Thông tin về lịch sử văn - văn hóa làng/xã Thanh Hà qua một số tư liệu

Chủ nhật - 16/07/2017 22:05
Thanh Hà là một trong những làng/xã có diện tích khá rộng, nằm ở phía Tây và Tây Bắc của thành phố Hội An hiện nay. Đây là một trong những làng/xã được hình thành sớm ở Hội An, vào khoảng thế kỷ XVI-XVII. Trải qua quá trình lịch sử, đến dưới thời Nguyễn, làng Thanh Hà được phát triển mở rộng với 13 ấp gồm Hậu Xá, An Bang, Nam Diêu, Bộc Thuỷ, Thanh Chiếm, Bàu Súng, Bàu Ốc, Đồng Nà, Bến Trễ, Trà Quế, Trảng Kèo, Cửa Suối, Cồn Động. Hiện nay, diện tích làng/xã Thanh Hà là địa bàn chính của phường Thanh Hà, xã Cẩm Hà và một phần phường Cẩm An. Nhiều di sản văn hóa của làng do các thế cư dân sáng tạo, vun đắp đã được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh hoặc đưa vào danh mục bảo vệ của thành phố Hội An.
          Ghi chép những vấn đề liên quan đến lịch sử, văn hóa làng Thanh Hà, hiện nay có nhiều nguồn tư liệu như văn bia, khế ước, gia phả, địa bộ, bản khai... Trong bài viết này xin giới thiệu một số thông tin được ghi chép trong địa bộ và bản khai folklore về làng xã ở Quảng Nam.

          Theo địa bộ làng Thanh Hà được lập vào thời đầu triều Nguyễn, xã Thanh Hà là 1 trong 19 đơn vị hành chính thuộc tổng Phú Triêm Hạ, huyện Diên Khánh (sau đổi là huyện Diên Phước), phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Diện tích toàn xã là 2295 mẫu, 9 sào, 14 thước, 9 tấc. Trong đó công điền có 190 mẫu, 2 sào, 1 thước, 5 tấc; Tư điền có 290 mẫu, 8 sào, 11 thước, 3 tấc; Công thổ có 4 mẫu, 3 sào; Tư thổ có 5 mẫu, 5 sào, 1 tấc; Công điền cho nơi khác có 1 sào; Tư điền của người nơi khác có 1 mẫu, 6 sào; Thần từ Phật tự có 5 mẫu; Mộ địa có 372 mẫu, 2 sào, 14 thước; Thổ phụ có 260 mẫu, 1 sào, 8 thước; Hoang nhàn có 1165 mẫu, 9 sào, 11 thước. Địa giới xã Thanh Hà giáp với các làng/xã gồm: Phía đông giáp với xã phụ lỹ Cẩm Phô, xã Tân An, xã An Mỹ, phường Xuân Mỹ thuộc tổng An Nhơn Trung, châu Kim Bồng thuộc Hoa Châu huyện Duy Xuyên, xã Hòa An. Ranh giới có cọc làm mốc; Phía tây xã Thanh Hà giáp với xã Phú Chiêm thuộc tổng An Nhơn Trung, xã Lai Nghi, xã An Lưu; Phía Nam giáp với xã An Mỹ, xã Tân An và sông; Phía bắc giáp xã Tân An, xã Hòa An. Ranh giới có cọc làm mốc. Hiện nay, dọc khu vực sông Đầm từ Lai Nghi xuống Bộc Thủy còn có những cọc đá ghi địa giới làng Thanh Hà mà dân gian nơi đây thường gọi là ông mốc.  

            Ghi chép nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa làng Thanh Hà là bản khai folklore về làng xã ở Quảng Nam do Viện Viễn Đông bác cổ thực hiện vào năm 1941-1943. Trong tài liệu này, ở Hội An, ngoài làng Thanh Hà còn có nhiều làng/xã khác cũng được ghi chép. Về làng Thanh Hà, bản khai này cho biết Tiền hiền của làng Thanh Hà có 8 vị tiền hiền của 8 tộc gọi là bát tôn, gồm tiền hiền tộc Nguyễn Văn, Nguyễn Viết, Nguyễn Đức, Nguyễn Kim, Ngụy Như, Bùi Phước, Võ Đình, Võ Văn. Cư dân làng Thanh Hà sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau. Bên cạnh nghề nông là chủ yếu, còn có nghề đánh bắt cá và các nghề thủ công như nghề làm gạch, ngói, đồ gốm. Cư dân ấp Cồn Động làm chủ yếu nghề đánh cá, có tục đi biển gặp cá ông lụy thường vớt đêm chôn cất và xin sắc phong phụng thờ để mong được ngài ngọc lân che chở, phù hộ. Nghề làm gạch, ngói của làng rất phát triển, một số thợ gạch ngói rành nghề đã được triệu tập về làm ở tượng mục, kinh thành Huế. Tư liệu cho biết, vào năm 1943 làng Thanh Hà còn giữ những sắc bằng của triều đình cho những thợ làm gạch ngói của làng ở tượng mục như bằng cấp cho ông Bùi Phước Thạnh nghề nung ngói và gạch lưu ly trật Chánh cửu phẩm tượng mục vào năm Minh Mạng thứ 10, sắc phong vào năm Thiệu Trị thứ 2 cho ông Bùi Phước Châu về nghề nung ngói thưởng trật tòng Cửu Phẩm tượng mục.

           Cư dân làng Thanh Hà cũng nối tiếng về hiếu học, từng thi đổ và giữ những chức quan lớn của triều đình Nguyễn như ông Thượng thư bộ binh Nguyễn Văn Điển, Hồng lô tự khanh Nguyễn Duy Hiệu. Bản khai làng Thanh Hà còn cung cấp thông tin về ông Nguyễn Viết Tường được sắc phong thăng chức Hàn lâm viện tu soạn vào năm Tự Đức thứ 1, ông Nguyễn Văn Tảo được cấp bằng bổ thọ Bác phẩm thơ lại vào năm Tự Đức thứ 2.

          Những di tích của làng Thanh Hà được ghi chép trong tài liệu có đình làng, nhà thờ Tiền hiền, miếu Văn Thánh, nhà thờ tộc Nguyễn Văn, nhà thờ tộc Nguyễn Viết, nhà thờ tộc Võ Đình, nhà thờ tộc Võ Văn, nhà thờ tộc Ngụy, lăng Tam vị, chùa Vạn Đức, chùa Phước Lâm, chùa Long Tuyền, chùa Phước Long.  Riêng đình làng Thanh Hà được ghi chép khá chi tiết. Đình tọa lạc tại khu rừng dương xanh tốt, có lối dẫn vào ở phía đông cống An Điện trên đường quan lộ từ Vĩnh Điện xuống Faifo. Bên cạnh lối dẫn vào đình có cây đa cổ thụ. Đình làng Thanh Hà có quy mô rất lớn, làm toàn bằng gỗ là cây danh mộc, tường xông xây gạch, mái lợp ngói dày. Bố cục ngôi đình gồm có tiền đình và hậu tẩm. Tiền đình kết cấu kiểu 3 gian 2 chái. Trong hậu tẩm có một bàn thờ bằng gỗ thờ Đại Càn và một cái quỵ để sắc. Giữa tiền đình đặt bàn hương án sơn son thếp vàng ba mặt, gian hai bên của tiền đình đặt  bàn thờ Tiền hiền. Mặc dù không rõ niên đại xây dựng nhưng tư liệu cho biết đình Thanh Hà được tu bổ vào năm Khải Định thứ 4. Bên cạnh ngôi đình còn có miếu thờ Ngũ Hành Tam Vị và nhà thờ Tiền hiền.
 
hinh dinh thanh ha

Đình Thanh Hà 
 
          Về tín ngưỡng, lúc bấy giờ làng Thành Hà còn giữ được 27 đạo sắc phong trong thời gian từ thời vua Minh Mạng đến thời vua Duy Tân phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự cho các vị thần như thần Nam Hải Ngọc Lân, Thành Hoàng, Tứ Dương Thành Phủ, Bạch Mã, Đại Càn, Ngũ hành Tiên Nương, Chúa Ngọc, Quan Thánh.

          Về tế tự, tại đình Thanh Hà hằng năm có cúng 2 kỳ vào ngày rằm tháng 3 và ngày 18 tháng 8 âm lịch. Lễ cúng ở nhà Tiền hiền, miếu Thành Hoàng và miếu Ngũ Hành cũng vào các ngày này. Lễ tế Ngọc Lân vào ngày 13 tháng 3 và 13 tháng 10 âm lịch. Ngoài ra, trong làng còn có lễ tế tống khách vào ngày mồng 10 tháng giêng.

          Tư liệu địa bộ và bản khai folklore về làng Thanh Hà cung cấp nhiều thông tin quý để nghiên cứu, nhận diện sâu về lịch sử văn hóa làng Thanh Hà nói riêng, Hội An nói chung. Trong đó, đặc biệt là truyền thống hiếu học và vai trò của nghề thủ công làm gạch, ngói của làng thời triều Nguyễn.
 

Tác giả: Võ Hồng Việt

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An:

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây