Đi... trải nghiệm di sản

Thứ sáu - 06/10/2017 04:40
Các loại hình di sản văn hóa sẽ được đưa vào chương trình giáo dục tại Hội An từ năm học 2017 – 2018, như thêm lần nữa đưa trở lại câu chuyện về nuôi dưỡng ý thức bảo vệ di sản từ khi còn nhỏ…
 
images1377863 11A1
 
Các em học sinh tham gia chương trình “chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”. Ảnh: TTBTDS
 
          Hình thức học thực nghiệm không mới, nhưng hẳn với các thực thể di sản tại Hội An, đây là lần đầu tiên lứa học trò của lớp 1 và lớp 6 được trải nghiệm về di sản ở nhiều góc độ. Chương trình “đưa di sản vào học đường” của Hội An là sự tiếp nối của hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” đã thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm nay.

            Bài giảng từ thực tế

          Sử dụng di sản để dạy học không còn là phương thức giáo dục xa lạ ở Quảng Nam. Cách đây hơn 10 năm, học sinh huyện Duy Xuyên đã được trải nghiệm chương trình “giáo dục di sản trong trường học” với nhiều hiệu ứng tích cực. Các hoạt động về giới thiệu, thuyết minh, tìm hiểu di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn bằng hoạt động thực tế đã kích thích thêm câu chuyện giữ gìn và nhận thức giá trị của khu đền tháp này ngay từ thế hệ học sinh cấp 1, cấp 2. Riêng với Hội An, trải nghiệm di sản là hoạt động ngoại khóa thường xuyên của nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở. Tuy nhiên, để có được một hệ thống giáo án bài bản với sự kết hợp từ hai ngành giáo dục và văn hóa thì phải đợi đến năm học này mới thực sự bắt đầu. Bà Lê Thị Tuấn - Trưởng phòng Bảo tàng của Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa thế giới Hội An chia sẻ, từ năm 2014, đề án về giáo dục di sản trong học đường đã được phê duyệt, năm 2015 tổ chức tập huấn cho giáo viên các trường cũng như thuyết minh viên. Đến năm 2017 mới thực sự bắt đầu thực hiện chương trình một cách bài bản. “Mục đích của giáo án này là để tạo sự tương tác giữa giáo viên, học sinh và cán bộ hướng dẫn di tích. Không phải như trước đây, các em chỉ đến tham quan là chủ yếu. Từ những hoạt động tương tác, bao gồm lý thuyết về giá trị lịch sử, văn hóa… của di sản trong lớp học, đi trải nghiệm di sản, sau đó thu hoạch bằng những hình thức như vẽ tranh, làm tượng…, các em sẽ biết yêu mến hơn các di sản văn hóa Hội An, cũng như nâng cao ý thức bảo vệ di sản từ lúc còn trên ghế nhà trường” - bà Lê Thị Tuấn cho biết.

          Bộ tài liệu giáo dục di sản trong học đường do nhóm biên soạn của Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An làm chủ biên, kết hợp cùng Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn TP. Hội An. Việc triển khai dạy thí điểm sẽ được thực hiện tại khối lớp 1 Trường Tiểu học Phù Đổng và khối lớp 6 Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu ngay trong năm học 2017-2018. Bà Tuấn chia sẻ thêm: “Bộ tài liệu gồm hai chủ đề dành cho lớp 1 là “Em yêu và bảo vệ di tích Chùa Cầu”, “Chúng em khám phá di tích Chùa Cầu” và 3 chủ đề dành cho lớp 6 là “Nghề trồng lúa quê em”, “Sự sáng tạo trong cuộc sống của người xưa”, “Em yêu lịch sử cách mạng quê em”. Cùng với nội dung tài liệu, sẽ chọn hiện vật, di tích làm đối tượng truyền tải thông tin với phương pháp tương tác giữa giáo viên, cán bộ giáo dục di sản với học sinh để các em phát huy tính chủ động, sáng tạo và hiểu biết kỹ hơn về di sản, từ đó góp phần hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản trong các em học sinh. Với 4 tiết trong 1 tuần, các em học sinh sẽ cùng với giáo viên và các thuyết minh viên tổ chức bài học thành những nhóm chuyên đề, và sản phẩm thu hoạch cuối cùng sẽ được các em lựa chọn tùy vào năng lực cảm nhận của mình.

           Học ở… bảo tàng

          Bài học không chỉ là lời giảng, lời kể, mà học sinh thích được thực hành, được chơi trên sân trực tiếp. Từ nhiều năm nay, chương trình “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” của Hội An với chính tiêu chí này, đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ phía ngành giáo dục cũng như trực tiếp học sinh và phụ huynh. Bắt đầu triển khai từ cuối năm học 2013-2014, đến nay chương trình ngoại khóa “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An phối hợp với Phòng Giái dục và Đào tạo thành phố thực hiện đã thu hút sự tham gia của các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, với gần 800 lượt học sinh tìm đến. Đây cũng chính là cách quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của quê hương, đồng thời mở ra một cách “thực hành lịch sử” thú vị cho các em học sinh. Việc tiếp thu kiến thức sử học, văn hóa của địa phương, vì thế cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Học ở bảo tàng cũng chính là cách được lựa chọn tối ưu khi đưa chương trình giáo dục di sản vào học đường tại các nước trên thế giới. Bà Katherine Muller Marin – nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam đã chia sẻ rằng, bảo tàng là nơi tạo sự kết nối tốt nhất cho mọi người. “Giáo dục di sản là động lực hết sức quan trọng trong việc hình thành các kỹ năng sống, trong đó bao gồm sự thích nghi, sáng tạo, đổi mới, tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng - một yếu tố then chốt của phát triển bền vững. Bảo tàng đóng vai trò cơ bản cho việc tạo ra sự kết nối này. Chúng ta cần phải tăng cường các bảo tàng để họ phát triển các phương tiện truyền thông tương tác với học sinh, sinh viên và những cách kể chuyện thú vị, hấp dẫn” - bà Katherine nói.

          Nhiều nhà làm văn hóa, giáo dục khẳng định, muốn thu hút giáo viên và học sinh, phải đưa vào những trò chơi dân gian ở chính nơi các em đang sinh sống, cũng như tri thức địa phương mà các em tiếp xúc hằng ngày. “Mỗi địa phương có ca từ riêng, giáo viên âm nhạc cần có cách hát chung thủy với ca từ của bài hát ấy. Sau khi các em hát với ca từ và giai điệu truyền thống đó, các em dễ dàng hát theo nhạc. Cách làm ấy có thể mang tới kỳ vọng học sinh học tốt những bài dân ca. Ai cũng sẽ cảm thấy thú vị khi chứng kiến một cậu bé được nghe làn điệu dân ca của địa phương mình, cất tiếng hát để rồi cả lớp cùng hòa nhịp theo. Và những nghệ nhân của nơi có di sản văn hóa phi vật thể cùng tham gia giảng dạy thì đó là nhân chứng sống động giúp cho việc tiếp thu, bảo tồn di sản một cách bền vững nhất” - TS. Lê Thị Minh Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa nói thêm. Chọn những di sản ở quanh chúng ta, cộng đồng ở đâu thì lấy di sản ở đó, trường học ở đâu thì sử dụng di sản ở cộng đồng đó, như vậy chương trình giáo dục “đưa di sản vào học đường” sẽ trở nên nhẹ nhàng với mọi đối tượng học sinh.

           Thêm một cách học để các em biết yêu hơn các giá trị văn hóa quê hương, cũng như từ đây nâng cao nhận thức về bảo tồn di sản, để các di sản văn hóa luôn được “sống” trong lòng người… bắt đầu ngay từ tuổi thơ.

Tác giả: Lê Quân

Nguồn tin: baoquangnam.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây