Mộ chum tìm thấy tại Hội An.
Dấu vết của kiến tạo địa chất
Các nhà địa chất cho rằng, vùng đồng bằng ven biển miền Trung được hình thành vào đầu kỷ Đệ Tứ (cách ngày nay khoảng 2 triệu năm). Vận động tân kiến tạo đã tác động mạnh vào quá trình hình thành vùng đất này. Vận động nâng lên làm dãy Trường Sơn nghiêng về phía tây nên đã nâng nền đá gốc lên, làm cho biển lùi ra xa, tạo điều kiện cho phù sa sông và phù sa biển tích tụ dần trong hàng ngàn năm, lấp đầy vụng biển nông cổ. Sự bồi tụ này diễn ra rất chậm, người xưa có thể chứng kiến được hoạt động của nó (Lê Bá Thảo, Thiên nhiên Việt Nam, NXB Giáo dục 2002, tr.210). Các vụng biển được lấp đầy, song vẫn để lại một dòng nước lợ chảy dọc ven biển bên cạnh những cồn cát, bàu nước… Những cư dân cổ đầu tiên ở vùng ven biển đã tìm những gò đất, gò cát để làm nơi trú ngụ sinh sống.
Vùng đất Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, đồng thời có dòng Trường Giang chảy dọc theo bờ biển, hai con sông lớn này là thủy lộ huyết mạch của Quảng Nam trong nhiều thế kỷ. Hoạt động đổi dòng, bồi tụ của hệ thống sông Thu Bồn, Trường Giang đã tạo nên hệ thống sông lạch, cồn - bàu chằng chịt, bên cạnh đó rừng rậm bao phủ, biển cả mênh mông, là nơi có nhiều loại cá tôm, chim, thú… đó là nguồn thực phẩm tự nhiên dồi dào, vì thế cư dân cổ tụ tập sinh sống ở đây khá đông đúc.
Trầm tích Sa Huỳnh
Vào thời sơ kỳ kim khí, ở miền Trung xuất hiện một nền văn hóa cổ nổi tiếng - văn hóa Sa Huỳnh. Kết quả nghiên cứu ở Hội An từ năm 1989 cho đến những năm gần đây cho thấy, vùng đất Hội An, mặc dù diện tích tự nhiên không lớn lắm nhưng là một trong những khu vực có mật độ phân bố di tích văn hóa Sa Huỳnh khá dày. Các di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An phân bố tập trung trên dải cồn cát dài khoảng 5km, từ khu vực giáp trung tâm thành phố đến giáp huyện Điện Bàn. Trên dải cồn cát này, các nhà khảo cổ đã phát hiện các di tích Trảng Sỏi, An Bang, Thanh Chiếm, Hậu Xá I, Hậu Xá II… và nối dài đến khu mộ táng Lai Nghi (Điện Bàn). Các điểm di tích ấy thường cách nhau bởi các dòng chảy nhỏ, các bàu nước ngọt. Với sự phân bố như vậy, nhiều nhà khảo cổ cho rằng văn hóa Sa Huỳnh ở Hội An thể hiện rõ yếu tố cồn - bàu. Đặc điểm địa lý tự nhiên này đã có tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng rất lớn đến tiến trình hình thành và phát triển của các cư dân cổ ở đây trong đời sống kinh tế và văn hóa, để từ sinh cảnh là vùng cồn - bàu và cửa sông ven biển đã phát triển thành một cảng thị quốc tế trong lịch sử.
Trong các cuộc khai quật và đào thám sát ở Hội An, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình di vật như đồ gốm, đồ đồng, đồ trang sức, đồ sắt... Qua nghiên cứu những hiện vật đã khai quật được trong các di tích Sa Huỳnh ở Hội An và các địa điểm khác trong tỉnh Quảng Nam, các nhà khảo cổ cho rằng bộ sưu tập hiện vật công cụ lao động và vũ khí bằng đồng thau và những hoa văn in ô vuông kiểu Hán trên các đồ gốm, cùng với một số đồng tiền Ngũ Thù, những hạt chuỗi mã não... xuất hiện trong các di tích Sa Huỳnh ở Hội An và các địa điểm khác ở Quảng Nam chứng tỏ mối giao lưu thương mại giữa chủ nhân của văn hóa Sa Huỳnh với văn hóa Đông Sơn, văn hóa Hán ở phía bắc và với cư dân các nền văn hóa cổ khác ở vùng Đông Nam Á.
Văn minh cảng thị
Người cổ Sa Huỳnh giao dịch với bên ngoài qua đường bộ và đường thủy, nhưng thuận lợi nhất vẫn là đường thủy. Với những thuyền bè thô sơ, nương theo các dòng hải lưu của Thái Bình Dương, họ có thể đến được các miền đất khác trong vùng Đông Nam Á. Đồng thời thuyền bè của cư dân cổ các nơi khác cũng cập bến một số nơi ở ven biển Việt Nam để trao đổi mua bán các sản phẩm cần thiết. Những hoạt động mậu dịch sơ khai này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh.
Theo một số nhà nghiên cứu, vào khoảng thế kỷ thứ nhất, thứ hai trước Công nguyên, ở vùng Đông Nam Á đã xuất hiện các “cảng thị”, và một loại nhà nước nhỏ được hình thành, đó là các “quốc gia cảng thị”. Nhà nước này chi phối mọi hoạt động của cư dân trong vùng đất dọc theo một con sông lớn, từ hạ lưu sông là vùng cảng thị, đến thượng nguồn là nơi sản xuất các loại vật liệu rừng để cung cấp cho các thương gia nước ngoài.
Vùng đất Hội An cổ, nơi hội tụ các con sông lớn của Quảng Nam, có nhiều bến sông và cửa biển Đại Chiêm, đủ điều kiện để trở thành một “cảng thị”, là cửa ngõ để người cổ Sa Huỳnh vùng Quảng Nam giao thương với bên ngoài, “cảng thị” này không chỉ giữ vai trò quan trọng trong lĩnh vực kinh tế, mà nó còn là nơi du nhập văn minh Ấn Độ khá sớm - với sự xuất hiện của những hạt chuỗi khắc axít và những hiện vật hình lá đề bằng đồng, là những di vật ít nhiều có liên quan đến văn minh Ấn Độ. Như vậy chắc hẳn giới quý tộc Sa Huỳnh đã tiếp thu Ấn Độ giáo để làm tăng uy thế chính trị của họ, chuẩn bị cơ sở cho việc hình thành một nhà nước quân chủ chuyên chế vào những thế kỷ đầu của thiên niên kỷ thứ nhất.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền