Chiến tích V25

Thứ sáu - 06/10/2017 03:36
Suốt 10 năm trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Tiểu đoàn 2 (mật danh V25) là đơn vị “đặc công hóa”, cơ động, đánh thọc sâu khiến địch khiếp sợ, xứng đáng được dựng bia chiến tích ghi công.
       
images1380857 trang6A 28
Trung tá Nguyễn Văn Thành - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (bên trái) và Đại tá Thái Thanh Hùng - Trưởng ban Liên lạc cùng cựu chiến binh V25 trong Lễ kỷ niệm 52 năm thành lập đơn vị vào tháng 8.2017. Ảnh: T.B
          
          Trận đầu ghi dấu

          Ngày 5.8.1965 tại thôn Phú Thuận, xã Lộc Phước (nay là xã Đại Thắng,  Đại Lộc), lễ thành lập Tiểu đoàn 2 được tổ chức dưới sự chứng kiến của đại diện Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ huy Tỉnh đội, các ban ngành, đoàn thể và nhân dân Vùng B Đại Lộc. Ban chỉ huy Tiểu đoàn 2 lúc thành lập do đồng chí Nguyễn Văn Thành (quê thôn 1, xã Quế Xuân 1, Quế Sơn; từng là bộ đội đặc công tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong chống Pháp); đồng chí Hoàng Văn Lai (Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Duy Xuyên) được điều động giữ chức Chính trị viên trưởng; đồng chí Phan Nhi (Huyện đội trưởng Đại Lộc) làm Tiểu đoàn phó 1; đồng chí Mạc Như Tung (Huyện đội trưởng Hòa Vang) làm Tiểu đoàn phó 2. Tiểu đoàn có 4 đại đội và các tiểu ban. Đảng bộ đơn vị có 125 đảng viên tuổi đời mới mười tám đôi mươi (chiếm 2/3 quân số) do đồng chí Hoàng Văn Lai làm Bí thư. Hầu hết cán bộ, chiến sĩ đơn vị là con em đất Quảng, được huấn luyện kỹ thuật chiến đấu đặc công, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng rất cao.
 
Trung tá Nguyễn Văn Thành - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, năm nay tròn 90 tuổi vẫn còn nhớ trận tập kích nhà lao Hội An cách đây 50 năm vào đêm 14.7.1967, giải thoát gần 1.300 cán bộ, chiến sĩ, đồng bào ta bị địch bắt giam. Hay trận đánh tiểu đoàn công binh 102 của địch vào đêm 25.8.1967, bắt sống Thiếu tá Vũ Huy Minh - Tiểu đoàn trưởng công binh. Đặc biệt, trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 2 đã hiệp đồng với lực lượng vũ trang và nhân dân Hội An đánh chiếm thị xã 1 ngày 2 đêm, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy.
          Trận đầu ra quân, đơn vị lập kế hoạch tiến công cứ điểm Núi Lở của địch trên mỏm đồi cao 50m thuộc xã Đại Quang (Đại Lộc). Cứ điểm này nằm giữa đoạn đường Ái Nghĩa - Thượng Đức, được xây dựng từ thời kháng Pháp. Nay quân ngụy tăng cường công sự, lô cốt kiên cố và hàng chục lớp rào, gài mìn dày đặc, bố trí một đại đội Bảo an chốt giữ. Trận đánh này do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Thành trực tiếp chỉ huy; Đại đội 3 tiến công đồi phía nam, Đại đội 1 tiến công đồi phía bắc, mũi chủ yếu đánh thọc sâu vào nhà chỉ huy và thông tin theo kiểu “nở hoa trong lòng địch”. Theo kế hoạch, các mũi bí mật cắt rào, khóa an toàn từng quả mìn, ém quân bên trong. Đúng 24 giờ đêm 29.10.1965, các mũi tấn công đồng loạt nổ súng… Chỉ trong vòng 25 phút, các mũi tấn công của V25 đã diệt gọn đại đội Bảo an. Cứ điểm của địch án ngữ con đường Ái nghĩa đi Thượng Đức bị triệt tiêu, mở toang hành lang qua sông Vu Gia… Sau trận đánh này, Đại đội 3 của V25 được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba. Trận đánh tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, đã phát huy truyền thống Quân đội nhân dân “Ra quân là thắng ngay từ trận đầu”, xây dựng niềm tin chiến đấu và chiến thắng của cán bộ chiến sĩ V25.

          Ba lần tấn công Hiếu Nhơn

         Đại tá Thái Thanh Hùng - nguyên Tỉnh ủy viên, Phó Chỉ huy trưởng về chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Trưởng ban Liên lạc truyền thống Tiểu đoàn 2 kể lại: Đầu năm 1967, Tiểu đoàn 2 hành quân về đứng chân vùng đông Duy Xuyên - Hội An để bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng. Vừa  tập kết, Tiểu đoàn 2 đã triển khai chiến đấu ngay, tiêu biểu là trận đánh vào Cơ quan quận lỵ - Chi khu quân sự Hiếu Nhơn (gọi tắt quận lỵ Hiếu Nhơn) đóng tại ấp Sơn Phô, xã Cẩm Châu, án ngữ trên đường Hội An - Phước Trạch. Nơi đây có một tiểu đội Mỹ, một đại đội Bảo an chốt giữ.

          Quận lỵ Hiếu Nhơn được bảo vệ nghiêm ngặt, với lô cốt, công sự, quân lính canh gác 24/24 giờ. Địch còn bố trí nhiều chốt điểm, cứ điểm ở cầu Phước Trạch, lăng Bà Tuần, cầu Cống, thôn 5 Cẩm Thanh, Cồn Chài, Thanh Tây. Dọc sông Thu Bồn, đoàn hải thuyền 14 và 16 kiểm soát gắt gao suốt ngày đêm… Với vành đai bảo vệ kiên cố đó nên tên quận trưởng Hiếu Nhơn huênh hoang bảo rằng: “Bao giờ nước sông Thu Bồn chảy ngược thì Việt cộng mới tấn công được Hiếu Nhơn”. Vậy nhưng, nước sông Thu Bồn chưa chảy ngược mà bọn địch tại quận lỵ Hiếu Nhơn đã bị quân dân ta đánh những đòn chí mạng, không chỉ một mà đến 3 lần.

          Lần thứ nhất, trong đêm 5.3.1967, Tiểu đoàn 2 phối hợp với một đại đội vũ trang địa phương (Thị đội Hội An) ém quân, tiếp cận mục tiêu. Đúng 1 giờ sáng, tiếng súng ở hướng bắc quận lỵ đã nổ. Nhận được tín hiệu hợp đồng, Ban chỉ huy Tiểu đoàn ra lệnh cho toàn lực lượng (đã chia làm nhiều hướng) ập vào đánh cùng một lúc, mũi đột kích Đại đội 3 thọc sâu vào sở chỉ huy, giống như mũi gươm đâm thẳng vào tim, tạo nên sự rối loạn ở trung tâm phòng ngự địch ngay từ đầu. Từ trong đánh ra, từ ngoài đánh vào, chỉ trong vòng 30 phút quân ta đã hoàn toàn làm chủ trận địa. Đồng chí Nguyễn Xuân Quyết - Đại đội trưởng Đại đội 3 kéo lá cờ Mặt trận giải phóng tung bay trên cột cờ quận lỵ. Đây là trận xuất sắc, lần đầu tiên trên chiến trường Quảng Đà một đơn vị bộ đội địa phương tiêu diệt một chi khu Mỹ-ngụy, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng vùng Đông phát triển mạnh mẽ. Sau trận đánh này, đơn vị V25 được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Đại đội trưởng Nguyễn Xuân Quyết được tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì và 4 đồng chí khác được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

          Sau đó, địch gấp rút xây dựng lại quận lỵ Hiếu Nhơn với hệ thống công sự, hầm ngầm kiên cố hơn, đưa đại đội biệt kích 759 và 3 trung đội dân vệ xuống chốt giữ. Tăng cường hỏa lực mạnh hơn và canh phòng gắt gao hơn. Đồng thời bố trí thêm một trung đội lính cộng hòa đóng đồn ở Cẩm Châu để bảo vệ vòng ngoài. Dù vậy, V25 vẫn quyết định lần thứ 2 tấn công quận lỵ Hiếu Nhơn. Rạng sáng 11.9.1967, Tiểu đoàn 2 cùng bộ đội thị xã Hội An, du kích Cẩm Châu phối hợp với cơ sở nội tuyến tổ chức tập kích. Các lực lượng chia làm hai hướng tiến công: hướng chủ yếu đánh vào phía tây, hướng thứ hai đánh thẳng vào cổng chính quận lỵ. Một bộ phận khác diệt đồn địch ở Cẩm Châu. Sau gần hai giờ nổ súng tiến công, các lực lượng đã san bằng quận lỵ, diệt gọn đại đội biệt kích 789 cùng 3 trung đội dân vệ, 2 đoàn bình định, bắt sống 70 tên địch, thu 75 súng các loại. Cờ Mặt trận giải phóng một lần nữa phấp phới tung bay trên nóc cơ quan đầu não địch… Sau trận đánh này, V25 được thưởng 4 Huân chương Chiến công các loại cho tập thể và cá nhân, song đơn vị tổn thất cũng khá nặng: 35 đồng chí hy sinh, trong đó có quyền Tiểu đoàn trưởng Phan Nhi và Chính trị viên Tiểu đoàn Nguyễn Kim.

          Đêm 7.12.1969, lần thứ 3, đơn vị do Tiểu đoàn phó Trần Văn Tảo chỉ huy, phối hợp với một đại đội của thị xã Hội An, tập kích quận lỵ Hiếu Nhơn. Các lực lượng đã mật tập, áp sát các mục tiêu, đến giờ G đồng loạt nổ súng tiến công. Trong vòng một giờ chiến đấu, các đơn vị đã tiêu diệt gọn đại đội biệt lập trong quận lỵ Hiếu Nhơn, đánh sập hầm chỉ huy của địch…

Tác giả: Nguyễn Thanh Bình

Nguồn tin: baoquangnam.com.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây