Tơ tằm Quảng Nam trong “Con đường tơ lụa” trên biển

Thứ ba - 19/09/2017 03:51
Năm 1877, sau những chuyến nghiên cứu khảo sát tuyến đường giao thương trên đường bộ thời cổ đại giữa Trung Quốc và phương Tây, nhà địa lý học người Đức Ferdinand von Richthofen nhận thấy loại hàng hóa chủ yếu được buôn bán,.... vận chuyển trên tuyến đường nầy là tơ lụa nên đã đưa ra thuật ngữ Con đường tơ lụa [die Seidenstrasse (tiếng Đức), TheSilk Road (tiếng Anh)](1). Về sau, các nhà khoa học đều dùng tên gọi con đường tơ lụa để chỉ tuyến đường giao thương thời cổ đại xuất phát từ Trung Quốc qua vùng Nam Á, Tây Á nối liền sang châu Âu và bắc Phi, bao gồm tuyến đường trên bộ và trên biển.
          Là vùng đất đa dạng về tự nhiên, có bờ biển dài, đồng bằng tương đối rộng, rừng núi bạt ngàn..., lại là nơi giao lưu, hội tụ của nhiều nền văn hóa, từ thế kỷ XV-XVI, Quảng Nam đã có những nét đặc trưng riêng của vùng đất phên giậu  thời cha ông ta đi mở cõi về phương Nam.

          Ở Quảng Nam thời bấy giờ, bên cạnh kinh tế nông nghiệp là chủ đạo, các ngành nghề thủ công cũng phát  triển, hình thành các làng nghề nổi tiếng; có thể kể đến các làng dệt Mã Châu, Trung Lương, Thi Lai, Hà Mật, Đông Bàn... Làng chiếu cói Bàn Thạch, làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, làng mộc Vân Hà, làng làm trống Lâm Yên, làng đúc đồng Phước Kiều; đặc biệt có làng nghề yến ở Thanh Châu (Hội An), người dân Thanh Châu đã biết khai thác loại yến sào quý giá ở vùng Cù Lao Chàm từ xa xưa. Sản phẩm các làng nghề nầy đã đến với người tiêu dùng nhiều nơi trong và ngoài nước... Trong Phủ biên tạp lục, Lê Quý Đôn đã dẫn theo lời một thương gia Trung Hoa họ Trần: "Thuyền từ vùng Sơn Nam về, người ta chỉ mua được một món hàng hóa là củ nâu mà thôi. Thuyền từ kinh thành Thuận Hóa về cũng chỉ mua được một thứ hàng là hồ tiêu. Còn thuyền từ miền Quảng Nam về thì trăm thứ hàng hóa thứ gì cũng có ..."  (2)

          Trong các nghề thủ công truyền thống đã tạo nên diện mạo cho vùng đất Quảng Nam, nghề nuôi tằm - dệt lụa không chỉ góp phần phát triển kinh tế cho địa phương, mà còn là thứ hàng hóa đã làm nên thương hiệu tơ lụa Quảng Nam được cư dân các vùng đất xa xôi khác ưa chuộng...

        Cách nay khoảng 300 năm, tại huyện Đại Lộc, một số làng nằm ở ven sông Vu Gia như Giao Thủy, Quảng Huế, Phước Bình, Hà Nha..., nhờ các bãi bồi ven sông đầy ắp phù sa, bên cạnh nghề trồng rau, đậu, lúa, bắp, thuốc lá, người dân nơi đây đã chú trọng đến nghề trồng dâu nuôi tằm:
Con tằm Đại Lộc xe tơ
Bãi dâu Đại Lộc lờ mờ bên sông…

          Làng dâu tằm Đại Bình (xã Quế Trung huyện Nông Sơn) có từ lâu đời, ra đời cách đây khoảng 300-400 trăm năm. Vùng đất nầy mặc dù thường xuyên bị lụt lội, nhưng lại được phù sa bồi đắp hàng năm rất thích hợp với việc trồng cây dâu, với ưu thế nầy cư dân vùng đất nầy đã nuôi tằm ươm tơ để bán cho các làng dệt ở đồng bằng, trong đó chủ yếu là ở Duy Xuyên.

          Nghề ươm tơ dệt lụa ở các làng Đông Yên, Thi Lai (Duy Trinh, Duy Xuyên) ra đời từ thế kỷ 16, gắn liền với sự tích Bà chúa Tàm tang Đoàn Quý Phi và thế tử Nguyễn Phúc Loan. Cho đến nay trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện về nàng thôn nữ họ Đoàn. Vào một đêm trăng thanh gió mát, tiếng hát trong trẻo bên nương dâu làm xao xuyến công tử Nguyễn Phước Lan (sau này là chúa Thượng) đang cùng cha dong thuyền trên dòng sông Thu Bồn, vội ghé đậu vào ghềnh Điện Châu. Tại đây, chúa Thượng đã gặp gỡ nàng thôn nữ hái dâu họ Đoàn. Xuất thân từ một cô gái làm nghề trồng dâu nuôi tằm, sau khi trở thành Quý Phi của chúa Thượng, bà đã khuyến khích nông dân các phủ Điện Bàn, Thăng Hoa lúc bấy giờ chú trọng phát triển nghề nuôi tằm dệt lụa, nhờ đó mà nghề tằm tang - dệt lụa ở xứ Đàng Trong có điều kiện mở namg.

         Làng dệt lụa Mã Châu hình thành từ thế kỷ 15, bên cạnh kinh đô Trà Kiệu, sản phẩm lụa Mã Châu đã nổi tiếng từ bao đời nay  Trải qua bao biến động, thăng trầm, nghề dệt vẫn được truyền lưu giữ trao truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Mã Châu con gái mỹ miều
Sớm mai dệt lụa, buổi chiều ươm tơ

           Theo Lê Quý Đôn “... xứ Quảng Nam là đất phì nhiêu nhất thiên hạ. Người Thăng Hoa, Điện Bàn biết dệt vải lụa, vóc, đoạn, lĩnh, là, hoa màu khéo đẹp chẳng kém Quảng Đông...”(3)

          Vào những thế kỷ đầu Công nguyên, phương tiện đi lại trên biển rất thô sơ, những chuyến hải hành liên quốc gia thường phải kéo dài trong nhiều tháng; những hòn đảo lớn rải rác trên biển là nơi tàu bè các nước thường ghé lại để nghỉ ngơi, lấy thêm lương thực, nước ngọt, tránh gió bão. Nằm trên trục giao thông đường biển nối liền các trung tâm buôn bán lớn của các quốc gia ở vùng Đông Nam Á và Trung cận Đông, đồng thời cách không xa đất liền, nơi có Đại Chiêm Hải khẩu- cảng biển quan trọng nhất nhì của vương quốc Champa, Cù Lao Chàm là điểm dừng chân rất thuận tiện của thương thuyền các nước, tại đây họ không chỉ dừng chân vì những nguyên nhân như đã nói mà còn có thể  mua thêm những sản phẩm nổi tiếng của xứ Champa như trầm hương, hồ tiêu, ngà voi, đồi mồi, tơ lụa,... Tại Cù Lao Chàm các nhà khảo cổ đã phát hiện được dấu hiệu của hoạt động mậu dịch hàng hải. Tại bãi Làng, các nhà khảo cổ đã khai quật được nhiều mảnh gốm thời Đường  có niên đại khoảng từ thế kỷ VII - X, một số mảnh gốm Islam của vùng Trung cận Đông (khoảng thế kỷ IX-X), nhiều mảnh gốm Chăm, nhiều mảnh của các loại đồ thủy tinh cao cấp có màu sắc rất đẹp, cùng với những hạt chuỗi thủy tinh được chế tác rất tinh vi(4). Theo các nhà khảo cổ, sự có mặt của các hiện vật nói trên, đã phản ánh quan hệ giao lưu buôn bán quốc tế ở vùng đảo nầy trong nhiều thế kỷ. Một số thư tịch cổ Trung Hoa như Tân Đưòng Thư, Địa lý chí cho biết vào khoảng giữa thế kỷ VII, thuyền buôn các nước vùng Tây Á như Ả Rập, Ba Tư ... thường xuyên đến Trung Quốc bằng con đường Nam Thái Bình Dương,  mang theo bạc khai thác ở vùng Ba Tư và Ả Rập; trên con đường đó họ đã ghé vào các cảng của Champa trong đó có Cù Lao Chàm để trao đổi mua bán; thuyền Trung Quốc đi đến các nước thế giới Ả Rập hoặc Nam Á cũng dừng chân ở Cù Lao Chàm và cửa Đại Chiêm; những di vật khai quật được từ lòng đất Hội An và Cù Lao Chàm như các loại gốm Islam có nguồn gốc từ vùng Trung Đông, một số loại đồ đựng bằng thủy tinh màu có nguồn gốc từ Tây Á, những hạt chuỗi thủy tinh có nguồn gốc ở Ấn Độ, Thái Lan, Mã Lai... đã chứng minh điều đó. Đến khoảng đầu thế kỷ VIII, các thương thuyền Trung Hoa tăng cường hoạt động ở vùng Đông Nam Á, do vậy thuyền buôn các nước vùng Tây Á không cần phải đến Trung Quốc, họ chỉ cần đến một số cảng lớn ở vùng Đông Nam Á là có thể mua được hàng hóa của Trung Quốc. Các thương gia Trung Quốc tìm mua các loại lâm thổ sản quý ở vùng Đông Nam Á và bán những sản phẩm truyền thống của họ được các nước khác ưa chuộng.

          Trong nhiều thế kỷ, hoạt động hàng hải trên biển Thái Bình Dương rất nhộn nhịp, con đường giao thông trên biển nầy được gọi là Con đường tơ lụa trên biển hoặc con đường gốm sứ, bởi ngoài những mặt hàng như hồ tiêu, trầm hương..., tơ lụa và gốm sứ là hai loại hàng hóa không thể thiếu từ Trung Quốc và Việt Nam đi đến các nước Nam Á và Tây Á. Sau những chuyến vượt biển của đô đốc Trịnh Hòa (năm 1405-1430) từ Trung Quốc qua Đông Nam Á, đến Ấn Độ, Vịnh Ba Tư, các nước Ả Rập và những phát kiến địa lý của các nhà hàng hải phương Tây, đã nối liền con đường tơ lụa trên biển qua ba đại dương: Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Con đường tơ lụa trên biển hình thành đã mở ra một thời kỳ mới trong vấn đề giao lưu thương mại và giao lưu văn hóa giữa các nước phương Đông và phương Tây.

          Nghiên cứu về mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản, PGS. TS. Nguyễn Văn Kim (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng “... trước khi Nhật bản đặt quan hệ buôn bán chính thức với Việt Nam thì một số mặt hàng thủ công của Đại Việt đã được thương nhân nhiều nước biết đến. Từ năm 1517, khi đại diện đầu tiên của Bồ Đào Nha trên đường từ Malaca đến Trung Quốc đã mô tả về xứ Giao Chỉ: Nơi đây có những tơ lụa đẹp, hoàn hảo và cao cấp...”(5).  

          Đến đầu thế kỷ XVI, sau khi quan hệ giao thương giữa  Nhật Bản và Trung Hoa bị hủy bỏ, đây là cơ hội cho các nước vùng Đông Nam Á giành thị phần; ở Việt Nam các cảng Vân Đồn, Đại Chiêm vẫn tiếp đón thương thuyền các nước. Tại Nhật Bản, nhu cầu sử dụng đồ tơ lụa và gốm sứ không ngừng gia tăng, nhưng lại thiếu hụt hai loại hàng hóa nầy bởi phần lớn trước đây được nhập từ Trung Quốc, do vậy tơ lụa và đồ gốm tráng men của Việt Nam càng được ưa chuộng hơn. Cũng theo Nguyễn Văn Kim “... được sự ủy nhiệm của Tokugawa Ieyasu, William Adam vốn là thuyền trưởng người Anh và là đại diện ngoại giao của Mạc Phủ đã bốn lần vượt biển đến Việt Nam...”(6). Những chuyến đi nầy chắc hẳn không ngoài mục đích giao thương, tìm kiếm nguồn hàng mà người Nhật đang thiếu, trong đó tơ lụa là loại hàng hóa cần thiết cho việc may những bộ trang phục truyền thống của giới quý tộc Nhật Bản.

          Theo giáo sư Hasebe Gakuji (Bảo tàng quốc gia Tokyo - Nhật Bản), vào thế kỷ XV-XVII, gốm sứ Việt Nam được nhập vào Nhật Bản rất nhiều, người Nhật thời bấy giờ rất thích gốm Chu Đậu. Những thuyền buôn Nhật Bản đến Việt Nam để mua tơ lụa, hương liệu, tạp hóa và một khối lượng lớn đồ gốm, trong đó có nhiều di vật vẫn còn được bảo quản tốt trong các gia đình dòng dõi Shôgun (Tướng quân), Daimyo (võ sĩ)(7).

          Thế kỷ XVI-XVII là thời kỳ thịnh đạt của thương cảng Hội An, thuyền buôn nhiều nước đã đến buôn bán ở Hội An, trong đó có nhiều thương thuyền Nhật Bản, họ thường lưu lại Hội An từ 3 đến 4 tháng, vừa để mua gom hàng, vừa chờ gió mùa. Để thuận lợi cho việc buôn bán, một số thương gia Nhật mở thương quán ở Hội An để buôn bán giao dịch, có người còn lấy vợ Việt, tuy nhiên thời gian cư trú của người Nhật ở Hội An chỉ kéo dài đến nữa cuối thế kỷ XVII, hầu hết phải trở về Nhật Bản vì chính sách đóng cửa của Nhật Hoàng thời bấy giờ...

          Qua các cuộc khảo sát, khai quật khảo cổ học, cho đến nay đã có 32 di tích khảo cổ học ở vùng Đông Nam Á phát hiện ra gốm Việt Nam: Malaisia có 9 địa điểm, Brunei có 02 địa điểm, Philippin có 10 địa điểm, Indonesia có 11 địa điểm (8), cùng với gốm sứ, có lẽ mặt hàng tơ lụa cũng được vận chuyển đến các địa điểm trên. Kết quả khai quật khảo cổ học đưới nước ở vùng biển Cù Lao Chàm vào những năm 1997 - 1999, tàu cổ Cà Mau 1998 -1999, tàu cổ Bình Thuận 2001 - 2002... đã cung cấp thêm nhiều cứ liệu về con đường tơ lụa nầy.

           Mặc dù cho đến nay tư liệu về vai trò của tơ lụa Quảng Nam trong “Con đường tơ lụa trên biển” không nhiều, song có thể nói rằng, đã có một thời sản phẩm tơ lụa Việt Nam từng sánh ngang hàng với tơ lụa Trung Hoa, được người tiêu dùng Nhật Bản và một số nước ở Đông Nam Á ưa chuộng. Truyền thống đó là niềm tự hào và cũng là nguồn động viên để ngành tơ lụa Việt Nam nói chung và tơ lụa Quảng Nam nói riêng phục hồi và phát triển. Con đường phía trước chắc còn không ít gian nan nhưng với lòng yêu nghề và quyết tâm giữ nghề của các nghệ nhân nghề lụa, chúng tôi tin rằng, một ngày không xa thương hiệu tơ lụa Việt Nam, tơ lụa Quảng Nam sẽ lại vang xa như thời quá khứ vàng son của nghề nuôi tằm dệt lụa...
  
-------------
Tài liệu dẫn:
(1) Daniel C. Waugh. Richthofen’s “Silk Roads”: Toward the Archaeology of a Concept . The Silk Roads. Volume 5 Number 1 Summer 2007.
(2), (3) Lê Quý Đôn.: Phủ biên tạp lục. Lê Quý Đôn toàn tập. NXB Khoa học xã hội, Hà Nội. 1977, tr 337.
(4) Lâm Mỹ Dung và cộng sự. Kết quả thám sát bãi Làng Cù Lao Chàm. Thông báo Khảo cổ học 1998.
(5), (6) Nguyễn Văn Kim. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản thế kỷ XVI-XVII (Góp thêm một số tư liệu và nhận thức mới). Nhật Bản với Châu Á... NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. 2003, tr 120-140
(7) Hasebe Gakuji. Tìm hiểu mối quan hệ Nhật - Việt qua đồ gốm sứ. Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Đô thị cổ Hội An.NXB Khoa học Xã Hội 1991, tr. 81-86
(8) Aoyagi Yoji. Đồ gốm Việt Nam đào được ở quần đảo Đông Nam Á.  Kỷ yếu Hội thảo quốc tế Đô thị cổ Hội An.NXB Khoa học Xã Hội 1991, tr. 113-119

Tác giả: Hồ Xuân Tịnh

Nguồn tin: www.vhttdlqnam.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây