Việc quản lý, tổ chức khai thác nguồn lợi biển đảo này được thực hiện khá sớm ngay từ thời Champa và kế đó là thời các chúa Nguyễn và vua triều Nguyễn. Địa phương được các chúa Nguyễn và triều Nguyễn giao quản lý và khai thác nguồn lợi này là làng Yến Thanh Châu ở Hội An. Tuy nhiên những tư liệu liên quan còn lại rất hiếm hoi để có thể nhận biết một cách tương đối về vấn đề này. Gần đây chúng tôi đã sưu tầm được một số tư liệu Hán Nôm hiện được lưu giữ tại Hội An, Khánh Hòa liên quan đến nghề khai thác yến sào Thanh Châu. Cùng với những thông tin về hoạt động của nghề yến Thanh Châu, về các cá nhân liên quan đến quá trình quản lý khai thác yến sào vào triều Nguyễn, các tư liệu này còn cung cấp những thông tin về cách thức quản lý khai thác cho thấy các vua triều Nguyễn ngay từ rất sớm đã chú trọng xác lập chủ quyền biển đảo và thực hiện sự kết hợp giữa khai thác kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Số tư liệu này gồm 30 bản sao các văn bản: 1/ Sắc phong, sắc chỉ, chiếu chỉ, lệnh chỉ, chỉ thị của các vua triều Nguyễn từ Gia Long đến Thành Thái; 2/ Văn bằng, trát văn, công văn, tờ truyền của bộ Binh, bộ Hộ, công đường dinh Quảng Nam, tỉnh đường Quảng Ngãi, Định Biên; 3/ Bản tâu, đơn xin, trình bẩm của các cá nhân phụ trách yến đội, yến hộ qua các đời.
Niên đại sớm nhất của các văn bản này là năm Gia Long 3 (1804), niên đại muộn nhất là Thành Thái 8 (1896). Đây là các bản sao lại từ văn bản gốc. Việc sao chép này được thực hiện vào khoảng đầu thế kỷ XX. Chúng tôi không tìm thấy bản gốc và theo thông tin từ các gia đình lưu giữ tư liệu thì chúng đã bị thất lạc. Tuy là các bản sao nhưng chúng rất đáng tin cậy do người sao chép rất am tường về chữ Hán, căn cứ vào thư pháp và cách sao chép. Những chữ bị mất, những chỗ bị hư rách, các ấn triện đóng ở văn bản gốc cũng được chú ý ghi lại. Các sắc phong người chép ghi chú “
Có dấu sắc mệnh chi bửu”, văn bằng thì ghi “
Có dấu Hộ bộ đường chi ấn” hoặc “
Có dấu Binh bộ đường chi ấn”. Những chỗ bị rách, mất chữ thì ghi “
mất một số chữ” v.v…
Văn bản năm 1804 là trát văn của công đường dinh Quảng Nam sai phái Hồ Văn Hòa, người giáp Đông, xã Thanh Châu làm đội trưởng yến đội để dẫn người canh giữ các hang yến không cho kẻ lạ đột nhập. Như vậy là, ngay sau khi tình hình đất nước ổn định, chính quyền quy về một mối thì nhà Nguyễn đã chú ý đến việc quản lý nguồn lợi biển đảo quý giá yến sào. Ở đây ta thấy có sự tiếp nối từ thời các chúa Nguyễn thế kỷ 17,18 đến các vua triều Nguyễn thế kỷ 19 với việc giao làng/xã Thanh Châu ở Hội An quản lãnh việc khai thác yến sào ở biển Đông. Lê Quý Đôn trong Phủ biên tạp lục ghi: “
phủ Thăng Hoa, huyện Hà Đông, xã Thanh Châu có nghề lấy yến sào, dân xã ấy tản cư ở các phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quy Nhơn, Phú Yên, Bình Khang, Diên Khánh, Gia Định hàng năm cứ đến tháng 2 phải nộp tổ non mới 120 tổ, người áp thu lĩnh tờ thị, sửa sang thuyền đi đến các phủ để thu thuế, tháng 7 mang về trình nộp sổ tiêu sai, thực nạp là bao nhiêu người, tùy từng hạng mà tính thu. Hạng tráng mỗi người nộp 2 cân yến sào; nếu không có thì nộp thay bằng tiền 2 quan, hạng dân mỗi người nộp 1 cân 8 lạng, hạng lão và hạng đinh mỗi người nộp 1 cân, còn cả xã lại nộp lễ thường tân, chính đán 1.500 tổ. Năm Mậu Tý thuế yến sào nộp thay bằng tiền là 773 quan 1 tiền 30 đồng”
[1] Ghi chép này cho biết khi vào tiếp quản vùng đất Quảng Nam các chúa Nguyễn đã thực hiện việc độc quyền quản lý nguồn lợi yến sào ở biển Đông bằng cách giao dân làng Thanh Châu khai thác và tính thu thuế trên đầu dân theo từng hạng. Cách thức này có điểm khác so với triều Nguyễn sau này, khi các văn bản sưu tầm được cho thấy các vua truyền Nguyễn đã giao cho Hồ Văn Hòa là người có chức Đội trưởng, đến cai đội, Phó quản cơ tước Hòa Đức bá rồi Hòa Đức hầu quản lý, khai thác yến sào và sau đó con cháu tộc Hồ thay nhau đảm nhận các chức vụ quản lãnh tam tỉnh yến hộ. Cách thức thu thuế là tính theo đầu các yến hộ, mỗi người nộp mỗi năm 8 lạng.
Do nhận biết được vai trò quan trọng của biển đảo nhất là qua thực tế trong cuộc chiến tranh trên biển với Tây Sơn nên đối với triều Nguyễn, biển đảo là 1 bộ phận không thể tách rời của cương vực đất nước. Trong các sắc phong, triều Nguyễn dùng từ
“Hải Vũ” để chỉ bờ cõi chứ không chỉ là lãnh thổ, đất đai: “
Ngã Thế tổ Cao Hoàng đế thống nhất hải vũ, khánh bỉ thần nhân…” (
Đức Thế tổ Cao Hoàng đế ta, thống nhất bờ cõi, mang phúc đến cho thần nhân…)
Từ cách nhìn nhận này nên cùng với khai thác kinh tế về nguồn lợi yến sào, các vua triều Nguyễn đã có sự kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điều này thể hiện qua một số khía cạnh ở các tư liệu Hán Nôm về nghề yến Thanh Châu.
1/ Việc quản lý, khai thác yến sào ở các đảo ven biển nước ta được giao cho 2 bộ là bộ Binh và bộ Hộ. Bộ Binh lo về tổ chức, phiên chế con người, bộ Hộ lo về thu thuế. Tờ Truyền của bộ Hộ năm Minh Mạng 12 (1831) (VB12) ghi rõ: “
Việc thu thuế yến do bổn bộ (bộ Hộ) quản lý; còn việc tu chỉnh, bổ sung ngạch tịch, sổ sách thì do bộ Binh cấp bằng…”.
2/ Những người đứng đầu tổ chức quản lý, khai thác yến sào được phong những chức đội trưởng, quản cơ, quản lãnh… là những chức vụ thuộc về võ ban triều Nguyễn.
3/ Tổ chức yến đội, yến hộ vừa làm nhiệm vụ khai thác vừa làm nhiệm vụ canh giữ các hang yến không cho kẻ lạ đột nhập
. Vì vậy các yến hộ, yến hộ được lập các đội hải thuyền để canh giữ và các thuyền yến hộ chắc hẳn phải có vũ trang để làm nhiệm vụ.
4/ Một số văn bản cho biết các vua Nguyễn đã lập đồn và cử quan quân ra canh giữ các đảo Côn Lôn, Phú Quốc và tổ chức cho binh lính vừa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo vừa làm nhiệm vụ kinh tế (
thu lượm yến sào, trầm hương)
. Qua một số tư liệu Hán Nôm về nghề khai thác yến sào Thanh Châu ta có thể thấy được sự quan tâm của triều Nguyễn đối với nguồn lợi biển đảo đặc biệt này, đồng thời qua đó cũng cho thấy triều Nguyễn từ khá sớm đã thực hiện việc quản lý, khai thác nguồn lợi này có sự kết hợp giữa khai thác kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Có thể nói đây là một chính sách phù hợp, tích cực của những người đứng đầu triều Nguyễn thời bấy giờ. Và chính sách này cần được xem xét, đánh giá dưới những khía cạnh mới để vận dụng có hiệu quả hơn trong giai đoạn hiện nay.