Đình Thanh Đông ở Cẩm Thanh qua tài liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam năm 1941 – 1943

Thứ tư - 11/04/2018 05:53
Vị trí đình Thanh Đông hiện nằm tại thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, cách trung tâm phố cổ khoảng hơn 2km về hướng Đông Nam. Trong lịch sử, ngôi đình từng là thiết chế văn hóa tín ngưỡng quan trọng của nhân dân làng Thanh Đông.
          Rất tiếc, cho đến nay do trải qua bao biến thiên của lịch sử, nhất là sự tàn phá ác liệt của các cuộc chiến tranh làm cho ngôi đình bị hư hại hoàn toàn, chỉ còn lại nền móng nhưng cũng đã bị vùi lấp dưới mặt đất nên chưa xác định được quy mô. Tại khu vực nền đình có 2 viên đá táng chân cột có kích thước lớn: 67 x 67 x 20cm và 66 x 66 x 19cm. Hiện tư liệu về đình làng Thanh Đông không nhiều nhưng có một tài liệu đề cập khá rõ về di tích này, đó là thông tin trong tập tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam năm 1941 - 1943 của Viện Viễn Đông Bác Cổ.

          Làng Thanh Đông là một trong những làng được tách ra từ làng Thanh Châu. Theo một số tài liệu cho biết, làng Thanh Châu được hình thành vào thế kỷ XVII. Trải qua quá trình phát triển, làng Thanh Châu đã chia tách nhỏ thành các làng Thanh Đông, Thanh Nam, Thanh Tây. Đến trước năm 1945, làng Thanh Đông lại chia ra thành các làng Thanh Đông, Thanh Nhứt, Thanh Nhì và Thanh Tam. Thời điểm năm 1941 -1943, làng Thanh Đông thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

          Theo thông tin điều tra lúc bấy giờ của Viện Viễn Đông Bác Cổ, đình Thanh Đông nằm ở giữa chốn làng quê, gần sông Đình có nhiều cây dừa nước. Chưa có tư liệu để xác định cụ thể thời gian xây dựng cũng như những lần trùng tu ngôi đình. Tư liệu điều tra của Viện Viễn Đông Bác Cổ chỉ cho biết có một lần trùng tu ngôi đình vào năm Bảo Đại thứ 6 (1930) song không được chắc chắn vì thông tin này theo lời kể chép lại.
 
bai cuong
Sơ đồ mặt bằng đình Thanh Đông trong tư liệu điều tra làng xã Quảng Nam năm 1941-1943 của Viện Viễn Đông Bắc Cổ.
Ảnh: Nguyễn Cường

          Về kiến trúc và bố trí thờ tự của đình thì được ghi chép tương đối rõ kết hợp với bản vẽ tay mặt bằng bố trí các hạng mục của đình. Theo đó thì ngôi đình là công trình có quy mô khá lớn, kiến trúc tổng thể gồm phía trước là bình phong làm bằng vôi, hai bên có hai trụ biểu tròn; từ bình phong qua khoảng sân rộng độ 8m tây, bước lên 5 bậc cấp là đến đình; đình có tiền đình và hậu tẩm.

          Tiền đình ngôi đình có kiến trúc tường bao quanh xây gạch, mái lợp ngói. Chịu lực bên trong là 4 hàng cột theo chiều ngang và chiều sâu. Các cột được làm bằng gỗ lim tròn.“Giá trị của đình nầy là đặc biệt vì gỗ lim thật to, đều đặn với nhau hiếm lắm”, “kèo trính tuy trơn nhưng thật là xưa, trông khéo lắm”. Trên mặt bằng xây dựng, tiền đình bố trí thành 5 gian theo chiều ngang và 4 gian theo chiều sâu. Trong 5 gian chiều ngang thì 2 gian ngoài cùng có bề ngang hẹp hơn. Tường hai bên có cửa đi ra bên ngoài. Ngăn cách tiền đường với bên ngoài là 3 bộ cửa đi bố trí ở 3 gian giữa, hai gian bên là bức tường xây.

          Về thờ tự ở tiền đường: “chính giữa là một bàn hương án sơn son thết vàng 3 mặt thật là xưa, chạm rất khéo. Trên có để một cái kỉnh đá làm mặt, cây làm khung, đẹp và quý vì là đá gốm, nửa là gõ. Hai bên có hai con hạc gỗ đứng trên con rùa, trước có chung bộ ngũ sự đồng cao độ 0,m3. Trước là bệ gạch tam giác thường để bộ thất sự đồng cao độ 0,m6. Sau bệ trước hương án là một cái sập bằng gỗ, đến khi cúng đấy là chỗ an trí lễ phẩm.

          Qua bên phải bàn thờ sát vào xông, và trái cũng vậy đều bằng gạch, là bàn thờ vị Tiền hiền, có khám gỗ ở trên”. Hai tường bên bố trí mỗi bên ba bệ dùng để ngồi khi có hội. Ngăn cách tiền đường và hậu tẩm là “gian cửa gỗ tục gọi buồn khoa”.

          Kiến trúc hậu tẩm “là một ngọn lầu cao độ 11 thước tây có cổ lầu”, bao quanh xây tường gạch, mái lợp ngói, “trên đắp lưỡng long, trong cổ lầu là một cái gác có một cái khám để bằng gỗ tốt lắm, trong khám là cái hòm sắc chất các hạng thần tự vào đây, có khóa kỹ càng. Dưới là gian nhà rộng có 3 bàn thờ giữa cao hơn là bàn thờ vị Đại Càn, hai bên các vị khác là phối tự”.

          Thời gian cúng tế tại đình một năm 2 kỳ, vào ngày 10 tháng Giêng và ngày 10 tháng 8 âm lịch.

          Nhận xét về ngôi đình này, những người điều tra lúc bấy giờ cho rằng: “…cái giá trị của đình này là đặc biệt vì gỗ lim thật to, đều đặn với nhau hiếm lắm. Ngoài ra bề ngoài thì trước thấp, ngọn lầu hậu tẩm cao, qua bên kia sông Đình ngó lại… có khác nào một cái lăng có tên tuổi, cao ráo… đẹp thật”.

          Có thể thấy những thông tin từ nguồn tư liệu điều tra về làng xã ở Quảng Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ đề cập khá chi tiết đến di tích đình Thanh Đông, nhất là về mặt quy mô kiến trúc. Đây là thông tin tham khảo có giá trị để kết hợp với những nguồn tư liệu khác làm rõ hơn giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của ngôi đình này. Đặc biệt hiện nay với chủ trương thống nhất của thành phố về phục hồi ngôi đình thì đây là cơ sở quan trọng để lập phương án phục hồi đảm bảo tính khoa học và các nguyên tắc bảo tồn di tích.

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây