh của Đảng Cộng sản Việt Nam là đấu tranh giành độc lập dân tộc, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân. Đồng chí kêu gọi đồng bào nhân dân Hội An đứng lên đấu tranh giành lại quyền lợi cho mình và hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh. Buổi mitting tạo được tiếng vang lớn về mặt chính trị, góp phần cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Hội An lúc bấy giờ.

              Đầu năm 1942, thực dân Pháp triển khai chiến dịch vây ráp gây nhiều khó khăn cho lực lượng cách mạng. Để phát triển phong trào, giữa năm 1942, Thành ủy Hội An mở xưởng mộc lấy tên là “Xô - li - đa” tại nhà số 31 và 33 đường Nguyễn Thị Minh Khai hiện nay. Nơi đây trở thành cơ quan làm việc cũng như đầu mối liên lạc chủ yếu của Thành ủy lúc bấy giờ. Thợ làm việc trong xưởng đều là những đảng viên và cơ sở cách mạng của Đảng. Xưởng mộc bên cạnh giải quyết việc làm cho cán bộ thoát ly hoạt động còn tạo ra nguồn kinh phí đáng kể cho Thành ủy. Cũng tại đây, vào tháng 8/1942 Chi bộ binh lính được thành lập gồm những đảng viên và cơ sở nội tuyến của ta trong các đồn lính của Pháp đóng tại Hội An. Hoạt động của Chi bộ đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng về tình hình địch để Thành ủy kịp thời nắm bắt, lãnh đạo đấu tranh.

             Hòa chung cả nước, nhân dân Hội An đã làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhiều địa điểm trong khu vực I cũng đã ghi dấu những sự kiện đáng nhớ về những ngày tháng đầu xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng của ở Hội An. Ngày 3/9/1945, tại rạp xi nê Phan Hương, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời Thị xã ra mắt quần chúng nhân dân, kêu gọi toàn dân đoàn kết, kiên quyết bảo vệ nền độc lập vừa giành được, tích cực xây dựng và bảo vệ chế độ mới. Một số ngôi nhà trong khu phố cổ cũng được lựa chọn để làm trụ sở hoạt động của các hội đoàn thể. Từ tháng 9/1945 đến cuối năm 1946, nhà 60 Trần Phú hiện nay là trụ sở của Hội Phụ nữ cứu quốc Thị xã. Hội Công nhân cứu quốc Thị xã cũng chọn nhà số 105 Trần Phú hiện nay làm trụ sở hoạt động từ tháng 9/1945. Các hội đoàn thể này sau khi thành lập đã tích cực vận động tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào cách mạng, xây dựng và bảo vệ chế độ mới.

            Bấy giờ Hội An là trung tâm chính trị của Tỉnh nên ở Hội An có nhiều cơ quan của Tỉnh đứng chân hoạt động. Trong đó Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân chọn nhà số 108 đường Nguyễn Thái Học hiện nay làm trụ sở hoạt động từ tháng 9/1945 đến năm 1947. Trong thời gian này, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân Tỉnh đã tổ chức các buổi học tập chính trị, tuyên truyền giải thích các chủ trương, đường lối, chính sách của Mặt trận Việt Minh đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn Tỉnh. Thông qua đó, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân tích cực vận động mọi người tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền mới. Ngoài ra, Mặt trận Việt Minh Trần Cao Vân cũng đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức từ Tỉnh đến cơ sở; tích cực vận động thành lập các đoàn thể cứu quốc như:  Hội Công nhân cứu quốc,  Đoàn Thanh niên cứu quốc, Hội Phụ nữ cứu quốc, Hội Nông dân cứu quốc…; hoạt động cuộc vận động “diệt giặc đói, giặc dốt”; kêu gọi toàn dân tham gia phong trào Bình dân học vụ, tham gia xây dựng đời sống mới, xóa bỏ các hủ tục và các tệ nạn xã hội.

             Liên quan đến tội ác của địch, trong khu vực I cũng có 02 địa điểm. Đó là Cơ quan cảnh sát Hội đồng xã Sơn Phong tại nhà số 27 và 29 đường Phan Bội Châu hiện nay. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, bọn ngụy quyền đã bắt giam, tra tấn, giết hại nhiều đồng chí của ta tại đây, tiêu biểu là vụ tra tấn, giết hại đồng chí Nguyễn Nhạc - một đảng viên hoạt động hợp pháp vào năm 1955. Một địa điểm khác là nhà lao Thông Đăng tại địa chỉ số 127 đường Phan Châu Trinh. Nhà lao được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1947 trên diện tích khoảng 5.000m2. Đây là một trong những nhà lao lớn của tỉnh Quảng Nam bấy giờ kể cả quy mô xây dựng lẫn mức độ tàn khốc, dã man. Ngoài bị cảnh gông xiềng kìm kẹp, bị đánh đập, tra khảo với nhiều hình thức man rợ, người tù phải sống trong điều kiện rất khó khăn, vừa bẩn thỉu, vừa thiếu nước, thức ăn, thuốc men,… Sau hơn 7 năm xây dựng, số lượng tù nhân ở đây lên đến hàng ngàn người. Đêm ngày 30/4/1954, quân ta tấn công giải phóng 1200 đồng bào, cán bộ chiến sĩ bị giam cầm tại đây. Sau dó khi tiếp quản Hội An, chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm tiếp tục sử dụng nhà lao Thông Đăng để giam giữ những người yêu nước. Trong năm 1955, nhà lao này trở thành nơi Diệm tổ chức các lớp chỉnh huấn tố cộng điển hình của tỉnh Quảng Nam. Trước sự tàn bạo của kẻ thù, đồng bào, chiến sĩ ta vẫn luôn nêu cao tinh thần đấu tranh, đã có nhiều tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ trọn lòng thủy chung son sắt với Đảng, với cách mạng. Tháng 6/1960, chính quyền tay sai xây dựng một nhà lao mới để chuyển tù nhân ở đây ra giam giữ, nơi đây trở thành nơi làm việc của bọn cố vấn Mỹ đến 1975.

            Một địa điểm nữa ghi dấu chiến thắng vang dội của quân và dân Hội An trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ là chiến thắng chùa Bà (là hội quán Ngũ Bang ở số 64 đường Trần Phú hiện nay). Đêm ngày 4 rạng ngày 5/5/1968, cùng với việc tấn công vào 13 mục tiêu quan trọng của địch ở nội ô và vùng ven trong chiến dịch Hè 1968, được sự hỗ trợ của cơ sở, hai đồng chí Tống Văn Sương và Đỗ Trọng Hường bí mật đột nhâp vào chùa Bà tiêu diệt hàng chục tên bình định ác ôn và anh dũng hy sinh sau khi kiên cường đánh trả lực lượng quân địch đông đảo.

             Có thể nhận thấy di tích, dấu tích lịch sử cách mạng trong khu vực I có khung thời gian tương đối rộng, trải dài từ thời kỳ tiền khởi nghĩa qua thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đến thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, trong đó tập trung chủ yếu trong thời kỳ tiền khởi nghĩa đến những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Bên cạnh những di tích ghi dấu các sự kiện liên quan đến quá trình vận động, ra đời và lãnh đạo đấu tranh của tổ chức Đảng, quá trình xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng sau cách mạng tháng Tám năm 1945, còn có những di tích ghi dấu tội các của địch, chiến công của ta đã thể hiện sự đa dạng về loại hình của các di tích trong khu vực I. Đặc biệt không chỉ có tính chất địa phương, nhiều di tích còn có tầm ảnh hưởng đến lịch sử đấu tranh cách mạng chung của Tỉnh mà 4 di tích được công nhận là di tích cấp Tỉnh là nhà Đức An, hiệu sách Vạn Sanh, trường Viên Minh, nhà lao Thông Đăng đã phần nào minh chứng được.

             Là một bộ phận cấu thành nên giá trị của Di sản Văn hóa Hội An, di tích lịch sử cách mạng ở Hội An nói chung, ở khu vực I phố cổ nói riêng là tài sản quý báu. Đó không chỉ là niềm tự hào về chặng đường đấu tranh cách mạng gian khổ đã qua mà còn là động lực, là hành trang để Đảng bộ và Nhân dân Hội An tiếp tục vững bước tiến lên con đường xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây