Nhà ngoại giao - nhà nghiên cứu lịch sử Nhật Bản
Yoshiharu Tsuboi lúc đầu yêu Hội An cũng chỉ qua những sử liệu mơ hồ, chỉ thực sự từ khi bước chân đến Hội An, anh mới bàng hoàng trước những minh chứng của thương dân Nhật Bản trên đất Hội An. Anh nói Hội An là mở đầu, là biểu tượng của sự hội nhập, giao lưu mở cửa với thế giới bên ngoài của Việt Nam. Và điều đó luôn dằn vặt thao thức để Anh góp sức tham mưu cho Sứ quán Nhật Bản giúp chu đáo vật chất làm nên thắng lợi Hội thảo Khoa học Quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990, tương xứng với tầm vóc một Đô thị cổ còn sót lại duy nhất gần như nguyên vẹn ở Đông Nam Á. Anh thật sự ngạc nhiên nhận ra rằng không khí khu phố cổ Hội An rất giống khu phố cổ của quê hương anh - Nhật Bản. Đấy là việc dễ dàng tìm được nhiều nét tương đồng về văn hóa giữa Hội An và vùng Hokkaido, Kyushyu, Takayama đặc biệt nhất là trong văn hóa truyền thống. Khi còn đương chức ở Sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, anh nhiều lần đưa gia đình đến nghỉ hè ở Hội An và trở thành chiếc cầu nối giữa Hội An với nhiều người Nhật Bản, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, kiến trúc, khảo cổ học của trường đại học Nữ Chiêu Hòa. Công trình “
Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885)” (
xuất bản tại Pháp - 1987-tái bản 2011), theo anh có sự gợi ý những tư liệu từ Hội An, đã tác dụng thúc đẩy các nhà khoa học Nhật Bản thêm nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam, trong đó có Hội An.
Tọa đàm về Bảo tồn Khu Phố cổ Hội An và Di tích Chùa Cầu năm 2008. Ảnh: Hồng Việt.
Bên cạnh giáo sư Y.Tsuboi, với cương vị Giám đốc Viện Nghiên cứu Văn hóa Quốc tế của trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, từ 1992, giáo sư Hiromichi Tomoda đã đứng ra tập hợp một đội ngũ những nhà khoa học giỏi về nhiều lĩnh vực đang công tác giảng dạy ở các trường Đại học Chiba, Đại học quốc gia Tokyo, Tokai, Tsukuba, Đại học Mỹ thuật và Âm nhạc Tokyo,… và các kiến trúc sư, các chuyên gia bảo tồn ở Bộ Văn hóa Nhật Bản hoặc đang công tác ở các Trung tâm di tích Kyoto, Nara, Shiga, Wakayama tổ chức các đoàn sinh viên đến Hội An hợp tác nghiên cứu điều tra, khảo sát lập hơn 200 hồ sơ di tích kiến trúc, thu thập, sao lại hàng ngàn trang tư liệu Hán Nôm… khai quật, đào thám sát ở 10 địa điểm với tổng diện tích 70m
2. Để góp sức giải quyết một phần khó khăn trong tu bổ di tích, giáo sư cùng các bạn của mình báo cáo, vận động sự hỗ trợ kinh phí từ Đại học Nữ Chiêu Hòa, trường Đại học Chiba, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Hội Kiến trúc sư Nhật Bản, Hội Bạn hữu Hội An ở Nhật, Taisei Cporation... để tu bổ 20 mái ngói ở mặt tiền đường phố, tu bổ lớn 12 di tích với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng Việt Nam. Gần đây, trong năm 2016, giáo sư cùng TS.Ando Katsuhiro chủ trì Dự án “
Đa dạng hóa sinh kế thông qua du lịch di sản tại các làng nông nghiệp và ngư nghiệp” bằng kinh phí tài trợ từ JICA và một số công ty bên Nhật để cải thiện sinh kế cho dân đảo Cù Lao Chàm. Từ tháng 9/1992 đến nay bình quân ít nhất mỗi năm 2 lần giáo sư cùng đồng nghiệp hoặc sinh viên đến nghiên cứu tìm ra những đặc trưng kiến trúc cổ Hội An. Để cho nhiều tấm lòng người Nhật Bản hướng về Hội An, giáo sư còn cùng các vị cộng sự ở Trường và Viện tổ chức hơn 10 cuộc hội thảo khoa học quốc tế giới thiệu giá trị nổi bật của di tích và công cuộc bảo tồn di sản Hội An, ở bên Nhật, ở tại Hội An, trong đó có 06 cuộc hội thảo, tập huấn về tu bổ di tích kiến trúc gỗ… cho hơn 600 lượt cán bộ chuyên môn, các chủ di tích, học sinh và đại biểu 09 tỉnh thành trong nước tham gia, với tư cách kinh nghiệm bảo tồn, nhìn từ Hội An. Khó có thể kể hết được việc làm đầy tình nghĩa, sâu nặng, thủy chung của giáo sư Tomoda và các bạn Nhật Bản đối với Hội An. Bản tính thầm lặng, chu đáo tuyệt vời với công việc, với cả đồng nghiệp, bạn bè nên dù rất bận bịu giảng dạy trên lớp, giáo sư vẫn dành nửa lòng mình cho Hội An. Đứng trước mỗi đổi thay tốt đẹp ở Hội An, giáo sư đều bày tỏ niềm vui và cảm động như chính những đổi thay ở quê hương mình. Có thể nói, những kết quả của hoạt động bảo tồn di tích Hội An hôm nay có được một phần lớn nhờ ở sự châm ngòi và tác động quan trọng của giáo sư. Trái với nhiều người, giáo sư chưa một lần nhận Hội An là quê hương nhưng những công việc mà giáo sư đã làm cho Hội An thì thật là lớn lao. Cũng có lần tâm sự về những biến đổi, tịnh tiến trong kinh tế, những chuyển mình sâu sắc trong xã hội ở Đô thị cổ Hội An trước tác động phát triển du lịch, giáo sư luôn thăm hỏi trong ý thức quan ngại và góp nhiều lời khuyên cho việc ngăn ngừa trước những tiêu cực ảnh hưởng vào công việc bảo tồn nhằm tránh những vấp váp mà ngay chính Nhật Bản đã gặp. Đó là việc ngay từ bây giờ phải biến những suy nghĩ, hành động của cộng đồng dân cư trong khu phố thành sức mạnh thống nhất bảo tồn di tích trên cơ sở những qui định, qui chế do Nhà nước ban hành. Sao cho dân càng giàu lên nhờ di sản, nhờ du lịch thì càng yêu quí trân trọng vốn liếng di sản cha ông mình dành lại. Một sinh viên tiết lộ rằng có lần lên lớp, giáo sư kể về Hội An hấp dẫn và nhiệt tình đến nỗi sau đó nhiều người khao khát muốn đến Hội An để được một lần cảm nhận, suy ngẫm về một vùng đất lạ mà thầy mình đã gửi gắm tâm tưởng. Và quả thật khi được đến Hội An họ đã nhận được nhiều thoáng giao hòa tâm tưởng. Nhiều sinh viên Nhật Bản lấy đề tài Hội An để làm luận án đã thành công các học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Bạn tâm giao của giáo sư Hiromichi Tomoda là Yukihiko Higuchi nhà đạo diễn và sản xuất tài năng về phim tài liệu ở Đài Truyền hình Chukyo Nagoya thì lại yêu Hội An dưới góc độ khuôn hình ống kính độc đáo. Để có 75 phút phim về Đô thị cổ Hội An phát đồng loại trên 13 đài truyền hình phủ sóng toàn nước Nhật vào năm 1994, anh đã cùng 4 đồng nghiệp phối hợp với cán bộ Quản lý Di tích Hội An cần mẫn kiên trì thu vào ống kính 6.000 phút phim về 3 tầng văn hóa: trên mặt đất, dưới lòng đất, trong lòng người Hội An ở mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết. Đến Hội An quay phim 5 lần là chấp nhận mọi thử thách cam go của tầm tã mưa, gió mùa Đông Bắc, của dầm dề mồ hôi, chang chang nắng lửa và cả những đêm khuya rình chộp khoảnh khắc trăng lên, hoặc hơi lạnh se giá buổi ban mai, một chút bình minh ló rạng… Anh ao ước và đã thể hiện thành công cái hồn phách Hội An vừa xa vời heo hút lịch sử, vừa hiện hữu lồ lộ rõ ràng. Năm 1997, hồ sơ trình UNESCO công nhận Đô Thị cổ Hội An-Di sản Văn hóa Thế giới cần không ảnh và phim về Hội An, anh đã hăng hái đóng góp.
Từ sau khi Đô thị cổ Hội An trở thành Di sản văn hóa thế giới, tiếp tục mối quan hệ hợp tác - giao lưu trước đó, hằng năm lại có nhiều người bạn Nhật Bản đến nghiên cứu, hỗ trợ triển khai các dự án về bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản, nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản văn hóa. Một số bạn Nhật Bản đã lập nghiệp ở Hội An, cùng với cộng đồng dân cư Hội An chung tay góp sức gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Hội An trong giai đoạn mới.