Tín ngưỡng thờ âm hồn của cộng đồng cư dân Hội An

Chủ nhật - 17/09/2017 22:56
Trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng nghiệp…vốn dĩ đã rất phổ biến thì tín ngưỡng thờ cúng âm hồn cũng có một vai trò rất quan trọng của cộng đồng cư dân Hội An, bên cạnh các loại hình tín ngưỡng như tín ngưỡng thờ Ngũ hành, thờ Cá Ông, thờ Thành Hoàng, thờ cúng tổ tiên, thờ cúng liên quan đến nghề.
          Về khái niệm thuật ngữ âm hồn, có khá nhiều cách giải thích khác nhau. Âm hồn, âm linh hay cô hồn có thể hiểu là linh hồn của những người quá cố không nơi thờ tự. Họ có thể là những người vô gia cư, không người thân thích hoặc có thể họ vẫn còn gia đình, người thân nhưng trong các thời kỳ loạn lạc, phải ly biệt quê hương, trong hoàn cảnh chạy loạn chẳng may tai bay vạ gió mà thác đi; những vị thương khách bôn ba khắp nơi, các chiến sĩ trên những chiến trường ác liệt chẳng may qua đời mà không thể tìm được thân nhân, không ai biết tên tuổi để cúng giỗ hằng năm thì vô tình họ trở thành những linh hồn cô độc, không người hương khói, không nơi thờ tự; hay những ngư dân vùng ven biển cả cuộc đời gắn liền với biển cả, lênh đênh, rong ruổi trên từng con sóng, chẳng may sóng bão mà chết mất xác, linh hồn phiêu dạt.

          Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn là một hình thức tín ngưỡng dân gian có từ lâu đời ở Hội An gắn liền với quá trình khai canh lập làng của người Việt tại đây. Khi đến khai canh lập nghiệp ở vùng đất mới với khí hậu, thổ nhưỡng khác biệt, lại thêm dịch bệnh nên đã có nhiều người phải bỏ mạng. Kế đến là trong thời kỳ chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã có không biết bao nhiêu binh lính lẫn dân thường trên vùng đất Hội An mất mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có nhiều người dân thường bị bom rơi đạn lạc, chết bất đắc kỳ tử. Cộng đồng cư dân Hội An thường gọi linh hồn của những người chết đó một cách kính trọng bằng danh từ “Cô Bác”. Những người còn sống luôn dành lòng thương cảm cho những thân phận không may đó hoặc cũng có thể do lo sợ linh hồn những người đó vì buồn tủi, uất hận mà quấy phá cuộc sống con người nơi trần thế nên để an ủi họ không quấy phá, cộng đồng cư dân Hội An thường lập những ngôi miếu vọng để thờ cúng gọi là miếu Âm hồn, Âm linh hay Cô hồn.

          Ngày xưa, tại mỗi làng ở Hội An luôn có một khu đất riêng dành để chôn cất những người vô gia cư gọi là đất âm linh hay nghĩa trủng và lập một miếu thờ gọi là miếu âm linh/âm hồn hay cô hồn. Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn mang một ý nghĩa nhân văn cao cả, đó là sự cảm thông sâu sắc giữa người sống nơi dương thế với người chết nơi cõi âm lạnh lẽo. Có nhiều hình thức thờ cúng âm hồn khác nhau, có hình thức cúng tế nhưng không thờ tự thường phổ biến ở các tư gia, có hình thức cúng tại các cơ sở thờ tự thường phổ biến ở cộng đồng làng, xã. Ở Hội An, có khá nhiều hình thức thờ tự, ngoài các miếu thờ Âm linh riêng biệt như miếu Âm hồn (số 79/6a đường Trần Phú – phường Minh An), miếu Âm linh Trảng Kèo (thôn Trảng Kèo - xã Cẩm Hà), miếu Âm linh (khối Thanh Nam – phường Cẩm Châu), miếu Âm linh (xã Cẩm Thanh), miếu Âm hồn (khối An Phong - phường Tân An), miếu Âm linh (khối Hà Trung – phường Cẩm Nam), miếu Âm linh (khối Nam Diêu - phường Thanh Hà), lăng Nghĩa Trủng (phường Cẩm An), thì bên cạnh đó còn có các hình thức phối thờ tại các đình, miếu thờ Thần như tại đình Để Võng, miếu Nam Thành (khối Thanh Nam - phường Cẩm Châu). Trong trường hợp phối thờ, người dân thường đặt bàn thờ Âm hồn ở gian Đông, Tây hoặc ở mặt trong của bình phong, chính giữa đề 2 chữ: 陰灵 (Âm linh). Có trường hợp bên cạnh miếu thờ âm hồn là một nghĩa trủng như miếu Cô Hồn ở thôn Bãi Ông, xã Tân Hiệp. Bên cạnh miếu có nghĩa trủng để mai táng những người gặp nạn trôi dạt vào đảo, hằng năm vào dịp Thanh Minh tháng 3 âm lịch dân làng tổ chức lễ cúng để tưởng nhớ các vong hồn không may bị tử nạn. Tại lăng Tứ Chánh vạn ở Cửa Đại còn đặt tượng Tiêu Diện Đại Sĩ án ngữ trước lăng hay tại các ngôi chùa cũng thường đặt bàn thờ cô hồn nơi hiên chùa có tượng Tiêu Diện Đại Sĩ - vị bồ tát có nhiệm vụ chưởng quản thập loại cô hồn.

          Về lễ tế âm linh còn gọi là lễ tế cô hồn/Cô Bác là nghi thức tế lễ thường xuyên, không kể vào những dịp sóc vọng, tết Nguyên đán. Trong các ngày cúng giỗ tại tư gia hay cúng tại nhà thờ tộc, người ta đặt bàn cúng âm linh trước lễ cúng chính ở sân hoặc hiên nhà. Các làng xóm ở Hội An đa số có các miếu thờ âm linh riêng, tùy theo lệ mà các làng xóm chọn một ngày riêng để tiến hành các nghi lễ cúng tế. Tuy nhiên, đa số làng xóm tổ chức tế lễ âm linh, cô hồn vào tháng hai, tháng ba âm lịch hằng năm, sau ngày lễ tế Xuân. Trước khi thực hiện các nghi lễ cúng tế tại miếu thờ Âm linh, có tục lệ tảo mộ tại tất cả các ngôi mộ không có thân nhân trong địa phận làng. Trong lễ cúng âm linh này có đủ cả nhạc lễ, gia lễ và phẩm vật gồm có: hương đèn, cau trầu, rượu trà, thuốc, cháo trắng, các loại hoa quả, hạt nổ, gạo, muối, các loại giấy cúng, heo, xôi, chè, khoai sắn, đĩa cua sống, đậu, rau khoai luộc, chén mắm cái... Trong lễ tế có chiêng trống, nhạc lễ, một vị chánh tế đứng trước hương án, hai vị phụ tế đứng hai bên để thực hiện các nghi thức lễ tế. Trong không gian linh thiêng, khói hương dâng nghi ngút, văn tế được xướng lên để cáo âm linh cầu mong cuộc sống dân làng được yên bình, ấm no. Khi cúng xong, người ta thực hiện nghi thức hóa vàng và bỏ các món ăn vào xà lét làm bằng bẹ chuối hoặc một cái bè, thuyền nhỏ hay một cái thuyền rồng nhỏ, mỗi thứ một ít. Xà lét được mang treo trên cây ở ngã ba đường; bè, thuyền nhỏ hoặc “long chu” được mang ra sông thả trôi theo dòng nước hoặc đặt tại ngã ba đường để cô hồn khắp các nơi được hưởng lễ vật.

          Tín ngưỡng thờ cúng âm hồn của cộng đồng cư dân Hội An biểu hiện qua các hình thức cúng tế, nghi lễ truyền thống chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả, thấm đượm tình nghĩa giữa người còn sống đối với những người bất hạnh đã khuất, qua đó thể hiện bản tính của con người Hội An luôn trọng tình nghĩa, lòng thương người, biết xót thương cho những số phận bất hạnh, đồng thời thông qua đó họ luôn cầu mong cho cuộc sống của xóm làng được yên bình, ấm no. Cho đến nay, tín ngưỡng thờ cúng âm hồn vẫn giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của cá nhân và cộng đồng cư dân Hội An, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú loại hình tín ngưỡng văn hóa dân gian Hội An.
 
 

Tác giả: Trần Phương

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây