Trong nhiều thế kỷ sinh sống tại thương cảng Hội An, thương nhân người Hoa đã tạo dựng nhiều công trình kiến trúc rất có giá trị như nhà ở, nhà thờ tộc, đền miếu, hội quán... Trong đó, hội quán được xem là những công trình tiêu biểu nhất về cả kiến trúc lẫn công năng sử dụng. Hội quán được xây dựng với mục đích là để làm nơi sinh hoạt chung của đồng hương, đồng thời là nơi thờ cúng các vị thần bảo trợ và những bậc tiền hiền của từng bang.
Đến nay, trong khu di sản Hội An còn 5 hội quán của người Hoa, đây là một trong các loại hình kiến trúc tiêu biểu góp phần làm nên sự phong phú, độc đáo của quần thể di tích kiến trúc Hội An. Riêng chỉ có bang Gia Ứng (
còn gọi là Khách Gia, người Hẹ) do số lượng người quá ít nên họ không xây dựng hội quán mà sinh hoạt chung tại Trung Hoa hội quán. Đặc biệt, hiện nay trong các hội quán vẫn còn lưu giữ được khá nhiều tài liệu Hán - Nôm. Đây chính là di sản quý giá góp phần cho việc nghiên cứu về lịch sử di cư, nhập cư, cũng như sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa ở Hội An trong nhiều thế kỷ trước đây cũng như hiện tại.
Di sản tư liệu Hán - Nôm trong các hội quán của người Hoa ở Hội An bao gồm các loại chủ yếu như văn bia, hoành phi - câu đối, thần tích, bài vị, văn tế, khế ước và các sổ bộ ghi chép khác.
Điều dễ dàng nhận thấy là hệ thống hoành phi, câu đối trong các hội quán của người Hoa Hội An rất phong phú và đa dạng. Sự đa dạng không chỉ về hình thức, thể loại thư pháp thể hiện mà phong phú, đa dạng cả về mặt nội dung, ý nghĩa. Những hoành phi - câu đối không chỉ để tôn vinh vẻ tôn nghiêm, vẻ đẹp của từng hội quán mà bản thân chúng còn là chứa đựng nhiều thông tin quan trọng để nghiên cứu về di tích nói riêng và lịch sử - văn hóa nói chung. Đặc biệt, nhiều liễn đối, hoành phi trong các hội quán ở Hội An được các nhân vật nổi tiếng soạn ra và đề bút, trong số đó có cả thủ bút của nhiều danh sĩ như Ngô Lỗ, Phùng Quốc Tài, Diệp Công Siêu,...
Liễn đối, hoành phi trong các hội quán được thể hiện bằng nhiều hình thức như chạm gỗ, khắc đá, đắp nổi... với các thể thư pháp như chân, thảo, lệ, triện. Thể chữ được dùng chủ yếu là thể chân
(khải thư). Hiện nay, ở hai hội quán Phước Kiến và Quảng Triệu còn lưu giữ 2 bức hoành phi sắc tứ “
Hiếu Nghĩa Khả Gia” có niên đại Khải Định năm thứ 3
(1918). Bên cạnh đó, trên tiền môn của hội quán Quảng Triệu có bức hoành “
Du Cửu”
(Dài Lâu) do ông ngoại của nhà thơ Khương Hữu Dụng phụng cúng.
Hiện nay, hầu hết các liễn đối, hoành phi tại các hội quán ở Hội An thường có khung niên đại các triều vua nhà Thanh như Càn Long
(1736-1795); Gia Khánh
(1796-1820); Đạo Quang
(1821-1850); Hàm Phong (1851-1862); Đồng Trị
(1862-1875); Quang Tự
(1875-1909). Ngoài ra, có rất nhiều liễn đối, hoành phi ghi niên đại là Long Phi hoặc ghi bằng Can chi nên không thể xác định niên đại cụ thể được.
Nhìn chung các hoành phi, đối liễn ở hội quán đều có nội dung ca tụng các vị thần, thánh và những bậc tiền nhân đã có công lao đối với cộng đồng; đồng thời thông qua đó họ gởi gắm những cầu mong, ước nguyện của cộng đồng cư dân trong bang về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát tài phát lợi.
Ngoài ra, những dòng đề lạc khoản trên các liễn đối, hoành phi còn chứa đựng nhiều nội dung quan trọng khác về lịch sử, liên quan đến các nhân vật lịch sử, các bang hội, các tộc họ của người Hoa. Nội dung lạc khoản cho chúng ta biết mối quan hệ của người Hoa ở Hội An với người Hoa ở các địa phương khác như Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi,...
Bên cạnh những bức hoành phi đại tự, những câu đối sơn son thếp vàng thì những cây xà cò được gắn trên nóc hội quán cũng là những tư liệu Hán Nôm quý giá. Bản thân những thanh xà này đã lưu lại những niên đại xây dựng, niên đại trùng tu, cũng như những ai đã đứng ra xây dựng, trùng tu - tu bổ các ngôi hội quán. Trong đó điển hình xà cò của hội quán Quảng Triệu đã góp phần lý giải về niên đại xây dựng, niên đại kiến trúc của ngôi hội quán. Nhiều tài liệu ghi rằng Quảng Triệu hội quán được xây dựng vào năm 1885, tức năm thứ 11 đời vua Quang Tự nhà Thanh. Nhưng thực tế, cây xa cò hiện đang gắn trên di tích lại ghi trùng tu năm Quang Tự thứ 10 tức năm 1884, bồn hương hợp chất đặt trước chánh điện lại ghi Quang Tự năm thứ 9 tức năm 1883. Như vậy thì trùng tu trước, xây dựng sau là không hợp lý. Nên một người cho rằng trước kia hội quán được xây dựng tại Thanh Chiêm (
phía Tây Hội An) và được dời về trùng kiến ở Hội An vào năm 1885.
Trước đây, khi người Hoa nhập cư vào đất Hội An, lập tổ chức bang hội thì họ phải tạo những sổ ghi chép về dân đinh theo quy định. Tuy nhiên, trải qua nhiều lần chiến tranh, lũ lụt, các tư liệu này của các hội quán gần như không còn được bao nhiêu, riêng hiện tại bang Gia Ứng
(Khách Gia, người Hẹ) thì còn giữ được hai bộ. Sổ ghi chép dân đinh của bang Gia Ứng được viết trên giấy dó, đóng thành tập, có đóng ấn triện của bang trưởng. Sổ đinh của bang Gia Ứng còn ghi chép khá kỹ về tên tuổi, nguyên quán, nghề nghiệp, thuế khóa của những người Khách Gia
(người Hẹ) di nhập sang xã Minh Hương của thương cảng Hội An. Từ những thông tin trong các sổ đinh phần nào giúp chúng ta có thể hình dung được tình hình dân cư, nguyên quán của các hộ, ngành nghề, tuổi tác, sinh tử... của bang Gia Ứng nói riêng, Hoa kiều đến làm ăn, sinh sống tại Hội An trong những thế kỷ trước đây nói chung.
Hiện nay, các hội quán còn lưu giữ được một số giấy tờ về đất đai. Đây là sổ bộ ghi chép về đất đai, ruộng đất, kê khai điền thổ… của các hội quán. Những loại giấy tờ này được ghi chép trên giấy dó, đóng thành tập, có ấn của quan phủ và kiềm ký, tín ký của các quan chức sở tại. Niên đại sớm nhất của các loại tư liệu được tìm thấy ở hội quán Ngũ Bang vào thời Thái Đức nhà Tây Sơn, số còn lại chủ yếu tập trung từ thời Gia Long thứ 10 đến thời Duy Tân năm thứ 8. Hiện nay, số lượng giấy tờ đất đai của các bang của người Hoa ở Hội An không còn nhiều, chỉ còn một số bộ tương đối hoàn chỉnh như sổ bộ của hội quán Ngũ Bang, hội quán Phúc Kiến... Tuy nhiên, từ số lượng ít ỏi của những sổ điền thu thập được đã góp phần quan trọng trong việc cho biết tình hình đất đai của các bang nói chung, các gia đình Hoa kiều nói riêng qua một số thời kỳ, một số giai đoạn lịch sử. Đặc biệt là việc ghi chép khá kỹ về tên các làng xã, các xứ đất… ở Hội An xưa.
Điều đáng lưu ý là một số hội quán còn lưu giữ được những loại sổ bộ khá quan trọng, trong số đó phải kể đến là sổ bộ của hội quán Ngũ Bang và hội quán Quỳnh Phủ
(Hải Nam). Trong sổ bộ của hội quán Ngũ Bang quy định khá chi tiết về những điều kiện gia nhập bang hội, quyền lợi và nghĩa vụ của hội viên. Đặc biệt là quy định rõ việc bầu tuyển Lý sự hội tức Ban Trị sự, cơ cấu tổ chức của Ban Trị sự gồm 1 chủ Hội trưởng, 2 phó Hội trưởng, 2 thư ký, 2 tài chính, 2 kế hoach, 2 tổng vụ, 2 phước lợi, 2 giao tế. Đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức vụ, từng bộ phận...
(Rất tiếc sổ bộ này bị mối mọt nên không còn nguyên vẹn, mất nhiều nội dung quan trọng).
Sổ bộ của hội quán Hải Nam còn tương đối nguyên vẹn. Nội dung sổ bộ ngoài việc ghi chép về cơ cấu tổ chức, chức năng quyền hạn của Ban Trị sự còn ghi chép nhiều nội dung quan trong khác như thần tích 108 vị Chiêu Ứng đang thờ trong chánh điện, Chiêu Ứng linh xăm, sao chép hoành phi - cấu đối của hội quán, các ngày lễ chính của bang, các loại hàng xuất khẩu... Và đặc biệt là ghi chép cụ thể về bảng “trừu phong điều lệ”, đây là bảng điều lệ quy định việc bang chúng phải trích nộp lợi tức để làm quỹ cho hội quán. Bảng điều lệ gồm 19 điều được công nghị trước toàn thể bang chúng bang Hải Nam và chính thức ban hành vào năm Tuyên Thống thứ 2
(1910). Bên cạnh các tài liệu được lưu giữ tại hội quán, hiện nay trong nhiều gia đình người Hoa vẫn còn lưu giữ khế ước, đơn khai đất đai, nhà cửa, thổ phố... Đây là loại tư liệu Hán - Nôm phong phú nhất, được tìm thấy nhiều nhất. Trước đây ở Hội An mỗi nhà, mỗi tộc họ đều có nhiều văn khế nhà cửa và đơn khai điền thổ để giữ quyền nghiệp chủ một hoặc nhiều thổ phố và quyền sở hữu đất đai.
Một số loại tư liệu Hán Nôm của các hội quán không thể không đề cập đến đó là Thần tích, bài vị, văn tế. Đây cũng được xem là một bộ phận quan trọng của di sản Hán Nôm trong các hội quán. Hệ thống bài vị thờ là những bằng chứng phản ánh khá cụ thể về tập tục tín ngưỡng của các bang, trong đó rõ nhất là việc cho biết đối tượng thờ tự của các bang người Hoa. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy trong các hội quán ở Hội An ngoài việc thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền và những vị thần bảo hộ của từng bang như Thiên Hậu thánh mẫu
(Mã Tổ), Lục Tánh vương gia, 108 Chiêu Ứng, Phục Ba tướng quân, Quan Thánh đế quân, thần Tài... Đặc biệt, ba hội quán còn lưu giữ được thần tích của các vị chủ thần đang thờ cúng đó là hội quán Ngũ Bang, hội quán Phúc Kiến và hội quán Hải Nam.
Ngoài ra, hiện nay trong các hội quán vẫn còn lưu giữ các bản văn tế và nghi thức tế lễ mà các bang đã sử dụng trong những dịp cúng tế. Thông qua nội dung văn tế cũng phản ánh được tập tục tín ngưỡng, lệ tế, nghi thức tế, đối tượng được cúng tế; Đồng thời còn góp phần trong việc thông tin về tên các xứ đất ngày xưa… Đây là những thông tin hết sức quý giá cho công tác nghiên cứu về phong tục tập quán, nghiên cứu lịch sử văn hóa của các bang của người Hoa nói riêng và của thương cảng Hội An nói chung.
Hiện nay, trong các hội quán đều còn lưu giữ nhiều bia ký. Đây là những tài liệu sống động chứa đựng nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cộng đồng người Hoa nói chung và các bang của người Hoa nói riêng như việc nhập cư, quá trình hình thành tổ chức bang hội, thời gian xây dựng, trùng tu, tôn tạo các hội quán; Những nhân vật, sự kiện gắn với từng bang trong quá trình xây dựng, tu bổ các di tích hay những nội dung liên quan đến phong tục tập quán, lệ làng, đất đai, nghề nghiệp...
Trong đó đáng lưu ý là bia
“Dương Thương hội quán công nghị điều lệ” hiện đang được bảo tồn tại hội quán Ngũ Bang
(tức Trung Hoa hội quán). Trung Hoa hội quán vừa là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng người Hoa sinh sống tại Hội An mà đồng thời cũng là nơi “
tạm trú dừng chân” của các thương khách - khách trú người Hoa đến đây buôn bán khi bị lỡ chuyến thuyền do gặp mưa bão không quay về nước được hoặc những thương khách mới đến chưa có nhà cửa để ở tại Hội An. Để đảm bảo tình hình an ninh cũng như quy định những vấn đề liên quan đến Hoa kiều đến Hội An buôn bán, tập thể người Hoa đã soạn thảo một bản điều lệ gồm 10 điều rồi đưa ra trưng cầu ý kiến của toàn thể thương khách và chính thức khắc bia dựng tại Dương Thương hội quán vào năm Vĩnh Hựu triều Lê, bản điều lệ đó gọi là “
Dương Thương hội quán công nghị điều lệ”. Bản điều lệ này có thể nói là “
bản hương ước” duy nhất của cộng đồng người Hoa được tìm thấy tại Hội An.
Tóm lại, các hội quán người Hoa là những công trình kiến trúc tiêu biểu, độc đáo trong khu di sản. Các lễ hội, phong tục tập quán của người Hoa... cũng góp phần làm đa dạng phong phú loại hình văn hoá ở di sản văn hoá Hội An. Đặc biệt hệ thống di sản tư liệu Hán - Nôm hiện tồn đã đóng góp không nhỏ trong việc nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An nói chung; lịch sử di nhập cư; lịch sử giao thương,... nghiên cứu về đời sống, phong tục tập quán của cộng đồng người Hoa, nghiên cứu về quá trình thương mại, giao thương của Hội An với các nước trên thế giới và khu vực... Ngoài ra tư liệu Hán - Nôm cũng góp phần khá quan trọng trong nghiên cứu về di tích, việc xây dựng, kiến thiết và tu bổ di tích. Chính vì vậy có thể nói rằng di sản Hán - Nôm trong các hội quán ở Hội An là kho sử liệu sống động, phản ánh sự phát triển cả về văn hóa, lịch sử, kinh tế - xã hội… của thương cảng Hội An trong quá khứ cũng như các hội quán, các bang của cộng đồng người Hoa ở Hội An nói riêng.