Nguyễn Duy Hiệu – Những giờ khắc cuối tại trại Võ Lâm - Huế

Thứ sáu - 29/09/2017 00:06
Phong trào Cần vương ở các tỉnh Tả trực kỳ Nam, Ngãi, Bình, Phú, Khánh, Thuận có một khuôn mặt nổi bật mà các ngòi bút chép sử thực dân Pháp và sử quan triều Đồng Khánh tay sai đã ghi lại bằng những dòng chữ đầy ấn tượng. Đó là Nguyễn Duy Hiệu, lãnh tụ Phong trào Nghĩa Hội Quảng Nam, một Phó bảng từng là thầy dạy học Kiến Phước khi vua này còn “tiềm để”.
Một mặt, đối với Pháp và tay sai, họ Nguyễn là một khuôn mặt phản diện, nhưng với người chép sử dân tộc, Nguyễn Duy Hiệu chính là chính diện của dòng lịch sử hỗn độn từ nửa sau thế kỷ XIX.

Ông tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến tại Quảng Nam trong ba năm (1885-1887), gây cho quân Pháp và binh Triều (Đồng Khánh) nhiều phen điêu đứng.
 
image002
 
Chân dung Nguyễn Duy Hiệu (1847 - 1887)
 
Khâm sứ Baille không thể không ghi  những  dòng  chữ  đầy  ấn  tượng: “Đối với Hiệu không thể gia ơn  hoặc tha thứ được. Y đã chất chồng quá nhiều đổ nát. Người ta nói rằng giữa một kẻ điên và người đại tài chỉ khác nhau bằng một màng mỏng. Giữa một loạn nhân cỡ này và một chính khách đích thực thì cái màng mỏng kia chẳng có nữa”(1).

Còn đối với các quan triều Đồng Khánh thì “người ta vốn sợ và rất ghét Hiệu, nhưng trong thâm tâm mọi người bắt đầu từ các quan ở triều chiêm ngưỡng nơi y một bản lĩnh, một kẻ trăm rèn mới có, mà người ta lấy làm vinh hạnh là địch thủ của y”(2).

Thế cùng lực kiệt, Nguyễn Duy Hiệu giải tán Nghĩa Hội, tự đem thân cho Nguyễn Thân bắt lãnh thưởng. Trước khi chịu chém, ông có lưu bút hai bài Đường luật nói lên chính kiến và nỗi lòng của mình. Hai bài thơ nguyên không đầu đề. Người đời sau ghi là Tuyệt mệnh thi, có sách ghi Lâm hình thời tác. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là người đầu tiên công bố và dịch hai bài thơ này trên báo Tiếng Dân.
 
(I)
勤王誓與北南同
無奈匡襄路未通
萬古綱常無操賊
百年心事有關公
山河分已書天定
草木愁看地勢窮
寄語浮沈斯世者
休將成敗論英雄
                                                   Phiên âm:
Cần Vương thệ dữ Bắc Nam đồng
Vô nại khuông tương lộ vị thông.
Vạn cổ cương thường vô Tháo tặc,
Bách niên tâm sự hữu Quan công.
Sơn hà phận dĩ  thư Thiên định,
Thảo mộc sầu khan địa thế cùng.
Ký ngữ phù trầm tư thế giả,
Hưu tương thành bại luận anh hùng. 
                                                 Dịch thơ:
Cần vương Nam Bắc kết dây đồng
Đường cứu đời kia khổ chửa thông
Muôn thủa cang thường không giặc Tháo
Trăm năm tâm sự có Quan Công
Non sông phận đã thơ trời định
Cây cỏ buồn xem thế đất cùng
Chìm nổi đời này ai đó tá?
Chớ đem thành bại luận anh hùng
 
(II)
西南無敵尺童知
早及今時勢可爲
若使奸鋒無奧瑗
何難忠梃撻強夷
寒山幾得孤松幹
大廈安能一木支
好把丹心朝列聖
中秋明月伴吾歸
阮惟斆
                                                   Phiên âm:
Tây Nam vô địch xích đồng tri,
Tảo cập kim thời thế khả vi,
Nhược sử gian phong vô áo viện,
Hà nan trung đĩnh thát cường di.
Hàn Sơn kỷ đắc cô tùng cán,
Đại hạ an năng nhất mộc chi,
Hảo bả đan tâm triều liệt thánh,
Trung thu minh nguyệt dữ ngô quy. 
                                                  Dịch thơ:
Không địch Tây Nam biết đã thừa
Thời cơ như thế lẽ ngồi trơ
Nếu không mũi nịnh làm tay kín
Nào khó làm tung vác gậy bừa
Núi tùng côi lạnh trơ hẳn thế
Nhà nghiêng một cột chống sao vừa
Xin dâng liệt thánh lòng son đỏ
Về có trăng rằm tháng tám đưa.
 
***
Theo sử sách và “ký ngữ” thi của chính Nguyễn Duy Hiệu thì chí sĩ thung dung tựu nghĩa tại pháp trường An Hòa (Huế) vào sáng sớm ngày 1/10/1887 tức rằm tháng 8 năm Đinh Hợi.

Tháng 8 trăng rằm làm bạn với ta đi về [cõi chết]
(Thu trung minh nguyệt bạn ngô quy) 

Người quá cố họ Võ(3), trong một bài viết tâm tri, tự hỏi “không biết Nguyễn Duy Hiệu viết ra câu thơ ấy, trong bàiTuyệt mệnh thi ấy vào lúc nào, vào giờ khắc nào trước khi đầu rơi... Chao ôi! Gươm kề cận cổ mà nhớ đến trăng ư?”.

Chúng ta quay lại và nhẩm tính khúc phim thời gian Nguyễn Duy Hiệu bị bắt điệu từ Quảng Nam ra Huế cho đến giờ khắc thọ hình, xảy ra trong vòng một tuần nhật (7 ngày). Trong một tuần lễ ấy, chắc chắn nhà chí sĩ luôn nghĩ đến cái chết, và phải chết như thế nào để giữ trọn “thanh danh của kẻ làm phản nghịch”, ở đây tức là giữ trọn danh tiết của người theo đuổi một chính nghĩa. Mấy đêm sau cùng ngồi trong cũi tại trại Võ Lâm - Huế, chắc ông đã thức trắng để cấu tứ hai bài thơ tuyệt mệnh lưu lại cho đời, cho quốc dân và cho lịch sử. Ông chỉ có bấy nhiêu để gửi gắm lại, ngoài ra chẳng có gì khác hơn.

Và, cũng có thể rằng, mấy đêm thức trắng sau cùng tại trại Võ Lâm đó, ông đã nhìn trăng thu trong sáng rọi vào chiếc cũi ông nằm.
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng
 . . .
Dặm khuya ngất tạnh mù khơi
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông
 
Những ai có tâm sự bi thiết, có dịp ngồi nhìn bóng trăng qua song cửa hay đi giữa trời khuya một mình dưới trăng mới thấm thía nỗi niềm với trăng; cái thời cảnh xé ruột này, Tản Đà đã  có lúc chịu hết nổi phải thốt lên: Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Người tử tù quốc sự Nguyễn Duy Hiệu gươm kề cận cổ mà còn nhớ đến trăng, cũng là cái tâm trạng chung của các bậc chí sĩ chỉ còn biết gởi gắm nỗi niềm vào vầng ánh sáng trinh nguyên mà rất đồng cảm trước lẽ được thua của trường đời và thành bại của lịch sử.

Nhưng tại sao Nguyễn Duy Hiệu biết chắc “Trăng sáng Trung thu” cùng làm bạn lúc ông đi về? Là vì cái cung cách làm việc gấp rút của thực dân Pháp và triều đình tay sai Đồng Khánh đối với ông, việc gì cũng rất mực khẩn trương. Bắt được ông, Nguyễn Thân cho lệnh đóng cũi gấp rút, áp giải ông ra Huế gấp rút, thẩm cung ông một cách gấp rút, và Đồng Khánh tức thì phê chuẩn ngay bản án, cho nên ông biết chắc mình sẽ bị hành hình ngay sáng hôm sau, nhằm ngày rằm Trung thu.

Baille đã viết rất rõ: “Bản án xử Hiệu tử hình được đệ dâng lên nhà vua, và vua phê dưới bản án bằng mực đỏ, cái dấu nhỏ quyết định ra lệnh phải thi hành không được chậm trễ. Cuộc hành hình xảy ra sáng ngày hôm sau”.
 
***
Một đoạn trên, tôi có nói: “Ông chỉ có bấy nhiêu để gởi gắm lại, ngoài ra chẳng có gì khác hơn”, nhưng một tài liệu lịch sử thành văn cho biết Nguyễn Duy Hiệu, khi ở trại Võ Lâm - Huế, có gởi mấy chữ cho con, nói rằng:“Nếu may mà triều đình xử tử hình toàn gia chúng  ta thì chúng ta sẽ được gặp nhau hết nơi chín suối. Còn nếu không may, triều đình chỉ làm tội riêng cha thì con chịu khó nuôi bà, dạy các em như lúc cha còn sống, không nên theo đuổi cái học khoa cử, từ chương nữa, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi”(4).

 Lời trăn trối sau cùng của Nguyễn Duy Hiệu, ngoài sự dặn dò việc gia đình, ông còn bày tỏ chính kiến có thể nói rất thao thức và mang mầm mống cách mệnh giữa thời buổi toàn xã hội mông muội vùi đầu vào cái học Khổng - Mạnh đang mất dần hết uy thế, cuối thế kỷ XIX.
Tây Nam vô địch xích đồng tri
Tảo cập kim thời thế khả vi

(Sức người Nam không địch nổi người Tây, điều ấy trẻ sơ sinh cũng biết; nhưng thời thế còn có thể làm được, không thể không làm). Nói rõ ra là “vì danh nghĩa phải làm” (tương vị danh nghĩa nhĩ - Nguyễn Duy Hiệu).

Ôi! hai chữ danh nghĩa lớn lắm thay!

Cả một thế hệ nhà Nho, văn thân phơi xương trắng máu đào cũng chỉ vì hai chữ danh nghĩa. Nó là cái xương sống giúp con người Việt Nam cuối thế kỷ XIX hiểu thế nào là đạo nghĩa phong kiến để họ trụ vững trước dòng thác lũ lợi danh và sức mạnh của kẻ thù.
“Không nên theo đuổi cái học khoa cử, từ chương nữa, chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ mà thôi”.

Nguyễn Duy Hiệu phát biểu chính kiến này vào Trung thu năm Đinh Hợi (10/1887), nghĩa là nó đi trước mười lăm năm khi Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng hô hào bãi bỏ khoa cử qua thơ văn tuyên truyền Chí thành thông thánh và phú Danh sơn lương ngọc  v.v...

Danh nghĩa đã thôi thúc Nguyễn Duy Hiệu tổ chức vũ trang kháng chiến chống kẻ thù, đồng thời, một mặt khác, với tư cách người Nho sĩ quân tử “cầm chính đạo để tịch tà cự bí”, ông đã tỉnh thức cảnh báo sự phá sản của nền học thuật cũ “chỉ lầm mình, lầm nhà, lầm thiên hạ”, để từ đó xã hội có sự xét lại, phế bỏ hoặc cải cách nó.

Quảng Nam tự hào có một Nguyễn Duy Hiệu đầy đủ đởm lực và trí lực lo cho vận mệnh dân tộc, giữa một thời kỳ lịch sử đen tối nhất.
“Chớ đem thành bại mà luận anh hùng!”.
 
____________
(1) Baille – Souvenirs d’Annam, Plon, Paris, 1890, tr.82
(2) Baille – Sđd, tr.80-81
(3) Võ Văn Đặng – Tìm hiểu  thêm  Nguyễn Duy Hiệu  qua  hai bài  Tuyệt mệnh thi in trong Nguyễn Duy Hiệu (1847-1887), NXB Đà Nẵng, 1997, tr.101-118.
(4) Phạm Văn Sơn – Việt Nam cách mạng cận sử (1885-1914), Sài Gòn, 1963, tr.184.

Tác giả: Nguyễn Sinh Duy

Nguồn tin: honvietquochoc.com.vn

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây