Nguồn hàng xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn

Chủ nhật - 01/07/2018 21:16
Xứ Quảng dưới thời các chúa Nguyễn trong những thế kỷ XVI – XVIII là một vùng đất trù phú nhất của Đàng Trong với đô thị thương cảng Hội An nổi tiếng mở rộng cửa giao thương với thế giới bên ngoài.
Sau một thời gian suy thoái kéo dài đến 150 năm – từ 1306 đến 1558 – trải qua các giai đoạn dưới thời nhà Trần, nhà Hồ và nhà Lê, cảng thị Hội An mới hồi sinh trở lại dưới thời Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) nhờ đường lối mở cửa buôn bán với nước ngoài, khôi phục hoạt động thương mại của Hội An nhằm mục đích tăng cường tiềm lực kinh tế - xã hội và quân sự của Đàng Trong để đương đầu với Chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.

Tiếp sau đó, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) đã cho phép thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa xây dựng Phố Nhật và Phố Khách tại cảng thị Hội An vào đầu thế kỷ XVII mà theo giáo sĩ Cristoforo Borri là vào khoảng 1613 – 1618. Và đến giữa thế kỷ này, Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648) lại cho phép người Hoa trung thành với nhà Minh di tản đến Đàng Trong sau chiến thắng của nhà Thanh ở Trung Hoa, nhập quốc tịch Đại Việt và xây dựng quê hương định cư tại cảng thị Hội An với sự ra đời của làng Minh Hương vào những năm 1645 – 1653.

Người Hà Lan và Bồ Đào Nha cũng thành lập thương điếm, cơ quan đại diện tại cảng thị Hội An.

Tiềm năng kinh tế to lớn: Nhờ mở cửa quan hệ buôn bán với nước ngoài mà hoạt động thương mại ở cảng thị Hội An, ở xứ Quảng và Đàng Trong, cả ngoại thương lẫn nội thương, trong thế kỷ XVII và nửa đầu thế kỷ XVIII đã đạt tới đỉnh cao chưa từng thấy. Cảng thị Hội An với các khu phố ngoại kiều cùng khu phố người Việt mà trong đó cộng đồng người Minh Hương có vai trò quan trọng, đã trở thành hải cảng hàng đầu của cả Đại Việt vào thời kỳ đó. Trên dọc bờ biển của Đàng Trong lúc đó đã có hàng chục bến cảng vệ tinh cho Hội An hoạt động tích cực như Thanh Hà (thuộc Thuận Hóa), Cửa Hàn, Kỳ Hà, Tân Châu, Đề Gi, Hàm Thủy (hay Nước Mặn), Thị Nại (Quy Nhơn)v.v… đã đóng góp các nguồn hàng của xứ Quảng, của Đàng Trong cho cảng thị Hội An để xuất khẩu ra nước ngoài hay bán ra cho Đàng Ngoài hoặc để lưu thông trong nội bộ Đàng Trong.

Cần phải thừa nhận rằng chính nhờ có đường lối chính trị đúng đắn và thân dân của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng mà xứ Quảng, Đàng Trong sau một giai đoạn suy thoái kéo dài hơn một thế kỷ lại đạt tới thời kỳ thịnh vượng. Về thành quả quan trọng này, sách “Đại Nam Thực Lục, Tiền Biên” viết: “ Bấy giờ Chúa trấn hơn mười năm chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, nhân dân đều an cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn nước ngoài đến nhiều, Trấn trở nên một đô hội lớn” [1].

Dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) nền kinh tế xứ Quảng và Đàng Trong càng thịnh vượng hơn, sản xuất nội địa càng tăng trưởng, quan hệ giao thương với các nước ngoài càng mở rộng và phát triển hơn.

Mặt khác, cũng cần thấy về điều kiện thiên nhiên, Xứ Quảng nằm trong khu vực nhiệt đới ôn hòa, và trên một vùng đất đai màu mỡ, nhờ đó mà nông nghiệp sản xuất được quanh năm, cung cấp được các nông sản nhiều về số lượng và tốt về chất lượng, đồng thời các sản vật lấy từ rừng và biển cũng dồi dào.

Chính vì vậy mà Lê Quý Đôn (1726 - 1784) đã đánh giá sự giàu có của Xứ Quảng như sau: “Xứ Quảng là đất phì nhiêu nhất thiên hạ… Ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp, trầm hương, tốc hương, sừng tê, ngà voi, vòng lạc, đồi mồi, trai ốc, bông, sáp, đường mật, dầu sơn, cau, hạt tiêu, cá muối, gỗ lạt đều sản xuất ở đây”.[2]

Giáo sư Cristoforo Borri đã từng sống ở Hội An, xứ Quảng trong những năm 1618 – 1622 cũng đã nhận thấy tiềm năng nông nghiệp của vùng này rất lớn và đã viết: “Do lụt, đất vẫn màu mỡ đến thế mà ba lần trong năm mà người ta thu hoạch lúa với số lượng nhiều như vậy… và với sự dồi dào mỗi người có cái để sinh sống một cách sung túc”. [3]

Những tư liệu cổ đã cho thấy rằng dưới thời Chúa Nguyễn, nguồn hàng ở Xứ Quảng và ở Đàng Trong từ các nguồn lợi của đồng ruộng, rừng núi và biển khơi khai thác được là khá phong phú về số lượng và đa dạng về chủng loại hơn nhiều so với Đàng Ngoài vào cùng thời kỳ đó. Đó là cơ sở của hoạt động nội thương nhộn nhịp và cũng là điều kiện cho sự năng động của ngoại thương thông qua hội chợ quốc tế tổ chức hàng năm tại cảng thị Hội An.

Chính Lê Quý Đôn đã nhận thấy rõ điều đó khi so sánh tính hơn hẳn về nguồn hàng ở Hội An, của Xứ Quảng, của Đàng Trong khi so với phố Hiến của xứ Sơn Nam, của Đàng Ngoài và đã viết dựa theo lời trao đổi của một nhà buôn lớn họ Trần, người tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa rằng: “Thuyền từ Sơn Nam về (Quảng Đông) chỉ mua được một thứ củ nâu; từ Thuận Hóa về cũng chỉ mua được một thứ hồ tiêu. Còn từ Quảng Nam (tức Hội An) về thì không thứ gì là không có. Phàm hóa vật sản xuất ở Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn… do đường thủy, đường bộ, đi thuyền, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An… Ở đây, hàng hóa nhiều lắm, dù một trăm chiếc tàu chở cùng một lúc cũng không hết được”. [2]

Trong nội bộ Đàng Trong thì xứ Quảng cũng giàu hơn xứ Thuận Hóa. Và Lê Quý Đôn cũng đã viết: “Thuận Hóa không có nhiều của cải, đều lấy ở Quảng Nam và xứ ấy phì nhiêu nhất thiên hạ” [2]

Chúng ta có thể mượn lời kết luận của Cristoforo Borri để nói lên tiềm năng kinh tế to lớn của xứ Quảng, của Đàng Trong trước thời chúa Nguyễn ở thế kỷ XVI – XVIII. Ông đã viết: “Những thương gia Châu Âu buôn bán ở đây đều nói rằng những của cải của Đàng Trong còn lớn hơn cả của Trung Hoa, chúng tôi biết điều đó, Đàng Trong giàu có về mọi thứ” [5].

Ông cũng đã đánh giá: “Nhà vua (tức chúa Nguyễn) thu được từ hội chợ đó, nhờ thuế quan và thuế muối, những lợi tức rất lớn và cả đất nước nhận được từ đó món tiên lời rất đáng kể” [3]

Những ruộng mía Lau ngắn ngày, năng suất cao và chống bệnh tốt đã được trồng ở nhiều nơi từ vùng đồng bằng đến vùng trung du, là nguyên liệu sản xuất ra mật mía và các loại đường với khối lượng lớn.

Giáo sĩ Alexandre de Rhocdes đã đến xứ Quảng Nam 1624 và đã sống ở cảng thị Hội An cho đến 1630 đã đánh giá về cây mía ở đây như sau: “Mía cũng rất ngon vì người ta thường ăn như chúng ta ăn táo, giá chẳng là bao” [5].

Nhiều cơ sở chế biến đường của người Việt và người Minh Hương mọc lên ở nhiều nơi ở xứ Quảng, nhất là ở dọc hai bên bờ sông Thu Bồn và Vu Gia và ngay cả ở vùng kế cận cảng thị Hội An. Người ta đã sản xuất ra mật mía, đường bánh (đường đen), đường băng hon (đường phèn), đường thạch khôi (đường phổi) và các loại đường này đều được thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa… mua về.

Đường mía là một mặt hàng nông sản được sản xuất với khối lượng lớn ở xứ Quảng. Bởi vậy, thương gia người Pháp Pierre Birre, từng đến Hội An và Huế vào giữa năm 1744 đến đầu năm 1745, đã ghi vào nhật ký của mình rằng: “Mỗi mùa hội chợ ở Hội An có thể bán cho thương nhân nước ngoài từ 20 đến 60 tấn đường các loại. Đường ở đấy rất nhiều và cần có 80 thuyền buôn mới chở hết được” [7]

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa là một nghề truyền thống và rất phát triển ở xứ Quảng, một vùng đất nổi tiếng “đàn ông trồng dâu, đàn bà dệt lụa”.

Ngay từ 1553, Dương Văn An đã cho biết huyện Điện Bàn (lúc đó còn thuộc phủ Triệu Phong, Châu Lý) có “xã Lang Châu sản xuất nhiều lụa trắng” [7] (địa danh này nay thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam).

Dưới thời chúa Nguyễn, nông dân Xứ Quảng đã biết kết hợp các kinh nghiệm của cha ông từ Đàng Ngoài với kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm của người Chăm Pa cùng bí quyết dệt lụa của người Minh Hương, nên các mặt hàng tơ tằm của xứ Quảng, của Đàng Trong không thua kém gì của Trung Hoa vào thời bấy giờ.

Lê Quý Đôn đã đánh giá chất lượng lụa Xứ Quảng rằng: “Tổ xa đời họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam, phủ Thăng Hoa học dệt ở người Bắc khách, truyền đời cho nhau. Các, vóc, sa, lãnh, gấm, trừu cải hoa rất khéo. Ở Quảng Nam lụa thuế chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa và Điện Bàn. Phủ Điện Bàn, huyện Phú Châu nộp hai ngàn ba trăm năm mưoi tám tấm. Lụa Đoan Quận Công (tức Chúa Tiên Nguyễn Hoàng) trước đây lấy để cống phù (cho vua Lê) thì rộng một thước bảy tấc, dài ba mươi thước, dày như nắm sợi. Phủ Thăng Hoa, thuộc Hóa Châu, hàng năm nộp lụa thuế tám trăm lẻ chín tấm, lụa lễ mười một tấm, thuế là để dâng lên (vua), lễ là để biếu quan trên… Người phủ Thăng, phủ Điện dệt được các thứ the đoạn, lụa là hoa hòe tinh xảo chẳng kém gì Quảng Đông” [2]

Tận mắt nhìn thấy những cánh đồng mênh mông trồng dâu để nuôi tằm, dệt lụa ở xứ Quảng mà Cristoforo Borri đã viết “Người Đàng Trong không những cung cấp tơ cho nhu cầu của họ mà còn cung ứng cho Nhật Bản và đưa sang Vương quốc Lào để từ đó người ta lại chuyển đến Tây Tạng, bởi lẽ loại tơ này tuy không nhỏ và mịn bằng loại tơ của Trung Hoa nhưng bền chắc” [3]

Nguồn hàng tơ và lụa ở xứ Quảng dưới thời chúa Nguyễn quả là thật dồi dào, đến nỗi Alexandre de Rhodes cũng đã nhận xét: “ Ở Đàng Trong… nhiều tơ lụa đến nỗi còn dùng để đan lưới và bện dây thuyền” [5]

Từ xa xưa, ở Xứ Quảng đã lưu truyền trong dân gian những câu ca dao về nghề trồng dâu dệt lụa đáng tự hào của cha ông:
Chiêm Sơn là, lụa mỹ miều
Sớm mai mắc cửi, chiều chiều tơ giăng…
 
Thiên diễm tình giữa Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan và cô thôn nữ trồng dâu dệt lụa Đoàn Thị Ngọc Phi từ thuở ấy vẫn còn sống mãi trong câu hò xứ Quảng:
Thiếp nghe Chúa ngự thuyền rồng
Thiếp thương phận thiếp má hồng nắng mưa…
Thuyền rồng chúa ngự đi đâu?
Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình!
 
Các mặt hàng tơ tằm sản xuất được ở Xứ Quảng trước đây và ở cả Đại Việt gồm có nhiều loại mỏng hay dày, có hoa hay trơn, nhuộm màu hay không, chất lượng cao hay thấp và được phân chia thành: trừu là lụa thô và to sợi; lượt là lụa thưa và trơn; sa là lụa mỏng và trơn; the là lụa nhẹ màu sáng; xuyến là lụa trơn dày hơn, màu sáng; nhiễu là lụa trơn, dày và bền; là là lụa dệt bằng tơ nõn với những đường sọc nhỏ đều nhau và nhuộm đen; lãnh là lụa trơn, dày và nhuộm đen; đoạn cũng là một loại lãnh nhưng chất lượng tốt hơn; vóc là lụa bóng mịn có dệt hoa; văn là loại lụa có dệt hoa lớn, dày, chất lượng cao hơn và gấm là lụa cao cấp. [8]

Các tàu, thuyền buôn nước ngoài thường đến cảng thị Hội An để mua các sản phẩm tơ tằm của Xứ Quảng, chẳng hạn như Nhật Bản, Bồ Đào Nha, Hà Lan… mua nhiều tơ sống và các mặt hàng tơ lụa, Trung Hoa thì chủ yếu mua tơ sống.

Một mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu khác là hạt cau khô. Cây cau được trồng rất nhiều ở trong vườn nhà hay thành vườn tập trung do tập quán ăn trầu của người Việt, ngoài ra còn dùng để làm thuốc trị giun.

Tuy nhiên cau không chỉ là một nông sản mà còn có thể là một lâm sản. Ngày xưa, ở Xứ Quảng có những cánh rừng cau lớn mọc tự nhiên mà đến mùa con người có thể khai thác với số lượng lớn.

Về vấn đề này, Lê Quý Đôn đã viết: “Ở chân núi Ải Vân cùng các xứ Phường Lạc, Phường Giá, Phường Rây thuộc Quảng Nam, cau mọc thành rừng, quả già da sém, người địa phương lấy hạt chát cao như gò, tàu bắc mua chở về Quảng Đông, bán uống thay chè”.[2]

Chen Chin Hô cũng nhận thấy rằng xứ Đàng Trong, xứ Quảng có nhiều hạt cau khô và tàu Nhật Bản đến Hội An mua chở về Nagasaki. Pierre Poirre cũng cho biết thuyền buôn Trung Hoa chở hàng đến Hội An để bán và mua lại nhiều mặt hàng của Đàng Trong trong đó có hạt cau. [6]

Dưới thời chúa Nguyễn, hồ tiêu của Xứ Quảng và của Đàng Trong là một trong những mặt hàng xuất khẩu có giá trị qua cảng Hội An.
Chồng em là lái buôn tiêu,
Đi lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng…
 
Ở xứ Quảng, cây tiêu được trồng trong vườn hoặc mọc tự nhiên trong rừng ở huyện Hà Đông (gồm huyện Tiên Phước ngày nay) và phủ Điện Bàn (gồm huyện Quế Sơn ngày nay) và được khai thác để bán trong nội địa và xuất khẩu. Các thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Xiêm La… đều mua mặt hàng này tại Hội An. Nếu xứ Quảng không đủ lượng hàng này để bán cho thuyền buôn nước ngoài thì Thuận Hóa (vùng Vĩnh Linh ngày này) sẽ chuyên chở tới Hội An.

Xứ Quảng còn bán ra nước ngoài thuốc lá, bông và hạt sen. Dưới thời chúa Nguyễn, nghề trồng thuốc lá ở phủ Điện Bàn và phủ Thăng Hoa là nghề cha truyền con nối, tạo ra những giống thuốc lá ngon nổi tiếng còn để lại cho đời sau như thuốc lá Cẩm Lệ, thuốc lá Phong Ngữ, thuốc lá Trường Xuân…

Tơ cau, thuốc lá đầy ghe,
Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần…
 
Trên vùng đất màu, đất thổ ở đồng bằng và ven các con sông, cây bông cỏ được trồng khắp nơi, một mặt để tự túc và cũng để bán ra nước ngoài.

Trong thời kỳ Phố Nhật còn tồn tại ở cảng thị Hội An cho đến 1639, thuyền buôn Nhật Bản còn mua của xứ Quảng một mặt hàng vải đến nay đã bị thất truyền, gọi là liễu điều bố. Không rõ đây là loại vải gì, tuy nhiên hiện nay tại thị xã Matdudaka, thuộc tỉnh Mie ở phía Nam Tokyo của Nhật Bản, các cô gái Nhật ở đây vẫn còn theo nghề dệt vải ấy, cũng quay xa, đánh suốt, đưa thoi trên khung cửi để dệt ra  loại vải liễu điều bố ngày xưa để may khăn, túi đeo, túi xách, sơ mi, cà vạt, vết tông, kimônô bán với giá cao gấp 2 – 3 lần các mặt hàng cùng loại may bằng vải dệt hiện đại. Sở dĩ có sự việc như vậy là vào đầu thế kỷ XVII có một thương nhân Nhật Bản quê ở Matdudaka tên là Kyadoya đã đến Hội An buốn bán và lấy người vợ Việt và sau khi hồi hương, ông đã mang theo nghề dệt vải liễu điều bố [9]

* Nguồn hàng lâm sản: Các lâm sản ở xứ Quảng, bao gồm cả các dược liệu, khai thác từ những cánh rừng nguyên sinh, cũng thật hết sức phong phú và được các nhà buôn nước ngoài ở phương Đông cũng như phương Tây rất ưa chuộng.

Các lâm sản ở nguồn gốc thực vật gốm có các loại gỗ quý như gỗ lim, gỗ tử đàn ô mộc (gỗ mun), gỗ trắc mật (gỗ hoa lệ), gỗ thai bài, gỗ giáng hương keo, gỗ hồng (gỗ sơn)…; các loại trầm (kỳ nam, trầm hương, khổ trầm), dầu rái, sơn sống, hắc đàn (một loại gỗ thơm, có lẽ còn gọi là chiêm đàn?)…

Các dược liệu có nguồn gốc động vật là mật gấu, hổ cốt (xương hổ), tốc hương (nhung hươu), mật ong, sừng tê giác….[4],[14]

Về các loại gỗ quý ở Xứ Quảng, Lê Quý Đôn đã đánh giá: “Hai xứ Thuận Quảng cho loại gỗ tốt nhất là gỗ hoa lệ, tục gọi là trắc mật, thớ nhỏ mịn, có mùi thơm như mía nướng, màu sắc trước đỏ sau đen, tính bền không mọt, người ta phần nhiều dùng làm rương hòm, bàn ghế, đòn kiệu và các đồ dùng; có thứ tên là thai bài, sắc trắng như ngà voi, uốn không gãy, có thể làm cán giáo và làm côn dài rất tốt.

Gỗ hồng tục gọi là gỗ sơn, sắc đỏ vàng như sơn dầu, bền chắc mềm mịn; gỗ giáng hương keo thì sắc tía vàng, tính rất bền, hoa văn xoáy tròn, có khi xoáy như trôn ốc, tiện đồ dùng, làm rương hòm đều tốt”[2]

          Hình như trên thế giới chỉ có trầm hương ở Đàng Trong, ở Xứ Quảng là nổi tiếng hơn cả vì vậy mà ngày xưa dưới thời chúa Nguyễn các quốc gia theo đạo phật và đạo Hồi ở vùng Đông Nam Á đều rất ưa chuộng trầm của xứ Quảng.

Ở xứ Quảng (tương ứng với tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay), cây gió trầm mọc ở tất cả các huyện miền núi phước Sơn, Giằng, Hiên, Tiên Phước và miền Tây các huyện Đại Lộc, Quế Sơn và cả Hòa Vang. Theo Lê Quý Đôn thì trầm hương ở Bình Thuận và Khánh Hòa là tốt nhất ở Đàng Trong và ông đã viết: “Kỳ nam hương xuất từ đầu núi các xã thuộc hai phủ Bình Khang và Diên Khánh xứ Quảng Nam là thứ tốt nhất. Hương ấy là do ở ruột cây gió kết thành. Gió có ba loại: gió lưỡi trâu thành khổ trầm, gió riệt thành trầm hương gió bầu thành kỳ nam hương”[2].

Trong ba loại trầm đó tốt nhất và quý nhất là kỳ nam hương (hay thường gọi là kỳ nam) rồi đến trầm hương.

Alexandre de Rhodes cũng đánh giá rất cao giá trị của các loại trầm ở Xứ Quảng, ở Đàng Trong. Ông đã nhận xét: “Ở khắp thế giới chỉ có Đàng Trong là có thứ cây danh tiếng gọi là gió trầm, gỗ rất thơm, dùng làm thuốc. Có tất cả ba loại: quý nhất là Calamba hương thơm tuyệt duyệt, dùng để bổ tim và chống các thứ nọc độc. Ở xứ này giá trầm như giá vàng. Hai loại khác là Aquyla và Calambouc thường không tốt bằng loại thứ nhất, nhưng cũng có hiệu lực tốt”[5].

Cristoforo Borri trong ký sự của mình, đã có một đoạn viết khá dài về cây gió trầm mà chúng tôi xin trích ra đây một phần quan trọng nhất. Ông đã ghi: “Tôi sẽ nói đôi điều về một loại gỗ mà người ta cho rằng là loại hàng quý báu nhất mà người ta có thể thấy ở Đàng Trong so với các vương quốc khác. Đó là trầm hương nổi tiếng và Calamba, chúng giống nhau về cây nhưng khác nhau về sự ưa thích và khả năng chữa bệnh. Những cây đó cao và rất to, những ngọn núi của người Thượng có rất nhiều. Nếu gỗ lấy trên thân cây còn trẻ nó trở thành trầm hương và loại này rất nhiều, người ta đốn lấy bao nhiêu nếu họ muốn. Nếu gỗ lấy trên thân cây già thì nó trở thành Calamba (tức kỳ nam). Thật khó để tìm thấy loại này…

Mọi người có thể bán trầm hương tùy thích, nhưng kỳ nam là loại hàng chỉ thuộc riêng về chúa mà thôi… Kỳ nam giá gán tại chỗ là 5 đồng đu – ca (tiền Ý) một livre (nửa kilô), nhưng ở tại cảng của Đàng Trong nơi người ta buôn bán nó, kỳ nam được bán đắt hơn nhiều, không dưới mười sáu đồng đu – ca một livere. Đến Nhật Bản, kỳ nam có giá hai trăm đồng đu – ca, nhưng nếu nó là một miếng có thể dùng làm chiếc gối thì người Nhật trả với giá ba trăm hay bốn trăm đồng đu – ca một livre. Chiếc gối bằng kỳ nam được coi là xứng đáng dành cho một quốc vương hay một vị chúa.

…Một món lợi lớn nhất mà chúa có thể ban cho một thuyền trưởng Malaixia là cho phép một chuyến buôn trầm hương, bởi vì những tín đồ đạo Bàlamôn và tín đồ giáo phái Bárinian của Ấn Độ, do phong tục hỏa táng người chết bằng gỗ thơm, đó là lý do mà người ta dùng trầm hương không ngừng với số lượng vô cùng”.[3]

Quế là một loại dược liệu quý và được các nước châu Á như Trung Hoa, Nhật Bản rất ưa chuộng. Miền rừng nguyên sinh ở miền Tây huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa (nay là huyện Trà My, Tiên Phước, Phước Sơn) có điều kiện, thổ nhưỡng và tiểu khí hậu phù hợp với sự phát triển của cây quế, làm cho quế chứa nhiều tinh dầu. Huyện Quế Sơn, phủ Điện Bàn cũng có nhiều quế rừng. Ngoài ra, cây quế còn được trồng trong vườn nhà, gọi là quế vườn hay quế đơn, chất lượng không tốt bằng quế rừng.

Các vùng có quế tốt hàng năm phải nộp thuế cho Chúa Nguyễn theo lệ, dùng làm thuốc chữa bệnh trong cung đình. “… Nguồn Thu Bồn, huyện Quế Sơn mỗi năm nộp ba thanh quế thượng thượng hạng; Nguồn Chiên Đàn, huyện Hà Đông mỗi năm nộp ba thanh quế thượng thượng hạng”[10]

Ở xứ Quảng, trong một năm có hai mùa lột quế: mùa tiên (vào tháng 2 – 4 âm lịch) và mùa hậu (vào tháng 8 – 9 âm lịch). Sau khi bóc vỏ quế thợ kẹp quế phải làm thành các thanh quế hình số 2 trong vòng 7 – 10 ngày sau mỗi đợt lột quế, nếu không quế sẽ bị khô.

Quế Quảng nổi tiếng từ thời xa xưa về chất lượng. Một thanh quế quý sau khi kẹp và khô nặng khoảng 1 ki – lô. Người xưa quý quế như ngọc và quế vùng Trà My là loại quế tốt nhất. Bởi vậy mà ngày nay còn lưu lại các câu ca dao dân gian sau:
Quế Trà My thứ cay thứ ngọt,
Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh.
Phàn du, Bạch chỉ đành rành,
Cây tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân.
 
Dưới thời Chúa Nguyễn, hàng năm cảng thị Hội An đã bán cho tàu thuyền nước ngoài hai ngàn tấn quế các loại. Các thương gia người Hoa đã đánh giá rằng “Nhục quế ở Đàng Trong rất tốt”[2]

Ngày xưa quế được xem như thần dược. Tương truyền rằng dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883), Hoàng Thái Hậu Từ Dũ bị đau mắt. Quan phủ Thường Xuân dâng quế làm thuốc chữa bệnh. Thái y cho dùng liều cao, thị lực của Hoàng Thái Hậu bị giảm đi nghiêm trọng và quan thái y bị xử tội. Nhưng kỳ lạ thay, chỉ mấy hôm sau mắt của Mẫu Hậu lại sáng ra và nhìn thất rõ như thời con gái.

Quế xuất khẩu ở cảng thị Hội An ngày xưa được bao gói cẩn thận trong các thùng bằng gỗ do thợ mộc Kim Bồng đóng và cảnh mua bán quế nhộn nhịp ở cảng thị Hội An vào giữa thế kỷ XIX đã được thương gia kiêm lương y Hoa kiều Diệp Ngộ Xuân mô tả trong bài thơ “Các nhà buôn quế”:

Đầy hàng tháng tám ngát mùi hương,
Sửa quế người xem khá rộn ràng,
Số chở hàng năm không kể xiết,
Bán xong lại đến lấy thêm hàng…[11]
 
Cho đến tận nay, quế Trà My của Quảng Nam vẫn được đánh giá là một loại quế tốt vào hạng nhất trên thị trường quốc tế. Một nhà nghiên cứu người Pháp đã viết cách đây gần một thế kỷ rằng: “Cây quế càng trồng xa ảnh hưởng của địa lý và khí hậu của Trà My thì chất lượng tinh dầu càng giảm đi” [12]. Hắc đàn là một loại gỗ thơm mà các nước theo đạo Phật ở phương Đông mua về, chẻ nhỏ ra và nghiền thành bột để sản xuất hương thơm thắp trong các chùa thờ Phật, hoặc để hỏa táng người chết.

Theo tài liệu y học cổ, xạ hương còn được gọi là nguyên thốn hương hay nạp tử là một vị thuốc y học dân tộc phương Đông được dùng để trấn kinh, thông kinh lạc, hồi sinh, trù trúng phong gây hôn mê, điên cuồng, chống đau bụng dữ dội, dùng cho phụ nữ khi khó sinh.

Cũng theo tài liệu y học cổ, sừng tê giác lấy từ tê giác một sừng ở châu Á. Còn gọi lã hương tê giác, là vị thuốc quý, làm mát huyết, định kinh, giải độc, chữa sốt cao hoá điên, sốt vàng gia, trị ung độc, hậu bối, nhức đầu, chảy máu cam. Sừng tê giác là nguồn hàng có nhiều hơn nơi khác của xứ Quảng do thợ rừng săn bắn và có giá bán đắt nhất đến 500 quan 1 tạ1 là người đã đi khắp các biển và đã đi qua các nước, hình như tôi không tìm thấy ở đâu nghề cá đã đi qua các nước, hình như tôi không tìm thấy ở đâu nghề cá và cá có thể so sánh được với Đàng Trong… Người Đàng Trong thích ăn cá hơn là ăn thịt vì vậy mà họ mải mê đánh cá”.[3]

Cá chuồn khô là mặt hàng được xuất khẩu ra nước ngoài nhiều nhất cũng như bán cho Đàng Ngoài và lưu thông trong nội bộ xứ Quảng, nhất là đưa lên vùng cao trong xứ.

Ngay dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, thương gia người Nhật Araki Sataro đã giúp chúa hàng năm tổ chức đội thuyền ra quần đảo Hoàng Sa để thu lượm hàng hóa, vũ khí của các tàu bị đắm và hải vật.

Các hải sản khai thác ở Hoàng Sa là hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba và được khai thác qua nhiều đời chúa và vua Nhà Nguyễn.

Về vấn đề này, các thư tịch cổ đã viết: “… Giữa đảo có bãi Hoàng Sa (Cát Vàng) bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập nhiều không biết bao nhiêu mà kể, sản xuất nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, baba, hàng hóa, đồ vật của thuyền bị nạn bão cũng tụ tập ở đó” [10]
Và: “Ở ngoài Cù Lao Ré có đảo Đại Trường Sa, ngày trước nơi đây thường sản xuất nhiều hải vật chở đi bán các nơi, nên Nhà nước có thiết lập một “đội Hoàng Sa” để thu nhận các hải vật” [2]

Và “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa có hơn 130 cồn cát… Chiều dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn Lý Trường Sa, trên có giếng nước ngọt; sản vật có hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba…” [13]

Một mặt hàng hải sản khai thác từ các hải đảo, có giá trị xuất khẩu cao nhất là tổ yến (yến sào), một loại thực phẩm cao cấp, bổ dưỡng được chế biến thành các món ăn cung đình (cháo yến, chè yến, bồ câu nhồi yến) giá 200 quan 1 tạ, so với ngà voi là 40 quan 1 tạ và sừng tê giác là 500 quan 1 tạ…[2]

Ở Đàng Trong, phủ Thăng Hoa có Cù Lao Chàm (với Hang Khô, Hang Cà, Hang Tò Vò, Hang Rêu Xanh…), ở phủ Bình Định với Hòn Phương Mai, ở phủ Diên Khánh có mười hai đảo mà quan trọng nhất là Hòn Nội và Hòn Ngoại có các hang đá có những điều kiện sinh thái phù hợp (như độ ẩm 80 – 90%, độ chiếu sáng thấp…) cho sự phát triển của loài du ba điểu hay huyền điểu, tức là chim yến, loại yến hàng, sản xuất ra yến sào, làm tổ mỗi năm hai lần vào tháng 3 và tháng [8].

Theo hồi cố dân gian Hội An, người tìm thấy tổ yến đầu tiên ở Cù Lao Chàm dưới thời Chúa Nguyễn là hai vợ chồng ông Trần Công Tiến, ngư dân ở làng Thanh Châu, phủ Thăng Hoa (nay thuộc Cẩm Thanh, thị xã Hội An). Về sau ông thành lập làng yến Thanh Châu và trở thành ông Tổ nghề yến ở đây và được dân làng lập miếu thờ.

Lê Quý Đôn đã viết: “Xã Thanh Châu, phủ Thăng Hoa, dinh Quảng Nam có nghề yến sào… lập đội Thanh Châu để lấy yến sào” [2].

Dưới thời chúa Nguyễn, nguồn hàng yến sào chưa được Nhà nước phong kiến quản lý chặt chẽ, người dân thu lượm được tổ yến nộp cho quan sở tại để chuyển dâng lên Chúa thì được miễn thuế thân.

“Hộ lấy yến ở những tỉnh Quảng Nam, Bình Định, Khánh Hòa… mỗi người cả năm nộp thuế yến 10 lạng, miễn cho thuế thân và tiền dây xâu tiền” [15]

Về sau, dưới thời vua Gia Long, Nhà nước phong kiến mới quản lý độc quyền nguồn hàng yến sào.

Năm Gia Long thứ 4 (1805)” chuẩn lời bàn định, dinh Quảng Nam dồn những người dân hộ tịch về lập đội lấy tổ yến, mỗi người cả năm nộp  số yến là 8 lạng, miễn cho việc binh đao” [15]

Tiếp đó “Minh Mạng năm đầu (1820) đổi đội lấy yến thành hộ lấy yến cho Hồ Văn Hòa làm hộ trưởng”[15]

Năm Minh Mạng thứ 15 (1834) “Lại chuẩn y lời bàn: tổ yến là phẩm vật quý, không phải của người ta thường dùng, ngoại trừ thường năm số thu nộp bao nhiêu, còn có lẻ thừa không cứ nhiều ít tốt xấu đều không được mua bán tư túi bên ngoài, nếu dám trái lời cấm mà phát giác ra, thời tang vật sung vào quan và bao nhiêu người tư túi mua bán với nhau đều bị tính theo tang vật mà trị tội” [15]

Giáo sĩ Alexandre de Rhodes đã mô tả yến sào như sau: “Cũng chỉ ở Đàng Trong mới có tổ yến, người ta thường cho vào cháo và thịt. Có một hương vị đặc biệt, thường là món ăn cao sang của ông hoàng bà chúa. Nó trắng như tuyết. Người ta tìm thấy trong mấy núi đá ven biển đối diện với đất liền có trầm hương, ngoài ra không đâu có cả. Tôi nghĩ chim yến đã hút nhựa cây trầm và từ nhựa đó trộn với bọt biển, vì thế tổ yến vừa trắng vừa có vị ngon. Người ta không ăn kiêng mà nấu chung với cá hay thịt”.[5]

Như vậy chỉ có vua chúa mới có nhiều yến sào hay các hàng hóa quý báu khác mà các thương gia nước ngoài muốn mua họ phải mang bạc nén đến để đổi lấy. Về vấn đề này, Chen Chin Hô đã viết: “Năm 1671, nhà tuyền giáo Paris Bénigme Vachet đã đến Hội An và đã ở đấy mười bốn năm, trong tùy bút đã ghi: “Đến sản vật như kỳ nam, hắc đàn, tổ yến, hồ tiêu, hổ phách, trân châu cùng các thứ đá quý khác đều do chúa lưu giữ… Thương nhân nước ngoài như Nhật Bản Á Tế Đảo, Xiêm La… đem bạc đến đổi lấy về”.[4]

Một nguồn hàng hải sản dùng làm thuốc được khai thác ở Cù Lao Chàm, các đảo ven biển khác và ở Hoàng Sa là đồi mồi mà các nước phương Đông thường đến mua, còn các nước phương Đông thường đến mua, còn các nước phương Tây sử dụng nó như đồ trang trí.

Theo tài liệu y học cổ, đồi mồi hay còn gọi là đạo mạo là vị thuốc y học dân tộc dùng chống kinh giản, mê sảng, chữa ung nhọt sưng tấy và nốt đậu mùa bị đen.

Xà cừ là hải sản khai thác nhiều nhất ở Xứ Quảng Nam từ Cù Lao Chàm, bán đảo Sơn Trà, Hoàng Sa. Lê Quý Đôn đã viết: “Sa cừ sản ở Quảng Nam, trước không có thuế thường. Có dùng để trang sức thì quan Đề gia hạ lệnh cho quan công đường xứ ấy truyền cho các xã thôn, phường tìm mua để nộp hoặc 4.500 cái hoặc vài ngàn cái”.

* Nguồn hàng khoáng sản: Xứ Quảng (mà cụ thể là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng ngày nay) chiếm một vị trí hết sức độc đáo về mặt cấu trúc địa chất. Ngày nay, các điều tra cơ bản về địa chất cho thấy toàn bộ diện tích Quảng Nam – Đà Nẵng nằm trọn trong vùng chuyển tiếp giữa hai khối kiến tạo địa chất lớn: địa khối Kom Tum và địa khối cuốn nếp Trường Sơn. Do nằm trùng khớp với vùng đệm giữa hai đơn vị cấu tạo địa chất lớn mà xa xưa hoạt động phím trào dung nham từ lòng đất xảy ra mạnh mẽ, lâu dài và từ đó đã tạo ra trong lòng đất xứ Quảng nhiều loại mỏ phong phú và đa dạng.[17]

Dưới thời chúa Nguyễn, nguồn hàng khoáng sản xuất khẩu gồm có hoạt thạch, thiết phấn, hổ phách, đá quý, trân châu và đặc biệt là vàng.

Alexandre de Rhodes đã viết về vàng Xứ Quảng: “Có nhiều mỏ vàng ở Đàng Trong, nhiều hồ tiêu mà người Trung Hoa tới mua” [3]

Lê Quý Đôn đã viết nhiều về vấn đề này trên các cuốn sách khác nhau. Ông đã cho biết: “Các núi ở phủ Thăng Hoa đều có sản xuất vàng. Đào Trà Tế ở núi nhiều vàng. Đạo Trà Nô ở sông có nhiều vàng” [18]. “Xứ Quảng có các nùi Trà Nô, Trà Tế, nguồn sông Thu Bồn, phủ Thăng Hoa, huyện Duy Xuyên sẵn vàng… “Người địa phương tên là Giang Thuyền… mua riêng một quả núi, tự khai thác lấy đem bán khắp nơi, hắn đem đến phố Hội An bán cho nhà buôn Khách hàng năm không dưới trên một ngàn hốt”. [2]

Nhiều người nước ngoài đến xứ Quảng dưới thời Chúa Nguyễn đều nói về sự giàu có về vàng sa khoáng ở đây.
Cristoforo Borri đã viết: “Đàng Trong có rất nhiều mỏ kim loại quý, nhất là các mỏ vàng” [3].

Giáo sư Pháp Bénigme Vachet đã sống gần 15 năm ở Hội An đã ghi lại: “Người ta thấy ở Đàng Trong rất nhiều vàng bột… Loại vàng bột này thường được bòn đãi tại các suối nước từ núi đổ xuống. Tôi đã được nhìn thấy những thỏi vàng ròng bằng những hạt nhẫn cỡ vừa phải. Những người buôn bán trong xứ thì có một ít, riêng chúa thì có rất nhiều. Những người nước ngoài đến buôn bán ở Đàng Trong đã mang về theo một số vàng khá nhiều…” [19]

Thương gia Pháp Pierre Poivre đã dành một mục nói về vàng ở Xứ Quảng và viết: “Các mỏ vàng có tiếng thuộc Dinh Chiêm (tức Quảng Nam dinh) ở một địa điểm gọi là Phunrac cách Hội An gần tám dặm (?)”… Tại nơi tôi trực tiếp quan sát, thỉnh thoảng người ta nhặt được những cục vàng ròng nặng khoảng hai ao – xơ (0.28g một ao - xơ). Vàng được thu gom dưới dạng vàng vụn hoặc từng cục nhỏ rồi nấu thành thỏi, mang ra chợ bán như mọi thứ hàng hóa khác…” Và ông kết luận: “Đàng Trong là xứ sở của vàng, vàng ở đây tốt, đẹp và tinh khiết nhất thế giới” [6]

Dưới thời Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên đã lập các công trường khai thác vàng sa khoáng với số lượng hàng ngàn nhân công và Ty Kim Tượng gồm nhiều thợ dát vàng để thếp vàng các đồ dùng trong cung đình.

Dưới thời Triều Nguyễn, ở xứ Quảng các kim hộ (hộ khai thác vàng) ở các công trường khai thác vàng hàng năm phải nộp thuế: nguồn Lỗ Đông 70 lạng, nguồn Thu Bồn 38 lạng 3 đồng 1 phân.

Vàng ở Xứ Quảng mua vào thời gian không có hội chợ quốc tế thì rẻ (vào mùa đông), đem về Quảng Đông bán có thể lời 100%.[6]

* Nguồn hàng thủ công nghiệp: Các mặt hàng thủ công nghiệp ngoài tơ và lụa của xứ Quảng xuất khẩu ra nước ngoài là một số đồ dùng bằng gỗ chạm khắc, gốm sứ, giấy quyền…

Làng mộc Kim Bồng nổi tiếng của Hội An là nơi, năm này qua năm khác, sản xuất loại hòm gỗ làm bao bì đựng quế xuất khẩu tại cảng thị Hội An cho tàu thuyền nước ngoài đến mua.

Các nghệ nhân của làng này đã chế tạo các đồ dùng bằng gỗ quý như bàn ghế, trường kỷ, giường, tủ… với nhiều họa tiết trang trí chạm trổ tuyệt mỹ như lưỡng long chầu nguyệt, lưỡng lân hí cầu, con dơi bao quanh chữ thọ, bát bửu, tứ quý v.v… Các mặt hàng này lưu thông trong nội địa Đàng Trong, bán ra Đàn Ngoài và xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó có cả Trung Hoa.

Ca dao dân gian Hội An còn lưu lại những câu thơ mộc mạc nói lên hoạt động tích cực của người thợ mộc Kim Bồng thuở ấy:
Giơ tay hốt nắm dăm bào,
Hội An em ở, Kim Bồng em đi…
 
Dưới thời chúa Nguyễn, cũng như mặt hàng tơ lụa, mặt hàng gốm sứ của Xứ Quảng, của Đàng Trong và của cả Đại Việt đã được xuất khẩu với số lượng lớn đến các nước Đông Nam Á, Viễn Đông và cả phương Tây nữa.

Ở Xứ Quảng, đồ gốm sứ được sản xuất tại Thanh Hà, phủ Thăng Hoa (nay thuộc thị xã Hội An), tại Đồ Bàn, phủ Bình Định (nay thuộc vùng Quy Nhơn), ngoài ra còn ở xứ Thuận Hóa tại Ngư Vọng thuộc Phù Xuân (nay thuộc thành phố Huế). Ở những nơi này sản xuất các đồ gốm sứ gia dụng và các vật liệu xây dựng cho các kiến trúc tín ngưỡng và cung đình như gạch lát, ngói âm dương, ngói ống, bộ ấm chén trà, lục bình, chén đĩa sứ…

Mặt khác, nguồn hàng gốm sứ bán cho nước ngoài tại hội chợ quốc tế Hội An còn có sự đóng góp của các mặt hàng gốm sứ của Đàng Ngoài nổi tiếng như của Bát Tràng (Kinh Bắc), Thổ Hà (Bắc Giang), Hương Canh (Vĩnh Phú), Chu Đậu và Hợp Lễ (Hải Dương). Công nghệ sản xuất gốm sứ của Đại Việt trong các thế kỷ XVI – XVIII ở Đàng Ngoài dưới thời Trần – Lê và ở Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn đã đạt trình độ cao hơn so với các nước Đông Nam Á và Viễn Đông, trừ Trung Hoa, do đó mà gốm sứ Đại Việt đã được xuất khẩu nhiều qua cảng thị Hội An [20]

Về vấn đề này giáo sư khảo cổ học Nhật Bản Hasabe Gakuji đã viết “Các tàu buôn (Nhật Bản) đến Việt Nam mua tơ sống, hàng lụa, hương liệu và các loại tạp hóa, đồng thời còn mua một khối lượng đồ gốm sứ Việt Nam. Điều này có thể chứng minh bằng nhiều di vật còn nguyên vẹn hiện nay vẫn còn lưu giữ ở Nhật Bản” và “Vào khoảng thế kỷ XVI, trong các gia đình thương gia giàu có và các gia đình phải trà đọa (trà nhân) đều còn giữ các đồ sứ Việt Nam”.[21]

Vào đầu thế kỷ XVII Chúa Tiên Nguyễn Hoàng đã tặng cho tướng quân Mạc Phủ Nhật Bản nhiều loại đồ sứ đẹp như chén uống trà “An Nam Hồng” với men xanh lam điểm màu đỏ hay xanh rất lộng lẫy, như có long vân có hình rồng mây đắp nổi rất đẹp [20]

Mặt hàng gốm sứ ở Xứ Quảng và Đàng Ngoài đã bán cho các tàu thuyền nước ngoài và ngày nay tìm thấy ở các di chỉ không những ở Nhật Bản mà còn ở Philippin, Mailaixia, Brunây, Inđônêxia và cả Ai Cập nữa.

Giáo sư Aoyagi Yoji trường Đại học Yochi, Nhật Bản đã cho biết trong 32 địa điểm khảo cổ ở Đông Nam Á thì người ta đã phát hiện được gốm sứ của Đại Việt ở thế kỷ XIV – XVI ở 10 địa điểm ở Philippin, 9 địa điểm ở Malaixia, 2 địa điểm ở Brunây, 11 địa điểm ở Inđônêxia [22] và ông đã viết: “Người ta khẳng định các loại gốm sứ có vẻ hình hoa văn, sứ trắng xanh lam, da lươn… là đồ gốm sứ Đại Việt vào khoảng thế kỷ XIV – XVI. Loại hình của nó gồm có bát đĩa, chậu cảnh, hủ nhỏ, bộ đồ trà, ấm nước. Có nhiều đồ gốm sứ Đại Việt rất khó phân biệt với đồ gốm sứ Trung Hoa về chủng loại và hình dáng. [22]

Giáo sư Hasabe Gakuji, Viện Bảo tàng Quốc gia Tôkyô, Nhật Bản đã cho biết các đồ gốm tìm thấy ở Sakai, Osaka, Nêgôrô…, Nhật Bản có niên đại cuối thế kỷ XVI. Trong số các đồ gốm sứ đó, một số được sản xuất tại các lò gốm sứ Hợp Lễ, Bát Tràng ở Đàng Ngoài, ngoài ra còn có một số bằng gốm và sành có nguồn gốc miền Trung Việt Nam, tức Đàng Trong. Chúng có mặt rất nhiều ở di chỉ Sakai và số lượng xuất khẩu của chúng nhiều như vào 1660. Vào giữa thế kỷ XVII, sau thời kỳ Nhật Bản thực hiện đường lối đóng cửa (1639), các di vật tìm thấy chủ yếu là đồ sành sứ. Chúng có mặt ở tất cả các trung tâm thương mại lớn ở Nhật Bản vào thời kỳ đó. Phần lớn đồ sành sứ đó đều sản xuất ở Đàng Trong [21]. Ông còn nhấn mạnh rằng “Hình con rồng đắp nổi trang trí trên thành bình là loại thường thấy của đồ sứ Đại Việt hồi thế kỷ XVII” [21].

Vào tháng 12 – 1999, trong Hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt – Nhật thế kỷ XV – XVII qua giao lưu gốm sứ” tổ chức tại Hà Nội, Giáo sư Sakurai Kiyohido đã cho biết: “Năm 1979, dưới sự chỉ đạo của cố Giáo sư Mikami Fio, chúng tôi tiến hành điều tra khai quật thành Ixlam nổi tiếng Hustat, ở ngoại ô thủ đô Cairô, Ai Cập. Kết quả là rất nhiều di chỉ và cùng với chúng là một số lượng gốm sứ Trung Hoa đã được khai quật…, thêm vào đó là đồ sứ Ixlam, Faiyum, Ai Cập, Iran và cả đồ gốm Việt Nam, sứ Hizen” [23].

Những điều mà chúng tôi nêu lên ở trên đã cho chúng ta thấy nguồn hàng xứ Quảng, Đàng Trong thật là phong phú và đa dạng và luôn luôn có mặt với số lượng dồi dào ở hội chợ quốc tế hàng năm ở cảng thị Hội An để bán cho các tàu thuyền phương Đông và phương Tây đến đây giao thương.

Qua một số thư tịch cũ chưa thật đầy đủ, chúng ta cũng có thể biết được một phần nào các thương thuyền một số nước, tùy theo nhu cầu của họ, đã mua những mặt nào ở cảng thị Hội An dưới thời chúa Nguyễn.

Thương nhân Nhật Bản thường mua tơ sống, các mặt hàng tơ lụa, nhựa long não, kỳ nam, đường phèn, da cá, hạt cau khô, sơn sống, đồ sành sứ… [4]

Thương nhân Bồ Đào Nha mang các mặt hàng tơ sống, hồ tiêu, trầm hương, các hàng dệt bằng tơ, hắc đàn, đường, xạ hương, quế tốt, gạo nếp…[24]

Thương nhân Trung Hoa mua các mặt hàng hồ tiêu, sơn sống, kỳ nam, ngà voi…[25], tơ sống, trầm hương, ngà voi, thuốc phiện, đường trắng, đường phổi, hạt tiêu, đồ gỗ…[27]

Như đã nêu ở trên, thương nhân các nước Nhật Bản, Xiêm La, Á Tế Đảo Mã Nê Hiệp đem bạc đến đổi cho chúa Nguyễn để lấy kỳ nam, hồ tiêu, hổ phách, trân châu và các loại đá quý…[19]

Một đại thương gia người Trung Hoa họ Trần, quê ở Quảng Đông thường đến buôn bán ở cảng thị Hội An đã cho biết giá cả của các mặt hàng bán ra ở hội chợ quốc tế như sau “Ở Quảng Nam tục gọi 100 cân là 1 tạ. Cau khô 3 quan 1 tạ, hồ tiêu 12 quan, tô mộc 6 quan, đậu khấu 5 quan, gân hươu 15 quan, vay cá 5 quan, tôm khô 6 quan, gỗ sơn 1 quan, ốc hương 12 quan, đồi mồi 180 quan, ngà voi 40 quan, sa nhân 12 quan, gỗ trắc 1 quan, giai ba ba 12 quan, đường phèn 4 quan, đường trắng 2 quan, hoạt thạch, thiết phân, hải sâm cùng các loại cây làm thuốc rất nhiều. Còn kỳ nam mỗi cân giá phải đến 120 quan, vàng mỗi thỏi 180 lòi20, giấy quyến mỗi cây 3 quan 5 tiền, trầm hương tốt, quế nạc giá cao thấp không chừng… Có cả gỗ tử đàn…”[2]

Chúng tôi cho rằng trong các nguồn hàng của Xứ Quảng và Đàng Trong và của các nước khác trên thế giới đã giao thương buôn bán qua hội chợ quốc tế hàng năm tại cảng thị Hội An dưới thời chúa Nguyễn thì các mặt hàng tơ lụa và gốm sứ có vị trí hàng đầu trong mậu dịch quốc tế và từ đó đã làm cho đô thị thương cảng Hội An trở thành một trung tâm trung chuyển của con đường tơ lụa và gốm sứ quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI – XVIII [20].

Tại biển Cù Lao Chàm thuộc Hội An, các nhà khảo cổ học nước ta đã tìm thấy trong các tàu thuyền bị đắm đồ sứ Chu Đậu của Đàng Ngoài Đại Việt và đồ sứ và thủy tinh Ixlam của Ai Cập. Do đó mà Giáo sư Sakurai Kiyohido đã phát biểu: “Điều đó chứng tỏ Việt Nam đã từng nằm trên con đường giao lưu từ Tây Á sang Viễn Đông rất sớm… Điều đó cho thấy diễn tiến của con đường tơ lụa trên biển từ Nam Á qua Ấn Độ, Nam Hải đến Trung Quốc và Nhật Bản và tất nhiên là qua Việt Nam” [23].

Để kết luận, có thể nói rằng ở Xứ Quảng và Đàng Trong dưới thời chúa Nguyễn, các nguồn hàng về nông sản, lâm sản, hải sản, khoáng sản và thủ công nghiệp hết sức phong phú, thể hiện một tiềm năng kinh tế dồi dào. Bởi lẽ đó mà Alexandre de Rhodes đã tuyên bố: “Đây là một vị trí cần phải chiếm lấy và chiếm được vị  trí này thì thương gia châu Âu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” [30].

Dưới thời chúa Nguyễn, trong các thế kỷ XVI – XVIII, nhờ chính sách mở cửa đúng đắn quan hệ giao thương với thế giới bên ngoài mà đô thị thương cảng Hội An với hội chợ quốc tế tổ chức hàng năm vào mùa khô, đã làm cho Đàng Trong hội nhập được với thị trường quốc tế. Chính nhờ sự phát triển ngoại thương mà tiềm lực kinh tế - xã hội và quân sự của Đàng Trong ngày càng được nâng cao, xây dựng được lực lượng vũ trang hùng mạnh và đời sống của nhân dân được cải thiện.

Giáo sĩ Cristoforo Borri đã hết lời ca ngợi tính ưu việt của quân đội Đàng Trong: “Với lực lượng quân sự cực kỳ nhanh nhẹn vừa đông đảo, chúa Đàng Trong đã giữ vững được kỷ cương trong sự thịnh vượng, an ninh và được thần dân kinh phục”[28]

Chính nhờ vậy mà Thái Phó Dũng Lễ Hầu, quan trấn thủ Quảng Nam dinh dưới thời Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan (1635 - 1648), về sau trở thành Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), đã chỉ huy lực lượng thủy quân tại chỗ, đánh bại ba chiến hạm của hải quân Hà Lan hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ, dưới sự chỉ huy của đô đốc Peter Back, tấn công vào cảng thị Hội An tháng bảy năm Giáp Thân, 1644 [31]

Thắng lợi vẻ vang đó là kết quả của quốc sách hợp lý mà các chúa Nguyễn ở Đàng Trong các thế kỷ XVI – XVIII đã thực hiện triệt để: đó là “quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh” nhằm bảo vệ nền an ninh chính trị của đất nước và chủ quyền quốc gia.

Phải chăng đây là bài học lịch sử bổ ích của tiền nhân đối với đất nước chúng ta trong thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập với tất cả các nước trên thế giới, phát triển kinh tế và hiện đại hóa hiện nay?

Tài liệu dẫn và chú giải:
1. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục Tiền Biên 1821.
2. Lê Quý Đôn. Phủ Biên Tạp Lục 1776.
3. Cristoforo Borri. Relation de la Nouvelle mission dis Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine. 1631.
4. Chen Chin Hô. Phố Người Dường và việc mua bán ở Hội An thế kỷ XVII – XVIII. (Bản dịch của Nguyễn Bội Liên)
5. Alexandre de Rhodes. Divers voyages et missions. 1654.
6. Pierre Poivre. Mémoirestouchant la Cochinchine. 1744.
7. Dương Văn An (nhuận sắc). Ô Châu Cận Lục. 1553.
8. Pierre Huard et Maurice Durand. Connaissance du Vietnam 1954 và tài liệu khác.
9. Nguyễn Đình An. Hội An ngày ấy trong lòng Matdưdaka hôm nay. Báo Thanh Niên (thành phố Hồ Chí Minh). 1991.
10. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam Nhất Thống Chí. 1865.
11. Nguyễn Bội Liên. Gió trăng cổ quận. 1996.
12. Nguyễn Phước Tương. Khu hệ thực vật Quảng Nam – Đà Nẵng. 1996 (chuyên đề viết cho “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng”- chưa xuất bản)
13. Quốc sử quán Triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục Chính Biên. 1844.
14. Nguyễn Phước Tương. Đô thị cổ Hội An và những di tích tiêu biểu – La ville ville HoiAn et ses monuments représentatifs. 1997.
15. Quốc sử quán triều Nguyễn. Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sử Lệ.
16. Ngày nay người ta chia tổ yến làm 5 phẩm cấp: thượng hạng là yến huyết màu đỏ nâu, không phải là chứa máu của yến mà do sự có mặt của một hợp chất hóa học được hình thành do phản ứng giữa nước giải của chim yến và vách hang đá; hạng nhất là yến quan màu trắng nửa trong suốt, tổ to; hạng nhì là yến thiên màu xanh hoa vàng, tổ nhỏ; hạng ba là yến địa màu xám hay lá nhạt, to nhỏ không đều; hạng tư là yến vụn là tổ yến không còn nguyên, thành nhiều mảnh. Hiện nay giá 1 kg yến quan là 3.000 đô la. Hiện nay sản lượng tổ yến của Khánh Hòa chiếm 85% của miền Trung, Bình Định 9%, Cù Lao Chàm Hội An 6% nhưng có chất lượng rất cao. Giá 1kg yến huyết hiện nay là 3.000 đô la hay hơn nữa.
17. Theo các điều tra cơ bản địa chất, mỏ và điểm quặng của Chương trình nghiên cứu khoáng sản tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (1983 - 1984) cho thấy chỉ trên một diện tích 11. 989 km2, đã phát hiện được 148 mỏ và điểm quặng, bao gồm 40 loại khoáng sản khác nhau tuy trữ lượng không lớn (đồng, chì, kẽm, thiếc, vàng, sắt, titan, bạc, molypđen, nhôm, than, quặng, phóng xạ v.v…)
18. Lê Quý Đôn. Vân Đài Loại Ngữ
19. Léopold Cadière. Mémoires de Besnigme Vachet sur la Cochinchine 1674.
20. Nguyễn Phước Tương. Cảng Thị Hội An, trung tâm trung chuyển xuyên đại dương thế kỷ XVI – XVIII. Huế Xưa và Nay 1997; N0 23 – Cảng thị Hội An, trung tâm trung chuyển của con người tơ lụa và gốm sứ quốc tế xuyên đại dương trong thế kỷ XVI – XVIII. Tạp san Văn hóa Hội An 1998, N02.
21. Hasabe Gakuji. Tìm hiểu mối quan hệ Nhật – Việt qua gốm sứ Hội thảo quốc tế Đô thị cổ Hội An. 1990.
22. Aoyagi Yoji. Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á. Hội thảo quốc tế về Đô thị cổ Hội An 1990.
23. Sakurai Kiyochiko. Giao lưu văn hóa Đông – Tây qua con đường tơ lụa trên biển. Xưa và Nay. 2000, No 71B
24. Birdwood. Report on the miscellaneous old the India office.
25. Trần Ánh. Mối quan hệ Việt – Hà Lan, một thời thịnh vượng và sóng gió. Khoa học và phát triển 1992; No5.
26. W.J.M. Bush. La compagnie des Indes néerlandses et deL’Indochine. BEFEO 1936; T.37.
27. Pierre Poivre. Mémoires sur les Royaumes de la Cochinchine et du Cambodge. Revue Indochinoise 1904.
28. Georges Taboulet. La geste Franzaise en Indochine 1955.
29. Lòi: đơn vị ngày xưa, là một xâu tiền có chiều dài thống nhất, có giá trị bằng tổng số đồng tiền có trên dây xâu tiền đó.
30. Alexandre de Rhodes. Divers voyags et missions en Chine et aut royaumes de L’Orient. Paris 1653.
31. Ba thuyền chiến Hà Lan Kievit, Nachtegeals và Woerkin de Blonde bị thủy quân dinh Quảng Nam vây đánh. Họ móc thang dây leo chiếc tàu chỉ huy đánh xáp lá cà, đốn gãy buồm, phá hỏng bánh lái làm thuyền trưởng Peter Bac buộc cho nổ kho thuốc súng làm tàu bị chìm kéo theo hàng trăm thủy thủ cùng người chi huy, Hai chiếc tàu còn lại tháo chạy, một chiếc bị chìm vì va phải đá ngầm.
 
Trích sách: Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay, 
(Kỷ yếu hội thảo Hội An tháng 6 năm 2000) – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam

Tác giả: Nguyễn Phước Tương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây