Nghệ thuật trang trí ống, máng xối tại các di tích trong khu phố cổ Hội An

Thứ năm - 18/01/2018 03:01
Với những giá trị nổi bật toàn cầu, từ năm 1999, Khu phố cổ Hội An được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hoá Thế giới. Ngày nay, Khu phố cổ Hội An đã trở thành điểm tham quan lý tưởng đối với du khách, một địa chỉ nghiên cứu hấp dẫn đối với các nhà khoa học trong và ngoài nước bởi lẽ nơi đây không chỉ là “bảo tàng sống” của những giá trị di sản văn hoá phi vật thể mà còn là một bảo tàng lớn về nghệ thuật kiến trúc cổ.
          Giá trị nghệ thuật kiến trúc của khu phố cổ Hội An không chỉ được thể hiện ở quy mô tổng thể cả khu phố mà còn qua từng di tích cụ thể từ kết cấu đến các hình thức trang trí trên công trình tại vì kèo, đầu trính, phên vách, mái ngói... Có thể thấy, một trong những nét đặc sắc trong trang trí kiến trúc của khu phố cổ là các hình thức trang trí ống, máng xối thoát nước.
 
phi 2
Kiểu kiến trúc hình máng xối. Ảnh: Tuyết Phi
 
          Máng xối là một bộ phận quan trọng trong kết cấu kiến trúc của hầu hết các kiến trúc truyền thống có bố cục gồm từ 2 nếp nhà trở lên nằm liền kề nhau, có chức năng hứng và dẫn nước mưa chảy xuống từ mái của công trình kiến trúc. Trong Khu phố cổ Hội An, hầu hết các công trình kiến trúc từ di tích tín ngưỡng đến nhà ở của nhân dân đều gồm từ hai nếp trở lên nằm liền kề nhau. Những máng xối trong các công trình ở Khu phố cổ Hội An được làm không chỉ để thực hiện chức năng dẫn thoát nước mà còn hướng đến nhiều giá trị nghệ thuật, văn hoá và tín ngưỡng sâu sắc. Điều này thể hiện ở việc tạo tác đầu máng xối hình dáng các con vật hoặc làm ống xối dẫn từ đầu máng xối xuống mặt đất với nhiều kiểu khác nhau. Qua khảo sát, hình ảnh những con vật thường thấy trong trang trí đầu máng xối là hình con cá chép, hình con cóc, hình ễnh ương... Hình dáng ống xối chủ yếu được làm theo kiểu thân cây trúc hoặc cây cổ thụ. Đầu máng xối hình con cá chép hoặc hình con cóc có cấu tạo gồm hình con cóc, cá chép làm bằng gốm tráng men gắn vào đầu máng xối hoặc được đắp rồi sau đó cẩn mảnh sứ màu, miệng quay xuống dưới. Khi trời mưa, dòng nước phun từ xối xuống đất qua miệng hình con cá chép, con cóc tạo nên hình ảnh khá thú vị và độc đáo. Nghệ nhân xưa sử dụng hình ảnh con cá chép và con cóc trang trí ở đầu máng xối có những dụng ý sâu sắc. Cá chép sống ở môi trường nước, tượng trưng cho sức mạnh, sự giàu có và thành đạt. Chính ý nghĩa này nên trong khu phố cổ Hội An, ngoài vị trí đầu máng xối, hình ảnh cá chép xuất hiện ở rất nhiều vị trí khác từ bờ nóc, bờ chảy của mái ngói đến các cấu kiện, chi tiết kiến trúc gỗ. Hình ảnh cá chép được chạm lộng tạo dáng cho vì vỏ cua ở các di tích là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, tinh tế thể hiện điều đó. Con cóc, ễnh ương ngoài sinh sống trong môi trường nước thì tiếng kêu của chúng cũng báo hiệu trời sắp chuyển mưa, dấu hiệu của sự được mùa. Trong khu phố cổ Hội An, hình ảnh con cá chép trang trí ở đầu máng xối xuất hiện nhiều ở các hội quán của người Hoa, tại hai bên khu vực mái tiếp giáp giữa chính điện và phương đình. Một số di tích khác như Quan Công miếu, hình ảnh con cá chép xuất hiện ở máng xối tại sân trời, với 4 con cá chép phun nước xuống hòn non bộ từ bốn góc. Đối với các di tích nhà ở, chủ yếu nhà ở loại đặc biệt, phần lớn máng xối ở vị trí sân trời đều trang trí hình cá chép. Những giá trị nghệ thuật của công trình kiến trúc nằm ở sân trời và không gian tiếp giáp với sân trời như vì vỏ cua, hồ nước giả sơn, cuốn thư, cây cảnh, các đồ án, đề tài trang trí trên vách ván… kết hợp với mô típ trang trí trên máng xối tạo nên khung cảnh thật hữu tình, con người và thiên nhiên hoà quyện, đan xen lẫn nhau trong một không gian văn hoá.
 
phi1
Kiểu kiến trúc hình ống. Ảnh: Tuyết Phi

          Một hình thức khác trong trang trí đầu máng xối dẫn nước đó là hình ảnh ống xối được cách điệu nhiều kiểu dáng khác nhau từ hình cây cổ thụ đến thân cây trúc. Trong đó hình ảnh thân cây trúc xuất hiện nhiều hơn, đặc biệt tại các di tích nhà ở. Ống xối được làm từ những ống tròn bằng gốm đất nung ghép chồng lên nhau từ mặt đất đến đầu máng xối. Mặt ngoài của ống xối tô đắp vữa vôi và cách điệu hình thân cây trúc vươn cao lên đến máng xối. Đầu ống xối ở vị trí thoát nước tạo dáng hình miệng cá. Trong triết lý nhân sinh, cây trúc tượng trưng cho  khí phách của người quân tử, đức tính ngay thẳng, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, đối mặt với phong ba bão tố. Hình ảnh ống xối dáng cây cổ thụ xuất hiện ở các di tích tín ngưỡng như đình và hội quán. Nó cũng được làm từ các ống tròn bằng đất nung ghép chồng lên nhau và được tạo dáng hình cổ thụ với các chi cành đắp vươn ra hai bên.

          Việc tạo dáng hình các con vật ở đầu máng, ống xối hay hình dáng ống xối kiểu cây cổ thụ, thân cây trúc mang ý nghĩa biểu trưng cao, thể hiện tính sáng tạo của các nghệ nhân Hội An xưa trong việc xây dựng các công trình kiến trúc ở khu phố cổ Hội An. Những biểu hiện nghệ thuật ở hệ thống máng, ống xối vừa phản ánh nét giao lưu, tiếp biến văn hoá đa chiều ở Hội An trong lịch sử, vừa góp phần tạo nên các giá trị nổi bật toàn cầu để Khu phố cổ Hội An trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.
 
 
 
 

Tác giả: Nguyễn Tuyết Phi

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây