Vài nét về làng gốm Thanh Hà trong lịch sử

Chủ nhật - 02/12/2018 20:34
Vùng đất Thanh Hà nằm về phía tây-tây bắc của Hội An, được hình thành từ rất sớm với thành tạo địa chất có tuổi từ 4500-10000 năm . Những nghiên cứu khảo cổ học đã chứng minh từ hơn 2000 năm trước, cư dân thuộc nền Văn hóa Sa Huỳnh đã cư trú, an táng người quá cố trên mảnh đất Thanh Hà . Từ đầu Công nguyên đến khi người Việt vào sinh sống lập nên làng/xã Thanh Hà, vùng đất này thuộc huyện Tượng Lâm của quận Nhật Nam dưới thời Hán đô hộ, rồi sau đó thuộc nhà nước Lâm Ấp, vương quốc Champa/Chiêm Thành.
        Sau khi Hồ Quý Ly lập 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và sự kiện Lê Thánh Tông lập đạo Thừa tuyên Quảng Nam năm 1471[1], cư dân Việt bắt đầu di cư vào sinh sống ở vùng đất mới ngày càng nhiều, lập nên làng xã ở Quảng Nam, trong đó có làng Thanh Hà ở Hội An. Hiện nay chưa tìm thấy tư liệu xác định cụ thể thời gian ra đời của làng Thanh Hà. Song, căn cứ vào gia phả của các dòng họ Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, có thể ước định làng Thanh Hà (清 霞) hình thành vào khoảng thế kỷ XVI bởi 8 tộc tiền hiền (bát tôn tiền hiền) gồm Nguyễn Viết, Nguyễn Văn, Nguyễn Kim, Nguyễn Đức, Võ Văn, Võ Đình, Ngụy, Bùi[2]. Tư liệu Hán Nôm đề cập đến làng Thanh Hà mà chúng tôi tiếp cận được sớm nhất là vào năm 1747[3], hầu hết đều có niên đại cuối thế kỷ XVIII về sau[4]. Dưới triều Nguyễn, làng/xã Thanh Hà có phạm vi rất rộng với 13 ấp trải rộng từ bờ bắc sông Thu Bồn đến dọc sông Để Võng và giáp biển[5]. Về địa giới, “xã Thanh Hà Đông giáp xã phụ lũy Cẩm Phố, xã An Tân, xã An Mỹ, phường Xuân Mỹ (tổng An Nhơn Trung), châu Kim Bồng (thuộc Hoa Châu, huyện Duy Xuyên); xã Hòa An, lập cọc gỗ làm giới; Tây giáp xã Phú Chiêm (tổng An Nhơn Trung), xã Lai Nghi, xã An Lưu; Nam giáp xã An Mỹ, xã Tân An và sông; Bắc giáp xã Tân An, xã Hòa An, lập cọc gỗ làm giới. Toàn diện tích xã là 2295.9.14.9 (đọc là 2295 mẫu 9 sào 14 thước 9 tấc)”[6].

          Do diện tích lớn, địa bàn trải rộng, địa hình địa mạo đa dạng nên trong lịch sử cũng như ngày nay, cư dân Thanh Hà sinh sống bằng nhiều ngành nghề như nghề nông, khai thác thủy sản,... và nghề làm gốm.

          Nghề làm gốm là một nghề thủ công đặc trưng, nổi tiếng của làng Thanh Hà[7].  Mục Thổ sản của tỉnh Quảng Nam trong sách Đại Nam nhất thống chí của Triều Nguyễn chép “Đồ gốm, ở Thanh Hà huyện Diên Phước, có hộ chuyên nghiệp” [Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam Nhất thống chí, nxb Thuận Hóa, tập 2, trang 464]. Nghề gốm Thanh Hà được hình thành gắn với quá trình hình thành và phát triển của làng Thanh Hà bởi các tộc tiền hiền của làng có gốc gác từ vùng Thanh Nghệ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm thấy tư liệu xác định chính xác thời điểm hình thành nghề gốm ở làng Thanh Hà. Qua một số kết quả nghiên cứu khảo cổ cho biết khung niên đại nghề gốm Thanh Hà khoảng thế kỷ XVII, từng giữ vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An[8]. Tương truyền, ban đầu địa bàn sản xuất gốm Thanh Hà ở khu vực ấp Thanh Chiếm, về sau chuyển đến ấp Nam Diêu[9] do địa thế ở đây có 3 mặt giáp Sông rất thuận lợi để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tư liệu có niên đại sớm nhất được tìm thấy nói đến nghề gốm Thanh Hà là sổ ngân lễ của làng Minh Hương ở Hội An năm Đinh Mão (1747) chép việc “viên chức làng Minh Hương cử người đến Thanh Hà mua bảy chiếc chậu để trồng một số loài hoa quý biếu quan Cai Án kiêm Tri Tàu Vụ”[10]. Qua tư liệu này cho thấy vào giữa thế kỷ XVIII, nghề gốm Thanh Hà đã phát triển ổn định, có tiếng trên thị trường. Trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định chép về làng gốm Thanh Hà vào đầu thế kỷ XIX như sau: “... 742 tầm, bên Nam chạy dọc theo phù sa của sông, bên Bắc là dân cư xã Thanh Hà, dân ở đây chuyên làm nghề đúc gạch ngói, làm đồ gốm và nấu vôi trắng, đến nền cũ miếu Bát Vị, ở địa phận xã Thanh Hà”[11]. Bên cạnh làm gốm, làng Thanh Hà còn nổi tiếng với việc sản xuất gạch ngói và nung vôi phục vụ xây dựng những công trình kiến trúc Hội An và khu vực lân cận. Nhiều thợ gạch ngói ở làng Thanh Hà được triều đình điều động vào làm ở tượng cục để xây dựng các công trình ở kinh thành. Trong tập Quảng Nam xã chí, phần viết về làng Thanh Hà có đề cập đến bằng cấp cho ông Bùi Phước Thạnh rành nghề nấu ngói và gạch lưu ly, cho chánh cửu phẩm tượng mục vào ngày 29 tháng 6 năm Minh Mạng 10 (1829) và sắc ban cho ông Bùi Phước Châu rành nghề nấu ngói, thưởng chức tòng cửu phẩm tượng mục vào ngày 24 tháng 12 năm Thiệu Trị 2 (1842)[12]. Từ đầu thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, nghề gốm Thanh Hà phát triển hưng thịnh. Trong thời gian này nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng tại khu vực sản xuất gốm ở Nam Diêu được xây dựng, trong đó có khu miếu tổ nghề gốm; nhiều gia đình buôn gốm đã sắm ghe bầu để đi buôn. Thế nhưng, từ giữa đến cuối thế kỷ XX, do hoàn cảnh chiến tranh và sự cạnh tranh của các sản phẩm chất liệu nhựa, kim loại, nghề gốm Thanh Hà lâm vào cảnh khủng hoảng, đồ sành không còn sản xuất, đồ gốm chỉ có vài hộ sản xuất cầm chừng[13]. Từ khi du lịch phát triển ở Hội An khoảng những năm 90 thế kỷ XX, nghề gốm Thanh Hà có điều kiện phục hồi theo hướng sản xuất đồ lưu niệm và mỹ nghệ. Hiện nay, làng gốm Thanh Hà trở thành địa danh du lịch hấp dẫn đối với du khách gần xa.
 

[1] Lê Quý Đôn (1977), Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, trang 23-24, 33.
[2] -Nguyễn Chí Trung (2010), Cư dân Faifo – Hội An trong lịch sử, Nxb Đà Nẵng, trang 64-49.
- Xem thêm: Viện Viễn đông Bác cổ, Quảng Nam xã chí, Tập tài liệu điều tra về làng xã Quảng Nam năm 1941-1943 hiện đang được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[3] Sổ ngân lễ của làng Minh Hương, bản sao lưu trữ tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An.
[4] Tài liệu Hán Nôm của nhà số 143 Trần Phú có văn khế bán đất của ông Từ Cứ và em ruột Từ Thị Hòa ở xã Minh Hương năm Thái Đức thứ 5 (1782) nhắc đến làng Thanh Hà. Tư liệu Hán Nôm của nhà số132 Trần Phú có Bản thẩm án của mẹ Thừa họ Lý đến vào năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) cũng nhắc tên làng Thanh Hà...
[5] Gồm các ấp: An Bang, Bộc Thủy, Nam Diêu, Thanh Chiếm, Bàu Súng, Bàu Ốc, Hậu Xá, Trảng Kèo, Cửa Suối, Bến Trễ, Đồng Nà, Nhà Quế, Cồn Động.
[6] Nguyễn Đình Đầu (2010), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn - dinh Quảng Nam, nhà xuất bản Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh, 2010, tập 1, tr 208
[7] Dân gian có câu: “Lửa chi lửa rực sáng lòa, nghề gốm nghề gạch Thanh Hà là đây”, “Thanh Hà vẫn gạch bát nồi, thuốc thơm Cẩm Lệ mấy đời lừng danh”
[8] Kikuchi Seiichi (2010), Nghiên cứu đô thị cổ Hội An từ quan điểm khảo cổ học lịch sử, NXB Thế giới, Hà Nội.
[9] Nam Diêu là gốm của phương Nam, của người Nam trong mối tương quan với gốm phương Bắc, người Bắc. Một danh xưng có tính lịch sử gắn với sự tự hào về nghề nghiệp hiếm thấy ở địa phương khác [Trần Văn An (2018), Một số tư liệu Hán Nôm về nghề gốm Thanh Hà, trong Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản, số 02 (42-2018), trang 61-62
[10] Trần Văn An (2018), Một số tư liệu Hán Nôm về nghề gốm Thanh Hà, trong Thông tin nghiên cứu Bảo tồn Di sản, số 02 (42-2018), trang 61-62
[11] Lê Quang Định (2005), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Nxb Thuận Hóa, tr 222
[12] Viện Viễn đông Bác cổ, Quảng Nam xã chí, Tập tài liệu điều tra về làng xã Quảng Nam năm 1941-1943 hiện đang được lưu trữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm.
[13] Trung tâm QLBT Di tích Hội An (2008), Một số nghề truyền thống ở Hội An, Công ty cổ phần in và dịch vụ Quảng Nam.
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây