Cây cối trong đời sống tín ngưỡng của cư dân Hội An

Thứ sáu - 27/04/2018 04:39
Hội An, nơi giao lưu kinh tế, giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa các cộng đồng, dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, từ đó tạo nên một hệ thống tín ngưỡng đa dạng. Bên cạnh tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, Thành hoàng, thờ Cá Ông, thờ Tiền hiền,... của người Việt hay tục thờ Quan Công, Thiên Hậu Thánh mẫu, Bắc đế Trấn Võ, Lục tánh Vương gia,... của người Hoa và thờ cả Linh Cẩu (chó thần), Thần Hầu (khỉ thần) theo tín ngưỡng tô tem của người Nhật, thì tín ngưỡng thờ cây cũng là một trong những tín ngưỡng của cư dân Hội An.
          Thờ cây là một trong những tập tục đã có từ lâu đời trên đất nước Việt Nam và tồn tại cho đến ngày nay. Tín ngưỡng thờ cây biểu hiện cho sự gắn bó mật thiết giữa con người với tự nhiên. Tại những cây cổ thụ, con người luôn tin rằng đây là nơi ngự trị của các đấng thần linh hoặc các linh hồn bơ vơ không nơi nương tựa. Đặc biệt những cây càng già cỗi, tán to lớn, rậm rạp càng mang nhiều yếu tố tâm linh. Tùy theo đặc trưng văn hóa mỗi vùng miền mà tín ngưỡng thờ cây có những đặc điểm khác nhau về đối tượng, hình thức, ý nghĩa. Trong đời sống văn hóa tín ngưỡng từ xa xưa của người Việt Nam, tín ngưỡng thờ cây đã được chuyển tải qua câu chuyện Mộc tinh trong tác phẩm Lĩnh Nam chích quái, chuyện kể về một đại thụ thành tinh nhũng nhiễu cuộc sống của dân lành, để được yên ổn sinh sống người dân bèn lập đền thờ, hằng năm cống nạp lễ vật cho Mộc tinh để được yên ổn sinh sống. Với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có nhiều câu chuyện thần thoại được lưu truyền từ bao đời nay về tập tục thờ cây. Trong tâm thức người Mường, họ luôn tôn thờ cây si là tổ tiên, qua đó có thể thấy được biểu tượng cây vật tổ và cây vũ trụ trong thần thoại các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đã thể hiện ý niệm về tổ tiên, nguồn gốc các tộc người.
 
hinh 1

Cây đa xóm Chùa - An Bàng - P. Cẩm An

          Nhìn nhận theo góc độ siêu hình, trong mỗi thực thể cây cối đều có hồn, đặc biệt là những cây có kích thước to lớn, hình thù kỳ dị thường được gắn liền với thần[1]. Trong quá trình di cư đến vùng đất Quảng Nam nói chung và Hội An nói riêng, những lưu dân người Việt dần thích nghi, hòa nhập với hoàn cảnh và môi trường mới, một nơi khác biệt về phong tục tập quán, điều kiện thổ nhưỡng. Để tồn tại được và phát triển đời sống, những lưu dân người Việt bắt buộc phải thích ứng với những phong tục mới. Theo Li Tana: “Người Việt Nam đã bị chi phối rất nhiều bởi phong tục của người Chăm. Sống trong vòng ảnh hưởng của bùa, phép, thư, ếm rất linh ứng, người Việt bị bắt buộc phải theo các tục lệ hoặc phương thức thờ cúng của người Chiêm Thành”.[2] Tuy nhiên, những lưu dân người Việt trong quá trình sinh sống đã khéo léo dung hòa giữa phong tục, tín ngưỡng truyền thống với phong tục tín ngưỡng dân cư bản địa, từ đó gìn giữ được những phong tục tín ngưỡng truyền thống, đồng thời góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng các hình thức tín ngưỡng cộng đồng. Trong các loài cây đại thụ có yếu tố tâm linh, cây đa được xem là tiêu biểu nhất. Cây đa là hình tượng biểu hiện cho sự trường tồn, sức sống dẻo dai, thường được trồng ở vị trí đầu làng, cuối làng hay giữa làng, đặc biệt còn gắn liền với các công trình tín ngưỡng cộng đồng. Hình ảnh cây đa to lớn, xanh tốt tôn lên vẻ uy nghiêm, linh thiêng của các ngôi đình, miếu. Hình ảnh cây đa còn gắn liền với mô hình đặc trưng của làng quê truyền thống Việt Nam: “cây đa, bến nước, sân đình”. Trong khuôn viên các đình, chùa, miếu, lăng ở Hội An hầu như đều có bóng dáng những cây mang yếu tố tâm linh như đa, sanh (thường trồng tại các đình, miếu); cây bồ đề được trồng nhiều tại các chùa với ý niệm “Bồ đề” (giác ngộ thành Phật). Trong số các cây cổ thụ tồn tại bên cạnh các di tích ở Hội An, cây đa đình ấp Xuân Mỹ (khối Nam Diêu – phường Thanh Hà) có thể xem là một trong những hình ảnh tiêu biểu cho văn hóa làng quê truyền thống ở Hội An. Ngôi đình tọa lạc trên một gò đất cao, trước mặt là sông, phía đông sân đình là nơi tọa lạc của cây đa cổ thụ. Cây đa này có kích thước khá lớn, tán rộng, các rễ phụ phát triển bao quanh gốc cây và bao quanh một bệ thờ, bên trên có đặt một tượng voi đá thời Champa.
 
hinh phunog

Cây đa Bia Yểm - P. Minh An

          Trải qua những thăng trầm của lịch sử, những tác động nhất định của quá trình đô thị hóa nhưng những cây cổ thụ ở Hội An vẫn tồn tại song hành cùng tín ngưỡng của cư dân địa phương, với những công trình di tích tín ngưỡng đình, chùa, miếu mạo, là nơi lưu giữ các ký ức của cộng đồng, của văn hóa làng/xã. Trong đó có thể kể đến cây Da Kèn ở khối Xuân Lâm, phường Cẩm Phô, cây được trồng từ khi nào thì không ai được rõ. Theo các cụ kỳ hào cho biết trước đây được nghe kể lại rằng trước đây khu vực này có nhiều cây cối rậm rạp, dân cư sinh sống thưa thớt. Trong thời kỳ Pháp thuộc, khu vực này được khai mở nhiều tuyến đường và tuyến phố mới, ở khu vực gần đình ấp Xuân Lâm có một cây đa rất lớn, cành lá um tùm. Trong bài viết của nhà nghiên cứu Trương Đình Quang có đề cập đến cây đa này trong bài viết “Cây cối ở Hoài Phố - Cây Da Kèn”: “Phố Hội, ngay đầu phố Trần Cao Vân có cây da kèn. Cái tên nghe là lạ. Ngày xưa, người Hoài Phố không có cái tên ấy. Là cây da chùa ấp Xuân Lâm”. Về sau, có một đội kèn tây phục vụ trong đồn lính Pháp ở Hội An thường xuyên tụ họp dưới gốc cây đa này để tập luyện các bài nhạc, và trải qua một thời gian dài, người dân dần quen thuộc với tên gọi Cây Da Kèn là nguyên do vậy. Có cây cổ thụ lại gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, thần bí đó là cây đa bia yểm ở đường Phan Chu Trinh. Cây đa bia yểm có thân khá to, rễ phụ chằng chịt phát triển thành những thân phụ bao phủ lên một am thờ nhỏ xây bằng gạch ở phía Bắc của gốc cây, bên trong có đặt một tấm bia đá khắc Hán tự và những hình vẽ. Cũng chính từ tấm bia đá này đã xuất hiện những câu chuyện ly kỳ được một số người giàu trí tưởng tượng cho rằng đó là tấm bản đồ kho báu. Tuy vậy, theo các nhà nghiên cứu đây là một tấm bia yểm thủy đạo nhằm mục đích khắc phục những yếu tố bất lợi của phong thủy đối với vùng đất cư dân đang sinh sống.

          Đối với cây cổ thụ, người dân Hội An thể hiện sự tôn kính qua những việc làm như một thói quen ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Trong ấn phẩm Hội An quê tôi của tác giả Minh Hương có đoạn: “Đường bên kia, sát bên hông chợ, một cây bàng cổ thụ bề thế, uy nghi, gốc to bành như một khối đá lớn nổi u, nổi bướu, giá ba người ôm cũng không xuể. Cành lá sum suê, nhiều tầng, đâm ngang như một cây dù khổng lồ, gần như che mát cả một góc chợ giữa và một phần con đường. Rễ tỏa ra xung quanh, nổi chằng chịt trên mặt đất ngoằn ngoèo xung quanh gốc như những con trăn da nâu điểm những đốm mốc. Đặc biệt ở gốc cây tự nhiên lõm vào một hộc lớn ăn sâu vào thân cây. Trong hộc tự bao giờ ai đặt một cái trang thờ bằng gỗ sơn đỏ, vẽ hoa văn rồng chầu, phượng múa, mây bay, màu bạc, vàng xanh. Ở trong cùng trang có mấy hàng chữ Nho kẻ trang kim trên nền đỏ. Rồi đến một bát hương luôn nghi ngút khói. Hỏi mấy cụ già nói đó là trang thờ thần sở tại. Phía trên cao trang lồ lộ một lỗ lớn. Miệng lỗ bị cháy xém. Trong lỗ là một cái bộng sâu. Nghe kể lại trước kia là nơi cư ngụ thường trực của con quỉ một giò hay quấy phá dân chúng gần đó. Theo lời dạy của thầy pháp nếu nhà nào có ai đau yếu kéo dài thì phải đem xôi, gà, rượu đến đó cho thầy van vái xin cho[3].

           Xung quanh những gốc cây cổ thụ, các vật dụng được người dân mang đến để như ông bình vôi, cối đá, đồ thờ tự đã cũ hoặc hư hỏng bởi lẽ họ không dám vất đi lung tung, sợ bị bề trên quở phạt. Trong ấn phẩm Hội An quê tôi của tác giả Minh Hương, có đoạn miêu tả: “Ngổn ngang xung quanh gốc và những rễ nổi cộm trên mặt đất nào bình vôi bể bằng sứ hay bằng cả đất nung, bát hương, lư hương bằng sứ bể và nhất là các lò, các đầu rìu đủ loại cũng bằng đất nung, nhưng phải thứ đổ bể không dùng được. Thêm vào chén, bát bể. Tất cả chất từng đống, từng cụm. Dân chúng quanh chợ và ở vùng quê phụ cận bao giờ cũng gọi các thứ di tích đồ gốm bể này là các ông: ông lò, ông táo, ông nồi ông niêu, ông trả, ông trách…[4].

          Tín ngưỡng thờ cây là một loại hình tín ngưỡng dân gian rất độc đáo ở Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng. Tín ngưỡng này xuất phát từ lòng tin về một thế giới vô hình tồn tại và hiện diện ở khắp mọi nơi, trong đó có thần, ma ở cây cối và các thần linh luôn dõi theo phù trợ cho cuộc sống của con người. Hội An, vùng đất hội tụ của các nền văn hóa, với nhiều hình thức văn hóa tín ngưỡng khác nhau, trong đó tín ngưỡng thờ cúng cây cối là một bộ phận trong đời sống văn hóa tinh thần không thể thiếu của cộng đồng cư dân Hội An, góp phần làm phong phú, đa dạng các loại hình tín ngưỡng ở Hội An.
 
 

[1] Tạ Chí Đại Trường (2014) Thần, người và đất Việt, NXB Tri Thức, công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam - Tr.49.
[2] Li Tana (1999) Xứ Đàng Trong, Hồ Chí Minh; NXB Trẻ - Tr.196.
  [3] Hội An quê tôi, Minh Hương, NXB Văn học, 2000, Tr.236
 [4] Hội An quê tôi, Minh Hương, NXB Văn học, 2000, Tr.237
 
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây