Khi chiến hạm của Pháp bắn phá vào cửa Hàn, chúng những tưởng dễ dàng khuất phục một đất nước nhỏ bé. Với truyền thống đấu tranh chống giặc giữ nước của cha ông ta, hàng trăm cuộc khởi nghĩa của nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng nổ ra, gây không ít khó khăn cho giặc trong thời gian chúng xâm chiếm và thực hiện các cuộc khai thác thuộc địa có quy mô lớn. Tiêu biểu có các cuộc đấu tranh như phong trào Duy tân của Phan Châu Trinh, phong trào Kháng sưu cự thuế... Nhưng có lẽ để lại nhiều dấu ấn nhất cho thế hệ mai sau của xứ Tứ Hổ, Tứ Kiệt lại chính là phong trào Nghĩa hội do các chí sĩ yêu nước Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến... khởi xướng và lãnh đạo. Nghĩa hội vốn là một cải danh của phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết đề xướng. Chính ở phong trào này, cốt tính của con người xứ Quảng đã được bộc lộ một cách rõ nét nhất.
Lăng mộ cụ Nguyễn Duy Hiệu ở Hội An. Ảnh: Internet
Xét trong bối cảnh xã hội Việt Nam nửa sau thế kỷ XIX, “Cần Vương” là để giúp vua qua cơn nguy biến cùng cơ nghiệp đất nước đang ở thế như "ngàn cân treo sợi tóc". Tuy nhiên, ở Quảng Nam có nét rất đặc biệt so với các phong trào của nhân dân hai huyện Hương Sơn - Hương Khê (Hà Tĩnh) do Phan Đình Phùng lãnh đạo; của Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng ở Ba Đình; của Hùng Lĩnh ở Thanh Hóa… Đó là, phong trào yêu nước ở Quảng Nam quyết định "Nhạt màu cần vương mà cao danh xướng nghĩa". Từ đó, có thể xem Nghĩa hội là một "bản thể " đặc biệt so với các phong trào ứng nghĩa Cần Vương trong cả nước, thể hiện được cốt tính rất tiêu biểu của người dân xứ Quảng: tinh thần tự chủ, tính độc lập - một cốt tính đã ăn sâu vào tiềm thức của các chí sĩ yêu nước Trần Văn Dư, Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến…
Dưới vỏ bọc vẫn theo Cần Vương, phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Nam lại theo một mật dụ mà Tôn Thất Thuyết đã hiến mưu chước: “Dầu sĩ thứ làm điều chi nữa/ Thì phương quan giả lặng mà thôi”. Tức là "Văn thân cứ tổ chức, dân cứ nổi dậy, còn quan lại đương nhiệm thì cứ giả lờ đi". Với ý thức chính trị sắc bén và mang tính tiên phong, các văn thân sĩ phu, nhân dân Quảng Nam đã không chiến đấu dưới chiêu bài Cần Vương mà sớm giương cao ngọn cờ Nghĩa hội. Họ lấy tên Nghĩa hội đặt cho phong trào đấu tranh của mình, tức là không phải để chiến đấu cho một vương quyền tranh giành quyền lợi, một lực lượng vua quan triều đình thối nát, mà là hành động vì một nghĩa lớn.
Nếu tổng hợp một cách cụ thể thì chúng ta có thể xem cái cốt tính xứ Quảng và tình cảm của con người nơi đây chính là sự vươn lên của tâm hồn, của tinh thần hiên ngang bất khuất, đức tính chịu khó, hăng hái làm việc nghĩa, sẵn sàng đấu tranh hy sinh vì sự nghiệp chống những thế lực đàn áp và phản động. Vốn chịu ảnh hưởng từ chiều hướng suy tư về "cái nghĩa lớn" nên Nguyễn Duy Hiệu cho rằng cuộc dấy nghĩa ở Quảng Nam do ông lãnh đạo chẳng qua là vì "danh nghĩa mà phải làm".
Một cốt tính xứ Quảng cũng rất nổi bật nữa: mặc dù nghi ngờ Nguyễn Đình Tựu (thầy dạy của Nguyễn Duy Hiệu) ám thông với quân triều đình, nhiều người muốn Hường Hiệu ra tay để trừ hậu họa nhưng ông dõng dạc nói: “Bọn ta cử sự, biết chắc thế nào cũng thất bại, chỉ vì danh nghĩa mà thôi, nhưng trên danh nghĩa, quân sư là trọng. Nay mang tiếng giết thầy, biết lấy gì để tỏ với thiên hạ hậu thế". Có thể thấy cụ Hường Hiệu là một người rất trọng chữ Hiếu, chữ Lễ, biết nghĩ trước tính sau. Nếu để mang tiếng bất hiếu, bất nghĩa thì người dân sẽ chẳng thể theo, lòng người sẽ chẳng thể phục. Khi đó, giữ thanh tiết của mình còn khó chứ nói gì đến việc đem thân lo việc nghĩa…
Với việc Nguyễn Duy Hiệu bị chém tại Huế, có thể khẳng định Nghĩa hội đã chính thức tan rã, đánh dấu sự thất bại của văn thân sĩ phu trong phong trào vì nghĩa khởi binh, để lại biết bao bài học kinh nghiệm quý báu cũng như sự nuối tiếc về quãng thời gian hào hùng của văn thân nghĩa sĩ ở mảnh đất trung dũng kiên cường này. Như vậy, Phan Bá Phiến vì đại nghĩa mà quyên sinh, Nguyễn Duy Hiệu vì không để liên lụy đến người khác mà đã tự mình đến nộp thân cho giặc, nhận tất cả trách nhiệm về mình không chút do dự. Trần Văn Dư trước lúc chết vẫn để lại một bản trần tình gửi cho thân hào nghĩa sĩ Quảng Nam với lời lẽ đầy tâm huyết: "Thân thể ta dù không toàn, nhưng tấm lòng vì nghĩa của ta đối với thần minh dù đến chết cũng không có gì hổ thẹn. Nay ta gửi lời tạ từ đến các bạn thân hào tỉnh nhà, khuyên nhủ ai nấy phải lo tìm các tự liệu để khỏi bị sát hại, không có điều lầm lẫn về sau như ta. Tuy ta chết không có một lời với các đồng sự, nhưng tấm lòng sáng ngời của ta đã nói nhiều rồi. Xin miễn chỉ trích (...)". Đó chính là hiện thân của cái cốt tính kiêu hùng, bất khuất.
Tuy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian rất ngắn (1885-1887) nhưng phong trào Nghĩa hội ở Quảng Nam đã để lại những dấu ấn hết sức to lớn với các chiến thắng như chiến thắng Nam Chơn, Bãi Chài - Gò Muồng..., với con đường chiến lược Huế - Quảng Nam huyền thoại. Và quan trọng hơn, những con người, những chí sĩ với tinh thần yêu nước, yêu quê hương, yêu chính nghĩa, kiên trinh trong phong trào Nghĩa hội chính là hiện thân của cốt tính xứ Quảng. Mặc dù cuối cùng phong trào thất bại nhưng Nguyễn Duy Hiệu vẫn rất lạc quan, vẫn luôn tin tưởng rằng sẽ có những lực lượng khác lên thay thế và tất nhiên sẽ có người hoàn thành được tâm niệm của ông.
Và rồi, ước nguyện của Nguyễn Duy Hiệu đã trở thành sự thật với hàng loạt các phong trào nổi dậy trong suốt hai thập kỷ sau đó. Tinh thần trung nghĩa ấy chính là cốt lõi đề tạo nên những chiến thắng vang danh sử sách. Đây cũng chính là những nhân tố chủ chốt làm nên cốt tính xứ Quảng trung dũng, kiên cường, ham việc nghĩa và ghét đua chen.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền