Cây Đa Xóm Chùa

Thứ hai - 28/08/2017 04:30
Đến tổ 2 của khối An Bàng, phường Cẩm An hỏi đường đến cây đa cổ thụ trong xóm sẽ được người dân nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ đều có thể chỉ dẫn để đi đến tận nơi. Đó là một cây đa to lớn nằm trong khu dân cư; thân cây vươn cao, tán rộng, tỏa bóng mát trong phạm vi khá rộng.
          Cây đa này có tên khoa học là “Ficus superba var. japonica Mip.”, cuống lá dài khoảng 10cm, lá dài khoảng 34cm, rộng 13,5cm, dọc thân có quả nhỏ mọc thành từng chùm màu xanh, khi chín màu đỏ. Loài cây này được trồng khá phổ biến ở Hội An trước đây, nhất là cạnh các công trình văn hóa – tín ngưỡng. Hiện ở Hội An còn 12 cây đa cổ thụ đang sinh trưởng, phát triển tốt.
 
hinh cay da xom chieu
Cây đa xóm Chùa - Ảnh: Trần Phương
 
           Trước đây, vào thời phong kiến, vùng đất này có tên là làng Sợi Mây, sau đổi tên thành làng Đại An rồi làng An Bàng. Hiện nay, người địa phương không ai biết được cây đa có từ bao giờ. Những cụ cao niên hiện nay qua hồi ức kể lại từ ông bà cũng không thể ước tính được khoảng thời gian nào, nhưng họ đều chắc chắn một điều rằng tuổi thọ của cây đa này phải từ 100 năm trở lên.

          Cây đa hiện nằm ở góc ngã ba của khu dân cư. Từ vị trí cây đa cách khoảng 50m về hướng bắc là một giếng xưa có tên gọi dân gian là giếng Võ, về phía đông khoảng 100m là ngôi miếu bà xóm An Khương mới được người dân xây dựng lại, cách khoảng 300m là vị trí đình đá An Bàng – một công trình văn hóa tín ngưỡng quan trọng của người dân địa phương, có kiến trúc độc đáo nhưng đã bị hư hại từ lâu. Gốc cây nằm trên một khu đất riêng biệt, tán cây tỏa đều xung quanh, cành lá sum suê vươn qua khuôn viên các nhà dân lân cận với đường kính tán cây khoảng 20m. Ở vị trí 1,3m cách mặt đất, gốc cây có đường kính khoảng 4,3m. Xung quanh gốc cây, các rễ phụ lâu ngày đã phát triển khá lớn tạo nên sự vững chắc cho cây. Đường kính gốc cây sát mặt đất nếu tính cả rễ phụ là khoảng từ 6,2 đến 6,8m. Nhìn hình dáng bên ngoài, sự bề thế của cây đa này không hề thua kém so với những cây đa cổ thụ nổi tiếng tại một số nơi khác ở Hội An như cây đa Da Kèn, cây đa chùa Viên Giác.

          Người dân địa phương quen gọi đây là cây đa Xóm Chùa. Sở dĩ có tên gọi đó vì nguyên trước đây cây đa nằm cạnh một ngôi chùa của xóm. Các cụ cao niên địa phương cho biết, vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp đã có ngôi chùa này. Lúc đó trong chùa có rất nhiều bia đá, tượng thờ. Tại gốc cây đa cũng có đặt một tấm bia đá nhưng do lâu ngày, gốc cây phát triển nên đã ôm lấy tấm bia này vào trong. Chùa thờ Phật, mang tính chất của một ngôi chùa làng bởi chùa không có sư trụ trì, chỉ có một ông thủ từ là người địa phương thường xuyên hương khói và được bà con chung sức chăm nom, phụng thờ.

          Đến thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, khu vực này là vùng chiến sự khá ác liệt. Cuối năm 1967, quân chư hầu Nam Triều Tiên được Mỹ tăng cường về chiến trường Hội An. Chúng đóng đồn rải rác ở các nơi, trong đó có Dốc Luyện, cách khu vực này khoảng vì trăm mét về phía tây. Địch thường xuyên mở các cuộc càn quét vào trong xóm, kéo xuống đến tận khu vực Tân Thành của Cẩm An hòng kiểm soát địa bàn. Về phía ta, cán bộ địa phương kiên trì dựa vào dân để gầy dựng cơ sở, phát triển phong trào cách mạng. Thân cây có lỗ bộng khá rộng, được tạo nên từ hai nhánh cây có thể chứa được hai đến ba người, là nơi mà cán bộ, du kích của ta thường hay trú ẩn mỗi khi địch càn quét qua hoặc làm nơi quan sát để nắm tình hình địch, cảnh giới bảo vệ cho các cơ sở của ta. Một thời gian sau, thực hiện mưu đồ tách dân ra khỏi cán bộ để không còn lực lượng hỗ trợ cách mạng, địch tiến hành xúc dân ép tập trung vào các khu dồn, một số phải đi tản cư nơi khác, biến nơi đây thành nơi trắng dân. Dẫu vậy, cán bộ của ta vẫn tìm cách bám trụ hoạt động. Khoảng năm 1969, địch tổ chức đợt càn quét lớn vào khu vực này, phá hủy một số công trình chúng cho là nơi ẩn nấu của cán bộ ta như đình đá An Bàng, miếu xóm An Khương và ngôi chùa cạnh cây đa này. Riêng ngôi chùa đến nay không còn dấu tích gì để lại. Lúc đó, địch còn đặt mìn phá gốc hai cây đa nằm gần nhau, một cây đã bị chết, cây đa còn lại là cây đa vẫn sống và sinh sôi phát triển cho đến ngày nay.
 
goc cay da

Phần gốc cây đa xóm Chùa - Ảnh: Trần Phương

          Từ bao đời nay, hình ảnh cây đa Xóm Chùa đã trở nên quen thuộc với những ai đã được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này và là nỗi nhớ da diếc về quê hương của những ai phải ly hương nơi đất khách quê người. Tuổi thơ của nhiều người dân Xóm Chùa là những tháng ngày đẹp đẽ được vui đùa, tinh nghịch quanh gốc cây đa với chúng bạn. Dưới bóng mát cây đa là nơi tụ tập để chuyện trò hay dừng chân nghỉ ngơi mỗi khi quá bộ ngang qua. Vào thời kỳ quê hương chìm trong mưa bom, lửa đạn, cây đa vẫn cứng cỏi vươn mình giữa trời xanh như muốn thách thức với lũ giặc hung tàn. Dẫu cho nắng, gió và sự khô cằn của vùng đất cát An Bàng đầy khắc nghiệt, cây đa vẫn miệt mài cắm rễ sâu vào lòng đất để sinh sôi, phát triển; tựa như cái tính cần cù, chịu khó từ bao đời của người dân nơi đây. Cây đa thực sự đã là một phần tâm hồn, rất thân thương, gần gũi với mỗi một con người nơi đây, và là một phần của lịch sử và văn hóa của mảnh đất này.

          Bên cạnh giá trị về cảnh quan sinh thái nói chung, rất ít cây đa ở Hội An có được những giá trị lịch sử, văn hóa như cây đa Xóm Chùa. Ngày 14/11/2014, cây đa này được UBND thành phố Hội An ghi vào Danh mục cây cổ thụ được bảo vệ theo Quyết định số 2627/QĐ-UBND cùng với 45 cây cổ thụ khác trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để các cấp chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của cây đa. Hiện nay, cùng với định hướng chung của thành phố tập trung đẩy mạnh phát triển hoạt động dịch vụ - du lịch trên địa bàn phường Cẩm An, các công trình lịch sử - văn hóa sẽ được quan tâm đầu tư, trong đó có việc phục hồi di tích đình đá An Bàng và tôn tạo cảnh quan cho cây đa. Nếu hoàn thành những công việc này sẽ tạo nên điểm nhấn ấn tượng cho hoạt động du lịch của địa phương trong thời gian đến.
 
 

Tác giả: Nguyễn Cường

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây