Về một cơ chế Hội An xưa, nghĩ về sự phát triển của đặc khu kinh tế mở Chu Lai hiện nay.

Thứ hai - 28/05/2018 22:00
I- HỘI AN XƯA
1. Hoàn cảnh lịch sử:
Ra khỏi cơ chế trọng nông của nhà Lê nhưng nhà Mạc lại… nhu nhược bất lực trước những biến động xã hội dồn dập nên đất nước vào giữa thế kỷ XVI đứng trước những thời cơ phát triển thuận lợi nhưng sẽ gặp nhiều nguy cơ, thách thức lớn.
 Thời cơ là sự vươn lên của một dân tộc trong yêu cầu phát triển kinh tế và lãnh thổ. Nguy cơ là đe dọa của giặt ngoại xâm và tình trạng nội chiến chia cắt đất nước, khi lãnh thổ kéo dài mà quyền lực Trung ương suy yến: Nhà Mạc lên ngôi – giặc Minh đe dọa; nhà Lê phục hưng – chiến tranh Lê – Mạc; chia cắt Đàng Trong – chiến tranh Trịnh – Nguyễn… Đó là hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của đất nước đối lập và phát triển để cho ra đời một Đàng Trong phồn thịnh. Phố cảng Hội An xuất hiện đáp ứng được yêu cầu lớn mạnh của tiềm năng kinh tế của xứ Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn.

         Sự ra đời của Đàng Trong từ giữa thế kỷ XVI trong bối cảnh luồng thương mại quốc tế phát triển có tính chất toàn cầu. Chủ nghĩa tư bản phương Tây lớn mạnh ra sức tìm kiếm thị trường phương Đông với những thế lực xung kích, đột phá của giới thương nhân Bồ Đào Nha, Hà Lan… từ giữa thế kỷ XVI, thương nhân Bồ Đào Nha đã khám phá ra thị trường Hội An[1]. Hội An trở thành địa chỉ hấp dẫn về thương mại của thế giới hồi bấy giờ.

         Những mâu thuẫn về chính trị của Trung Quốc và Nhật Bản từ cuối thế kỷ XV đã làm cho việc mậu dịch trực tiếp giữa hai nước bị ngưng trệ. Thương thuyền Trung Quốc và Nhật Bản đã chọn được Hội An, một địa chỉ thương mại lý tưởng cho việc hội nhập mậu dịch không những hàng hóa giữa hai nước với Đàng Trong mà cả với thương nhân phương Tây – Hội An nhanh chóng trở thành trung tâm mậu dịch quốc tế lớn nhất Đàng Trong, một đặc khu kinh tế đối ngoại quan trọng hàng đầu của chúa Nguyễn. Hội An bừng dậy như một ngôi sao sáng chói giữa biển trời cảng thị Đông Nam Á, một điểm trung chuyển hàng hóa quốc tế lý tưởng có tính toàn cầu trong bối cảnh thịnh vượng của thương mại thế giới vào thế kỷ XVII, XVIII.

         2. Về cơ chế quản lý Hội An của các chúa Nguyễn.

          Năm 1558, Nguyễn Hoàng xin vua Lê vào trấn nhậm ở Thuận Hóa mà thực chất là một cuộc tị nạn chính trị trước thảm oan nghiệt do Trịnh Kiểm gây ra làm người anh là Nguyễn Uông đã phải chịu bức tử. Năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê phong kiêm quản trấn Quảng Nam thì khả năng tồn tại của Nguyễn Hoàng mới được nhìn nhận thế mà mấy chục năm sau con trai của Nguyễn Hoàng lên kế nghiệp, chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 – 1635) đã dám công khai tuyên chiến với chúa Trịnh, lập phòng tuyến trên đất Quảng Bình để ngăn chặn quân đội Đàng Ngoài thì quả là một bất ngờ của lịch sử.

          Để có một Đàng Trong tồn tại và phát triển, chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có nhiều chính sách cải cách táo bạo. Đã từng trấn nhậm đất Quảng Nam dưới thời chúa Nguyễn Hoàng nên Nguyễn Phúc Nguyên đã chọn con đường thương nghiệp làm đòn bẩy cho nền kinh tế Đàng Trong – một nền kinh tế hoàn toàn đối lập với cơ chế quản lý kinh tế trọng nông cố hữu của các triều đại phong kiến Việt Nam – Hội An trở thành mục tiêu hàng đầu của chiến lược ưu tiên phát triển ngoại thương thời chúa Nguyễn, Hội An lớn mạnh, Đàng Trong trở nên giàu có và cường thịnh là do có cơ chế quản lý đúng đắn và thích hợp của chúa Nguyễn vùng đất mới phía Nam.

          Các chúa Nguyễn đã có một cơ chế đặc biệt với các đô thị thương mại quốc tế này. Các chúa Nguyễn đặt vị trí trấn thủ Quảng Nam quyền lực như một phó vương, thường là các Thế Tử chuẩn bị kế nghiệp ngôi chúa đưa vào đây để thử thách chính trị. Thời bấy giờ người nước ngoài gọi là Quảng Nam Quốc. Vị chúa tương lai này đóng dinh phủ ở La Qua và điều hành khu phố mậu dịch đối ngoại Hội An.

           Với Hội An các chúa Nguyễn đã thực thi một cơ chế đặc biệt:

         - Một quy hoạch đô thị cho khu thương mại Hội An:
         + Phố Nhật ở phía Đông (nay là phường Sơn Phô, làng An Mỹ, xã Cẩm Châu).
         + Phố khách ở về phía Tây (nay là phường Cẩm Phô)
         + Phố Hội An ở trung tâm (nay là đường Trần Phú, Lê Lợi thuộc phường Minh An)[2]

         - Một cơ quan thuế khóa đặc biệt đặt tại Hội An để thu thuế hàng hóa và thương nhân nước ngoài[3]

         - Chúa Nguyễn đặt cơ quan ngoại thương ở Hội An có 185 người phụ trách.

        - Một hệ thống an ninh đặc biệt dành cho Hội An để đảm bảo tình hình chính trị và cứu hộ trong các tai biến đối với thuyền nhân nước ngoài.

        - Chúa Nguyễn Hoàng, chúa Nguyễn Phúc Nguyên viết thư mời thương nhân Nhật Bản, Hà Lan để buôn bán ở Hội An.

       - Dân các làng An Mỹ, Sơn Phô, Cẩm Phô, Hội An được bán đất cho thương nhân Nhật Bản và Trung Hoa đến lập cư và buôn bán.

        - Một chính sách ưu đãi đặc biệt cho người Nhật cai quản đô thị Nhật Bản ở Hội An có vị thế gần như bất khả xâm phạm mà chúa Nguyễn dành cho khu phố ngoại thương này. Do đó, có lần giáo sĩ Alexandre Rhodes đã trốn vào khu đô thị Nhật Bản và được vị thị trưởng che chở an toàn trong thời kỳ cấm đạo gây gắt của chúa Nguyễn[4].

        Phố Khách của người Hoa cũng được thành lập ở Hội An với một cơ chế tự trị ưu đãi về chính trị, kinh tế và văn hóa. Người Hoa đã thành lập khu dân cư quản lý theo bản quốc nên giữ được tập quán văn hóa, phương thức buôn bán và phát triển kinh tế của họ. Do đó Hội An trở thành địa chỉ tin cậy cho lượng người Hoa tăng cường nhập cư và đầu tư kinh doanh – cho đô thị này. Hội An trở thành khu mậu dịch trung chuyển hàng hóa của Trung Quốc đến Việt Nam và các nước Đông Nam Á.

       - Thương điếm Hà Lan ở Hội An cũng là đặc khu tự trị của Phương Tây đầu tiên ở nước ta đã có khả năng thích ứng cho sự phát triển mậu dịch với Việt Nam một cách mạnh mẽ trong thế kỷ XVII.

      - Đô thị Hội An thực chất là một đô thị thương mại đa quốc gia đã tạo nên một cơ chế thị trường với sức cạnh tranh quyết liệt của giới thương nhân. Thương nhân người Việt buôn ghe bầu đi Bắc về Nam lưu thông trên tất cả các bến cảng ở Đàng Trong. Thương nhân Nhật Bản nắm độc quyền buôn bán đồ đồng tại thương trường Hội An. Araki Shutaro, thương gia Nhật Bản làm phò mã chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã giữ trọng trách về mậu dịch ở Hội An. Hoa thương nắm các đại lý xuất nhập khẩu đến cuối thế kỷ XVII họ đã làm chủ thương trường Hội An tạo thành sức cạnh tranh quyết liệt đã loại bỏ nhiều tập đoàn buôn bán của các tổ chức thương nhân nhiều nước trên thế giới.

         II. ĐỂ CÓ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẶC KHU KINH TẾ MỞ CỦA CHU LAI NGÀY NAY.

         1 – Hoàn cảnh lịch sử

        Kinh tế hàng hóa là sản phẩm sự phát triển của xã hội loài người. Đối lập với sự phát triển hàng hóa là chấp nhận sự tụt hậu, trở lại nền kinh tế tự cung tự cấp của chủ nghĩa trọng nông thời phong kiến. Muốn phát triển kinh tế hàng hóa phải chấp nhận cơ chế thị trường đẩy mạnh sản xuất hàng hóa thông qua nền kinh tế chỉ huy được kế hoạch hóa và điều tiết của Nhà nước. Nền kinh tế hàng hóa phát triển với một cơ chế thị trường thì chấp nhận sự phát triển và tồn tại của giai cấp tư sản trong và ngoài nước. Giai cấp này sẽ tạo ra nền tảng cơ sở sản xuất kinh tế tư bản nhưng sẽ khống chế để không thể cho ra đời chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam. Đây là vấn đề rất mới trong hệ thống lý luận cách mạng xã hội chủ nghĩa. Do đó cũng rất khó khăn, phức tạp trong việc lãnh đạo nền kinh tế quốc dân.

          Đối với thế giới, nền kinh tế chỉ huy của các nước xã hội chủ nghĩa bộc lộ nhiều khuyết tật, tỏ ra yếu kém trước nền kinh tế của các nước tư bản chủ nghĩa. Các nước tư bản chủ nghĩa ở vị thế khống chế và bao vây thị trường thế giới. Nhìn nhận đúng hoàn cảnh kinh tế hiện đại, Việt Nam đặt trước những thách thức nghiêm trọng, chưa tìm thấy lý luận phù hợp, chưa có một tiền đề trong lịch sử và chưa có một mô hình hiện đại để vận dụng và học tập.

          2. Các điều kiện cần cho sự phát triển của khu kinh tế mở Chu Lai

         - Muốn thu hút đầu tư nước ngoài cho Việt Nam nói chung, miền Trung nói riêng cần có một cơ chế thích hợp và một bộ máy quản lý thích ứng là điều kiện cần có hàng đầu cho Chu Lai.

         - Điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại của đặc khu kinh tế mở đáp ứng nền công nghiệp và thị trường thế giới hiện nay.

          - Điều kiện xây dựng mạng lưới sản xuất kinh doanh để cung ứng và tiêu thụ hàng hóa của đặc khu Kinh tế mở Chu Lai.

          - Điều kiện liên hoàn hệ thống giao thông phân phối trong nước và miền Trung cho đặc khu Kinh tế mở Chu Lai.

          3. Về một cơ chế hợp lý giữa truyền thống và hiện đại cho Chu Lai.

         - Về một cơ chế hợp lý truyền thống và hiện đại cho đặc khu kinh tế mở Chu Lai trước hết dành cho đặc khu này một cơ chế tự trị của mô hình đa quốc gia như cơ chế các chúa Nguyễn đã áp dụng ở Hội An vào thế kỷ XVII. Cơ chế tự trị này không chỉ được hưởng về chế độ chính trị - xã hội mà cả phương thức kinh tế và văn hóa – giáo dục của chính họ.

         - Chế độ thuế khóa và nhập cư phải được hưởng một cơ chế thuận lợi và thông thoáng để hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

        - Khi có đủ hành lang pháp lý thích hợp, đặc khu kinh tế mở Chu Lai sẽ lấy đất đai làm tài sản, lấy cơ chế làm nguồn hội nhập để tiếp thu kỹ thuật, nguồn vốn. Với phương thức đó, Chu Lai chỉ cần một phần ngân sách quốc gia đầu tư ban đầu để lót ổ, mời gọi những đàn gà công nghiệp khắp nơi đến đẻ trứng. Kỹ thuật từ đó phát triển, vốn liếng từ đó sinh sôi, nhân lực và việc làm ngày càng sung mãn. Với phương châm liên kết bên trong, thu hút bên ngoài, Chu Lai chắc chắn sẽ thành một đặc khu kinh tế phát triển, miền Trung sẽ giàu lên, đất nước sẽ mạnh hơn. Những đặc khu kinh tế khác từ mô hình Chu Lai sẽ vận dụng – Việt Nam, một con rồng mới của châu Á sẽ tung bay trong vài thập niên đầu của thế kỷ sau trong đó có công đi đầu về một cơ chế Kinh tế mở Chu Lai.
Huế 5 – 2000
Trích sách: Từ Cảng thị Hội An xưa đến Khu kinh tế mở Chu Lai hôm nay,
(Kỷ yếu hội thảo Hội An tháng 6 năm 2000) – Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam
 

[1] Pierre Yves Manguir, Les Portugais le sur côtes du Vietnam et du Campa, B.E.F.E.O, 1984, tr. 183.
[2] Tư liệu ghi lại về chùa Hà Nam của Nhật Bản tại Hội An vào đầu thế kỷ XVII do Ogura Sadao cung cấp năm 1987.
[3] Đỗ Bang – Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII – XVIII, Thuận Hóa, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, 1996, tr. 80-81.
[4] Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, quyền I, Khai Trí, Sai Gòn, 1965, tr.158.

Tác giả: Ts. Đỗ Bang - Trung tâm KHXHNV. ĐH Huế

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây