Vị trí của di chỉ Bãi Làng trong hệ thống di tích ở Cù Lao Chàm

Thứ ba - 12/09/2017 02:35
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm có 37 di tích thuộc loại hình di tích lịch sử, di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc nghệ thuật và danh thắng. Trong số 37 di tích đó có 7 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 29 di tích còn lại nằm trong danh mục bảo vệ của thành phố Hội An.
          Về mặt khoa học, mỗi di tích ở Cù Lao Chàm đều mang những giá trị, tầm quan trọng riêng, vừa phản ánh vị thế quan trọng cũng như bề dày lịch sử của vùng đất, đồng thời thể hiện tính đa dạng trongvăn hóa của cộng đồng cư dân nơi đây. Trong 2 di tích khảo cổ ở Cù Lao Chàm, nếu như di tích Bãi Ông, di tích có niên đại sớm nhất cho đến nay được tìm thấy ở Hội An cho biết cách nay hơn 3000 năm, con người đã đến sinh sống trên mảnh đất Cù Lao Chàm, thì di chỉ Bãi Làng lại khẳng định vị trí, tầm quan trọng của cụm đảo Cù Lao Chàm trên con đường thương mại trên biển vào thời kỳ Champa, giai đoạn thế kỷ VII-X.

          Trong mùa điền dã khảo cổ học vào tháng 5/1997, di chỉ Bãi Làng đã được phát hiện và đào thám sát bởi Khoa Sử, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di tích Hội An (nay là Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An). Di chỉ Bãi Làng được tiếp tục đào thám sát vào năm 1998, khai quật vào năm 1999 và năm 2017.

          Di chỉ Bãi Làng nằm trên gò cát giữa hai khe nước, sát chân núi Hòn Lao, thuộc khu dân cư thôn Bãi Làng, xã Tân Hiệp. Vị trí tọa lạc của di chỉ cách bờ biển chừng hơn 100m, cách di tích lăng Ông Ngư khoảng 70m về hướng Đông. Qua các hố thám sát và khai quật trong vườn nhà dân ở kề chân núi cho biết di chỉ có tầng văn hóa dày, nằm ở độ sâu 20 - 150cm. Tầng đất chứa các di vật có màu xám đen chuyển dần sang màu vàng theo chiều sâu. Đôi chỗ đất bị ô-xít hóa nên có màu rỉ sắt. Sinh thổ là đất cát mịn, màu xám trắng hoặc màu trắng. Trong tầng văn hóa, hiện vật tập trung nhất ở độ sâu 60-100cm. Quan sát trắc diện hố khai quật nhận thấy các lớp đất có độ nghiêng vừa phải theo hướng từ chân núi ra biển.

          Di vật được tìm thấy trong các hố thám sát, khai quật của di chỉ Bãi Làng khá phong phú, đa dạng về loại hình và nguồn gốc xuất xứ. Trong đó chiếm số lượng lớn là đồ gốm Chăm. Đồ gốm Chăm xuất hiện đều và nhiều ở các lớp của tầng văn hóa, chúng là mảnh vỡ của các loại hình đồ gia dụng như nồi, vò, kendy, chén quai gốm, hũ cao cổ, chén, bát bồng, lọ hoa,...  và vật liệu kiến trúc như gạch, ngói. Đồ gốm gia dụng có sự khác biệt về chất liệu trong từng loại hình sản phẩm. Sản phẩm gốm thô chủ yếu là nồi; gốm hơi thô là Kendy, vò,...; gốm mịn là chén, bát  bồng. Hoa văn trang trí đơn giản, gồm các họa tiết văn thừng, chải trên thân nồi, gờ tròn chạy quanh vai, thân vò, Ken dy... Kỹ thuật sản xuất gốm chủ yếu dùng bàn xoay kết hợp nặn tay, miết láng và gắn chắp các bộ phận. Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu, đồ gốm Chăm di chỉ Bãi Làng có sự chuyển hóa về chất liệu từ gốm thô sang gốm hơi thô và mịn. Đồng thời nó mang đặc trưng về loại hình của gốm Chăm ở di tích Trà Kiệu.

           Bên cạnh các di vật là đồ gốm Chăm còn có đồ gốm-sứ thời Đường - Trung Quốc thế kỷ VII-X được chế tác tại các lò Việt Châu (Triết Giang), Định Châu (Hà Bắc), Tương Âm, Trường Sa (Hồ Nam), Quảng Đông. Mảnh vỡ của đồ gốm - sứ này thuộc các loại hình vò, bát, đĩa, ang,... xương gốm chắc và mịn, có màu trắng sữa hoặc màu xám đen. Kỹ thuật sản xuất bằng bàn xoay, miết láng, nặn tay, tráng men, ít được trang trí hoa văn.

          Trong di chỉ còn xuất hiện nhiều di vật là đồ gốm Islam của Trung Cận Đông, có xương gốm nhẹ, màu trắng, lớp men phủ bên ngoài rất dày, bóng và có màu xanh rất đặc trưng. Những di vật gốm Islam chủ yếu là mảnh vỡ của loại vò đựng có niên đại kỷ IX - X.

          Đồ thủy tinh gia dụng và trang sức có nguồn gốc Trung Cận Đông. Đồ thủy tinh gia dụng là mảnh vỡ của các loại hình đồ đựng như ly, âu, lọ hình trụ, lọ có vai xuôi, bát nông lòng, đĩa sâu lòng,... được chế tác hết sức tinh xảo, xương mỏng, có màu vàng hoặc xanh lơ, xanh dương, tím, đen,... hoa văn trang trí đa dạng, trong đó có nhiều mảnh được trang trí bằng thủ pháp đắp/đổ nổi. Đồ thủy tinh trang sức là hạt cườm, hạt chuỗi, mặt trang sức,... Hạt chuỗi có nhiều kích cỡ, hình dáng phổ biến là hình cầu, tròn dẹt, trụ tròn, trụ lục giác, hạt lựu, có màu xanh dương, vàng, nâu, tím,... một số hạt chuỗi có vân mà theo các nhà nghiên cứu là giống với hạt chuỗi cùng loại có nguồn gốc Ấn Độ.

          Đặc biệt, đồ thủy tinh còn có lượng lớn thủy tinh phế phẩm, bán thành phẩm. Qua những di vật này cho thấy đã có sự buôn bán và chế biến thủy tinh tại Bãi Làng trong các thế kỷ từ VII - X.

         Ngoài ra còn có hiện vật là đồ đá, kim loại,... Hiện vật đá có đồ trang sức bằng mã não; bàn mài, chày nghiên bằng sa thạch. Hiện vật kim loại có dao sắt, quả cân đồng và gương đồng.

          Kết quả thám sát, khai quật di chỉ Bãi Làng đã cung cấp nhiều thông tin hết sức thú vị, khẳng định vị thế quan trọng của mảnh đất Cù Lao Chàm trên con đường hàng hải trên biển Đông vào thế kỷ VII-X. Nơi đây không chỉ là điểm dừng chân tránh trú bão hay cung cấp nước ngọt, lương thực thực phẩm phục vụ hành trình giao thương đường biển của các thương thuyền như nhiều nguồn sử liệu đã nói đến, mà Cù Lao Chàm còn là địa điểm buôn bán, trao đổi hàng hóa quan trọng, đồng thời đây là nơi sản xuất những sản phẩm thủy tinh tinh xảo. Cư dân Champa ở Cù Lao Chàm đã biết khai thác các lợi thế tự nhiên để phục vụ nhu cầu cuộc sống và hội nhập vào hoạt động thương mại bằng đường biển lúc bấy giờ. Qua những tư liệu khảo cổ về di chỉ Bãi Làng, PGS. TS Lâm Thị Mỹ Dung nhận xét rằng “Các ngành nghề thủ công cũng được người Chàm chú ý để phục vụ đời sống hàng ngày, đáng chú ý là nghề làm gốm và thủy tinh... Những phát hiện về thủy tinh ở Bãi Làng là những cơ sở để đặt vấn đề quá trình sản xuất thủy tinh nội địa của người Chăm ở Hòn Lao”

           Với những giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa và khoa học, di chỉ Bãi Làng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 2006.
 

Tác giả: Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây