Hoành phi, liễn đối tại hội quán Trung Hoa ở Hội An, Quảng Nam

Thứ năm - 14/09/2017 05:23
1. Hội quán Trung Hoa và các hoành phi, liễn đối
Người Hoa ở Hội An có nguồn gốc từ gốc từ các địa phương ven biển phía Đông Nam của Trung Hoa. Họ lập ra bốn hội quán riêng của bốn bang: hội quán Phúc Kiến, hội quán Triều Châu, hội quán Quỳnh Phủ và hội quán Quảng Triệu và một hội quán chung: hội quán Trung Hoa.
           Hội quán Trung Hoa “中 華 會 館” (Trung Hoa hội quán) tọa lạc số 64 đường Trần Phú, phường Minh An, thành phố Hội An. Hướng nam lệch tây 14o. Diện tích kiến trúc: 1160m2, rộng nhất 24m, sâu nhất 57,6m, và có khu vực phía sau rộng khoảng 600m2. Bố cục mặt bằng tổng thể theo kiểu chữ Quốc: “国”, gồm: cổng chính, sân trước, tiền điện, sân giữa, phương đình, chính điện, nhà đông và tây . Đây là hội quán chung của người Hoa thuộc 5 bang ở Hội An nên còn được gọi là “Hội quán Ngũ Bang”. Đối tượng được thờ cúng chính của hội quán Trung Hoa là Thiên Hậu (thờ ở gian giữa của chính điện), ngoài ra còn thờ Thần Tài (thờ ở gian tả của chính điện), Tiền hiền (thờ ở gian hữu của chính điện), Quan Thế Âm Bồ Tát, bang trưởng, bang phó, liệt sĩ. Căn cứ vào di tích, di vật có thể thấy hội quán được xây dựng sớm: đầu thế kỷ 18, vào khoảng năm 1741 với tên gọi ban đầu là “Dương Thương hội quán”, vì nơi đây là nơi hội họp công thương (ghi ở bia tường vách tả hiên chính điện lập năm 1741). Các lần trùng tu sau: năm 1855 (ghi ở hai bia lập năm 1855, 1995); năm 1891 (ghi ở bia năm 1995). Năm 1928, “hội quán Dương Thương” được đổi tên thành “hội quán Trung Hoa” (ghi ở bia lập năm 1995, 1928). Các lần trùng tu gần đây: 1958, 1970, 1974, 1993, 1994, 1995.

           Tổng số di vật còn lại của hội quán Trung Hoa là 85 di vật, trong đó có đến 14 hoành phi và 2 cặp liễn đối.

          Các hoành phi, liễn đối được treo ở những nơi tôn nghiêm: tiền điện: 2 bức hoành, phương đình: 2 bức hoành, số còn lại tập trung vào khu vực thờ tự của chính điện: 10 hoành và 2 cặp liễn đối (xem sơ đồ). Các bức hoành thường được được treo cố định và ít di chuyển. Treo đơn lẻ, treo thành hàng ngang ba bức: một ở giữa và hai bức bên tả hữu đối xứng nhau hay treo thành hàng dọc ở gian giữa, dọc theo trục giữa từ tiền điện, qua phương đình vô bàn thờ giữa hay treo thành bộ gồm một hoành phi ở giữa và một cặp liễn đối ở hai bên tạo thành một chỉnh thể trong trang trí thờ tự. Đa số hoành phi và liễn đối hướng mặt ra ngoài, một bức hoành hướng về phía các bàn thờ của chính điện và hai bức hoành cùng 1 cặp liễn đối quay mặt vào nhau, có trường hợp các hoành còn quay lưng vào nhau thành từng cặp.

          Hoành phi, liễn đối ở hội quán Trung Hoa được làm bằng hai loại chất liệu chính là gỗ và đá: 3 hoành phi bằng đá, 11 hoành phi bằng gỗ, 2 liễn đối bằng gỗ. Chất liệu gỗ quý, không mọt như gỗ mít, lim, kiền kiền… Chất liệu đá được đặt ở vị trí tiếp xúc với ánh nắng ngay cửa ra vào tiền điện hội quán. Các hoành có dáng hình chữ nhật, thuộc loại trung: dài 1,8-2,5m, rộng 40-80m, cho nên chiều ngang của các hoành thường ăn suốt gian thờ. Liễn đối có hai loại: 01 liễn làm bằng một tấm gỗ phẳng, có mộng ngang ở hai đầu để chống cong vênh và 01 liễn hình “lòng mo”, có dáng cong, ôm lấy thân cột.

          Trang trí trên hoành phi, liễn đối khá đơn giản. Đối với chất liệu gỗ, đa số nền các bức hoành được để trơn không chạm khắc hoa văn, trên nền hoành khắc chìm hay khắc nổi các chữ Hán, chữ trên liễn đối được khắc chìm. Một số hoành có khung bao quanh nhưng không được chạm khắc và trang trí cầu kỳ. Chỉ có bức hoành “Thiên Hậu cung” ở nhà phương đình có trang trí “lưỡng long chầu nhật”, hồi văn ở đường viền khung nhưng hoành có niên đại muộn: năm 1992. Một số hoành có phần đỡ bên dưới là các phù điêu chạm khắc trang trí cách điệu hình lá nhĩ, cuốn thư... Các trang trí dù này dù trải qua nhiều năm tháng vẫn giữ khá trọn vẹn màu sắc ban đầu, ngoài yếu tố kỹ thuật còn làm nổi bật thêm nội dung của chữ Hán và thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của người tạo tác.

           Các hoành phi, liễn đối trong hội quán có chức năng vừa để trang trí, vừa để thờ tự hay kết hợp cả hai chức năng này. Hoành phi trang trí thường được treo ở tiền điện, phương đình. Hoành phi thờ tự thường được treo ở những vị trí tôn nghiêm và trang trọng như treo ngay xà ngang mặt trước các gian thờ hoặc phía trên các cửa hàng hiên chính điện, cửa tiền điện. Qua đó, nhằm tạo sự trang nghiêm cho các hội quán, vừa mang tính chất nghi lễ và vừa có giá trị về nhiều mặt.

          2.    Hình thức, nội dung và giá trị chữ Hán trên các hoành phi, liễn đối

              Hình thức của các hoành phi, liễn đối:

          Các bức hoành phi hay câu đối đều được viết bằng chữ Hán, loại phồn thể, không dùng chữ Nôm. Cấu tạo gồm chữ Hán đại tự ở giữa và lạc khoản, con dấu ở một hoặc hai bên. Đại tự cho biết nội dung, thường có số chữ nhất định, kích cỡ chữ lớn, đa số được viết theo loại chữ “Chân” (khải thư). Hầu hết hoành phi khắc 04 chữ Hán đại tự sắc nét với đủ màu sắc, chỉ có một bức hoành khắc 03 chữ Hán gọi là tam tự hoành. Hai liễn đối đều có số chữ nhất định: 11 chữ. Lạc khoản với kích cỡ nhỏ hơn được ghi ở một hoặc hai bên bức hoành, cho chúng ta biết thông tin về niên đại, nguồn gốc, chủ nhân của hoành phi, người viết, người tặng và sự kiện tạo ra bức hoành đó… Lạc khoản phân thành 2 loại: đơn khoản và song khoản (gồm thượng khoản bên phải chữ Hán đại tự cho biết thời gian ra đời của hoành phi, liễn đối: ghi niên hiệu, năm, tháng, mùa... tạo ra bức hoành và hạ khoản thường ở góc dưới bên trái cho biết nguồn gốc xuất xứ của bức hoành: tên đơn vị hành chính, tên hội quán, tên cửa hiệu, cá nhân cúng tặng). Đơn khoản thường chỉ có thượng khoản. Hầu hết hoành phi đều có lạc khoản, trừ 02 hoành đá không có lạc khoản. Con dấu theo lối chữ triện ghi bút tích của người viết, một số hoành phi có 1 hay 2 con dấu hình chữ nhật, hình vuông, oval ở phía dưới lạc khoản. Tất cả phần chữ đều được thếp chữ vàng, 5 hoành thếp chữ vàng trên nền đỏ, số còn lại thếp chữ vàng trên nền đen, chữ được chạm nổi hay khắc chìm.

              Nội dung chữ Hán của các hoành phi, liễn đối:

           Phần chữ Hán trên các hoành phi, liễn đối được thể hiện như sau:

           Bức hoành 001: bên trên cửa ra vào của tiền điện hội quán.

           Nguyên văn: 中 華 會 館

           Phiên âm: Trung Hoa Hội quán

           Dịch nghĩa: Hội quán Trung Hoa

           Bức hoành 002: phía sau cửa ra vào tiền điện, quay lưng vào hoành “Trung Hoa hội quán” và hướng về chính điện.

          Nguyên văn: 天 下 為 公

          Phiên âm: Thiên hạ vi công

          Dịch nghĩa: Thiên hạ là của chung

          Bức hoành 003: được treo ở phương đình, phía ngoài cùng.

          Nguyên văn: 天 后鄉

          Lạc khoản: 公 元 一 九 九 二 年 歳 次 壬 申 仲 冬. 會 安 中 華 會 館 重 修 委 員 會 謹 鑄.

         Phiên âm: Thiên Hậu cung. Công nguyên nhất cửu cửu nhị niên, tuế thứ Nhâm Thân trọng đông. Hội An, Trung Hoa hội quán Trùng tu Ủy viên hội cẩn chú.

          Dịch nghĩa: Cung thờ Thiên Hậu. Tháng 11 năm Nhâm Thân, Công nguyên (1992). Ban Chấp hành Trùng tu hội quán Trung Hoa Hội An cẩn đúc.

          Bức hoành 004: được treo ở phương đình.

           Nguyên văn: 后 德 配 天

           Lạc khoản: 光 緒 十 七 年 孟 冬 吉 旦. 信 商 謝 振 合 林 達方 新 建 安 許 合 利 吴 南 記 萬 和 隆 陳 長 登  仝 立.

          Phiên âm: Hậu đức phối thiên. Quang Tự thập thất niên mạnh đông cát đán. Tín thương: Tạ Chấn Hợp, Lâm Đạt Phương, Tân Kiến An, Hứa Hợp Lợi, Ngô Nam Ký, Vạn Hòa Long, Trần Trường Đăng đồng lập.

          Dịch nghĩa: Công đức Thiên Hậu có thể sánh với trời. Ngày tốt tháng 10 năm Quang Tự thứ 17 (1891). Thương nhân: Tạ Chấn Hợp, Lâm Đạt Phương, Tân Kiến An, Hứa Hợp Lợi, Ngô Nam Ký, Vạn Hòa Long, Trần Trường Đăng đồng lập.

           Bức hoành 005: treo trên cửa chính chính điện.

           Nguyên văn: 協 戴 慈 仁

            Lạc khoản: 光 緒 十 七 年 歳 次辛 夘 季 秋 轂 旦. 閩 商 會 館 敬 奉.

          Phiên âm: Hiệp đới từ nhân. Quang Tự thập thất niên tuế thứ Tân Mão quý thu cốc đán. Mân Thương hội quán, kính phụng.

            Dịch nghĩa: Thần phù trợ cho người hiền. Ngày tốt tháng 9 năm Tân Mão, Quang Tự thứ 17 (1891). Hội quán Mân Thương (hiện tại đổi tên là hội quán Phước Kiến) phụng cúng.

          Bức hoành 006: treo ở mặt sau cửa chính chính điện, quay mặt vào gian thờ giữa, quay lưng vào bức hoành “Hiệp đới từ nhân”.

          Nguyên văn:  恩 賜 廣 肇

          Lạc khoản: 光 緒 壬 辰 年 季 春 轂 旦. 順 化 廣 肇 幫 眾 商 同 敬 南 海 鄧 嵑 鄉敬 書. 

         Phiên âm: Ân tứ Quảng Triệu. Thuận Hóa Quảng Triệu bang chúng thương đồng kính, Nam Hải, Đặng Kiệt Hương, kính thư. Quang Tự Nhâm Thìn niên quý xuân cốc đán.

         Dịch nghĩa: Thần ban ân huệ trải khắp cho dân chúng Quảng Triệu. Thương nhân bang Quảng Triệu Thuận Hóa đồng kính. Nam Hải, Đặng Kiệt Hương viết chữ. (Ngày tốt tháng 3 năm Nhâm Thìn đời Quang Tự (1892)).

          Bức hoành 007: treo trước hành lang bên tả chính điện.

          Nguyên văn: 厚 德 載 物

          Lạc khoản: 光 緒 辛 夘 年 孟 冬 月 吉 旦. 瓊 府 衆 商 仝 敬 奉.

        Phiên âm: Hậu đức tải vật. Quang Tự, Tân Mão niên, mạnh đông nguyệt cát đán. Quỳnh Phủ chúng thương đồng kính phụng.

          Dịch nghĩa: Đức dày khắp chốn. Ngày tốt tháng 10 năm Tân Mão đời Quang Tự (1891). Thương nhân bang Quỳnh Phủ đồng cúng phụng.

            Bức hoành 008: treo trước hành lang bên hữu chính điện, đối xứng qua trục giữa với hoành “Hậu đức tải vật”.

            Nguyên văn: 聖 澤 同 沾

            Lạc khoản: 光 緒 十 七 年 歳 次辛 夘 仲 春 榖 旦. 會 安 廣 肇 會 館 敬 立.

            Phiên âm: Thánh trạch đồng triêm. Quang Tự thập thất niên tuế thứ Tân Mão trọng xuân cốc đán. Hội An Quảng Triệu hội quán kính lập.

            Dịch nghĩa: Ơn thánh trải khắp nơi. Ngày tốt tháng 2 năm Tân Mão, Quang Tự thứ 17 (1891). Hội quán Quảng Triệu Hội An phụng cúng.

             Bức hoành 009: treo trước gian thờ Thần Tài.

             Nguyên văn: 后 德 重 光

             Lạc khoản: 光 緒 十 七 年 歳 次 辛 夘 孟 冬 吉 旦. 沐 恩 嘉 應 全 帮 仝 敬 奉

           Phiên âm: Hậu đức trùng quang. Quang Tự thập thất niên tuế thứ Tân Mão mạnh đông cát đán. Mộc ân Gia Ứng toàn bang đồng kính phụng.

             Dịch nghĩa: Đức lành của Thiên Hậu tỏa sáng ngập tràn. Ngày tốt tháng 10 năm Tân Mão, Quang Tự thứ 17 (1891). Toàn bang Gia Ứng đồng phụng cúng.

              Bức hoành 010: treo vuông góc với bức hoành “Hậu đức trùng quang”.

              Nguyên văn: 浪 静 風 恬

              Lạc khoản: 歳 次 辛 夘 孟 冬. 信 義 词 仝 敬 奉.

               Phiên âm: Lãng tịnh phong điềm. Tuế thứ Tân Mão mạnh đông.Tín nghĩa từ đồng kính phụng.

               Dịch nghĩa: Sóng yên gió lặng. Tháng 10 năm Tân Mão (1891). Từ đường Tín Nghĩa đồng phụng cúng.

               Bức hoành 011: treo nhìn vào gian thờ Thần Tài, đặt đối xứng với hoành “Từ vân phổ chiếu”.

               Nguyên văn: 福 蔭 重 光

               Lạc khoản: 光 緒 十 七 年 歳 次 辛 夘 季 秋 吉旦. 沐 恩 弟 子: 福 建 幫長 王 廣 泰廣 東 幫 長 梁 信 和 潮 洲 幫 長 蔡 香 利 嘉 應 幫 長 李 雲 鄉 同 敬 奉.

             Phiên âm: Phúc ấm trùng quang. Quang Tự thập thất niên tuế thứ Tân Mão quý thu cát đán. Mộc ân đệ tử: Phúc Kiến bang trưởng Vương Quảng Thái, Quảng Đông bang trưởng Luơng Tín Hòa, Triều Châu bang trưởng Thái Hương Lợi, Gia Ứng bang trưởng Lý Vân Hương đồng kính phụng.

           Dịch nghĩa: Phước lành tỏa sáng.  Ngày tốt tháng 9 năm Tân Mão, Quang Tự thứ 17 (1891). Các đệ tử: Vương Quảng Thái, Bang trưởng Phước Kiến, Lương Tín Hòa, Bang trưởng Quảng Đông, Thái Hương Lợi, Bang trưởng Triều Châu, Lý Vân Hương, Bang trưởng Gia Ứng đồng phụng cúng.

          Bức hoành 012: treo trước gian thờ Tiền hiền

          Nguyên văn: 惠 敷 清 晏

          Lạc khoản: 成 泰 三 年 孟 冬吉 旦. 明 鄕 信 善 族 仝 頓 首 拜.

          Phiên âm: Huệ phu thanh yến. Thành Thái tam niên mạnh đông cát đán. Minh Hương Tín Thiện tộc đồng đốn thủ bái.

         Dịch nghĩa: Ơn huệ của thần mang lại thanh bình. Ngày tốt tháng 10 năm Tân Mão, Thành Thái thứ 3 (1891). Minh Hương, xóm dân Tín Thiện đồng cúi đầu bái.

          Bức hoành 013: treo vuông góc với hoành “Huệ phu tình yến”, đặt đối xứng với hoành “Lãng tịnh phong điềm”.

          Nguyên văn: 功 不 禹 下

          Lạc khoản: 光 緒 辛 夘 陽 月吉. 荣 成 號 財 源 號 仝 敬.

          Phiên âm: Công bất vũ hạ. Quang Tự Tân Mão dương nguyệt cát nhật. Vinh Thành hiệu, Tài Nguyên hiệu đồng kính.

          Dịch nghĩa: Ngày tốt tháng 3 năm Tân Mão, đời Quang Tự (1891). Hiệu Vinh Thành, hiệu Tài Nguyên dâng cúng.

          Bức hoành 014: treo nhìn vào gian thờ Tiền hiền, đặt đối xứng, có đặc điểm giống bức hoành “Phúc ấm trùng quang”.

           Nguyên văn: 慈 雲 普 照

           Lạc khoản: 光 緒 十 失 年孟 冬 吉 旦 立. 沐 恩 福 建 弟 子 蔡 順 美, 蔡 順 壽, 蔡 盈 隆, 許 盈 記 仝 敬 奉.

          Phiên âm: Từ vân phổ chiếu. Quang Tự thập thất niên mạnh đông cát đán lập. Mộc ân Phúc Kiến đệ tử: Thái Thuận Mỹ, Thái Thuận Thọ, Thái Doanh Long, Hứa Doanh Ký phụng cúng.

          Dịch nghĩa: Mây lành chiếu khắp muôn nơi. Ngày tốt tháng 10 năm Quang Tự thứ 17 (1891). Đệ tử bang Phúc Kiến: Thái Thuận Mỹ, Thái Thuận Thọ, Thái Doanh Long, Hứa Doanh Ký đồng kính phụng.

           Liễn đối 015: treo ở hai bên hông cột cái chính điện.

          Nguyên văn:    靈 鳥 來 時 橫 海 鯨 波 千 島 静
                                慈 雲 過 處 兼 天 鱷 浪 一 蓬 平.

          Lạc khoản: 光 緒 壬 辰 年 春 月 吉 旦. 沐 恩 瓊 府 勝 豊 號 敬 送.

          Phiên âm: Linh điểu lai thời, hoành hải kình ba thiên đảo tịnh
                         Từ vân quá xứ, kiêm thiên ngạc lãng nhất bồng bình.

          Quang Tự Nhâm Thìn niên xuân nguyệt cát đán. Mộc ân, Quỳnh Phủ Thăng Phong hiệu kính phụng.

          Dịch nghĩa: Chim quý qua, biển rộng sóng trào ngàn đảo tịnh
                            Mây lành đến, trời cao gió lộng một non yên. (2)

          Ngày tốt mùa xuân năm Nhâm Thìn, đời Quang Tự (1892). Đội ơn, hiệu Thăng Phong thuộc Quỳnh Phủ phụng cúng.
Liễn đối 016: treo trước gian thờ giữa của chính điện.

          Nguyên văn:   海 國 風 和 萬 須 波 濤 成 彼 岸
                               殿 宮 日 暖 三 干 世 界 擁 慈 帆

          Lạc khoản: 光 緒 辛 夘  陽 月 轂 旦. 萬 發 公 司 敬 送

          Phiên âm: Hải quốc phong hòa, vạn tu ba đào thành bỉ ngạn
                         Điện cung nhật noãn, tam can thế giới ủng từ phàm.
                         Quang Tự Tân Mão dương nguyệt cốc đán. Vạn Phát công ty kính tống.

          Dịch nghĩa: Gió biển bình yên, vạn nẻo hải trình về bờ giác
                           Điện thờ tráng lệ, ba cõi thế giới dắt thuyền từ 
                           Ngày tốt tháng 3 năm Tân Mão đời Quang Tự (1891). Công ty Vạn Phát phụng cúng.

              Những giá trị lịch sử, văn hóa từ các hoành phi, liễn đối:

           Phần chữ Hán trên hoành phi, liễn đối ở hội quán Trung Hoa cung cấp nhiều tư liệu cho nghiên cứu hội quán, lịch sử định cư của người Hoa và nhiều thông tin khác.

            Trước hết nhằm định danh di tích, cho biết tên hiệu các vị thần thánh được thờ, nhất là vị thần chủ:

           Mặc dù hội quán đã có nhiều tên gọi khác nhau như: hội quán Ngũ Bang, hội quán Dương Thương, hội quán Giang Triết nhưng căn cứ vào bức hoành trước cửa tiền điện “中 華 會 館” cho biết hội quán có tên gọi chính xác là “hội quán Trung Hoa”. Bức hoành “天 后 宫” Thiên Hậu cung ở nhà phương đình cho biết đây là nơi thờ Thiên Hậu, vị thần chủ của hội quán.

          Nhằm ca ngợi sự uy linh, nêu bật được công lao to lớn của các vị thần thánh và thể hiện tấm lòng tôn kính, tri ân sâu sắc của các thế hệ sau đối với bề trên, thần thánh.

          Tại hội quán Trung Hoa, có nhiều bức hoành có nội dung ca ngợi công đức của các vị thần thánh, nhất là vị thần chủ Thiên Hậu: “后 德 配 天” Hậu đức phối thiên; “后 德 重 光” Hậu đức trùng quang, “協 戴 慈 仁” Hiệp đới từ nhân, “厚 德 載 物” Hậu đức tải vật…

          Cho biết niên đại hoành phi, liễn đối cũng như thời điểm xây dựng và trùng tu hội quán:

          Thông qua nội dung chữ Hán trên hoành phi, liễn đối, đặc biệt là các lạc khoản, đã cung cấp nguồn tư liệu cho biết niên đại hiện vật và cả niên đại xây dựng, trùng tu của hội quán cũng như các mốc thời gian quan trọng trong lịch sử di dân, định cư của người Hoa. Đa số hoành phi, liễn đối ở hội quán Trung Hoa có niên đại đời vua Quang Tự: 10 hoành và 1 liễn có niên đại năm 1891; 1 hoành và 1 liễn có niên đại năm 1892, số còn lại có niên đại muộn. Niên đại hoành phi, liễn đối không trùng hoàn toàn với niên đại của hội quán mà có thể gắn với các lần trùng tu. So với niên đại ra đời hội quán (thế kỷ XVIII) thì các hoành phi, liễn đối có niên đại muộn hơn: giữa cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20. Cùng với nội dung ghi ở bia năm 1995 cho thấy năm 1891 năm này là năm trùng tu hội quán, các hoành phi, liễn đối được tặng, nhân dịp hoàn thành đợt trùng tu này. Do đây là những di vật đặt rời trong di tích và được làm bằng các chất liệu gỗ nên dễ di chuyển và thay đổi. Rất có thể, lúc mới thành lập, hội quán cũng có bộ di vật đi liền với niên đại xây dựng nhưng do nhiều yếu tố khác nhau, đặc biệt là thiên tai, chiến tranh, chất liệu gỗ khó bảo tồn nên các di vật này đã bị tiêu hủy, chỉ còn chất liệu đá do tính bền của vật liệu và gắn chặt vào tường nên bảo tồn được. Một số ít hoành phi có niên đại muộn do người ta đã đưa những tấm hoành phi mới vào để thay thế cho các bức cũ đã bong sơn, long mộng hoặc treo thêm mới hoàn toàn.

          Cho biết tên họ của những cá nhân, tập thể dâng cúng hoành phi, liễn đối vào hội quán:

          Lạc khoản trên hoành phi, liễn đối cho biết họ tên của những cá nhân, đơn vị, hiệu buôn xưa... đóng góp xây dựng, trùng tu hội quán. Theo đó, nguồn gốc các bức hoành do chính “Ban Chấp hành Trùng tu hội quán Trung Hoa Hội An cẩn đúc” hay các công ty, hiệu buôn, thương nhân, bang trưởng các bang, các cá nhân cúng tặng như: Công ty Vạn Phát; hiệu Vinh Thành; hiệu Tài Nguyên; hiệu Thăng Phong; đền thờ Tín Nghĩa; Tín Thiện thuộc làng Minh Hương; Thương nhân: Tạ Chấn Hợp, Lâm Đạt Phương, Tân Kiến An, Hứa Hợp Lợi, Ngô Nam Ký, Vạn Hòa Long, Trần Trường Đăng; Đệ tử bang Phúc Kiến: Thái Thuận Mỹ, Thái Thuận Thọ, Thái Doanh Long, Hứa Doanh Ký… Bang trưởng Phước Kiến: Vương Quảng Thái, Bang trưởng Quảng Đông: Lương Tín Hòa, Bang trưởng Triều Châu: Thái Hương Lợi, Bang trưởng Gia Ứng: Lý Vân Hương…

            Cho biết nguồn gốc, xuất xứ hoành phi, liễn đối cùng sự tồn tại và phát triển của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp:

         Các hoành phi, liễn đối ở hội quán Trung Hoa có nhiều nguồn gốc khác nhau. Mặc dù phần chữ Hán khá đơn giản, lạc khoản chỉ ghi niên đại, người cúng, ít khi nêu lên nguồn gốc, xuất sứ nên khó biết nơi sản xuất và người sản xuất ra chúng nhưng căn cứ vào trang trí, nội dung chữ Hán cũng có thể biết được nguồn gốc, nghệ nhân tạo tác. Theo lời kể của các vị cao niên, những người quản lý hội quán thì có nhiều hoành phi, liễn đối được chuyển từ Trung Hoa qua Hội An thế kỷ XIX. Những hoành phi, liễn đối có niên đại muộn vào thế kỷ XX, có thể do các thợ mộc Kim Bồng của Hội An tạo tác. Thông qua các kiểu chữ và ký hiệu khắc trên con dấu có thể biết được các hoành phi do một số người giỏi về thư pháp hay một số nhóm thợ nhất định thực hiện. Một số bức hoành có tên người viết như “Nam Hải, Đặng Kiệt Hương viết chữ”. Bức hoành “thiên hạ vi công” còn được viết theo thủ bút của Tôn Trung Sơn, một số nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cận đại Trung Quốc.

          Cho biết mối quan hệ của hội quán Trung Hoa và người Hoa ở Hội An với những nơi khác:

          Ở hội quán Trung Hoa có một số hoành phi, liễn đối có nội dung và hình thức giống hay gần giống các bức hoành và liễn ở những nơi khác. Bức hoành “thiên hạ vi công” có nội dung giống một số nơi như giống bốn chữ khắc trên cổng chính lăng mộ của Tôn Trung Sơn (中 山 陵 - Trung Sơn Lăng) được xây dựng tại chân ngọn núi thứ hai của Tử Kim Sơn, Nam Kinh, Trung Quốc. Bức hoành “phúc ấm trùng quang” có nội dung giống với hoành phi bằng chữ khảm ốc treo trên bàn thờ Thần Hoàng, ở gian bên trái Thiên Hậu Miếu (Chùa Bà nước Mặn) tại thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Một số bức hoành có nội dung chữ Hán gần giống hoành phi tại các hội quán của người Hoa ở những nơi khác như: hai bức hoành “慈 雲 普 照” Từ vân phổ chiếu và “后 德 配 天” Hậu đức phối thiên có nội dung gần giống bức hoành “慈 恩 普 照” Từ ân phổ chiếu và “聖德 配 天” Thánh đức phối thiên của miếu Thiên Hậu ở Biên Hòa, Đồng Nai. Ngoài ra, cũng còn nhiều hoành phi có nội dung giống các cơ sở thờ tự khác nhưng chúng tôi chưa nghiên cứu hết được. Việc các bức hoành có nội dung giống nhau này cho thấy có thể lúc đầu các hoành phi, liễn đối này đều có cùng nguồn gốc xuất xứ: được mang từ Trung Quốc sang hay được làm từ các cơ sở sản xuất trong nước hoặc các cơ sở tín ngưỡng tặng qua lại cho nhau. Qua đó còn thể hiện đặc trưng văn hóa, tín ngưỡng độc đáo của người Hoa khi đến định cư ở Việt Nam.

          Một số hoành phi, liễn đối do một số bang, hội quán hay các cơ sở thờ tự khác ở Hội An hay các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở nơi khác tặng dâng tặng nhân dịp xây dựng, cúng lễ hay các đợt trùng tu lớn. Đó gồm Hội quán Mân Thương (hiện tại đổi tên là hội quán Phước Kiến) phụng cúng, Thương nhân bang Quỳnh Phủ đồng cúng phụng, Hội quán Quảng Triệu Hội An phụng cúng, Toàn bang Gia Ứng đồng phụng cúng, Từ đường Tín Nghĩa đồng phụng cúng, Minh Hương, xóm dân Tín Thiện đồng bái… Thương nhân bang Quảng Triệu Thuận Hóa (Huế) đồng kính. Từ đó góp phần khẳng định đây là hội quán chung của 5 bang và mối quan hệ của hội quán Trung Hoa với những nơi khác.

          Ngoài ra, nội dung các hoành phi, liễn đối còn thể hiện ước nguyện cầu mong sự bình an, thái bình, thịnh vượng cho dân chúng, nhất là cộng đồng người Hoa và những người làm nghề đi biển. Thể hiện tình yêu thiên nhiên, tình người yêu thương con người, niềm tự hào về quê hương, dân tộc, răn dạy con cháu về các giá trị đạo đức truyền thống, dạy con người ta ăn ở hiền hòa, tu nhân tích đức. Góp phần nghiên cứu đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội. Thể hiện thành phần, địa vị xã hội cũng như mức độ hưng thịnh về kinh tế, văn hóa của cộng đồng người Hoa và thương cảng Hội An trong từng thời kỳ. Cung cấp những thông tin khoa học quý trong nghiên cứu dân tộc học, xã hội học.

          3.    Nhận xét

          Qua bao thăng trầm của lịch sử, hội quán Trung Hoa ở Hội An còn giữ được những di vật có giá trị, trong đó có các hoành phi, liễn đối. Các văn khắc trên hoành phi, liễn đối là những di sản chữ Hán cung cấp nhiều tư liệu quý. Chữ đại tự cho biết tên gọi di tích, vị thần chủ, ca ngợi thần thánh, cầu mong điều tốt lành… Lạc khoản cung cấp nhiều thông tin quan trọng như: một số mốc thời gian trong lịch sử hội quán, lịch sử người Hoa: tên các bang và họ tên bang trưởng; lịch sử xây dựng, trùng tu các hội quán; quá trình làm ăn của người Hoa ở Hội An và các nơi; các đơn vị, cá nhân làm ăn phát đạt và có ảnh hưởng đến cộng đồng người Hoa ở Hội An; mối quan hệ của hội quán Trung Hoa, cộng đồng người Hoa ở Hội An với các nơi khác… Hoành phi, liễn đối tại hội quán Trung Hoa được tạo tác chủ yếu bằng chữ Hán, không xuất hiện chữ Nôm. Điều đó chứng tỏ những hiện vật này mang nhiều truyền thống Trung Hoa hơn. Cùng với đặc trưng về di tích kiến trúc của hội quán, các hoành phi, liễn đối là một trong những loại hình di vật quý, cung cấp nguồn thông tin phong phú, đa dạng và có giá trị về nhiều mặt như: Hán Nôm, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, xã hội, nghệ thuật thư pháp, văn học… Qua đó, đã thể hiện đời sống tâm linh của cư dân, ý niệm và trình độ nghệ thuật mà những người dâng cúng và cả người thợ tạo tác để lại cho các thế hệ sau. Đồng thời cho thấy tài năng và sự sáng tạo của các phong cách nghệ thuật của một giai đoạn lịch sử, đặc trưng truyền thống Trung Hoa, sự giao lưu văn hóa Hoa – Việt.

            Hiện nay, với sự phát triển du lịch của thành phố Hội An, các hội quán cũng được bảo tồn ở mức độ nhất định. Tuy nhiên, cũng như tất cả bộ sưu tập di vật đặc sắc hiện còn lưu giữ trong các hội quán của người Hoa ở Hội An, những hoành phi, liễn đối này phần lớn bằng gỗ, hay di chuyển nên cần có phương án chống mối mọt và phương pháp lau chùi, bảo quản hợp lý hằng năm hay vào các dịp lễ lớn. Nếu không, các di vật này dễ bị hư hỏng theo thời gian, do đó các tư liệu Hán Nôm cũng không còn. Việc nghiên cứu, bảo tồn tốt sẽ giúp các di vật này mãi là nguồn tư liệu quý trong nghiên cứu về các hội quán người Hoa, về vùng đất Hội An và người Hoa nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.    Ban quản lý di tích Hội An,1992, Lý lịch di tích hội quán Trung Hoa.
2.    Litina - Nguyễn Cẩm Thuý (chủ biên) (1999), Bia chữ Hán trong hội quán người Hoa tại thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
3.    Nguyễn Cẩm Thúy (chủ biên), 2000, Định cư của người Hoa trên đất Nam Bộ, Nxb. Khoa học Xã hội, Thành phố Hồ Chí Minh.
4.    Phạm Thúc Hồng, 2012, Hội quán đền đài của người Hoa tại Hội An, Nxb. Đà Nẵng.
5.    Võ Thị Ánh Tuyết, 2011, Hội quán của người Hoa ở Hội An (Quảng Nam), Luận văn Thạc sĩ chuyên ngành Khảo cổ học, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG TP.HCM.

Phụ lục:
 
image001

Sơ đồ: Bố trí hoành phi, liễn đối tại hội quán Trung Hoa ở Hội An
(Nguồn: Võ Thị Ánh Tuyết, Đào Vĩnh Hợp)
 
trung hoa hoi quan
Bức hoành “中 華 會 館” Trung Hoa hội quán.
thien ha vi cong
 Bức hoành “天 下 為 公” Thiên hạ vi công.
thien hau cung
 Bức hoành “天 后 宫” Thiên Hậu cung.
hau duc phoi thien
 Bức hoành “后 德 配 天” Hậu đức phối thiên.
hiep doi tu nhan
 Bức hoành “協 戴 慈 仁” Hiệp đới từ nhân.
 an tu quang trieu
Bức hoành  “恩 賜 廣 肇” Ân tứ quảng triệu.
 hau duc tai vat
Bức hoành “厚 德 載 物” Hậu đức tải vật.
 thanh trach dong triem
Bức hoành “聖 澤 同 沾” Thánh trạch đồng triêm.
 phuc am trung quang
Bức hoành “福 蔭 重 光” Phúc ấm trùng quang.
 tu van pho chieu
Bức hoành “慈 雲 普 照” Từ vân phổ chiếu.
 hau duc trung quang
Bức hoành “后 德 重 光” Hậu đức trùng quang.
 lanh tinh phong diem
Bức hoành “浪 静 風 恬” Lãng tịnh phong điềm.
 hue phu thanh yen
Bức hoành “惠 敷 清 晏” Huệ phu thanh yến.
 cong bat vu ha
Bức hoành “功 不 禹 下” Công bất vũ hạ
Bản ảnh: Các hoành phi tại hội quán Trung Hoa ở Hội An
(Nguồn: Võ Thị Ánh Tuyết, Đào Vĩnh Hợp)

Tác giả: Võ Thị Ánh Tuyết - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG-HCM và Đào Vĩnh Hợp - Trường Đại học Sài Gòn

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây