Một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử Hội An được ghi chép trong bộ sách Đại Nam thực lục

Thứ ba - 05/09/2017 21:41
Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn, quan trọng của nhà Nguyễn do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm, từ năm Minh Mạng thứ 2 (1821) đến khi hoàn thành và khắc in xong vào năm Duy Tân thứ 3 (1909)
          Bộ sách được tổ phiên dịch của Viện Sử học phiên dịch ra tiếng Việt và xuất bản năm 2007 bởi Nhà xuất bản Giáo dục. Đại Nam thực lục được viết theo thể biên niên, chia thành 2 phần Tiền biên và Chính biên ghi chép về lịch sử Việt Nam dưới thời trị vì hơn 300 năm của chúa Nguyễn, triều Nguyễn bắt đầu từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa năm 1558 đến đời vua Đồng Khánh (1888) và sau này được viết thêm đến đời vua Khải Định (1925) được ghi trong Chính biên Đệ lục Kỷ phụ biên. Có thể nói, Đại Nam thực lục là một bộ sử liệu quan trọng cung cấp nhiều thông tin giá trị để nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20, đặc biệt là những thông tin liên quan đến vùng đất Thuận Quảng, trong đó có Hội An, Quảng Nam. Trong bài viết này, xin giới thiệu một số thông tin, sự kiện liên quan đến lịch sử Hội An mà bộ sách này đề cập.

         Vào năm Kỷ Hợi - 1719, chúa Nguyễn Phúc Chu đi thăm dinh Quảng Nam, duyệt binh mã, rồi đến phố Hội An, nhân thấy phía tây phố có cầu, là nơi thuyền buôn tụ họp, nên đặt là cầu Lai Viễn, viết chữ biển vàng ban cho.

         Năm Đinh Mão - Gia Long năm thứ 6 (1807), vào tháng 2, do dinh lỵ Quảng Nam cũ (ở xã Hội An) chật hẹp, vua sai đình thần tìm nơi địa thế cao ráo sáng sủa, vẽ đồ dâng lên. Đình thần tâu xin đặt ở xã Thanh Chiêm (thuộc huyện Diên Phúc).  Vua bèn hạ lệnh dời dựng ở đấy.

          Năm Ất Dậu – Minh Mạng năm thứ 6 (1825), vào tháng 5, vua xa giá đến phố Hội An. Tha 5 phần 10 bạc thuế cho dân Minh Hương. Qua đền Quan công cho 300 lạng bạc. Đến tháng 11, Thành thần Gia Định tâu rằng: “Sổ đinh biệt nạp của thành hạt chỉ có bốn hạng là tráng hạng, dân đinh, lão hạng và tàn tật thôi mà dân Minh Hương lại có cùng hạng được miễn thuế. Phàm 10 người cho 1 người cùng hạng là lệ của dân thực nạp. Nay dân Minh Hương cũng là dân biệt nạp như dân biệt nạp khác, há nên có riêng nặng riêng nhẹ khác nhau. Xin phàm cùng hạng ở đều đem hết làm tráng hạng mà đánh thuế như lệ. Vua theo lời xin. Người Minh Hương ở Hội An, Quảng Nam cũng sai theo lệ ấy mà thi hành”.

          Năm Kỷ Sửu - Minh Mạng năm thứ 10 (1829), người Thanh là Đặng Phúc Hưng buôn ở Quảng Nam, lấy người con gái ở phố Hội An làm vợ, ngày về chở trộm người vợ về nước. Việc phát giác, giao xuống bộ Hình bàn, xin chiếu lệ đem người và quân khí ra ngoài địa giới và ra biển, giảm một bậc mà xử tội. Phúc Hưng thì phát đi sung quân ở nơi biên viễn, người vợ thì phát làm nô ở chỗ nhất định. Nhân xin lập rõ điều cấm: “Phàm người Thanh đến ngụ ở  nước ta, ở phố làm dân, đã đăng vào sổ hàng bang, thì mới được cùng dân lấy vợ lấy chồng, bất kỳ đến buôn bán thì đều cấm không cho như thế. Làm trái thì đàn ông đàn bà đều tội mãn trượng, và phải ly dị; người chủ hôn đồng tội, người mối lái, người bang trưởng và người láng giềng đều tội giảm một bậc. Quan địa phương biết mà cố ý dung túng thì giáng 1 cấp, đổi nơi khác. Nếu nhân thế mà chở đem về nước Thanh thì người đàn ông phát sung quân nơi biên viễn, người đàn bà phát làm nô ở chỗ nhất định, chủ hôn giảm một bậc, người mối, bang trưởng, láng giềng đều tội mãn trượng. Quan địa phương cố ý dung túng, tấn thủ không xét hỏi ra thì quan giáng 4 cấp đổi đi, lính trượng 90, có hối lộ mà dung túng thì kể tang mà trị theo luật nặng...”

          Năm Kỷ Sửu – Tự Đức năm thứ 8 (1855), Nguyễn Văn Hiển là con Nguyễn Văn Điển, nguyên Tổng đốc Định - An, đã quá cố, người xã Thành Hà, tỉnh Quảng Nam trỡnh ở Pháp ty xin cho ấm thụ. Vua cho Hiển được ấm thụ hàm Chánh thất phẩm và theo học tập ở bộ. Vua Dụ rằng: Từ nay về sau con các quan viên, lệ đáng cho ấm thụ, nếu tuổi đã trưởng thành, có thể làm việc được thì: văn do bộ Lại, võ do bộ Binh, đều tư hỏi, xét thực làm bản tâu lên đợi Chỉ; hoặc những người ấy phải tới Bộ trình bẩm rõ ràng, để Bộ đề tâu, chứ không được vượt bậc kêu xin, để răn những kẻ cầu cạnh tiến thân.

           Năm Đinh Tỵ - Tự Đức năm thứ 10 (1857), chiếc thuyền buôn của người Tây dương bị bão giạt vào phần cửa biển Đại Áp, tỉnh Quảng Nam. Trong thuyền có 8 người nước Thanh xin ở lại phố Hội An, đợi thuyền của người Thanh đến thì đáp nhờ... Vua sai cấp cho tiền lộ phí hàng ngày, miễn thuế lệ cho thuyền buôn đậu ở cửa biển Đại Chiêm, các tỉnh luân chuyển nhau đưa đi và cấp cho áo quần.

           Năm Kỷ Hợi - Thành Thái năm thứ 11 (1899), định ra những việc cần làm để chỉnh lý các thị xã: “...Các thị xã ở kinh thành và Thanh Hóa, Nghệ An cùng các hạt Hội An ở Quảng Nam, Quy Nhơn ở Bình Định... Ranh giới thị xã ở các phủ tỉnh ấy sẽ do Trú kinh Khâm sứ đại thần bàn bạc với bề tôi Cơ mật viện phân định để có thống thuộc. Mỗi thị xã phải có ngân sách thu chi riêng, vẫn do quan phủ tỉnh giúp đỡ quý Trú sứ bàn nghĩ lập thành sổ sách đệ lên trước ngày 1 tháng 12 Tây lịch hàng năm để Khâm sứ đại thần cùng Cơ mật viện duyệt định sẽ phát hồi tuân biện. Ngân sách ấy đã được duyệt, nếu trong đó có khoản nào phải thay đổi thì trình lại quý Khâm sứ đại thần với bề tôi Cơ mật viện nghĩ đổi định. Lại ngoài hai khoản thuế đinh điền thu riêng nhập vào tổng sách thì các hạng thuế ở thị xã như thuế dọn rác, tiền phạt bắt nhốt súc vật chạy rông, thuế lò mổ, thuế hiệu cầm đò, các khoản thuế chợ, thuế xe tay và các hạng xe chở thuê nhất thời đều giao cho quý Khâm sứ đại thần bàn với bề tôi Cơ mật viện nghĩ định. Thuế trưng thu bất thường đều do các thị xã ấy thu biện, tới như các hạng thuế cửa hiệu buôn bán và nghề khác sẽ bàn nghĩ riêng. Còn các khoản mà thị xã ở các phủ tỉnh cần chi tiêu như đèn đường, tuần phòng thị xã, sửa sang đường sá, dọn rác, thiết lập trường học và Sở Tế bần, giữ gìn đất mộ cùng tất cả những việc có ích cho thị xã, xây dựng tu bổ và chọn người giữ gìn các nha sở đền miếu trong thị xã đều do ngân sách thu chi của thị xã chi biện, nếu không đủ sẽ do quý Khâm sứ đại thần nghĩ cách giúp đỡ...” 

          Đến năm Tân Sửu - Thành Thái năm thứ 12 (1901) đặt lệ mua bán đất trong thị xã: “... Địa phận các thị xã ở kinh thành, Nghệ An, Thanh Hóa, Hội An, Quy Nhơn và Phan Thiết nơi nào không có nhà người bản quốc cư trú hoặc xây dựng ở tạm đều cho thuộc về đất công trong địa phận các tỉnh ấy. Những đất ấy tại các phủ tỉnh, ở kinh thì có Công sứ Thừa Thiên, Thượng thư bộ Hộ và quan phủ Thừa Thiên, ở tỉnh thì có Công sứ và quan tỉnh hội đồng bàn nghĩ thỏa thuận. Tới như đất đai mà người bản quốc cư trú nếu nhiều đời truyền lại đã lâu, hoặc dựng nhà ở lâu năm thì chủ đất sẽ có chứng nhận của quan, trừ nơi nào phải đặc biệt lưu lại để tiện xây dựng nha thự quan viên, đình chùa đền miếu và phủ đệ của hoàng thân, vương công, công chúa và đường cái, bến sông, trại lính, những đất mà thị xã tỉnh ấy đã đưa vào bản đồ thì không được xâm phạm...”

           Có thể nói, những thông tin liên quan đến Hội An được ghi trong bộ sách Đại Nam thực lục cung cấp nhiều tư liệu có giá trị để nghiên cứu lịch sử - văn hóa Hội An thời chúa Nguyễn, nhà Nguyễn.
 

Tác giả: Phạm Phước Tịnh

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây