Chiến trường Quảng Đà nói chung và Hội An nói riêng vô cùng ác liệt. Bộ đội chính quy phần lớn rút về căn cứ để “chỉnh quân” hoặc phân tán nhỏ lẻ hoạt động nhằm bảo toàn lực lượng. Cán bộ, du kích và bộ đội địa phương bám trụ trong các xóm làng không có dân, thường gọi là “vùng trắng”, quần lộn với địch để hoạt động, vô cùng khó khăn gian khổ và ác liệt.
Khoảng giữa tháng 5 năm 1968, lúc bấy giờ tôi phụ trách trạm giao liên của Văn phòng Thị ủy thị xã Hội An, Quảng Đà. Gọi là “trạm” nhưng chỉ có hai anh em, tôi 15 tuổi và em Nguyễn Sưa - 13 tuổi là liên lạc của xã Cẩm Thanh mới rút lên ở trong nhà anh chị Tám Quang tại thôn 5, xã Xuyên Thọ (nay là Duy Nghĩa), huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Đà.
Vào một buổi trưa của tháng 5, tôi không nhớ ngày, đang ở trạm giao liên thì có một thanh niên người dong dỏng cao, nước da trắng trẻo, đẹp trai bước vào hỏi thăm đây có phải là trạm giao liên của Thị ủy Hội An không? Tôi đang lưỡng lự tìm câu trả lời thì anh chủ động tự giới thiệu là Chu Cẩm Phong - Cán bộ Ban Tuyên huấn Khu 5 về công tác và cần gặp đồng chí Bí thư Thị ủy.
Trời đã quá trưa, tôi đoán chắc anh đói bụng nên mời anh ăn tạm buổi trưa với tôi. Anh thật thà không từ chối. Tôi chia cho anh mấy củ khoai lang luộc và phần tôi mấy củ. Trông anh ăn có vẻ ngon lành, tôi đưa một gáo nước mưa lấy từ trong chum nước đầu nhà, anh uống ừng ực rất thoải mái. Anh bảo, thế là em đã cho anh qua một cơn đói khát và hỏi thêm “buổi trưa em ăn chỉ có vậy thôi à!”. Tôi thành thật trả lời, khẩu phần ăn của em chỉ có vậy, hôm nào bọn Mỹ đánh bom hoặc càn quét thì chỉ có nhịn đói. Anh cười thật hiền.
Mới giữa tháng 5, mà trời nắng nóng gay gắt, tôi đưa anh Chu Cẩm Phong vừa đi, vừa chạy băng qua một trảng cát rộng - phần vì cát dưới chân nóng rát, phần vì sợ máy bay trực thăng Mỹ lùng sục bất chợt (ở vùng này thường bị vậy), đến gặp đồng chí Ngô Xuân Hạ - Bí thư Thị ủy làm việc ở nhà ông Ba Tôn, nơi đây là văn phòng Thị ủy Hội An. Đồng chí Bí thư rất mừng được gặp lại Chu Cẩm Phong, hơn nữa đồng chí Hạ cũng rất thân quen với gia đình của anh. Hai người làm việc với nhau, tôi trở lại trạm giao liên. Vừa qua khỏi trảng cát trống trơ, nghe thấy tiếng động cơ máy bay từ xa, tôi vừa nấp vào bụi cây thì hai chiếc máy bay trực thăng HU-1A Mỹ trờ tới. Chúng nghi vấn quần đảo một lúc, không phát hiện được gì chỉ bắn một tràng đại liên và Rốc - kết vu vơ rồi bay đi. Thật may vô cùng, nếu nó đến sớm một chút thì không biết điều gì sẽ xảy ra.
Gần chiều, đồng chí Bí thư Ngô Xuân Hạ cho gọi tôi đến nhà Bà Khuê ở thôn 3, Xuyên Thọ, cách Văn phòng khoảng hơn một cây số. Đến đây tôi đã thấy đồng chí Bí thư, anh Chu Cẩm Phong và anh Hải bảo vệ đang đợi. Đồng chí Bí thư giao nhiệm vụ cho tôi bằng mọi cách phải đưa anh Chu Cẩm Phong về Cẩm Thanh, bắt liên lạc với lãnh đạo và du kích xã để anh làm việc và nắm tình hình vùng ven thị xã...
Tôi báo cáo với đồng chí Bí thư và cũng nói to cho anh Chu Cẩm Phong nghe: Tình hình ở Cẩm Thanh hiện nay là “vùng trắng” khó khăn, ác liệt lắm, ngày nào bọn Mỹ cũng thả bom bắn phá. Đặc biệt vượt qua sông Thu Bồn gần Cửa Đại rất nguy hiểm sợ không an toàn. Anh Chu Cẩm Phong liền nói, tháng trước anh đã cùng bộ đội Thị về Cẩm Thanh, anh em cán bộ, du kích ở được thì mình ở được, không lo ngại gì cả. Đồng chí Hạ trầm ngâm suy nghĩ một lúc và quyết định chuyến đi. Đồng chí Bí thư dặn dò tôi một số điều cần thiết và nhắc nhở phải hết sức cẩn thận, giữ an toàn và về sớm.
Khoảng 9 giờ tối, tôi đưa anh Chu Cẩm Phong đến một bến sông gọi là Cống Rong, nấp trong đám dừa nước bên bờ hạ lưu sông Thu Bồn. Nhìn bên kia, cách hơn một cây số, cuối dòng sông là Cửa Đại, trên bờ là đồn bốt bọn Mỹ - Ngụy dày đặc, dưới sông bọn hải thuyền chạy qua, chạy lại tuần tra suốt đêm, dưới vầng sáng điện lờ mờ. Đối diện Cống Rong là bờ sông thuộc thôn 2 xã Cẩm Thanh, hai bờ cách nhau khoảng hơn một cây số. Đêm tối rất vắng lặng, tôi hỏi anh Chu Cẩm Phong có bơi được không? Anh bảo hồi nhỏ anh cũng đã bơi trên dòng sông này - phía trên kia, anh chỉ tay về phía Hội An. Giọng anh trầm xuống “hơn 15 năm rồi anh chưa trở lại”.
Quần áo, súng đạn của tôi và anh bọc trong hai túi ni lông. Tôi thông báo với anh kỷ luật và phương pháp vượt sông này. Đặc biệt là xử lý tình huống nếu gặp máy bay trực thăng Mỹ đi soi đêm hoặc hải thuyền của chúng tuần tra. Theo dõi tình hình thấy yên tĩnh, gần nửa đêm tôi hô gọn trong bóng tối: “lệnh xuất phát” - anh nhìn tôi và cười. Chỉ có hai anh em ôm hai bọc ni lông bơi qua sông. Nhìn bầu trời đầy sao lung linh giữa dòng nước mát lạnh, tôi mơ tưởng nếu không có chiến tranh, không có bọn giặc đang rình rập kia, mình tự do thả người trôi trên sông này thì thú vị biết bao nhiêu. Đây là dòng sông quê tôi, hồi còn nhỏ tôi và bạn bè cùng trang lứa trốn học bơi lội, ngụp lặn trên dòng sông này không biết bao nhiêu lần. Tuổi thơ hồn nhiên cắp sách tới trường, mơ ước một ngày mai tươi sáng. Nhưng rồi giặc Mỹ đến, bắt tôi phải cầm súng. Dòng sông quê hương gắn liền với mẹ, với tuổi thơ tôi và cuộc chiến đấu đầy hiểm nguy, ác liệt. Bạn bè, đồng đội của tôi nhiều người mãi mãi nằm lại trên dòng sông này.
Thấy anh hơi mệt, tôi bơi sát bên cạnh động viên anh cố lên và cuối cùng chúng tôi cũng đã vượt sông an toàn. Lên bờ mặc quần áo vào đi được vài chục mét, may quá tôi gặp anh Ba - Trung đội trưởng trinh sát đặc công Thị đội Hội An. Anh là người cùng xã, quen biết tôi hồi còn nhỏ và khi tôi về Đội giao liên của thị xã Hội An, cũng gặp anh nhiều lần nên anh rất thương tôi. Tôi nhanh nhạy chỉ tay về phía anh Chu Cẩm Phong vừa giới thiệu, vừa ra vẻ như khoe: “Đây là nhà văn Chu Cẩm Phong, cán bộ tuyên huấn Khu 5 về công tác”. Tôi tưởng anh vui mừng được gặp cán bộ khu, ai ngờ anh mắng tôi như tát nước “Ở đây tình hình đang rất ác liệt, ngày nào máy bay bọn Mỹ cũng thả bom vài ba lần, bọn lính Mỹ ở Cầu Cống lùng sục, phục kích, bọn Ngụy ở sông Đò lấn ra vây ráp, càn quét, anh em ta đói khát, thương vong nhiều, nguy hiểm lắm. Trong lúc nước sôi lửa bỏng như thế này tại sao mày dám đưa cán bộ Khu về đây để “nướng” à”. Anh Ba nhận ra mình đã nói lỡ lời, liền xoa đầu tôi và nói với anh Chu Cẩm Phong “xin lỗi, nói vậy chứ thằng nhỏ này được lắm đó”. Cả ba chúng tôi cùng cười.
Anh Ba trực tiếp đưa chúng tôi về cuối thôn 3, xã Cẩm Thanh, đến một túp lều tranh xơ xác nằm sát rừng dừa nước Bảy mẫu, được ngụy trang che chắn rất kín đáo. Đây là “ Bản doanh” của ông Phạm Trợ - một lão du kích kỳ cựu bám trụ trên vùng đất đầy nguy hiểm và vô cùng gian khổ, là nơi cán bộ, bộ đội về bắt liên lạc làm việc với địa phương. Gặp được ông Phạm Trợ (gọi là ông Trợ già) tôi mừng quá vì ông là người bà con họ hàng, rất thân thiết với ông nội của tôi. Mới vừa đến nơi, sáng sớm máy bay khu trục Mỹ đã đến dội hai trận bom thật khủng khiếp. Tôi nói với anh Chu Cẩm Phong bọn Mỹ thật lịch sự và biết điều. Chúng nghênh tiếp anh em mình bằng hai trận bom nổ vang rền nghe “cũng đã”. Anh xoa đầu tôi, mày là dân Quảng Nam thứ thiệt, gần chết đến nơi rồi mà còn nói trạng. Hai anh em cùng cười vui. Gần trưa, ông Trợ già báo với mấy anh cán bộ xã đến gặp và trao đổi công việc với anh Chu Cẩm Phong. Tôi ra mò cua tôm, bắt cá dưới các gốc dừa nước để chiêu đãi anh Chu Cẩm Phong đặc sản của quê tôi. Chiến tranh, đạn bom ác liệt, “vùng trắng” không ai khai thác nên cua cá rất nhiều.
Đến tối, tôi đưa anh Chu Cẩm Phong về cuối thôn 6, Cẩm Thanh. Hai anh em chọn một hố bom sâu hoắm bên bờ Sông Đò để nằm quan sát, phía trước là một đám dừa nước che kín. Bên kia bờ sông cách chừng 50 mét, qua một đám ruộng là con đường nhựa chạy từ thị xã Hội An đi Cửa Đại. Đã hơn 10 giờ đêm mà xe nhà binh của bọn Mỹ - ngụy chạy ầm ầm trên đường. Có lẽ chúng đang chuyển quân hoặc đang tuần tra để bảo vệ Hội An, quận lỵ Hiếu Nhơn, cầu Phước Trạch và đồn Cửa Đại... Nhìn xuống phía bên kia sông khoảng hơn 100 mét là Cẩm An, nằm sát biển, có cầu Phước Trạch, hai bên đầu cầu là đồn bốt của bọn Mỹ- ngụy, Nam Triều Tiên. Ánh sáng của đèn điện, treo trên các cọc sắt hàng rào dây thép gai phả xuống mặt sông lấp lánh. Tưởng chừng như ta chỉ đưa tay ra là sờ đến bọn chúng. Xa xa về phía Tây là trung tâm thị xã Hội An, ánh điện rực sáng một góc trời. Anh Chu Cẩm Phong đang trầm ngâm suy nghĩ, bỗng anh nói với tôi “mình chỉ cần bơi qua 50 mét, bước lên con đường nhựa kia và đi chừng 10 phút là đến Hội An. Dưới cái đám sáng vàng nhợt kia là má của anh và bao nhiêu người thân yêu đang ở đó”, giọng anh rất xúc động “thế mà bao nhiêu năm rồi anh vẫn chưa đi qua được đoạn đường ngắn ngủi ấy và không biết đến bao giờ...”
Tôi nói với anh rằng, từ con đường nhựa kia đi bộ chưa đầy 5 phút, qua khỏi cái Cầu Cống ấy là khu tập trung của bọn Mỹ - ngụy. Nơi ấy trong các dãy nhà tôn trống huơ, trống hoác có ông bà nội của em, con cháu rất nhiều nhưng đều đi tham gia cách mạng, nhiều người đã hy sinh bây giờ chỉ có hai ông bà đã già yếu không ai chăm sóc, đã lâu lắm em không biết ông bà sống ra sao. Tôi cảm thấy môi mình mặn mặn, không biết muối từ gió biển thổi vào hay nước mắt trên hai gò má của tôi lăn xuống. Tôi nghẹn ngào xúc động.
Đêm khuya gió từ Cửa Đại thổi vào nghe lành lạnh. Hai anh em nằm im không nói gì. Có lẽ mỗi người đều có suy tư riêng, nhưng tôi tin có một điều chung là đang nghĩ về quê hương, gia đình, về những người thân yêu đang xa cách, về cuộc chiến đấu đầy ác liệt, gian khổ, hy sinh, nhưng vững một niềm tin chiến thắng.
Bỗng hàng tràng súng đại liên bắn xối xả từ đồn Mỹ đầu cầu bên kia, đạn bay như những luồng lửa xé nát trời đêm. Tiếng đạn nổ rít lên ghê rợn ngay trên đầu, cắm phầm phập bên dưới các bụi dừa nước phía trước mặt. Tiếng đại bác “từng bầy” bắn từ tàu Mỹ ngoài biển vào gầm rú, nổ chát chúa xung quanh nghe lạnh người. Tình hình y như anh Ba trinh sát mắng tôi hôm trước ở bờ sông. Tôi giục anh Chu Cẩm Phong về nhưng anh bảo để anh nằm thêm một chút nữa ở vùng ven không dễ gì có được này.
Khoảng ba giờ sáng, hai anh em về đến “bản doanh” của ông Trợ già. Mới bước vào đã thấy ông ngồi bên miệng hầm bảo: “tụi bay đi lâu rứa, nghe tiếng Ca - nông nổ ầm trời ở phía nớ, tau lo quá, thôi rửa mặt rồi ăn cháo, chú mới nấu, cá từ dưới mương dừa vừa bắt lên đó, tươi lắm!”. Càng về sáng trời sương lạnh, cơn đói đến cồn cào, mặc cho tiếng đại bác gầm rú, hai anh em ăn ngon lành, húp cháo soàn soạt. Ông Trợ già nhìn hai anh em tôi, vừa lắc đầu vừa cười...
Mới chợp mắt được một chút mà đã đến 10 giờ sáng, một trận bom dữ dội nổ gần căn hầm có mấy anh du kích ở. Tiếng la hét náo động, tiếng kêu cứu sụp hầm, tiếng bước chân chạy thình thịch đào bới căn hầm bên cạnh, có một anh du kích bị mảnh bom sượt qua mông. Rất may tất cả đều an toàn. Ngày hôm đó anh Chu Cẩm Phong tiếp tục trao đổi công việc với các anh cán bộ du kích địa phương và cán bộ Thị đội để thu thập tài liệu về các trận đánh của ta từ đầu năm đến nay ở Hội An. Buổi tối tôi đưa anh đi nói chuyện với anh em du kích địa phương. Anh muốn ngủ lại với anh em du kích nhưng vì nửa đêm bọn địch ở đồn Gành bắn đại liên đạn bay sáng rực, trên trời máy bay Đơ - Cu - Ta (loại cánh quạt) quần đảo thả pháo sáng, khạc ra những tràng súng đại liên nghe như bò rống, tôi sợ không an toàn nên đưa anh về lại “bản doanh” ông Trợ già. Sáng hôm sau, qua hai trận bom có báo động bọn “Mỹ lếch” đang xuống lùng sục. Gọi là “Mỹ lếch” vì bọn lính Mỹ đi phục kích từng toán nhỏ, rất bí mật và thủ đoạn tinh vi. Cán bộ, bộ đội du kích thường bị động và tổn thất với bọn này. Anh Ba và hai chiến sĩ trinh sát đưa tôi và anh Chu Cẩm Phong vào sâu trong rừng dừa Bảy mẫu để lẩn tránh. Anh Ba trao đổi với anh Chu Cẩm Phong, tình hình này hai anh em không thể bám trụ ở đây được nữa, cần trở lại Duy Xuyên ngay trong đêm nay và anh cử hai chiến sĩ đặc công nước đưa anh Chu Cẩm Phong và tôi vượt sông trở lại Xuyên Thọ. Chúng tôi không kịp chia tay ông Trợ già. Anh Ba đưa anh em tôi ra bờ sông, rất lưu luyến và cảm động. Sau này anh Ba hy sinh trong khi chỉ huy đánh đồn địch ở Cồn Chài, Hội An. Và ông Phạm Trợ được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Sáng hôm sau về đến cơ quan ở Xuyên Thọ, Duy Xuyên đồng chí Ngô Xuân Hạ rất mừng vì chuyến đi tuy có khó khăn nhưng trở về an toàn. Anh Chu Cẩm Phong báo cáo được kết quả rất tốt. Anh là người làm việc không biết mệt mỏi. Tuy mới ở vùng ven trở về nhưng hôm đó anh tiếp tục làm việc với mấy anh Tuyên huấn Thị xã, có cả cô Bảy Nhành cụt tay là Trưởng ban Thương binh Xã hội của Thị xã, cô rất yêu văn nghệ, ở nhà bà Khuê thôn 3 xã Xuyên Thọ bên cạnh căn hầm tránh bom, pháo. Tôi ngồi bên ngoài giỏng tai nghe say sưa anh nói về văn hóa, văn nghệ chống Mỹ, về phát động phong trào văn nghệ quần chúng, sáng tác ca dao chống Mỹ, động viên tinh thần cán bộ, bộ đội, nhân dân hăng say lao động chiến đấu... Trước khi chia tay anh Chu Cẩm Phong, tôi đưa một quyển sổ tay của tôi đã chép nhiều bài thơ của Tố Hữu, Thu Bồn, Dương Hương Ly... vì tôi rất yêu thơ từ nhỏ và nói “anh viết tặng cho em một bài thơ để làm kỷ niệm”. Sáng hôm sau, trước khi lên đường anh trả lại quyển sổ, tôi rất mừng, nhưng khi đọc mấy dòng:
“Con ong làm mật yêu hoa/ Con cá bơi yêu nước/Con chim ca yêu trời/Con người muốn sống con ơi/ Phải yêu đồng chí yêu người anh em/...”.
Tôi bảo đây là thơ của Tố Hữu, không phải của anh. Anh bảo đúng thế, anh viết văn chứ không làm thơ. “Khi nào đó anh sẽ viết một câu chuyện về em”.
Cuối năm 1968, tôi được ra miền Bắc chữa bệnh và học tập. Đầu 1970, đồng chí Ngô Xuân Hạ ra Hà Nội chữa bệnh đến thăm tôi và có đưa cho tôi một tờ báo “Cờ giải phóng” của Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ đã ngả màu bảo rằng anh Chu Cẩm Phong gửi tặng tôi, nhưng vì không có người ra miền Bắc nên chú Hạ giữ lại đến bây giờ mới trực tiếp mang ra cho tôi. Trong số báo này có đăng bài bút ký “Gió lộng từ Cửa Đại”, có lẽ anh tặng tôi làm kỷ niệm những ngày ở vùng ven Hội An.
Giữa năm 1971, tôi nhận được tin đau đớn anh Chu Cẩm Phong đã hy sinh tại chiến trường Duy Xuyên, Quảng Đà.
Trong suốt cuộc đời công tác, chiến đấu trên khắp mọi miền của Tổ quốc thân yêu và trên chiến trường các nước bạn đã để lại trong tôi nhiều niềm vui nỗi buồn. Nhưng mấy ngày ngắn ngủi đi cùng anh Chu Cẩm Phong về vùng ven Hội An năm ấy là một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời binh nghiệp của mình.
Kỷ niệm 76 năm ngày sinh của anh (tháng 8/1941 - 8/2017), 46 năm ngày anh ra đi (1/5/1971 - 1/5/2017) và ngày thương binh liệt sĩ 27/7, tôi viết mấy dòng kể lại một “ kỷ niệm vùng ven” như một nén hương lòng tưởng nhớ Chu Cẩm Phong - người anh quê hương, người đồng chí kiên cường, một nhà văn - chiến sĩ - liệt sĩ - anh hùng...
Tác giả: Lê Ngọc Nam
Nguồn tin: www.vannghedanang.org.vn:
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn