Người Nhật ở Hội An thế kỷ XVI - XVII

Thứ năm - 29/06/2017 00:11
Cuối thế kỷ XVI, nhà Nguyễn đã thiết lập quyền lực chính trị của mình ở Đàng Trong. Với những chính sách tích cực đã thúc đẩy nền kinh tế ngày càng phát triển. Lúc này, nhiều cảng thị hình thành ven dải đất miền Trung, mà Hội An là thương cảng nằm bên con đường thương mại quốc tế sôi động đương thời, thu hút thương thuyền từ Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật… đến buôn bán.
           1. Quá trình di cư của người Nhật đến Hội An

          Sau khi thống nhất Nhật Bản, Toyotomi Hideyoshi thi hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế. Năm 1592, ông ban lệnh Châu Ấn (Gosyuin-Jo), cho phép thuyền nhân Nhật được vượt biển đi giao thương với các quốc gia trên thế giới, phần lớn họ đã tìm đến các cảng thị ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Hội An (Đàng Trong). 

          Thời kì này, các hoạt động thương mại chủ yếu diễn ra trên biển nên phải phụ thuộc vào chế độ gió mùa. Hàng năm, thuyền buôn từ Nhật thường khởi hành vào tháng 11, bởi lúc này là gió mùa đông bắc đưa thuyền xuống khu vực phía Nam . Đến tháng 7 năm sau, gió mùa đông nam thổi ngược lên hướng bắc thuận tiện cho họ giong buồm lên đường trở về nước. Trong mỗi mùa mậu dịch, họ phải lưu trú lại Hội An từ 3 đến 4 tháng, trong khoảng thời gian này họ tiến hành việc thu mua hàng hóa để chở về nước. Tuy nhiên, do điều kiện thiên nhiên và tốc độ sản xuất cũng như khai thác, nên các thương nhân Nhật thường không mua đủ số lượng hàng như dự định, nên phải cử người ở lại thu gom hàng chuẩn bị cho mùa mậu dịch năm sau. 

          Đến đầu thế kỷ XVII, thương cảng Hội An bổ sung một số lượng lớn người Nhật di cư đến. Nhất là năm 1614, khi Chính phủ Nhật tiếp tục ban hành lệnh cấm đạo và trục xuất giáo sĩ phương Tây ra khỏi Nhật Bản. Những giáo dân Nhật đã tìm đến các quốc gia có giáo sĩ phương Tây cư trú như: Hải Nam (Trung Quốc), Siam, Việt Nam,… Lúc này ở Đàng Trong, chúa Nguyễn đã thi hành một số biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển của đạo Thiên Chúa, nhưng trong một chừng mực nhất định, vì muốn phát triển Quảng Nam nên chúa Nguyễn đã cho phép họ được truyền đạo tại Hội An.

           2. Phố Nhật ở Hội An

          Được sự đồng ý của chúa Nguyễn, người Nhật tiến hành chọn đất và xây dựng khu phố của mình gọi là “Nhật Bản phố” cùng với “Đường Nhân phố” của thương nhân Trung Hoa. Năm 1618, Giáo sĩ dòng Tên người Ý là Cristophoro Borri đến Hội An, ông viết: “Thành phố ấy gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ có thể nói là có đến hai thành phố, một phố của người Tàu, một phố của người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu, người Nhật cũng vậy”[1]. Trong mỗi khu phố, người ta bầu ra một vị trưởng khu. Vị này được chúa Nguyễn và Chính quyền Nhật Bản tin cậy, họ được cử làm các công việc như thu thuế, phiên dịch và cố vấn thương mại cho chúa Nguyễn, đồng thời chịu trách nhiệm về khu vực mà mình quản lý. Hình ảnh phố Nhật (Nihon Machi) ở Hội An giống với phố Nhật ở một số nước Đông Nam Á như: Pinhalu và Phnompenh ở Camphuchia (1618); Ayutthaya ở Siam (1622), Dilao và Samiguel ở Philippin (1603),...

         Căn cứ vào những chú thích trên bức tranh Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ được vẽ trước năm 1640 của dòng họ Chaya, hiện đang lưu giữ tại chùa Jomyo ở Gen Chozan Nichiren Shu, phố Tsutsui, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Nhà nghiên cứu Nhật Bản Ogura Sadao cho rằng, vị trí của khu phố Nhật ở Hội An thế kỷ XVII dài khoảng 300m, có hai dãy nhà nằm trên một con lộ chính và cách không xa vùng cửa sông[2]. Điều này tương ứng với những miêu tả của các thương gia Nhật Bản khi họ trở về cố quốc, đó là một thành phố nằm cách biển 3,39 km, có khoảng 500 – 600 ngôi nhà. Các ngôi nhà ở phía trước giáp đường thường được lợp ngói, vách trát đất, còn nhà trong chỉ là mái lá tạm thời[3].

          Qua nghiên cứu quá trình địa mạo, các nhà khoa học cho rằng Hội An nằm trên nền địa chất của vùng đất bồi hạ lưu sông Thu Bồn, do quá trình bồi tụ của sông đã hình thành nên diện mạo của khu phố cổ như hiện nay. Trước thế kỷ XIX, Hội An chỉ là một thành phố chạy dọc theo đường Trần Phú; đến năm 1841, đất bồi của sông cho phép mở thêm một con đường, song song với đường Trần Phú về phía Nam (đường Nguyễn Thái Học ngày nay); đến năm 1886 đất bồi của sông cho phép mở thêm một con đường mới song song với hai đường trên (đường Bạch Đằng ngày nay). Như vậy, phố Nhật xưa tương ứng với đường Trần Phú bây giờ, còn phía tây cầu Nhật Bản trải dài đến cuối đường Nguyễn Thị Minh Khai là khu phố của người Hoa, cầu Nhật Bản là cột mốc phân chia địa giới hành chính của hai khu phố.

          Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều đợt điều tra, khảo sát về kiến trúc cổ Hội An. Kết quả cho thấy khu phố có hình chữ nhật, chạy dài từ đông sang tây khoảng 900m; còn chiều ngang khoảng 300m. Trong khu vực này, hiện đang tồn tại khoảng 984 ngôi nhà, trong đó có 400 ngôi nhà cổ. Nếu chia khu phố cổ thành 14 khối theo trục đường Trần Phú để khảo sát, thì khu phố Nhật Bản có hơn 50% số nhà thuộc loại cổ. Ogura Sadao cho rằng số dân theo điều tra kiến trúc cổ này nếu một hộ có khoảng từ 6 - 7 người, thì dân số Hội An lúc đó độ khoảng 3.000 - 4.000 người. Căn cứ vào diện tích của số căn nhà trong khu phố Nhật Bản, thì dân số cư trú trong khu phố cổ Hội An vào đầu thế kỷ XVII không quá 1.000 người[4]. Trong đó, người Nhật có khoảng 60 gia đình, nếu mỗi gia đình có trung bình từ 4 đến 5 nhân khẩu, thì có khoảng 200 đến 300 người Nhật định cư tại Hội An. Tuy nhiên cũng có tác giả cho rằng vào đầu thế kỷ XVII đã có đến 700 người Nhật sinh sống ở Hội An[5].

          Người Nhật đã xây dựng ở Hội An một công trình kiến trúc mang tên “Nhật Bản nhân thương quán” (Thương quán của người Nhật Bản) để sử dụng trong việc hội họp và giao dịch thương mại của mình. Đến năm 1635, Chính quyền Tokugawa thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, nước Nhật đóng cửa hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Từ đó, người Nhật ở Hội An bị mất liên lạc với chính quốc, khiến các thương nhân Nhật Bản rơi vào tình trạng bị cô lập và không đủ sức đối phó với thương nhân Trung Hoa đang phát triển mạnh mẽ. Trước tình hình đó, người Nhật đã chuyển nhượng Thương quán lại cho cư dân Minh Hương sử dụng làm Tổ Đình của người Minh Hương, sau này gọi là chùa Bà Mụ. Hiện nay chùa Bà Mụ chỉ tồn tại một phần cổng tam quan được xây dưới thời Tự Đức, mọi dấu vết kiến trúc của Thương quán Nhật xưa giờ không còn hiện hữu.

          Đến nửa đầu thế kỷ XVII, người Nhật ở Hội An giảm dần. Theo bản báo cáo của Francisco Goraemon - một tín đồ Thiên Chúa người Nhật viết ngày 28-5-1642 gửi cho thương quán của Hà Lan ở Batavia (Indonesia), thì ở Hội An lúc này còn khoảng 40 – 50 người Nhật đang sinh sống và họ thường xuyên qua lại Manila và Siam để buôn bán[6]. Tháng 8-1695, Công ty Đông Ấn của Anh ở Madras đã phái thương nhân Thomas Bowyear đến Đàng Trong để điều tra tình hình buôn bán và xin thành lập thương quán ở Hội An, nhưng đề nghị của ông không được Chúa Nguyễn chấp thuận. Ông thấy: “Faifo gồm một đường phố trên bờ sông và hai dãy nhà, có khoảng 100 nóc nhà của người Tàu, cũng có 4 hay 5 gia đình người Nhật Bản. Xưa kia người Nhật là cư dân chính và làm chủ việc thương mãi ở hải cảng này, nhưng số ấy đã giảm bớt và của cải của họ cũng sút kém. Sự quản trị công việc đã trao vào tay người Tàu. Mỗi năm có độ 10 hay 12 chiếc thuyền từ Nhật, Quảng Đông, Xiêm, Cao Miên và Batavia đến…”[7]. Cùng năm, thiền sư Trung Hoa là Thích Đại Sán đến Hội An, ông thấy thẳng bờ sông là một con đường dài ba bốn dặm, hai bên đường hàng phố ở liền nhau khít rịt, chủ phố thảy đều người Phước Kiến[8]. Đến năm 1766, những thương gia Nhật Bản cuối cùng ở Hội An đã vượt bao khó khăn, cách trở để trở lại vùng Taga, thuộc lãnh địa Hitachi (Nhật Bản) đoàn tụ với gia đình.

           3. Hoạt động kinh tế

           Hội An vào cuối thế kỷ XVI, đầu XVII là một cảng thị thịnh vượng, không những thu hút thương nhân từ Đàng Ngoài và các khu vực lân cận, mà cả các thương gia từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca đến buôn bán. Người Nhật lúc này là một trong những thương nhân chủ yếu ở Hội An.

          Năm 1567, Chính quyền Trung Quốc đã bãi bỏ chính sách “bế quan tỏa cảng”, cho phép thuyền buôn Trung Hoa đến các quốc gia ở Đông Nam Á để buôn bán, nhưng cấm giao dịch với Nhật Bản. Vì cần một số mặt hàng của Trung Quốc như: tơ lụa, đồ sứ, chì, cali-nitrat,… nên Chính phủ Nhật đã cử thương thuyền đến Đàng Ngoài, Đàng Trong (Việt Nam), Phnompenh và Pinhalu (Camphuchia), Ayuthya (Siam) và Manila (Philippin),… nơi các thương nhân Trung Quốc thường đến mua bán để trao đổi hàng hóa. Để bảo vệ uy tín của mình, Chính quyền Nhật Bản quy định những tàu thuyền nào mang giấy phép có đóng Châu Ấn thì mới được đến các hải cảng ở nước ngoài, nếu không có giấy phép thì họ không được tham gia vào công việc kinh doanh trên. Trong bức thư của Tôkugawa Iêyasu gửi cho Nguyễn Hoàng năm 1601, ông viết: “Thương gia Nhật Bản khi vượt biển đi buôn bán xa xôi, không được vi phạm chính trị ở những quốc gia đi đến. Vì tôi suy nghĩ như thế nên xin Ngài yên tâm. Thương thuyền của quốc gia chúng tôi, khi đến Quý quốc đều mang theo văn thư có áp dấu Châu Ấn. Đây là bằng chứng mà tôi công nhận là thương thuyền”[9].

           Đầu thế kỷ XVII, số thuyền buôn Nhật Bản đến giao thương với Đàng Trong vượt xa số thương thuyền được cử đến Siam, Camphuchia,… Căn cứ vào bảng thống kê điểm đến của thuyền Châu Ấn ở Đông Nam Á từ năm 1604 đến 1635 trong “Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương” của Giáo sư Iwao Seiichi, chúng ta thấy tổng số giấy phép có đóng dấu của Chính phủ Nhật Bản được phát cho các thuyền buôn Nhật tới các hải cảng ở Đông Dương để mua bán là 356 chiếc: đến Đàng Trong 87 chiếc, chiếm 24,4%; Đàng Ngoài 37 chiếc (10,4%); Campuchia 44 chiếc (12,4%); Champa 6 chiếc (1,7%); Siam 56 chiếc (15,7%); Luzon 56 chiếc (17,7%); và các hải cảng khác là 49 chiếc (13,8%)[10]. Như vậy, số thuyền đến Đàng Trong (87 chiếc) đã chiếm ¼ tổng số thương thuyền Nhật (356 chiếc) đã tới các hải cảng ở Đông Nam Á trong vòng 31 năm. Ngoài ra, còn có các tàu đến Hội An không có giấy phép (trốn đi), hoặc những tàu qua lại trên biển Đông, đã ghé vào cảng thị Hội An. Nó chứng tỏ địa vị đặc biệt mà cảng thị Hội An đã chiếm giữ trong lịch sử thương nghiệp thời cận đại ở khu vực Đông Nam Á.

           Thời gian này, trên cơ sở học tập kỹ thuật đóng tàu của phương Tây, Nhật Bản có thể tự đóng những loại tàu có trọng tải tới 300 – 400 tấn, thậm chí có chiếc lên đến 600 tấn để hoạt động trên những vùng biển xa[11]. Do vậy, thuyền Châu Ấn có thể chở từ 4 – 5.000 kg tơ sống cùng với nhiều loại hàng hóa khác. Trung bình hàng năm, người Nhật mang đến Hội An khoảng 2.500 – 3.000 quan bạc, các loại vũ khí (gươm, giáo), hàng sơn, ngũ cốc, cá ngựa đồng, lưu huỳnh và những kim loại quí. Các mặt hàng này có lãi xuất cao, vì xứ Đàng Trong rất hiếm nên họ càng được sự ưu ái của chúa Nguyễn. Hàng mua về là tơ lụa, đồ gốm, trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, xà cừ, nhựa thông, da trâu, gân hươu, yến sào, hạt tiêu, đường, gỗ quí,… nhằm phục vụ cho nhu cầu của nhân dân Nhật Bản. Căn cứ vào số lượng và tải trọng của thuyền Châu Ấn được phép đến Hội An buôn bán, chúng ta thấy thương nhân Nhật Bản đem đến Hội An và chở về Nhật một khối lượng hàng rất lớn.

          Hoạt động kinh tế của người Nhật ở Hội An chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn. Đến năm 1635 là giai đoạn chấm dứt thời kỳ Châu Ấn (1592 – 1635), vai trò kinh tế của người Nhật đã chuyển sang tay người Hoa. Như vậy, nó cũng chứng tỏ Hội An đầu thế kỷ XVII là một thương cảng nhộn nhịp, và là một điểm trung chuyển hàng hóa của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Mà người Nhật là một trong những thương nhân quan trọng, đã kích thích hoạt động kinh tế thương mại ở Đàng Trong trở nên sôi động.

          4. Đời sống tôn giáo của người Nhật ở Hội An

          * Phật giáo

        Phật giáo du nhập vào Nhật Bản từ thế kỷ thứ VI và trở thành tôn giáo của hàng vạn người dân Nhật. Trong số những thương nhân Nhật đến buôn bán và định cư ở Hội An, có rất nhiều thương nhân sùng tín Phật giáo mà hiện nay còn lưu lại trong thư tịch và trên bia kí. Trong bức thư của thương nhân Shichirobei gửi về Nhật vào năm 1673, ông có vẽ sơ đồ ngôi chùa do ông xây dựng mang tên “Tùng Bản tự”. Căn cứ vào sơ đồ của thương nhân Shichirobei, thì vị trí ngôi chùa nằm ở phía Bắc của sông Hội An, phía đông là Nhật Bản đính, còn phía tây là Đường Nhân đính. Có người ngờ rằng, Tùng Bản tự nằm ở vị trí của Trừng Hán cung (số 24 Trần Phú). Nhưng theo bia ký và sắc phong, thì Trừng Hán cung được xây dựng năm 1653, trước khi Tùng Bản tự hình thành; và qua hố đào thám sát năm 1989 tại đây, các nhà khảo cổ đã bác bỏ ý kiến này[12]. Còn Vũ Minh Giang trong Hội thảo Quốc tế về Đô thị cổ Hội An năm 1990 đưa ra dự đoán, Tùng Bản tự có vị trí tương ứng với chính cầu Nhật Bản[13]. Còn Đỗ Bang lại có một nhận định khác về Tùng Bản tự. Ông cho rằng người Nhật đã lập trên đất Hoa Phô và An Mỹ (nay một phần thuộc phường Cẩm Châu) một ngôi chùa lấy tên là Tùng Bổn tự, vị trí của nó có thể được lập ở cạnh chùa Nam Tôn, gần Ủy ban nhân dân phường Cẩm Châu hiện nay. Ở đây vào năm 1971 đã đào được 1 tượng Phật Di Lặc chôn ngồi tư thế tự nhiên, sau chuyển về tịnh xá Ngọc Châu. Còn các tượng Phật ở chùa Tùng Bổn sau khi chùa bị đổ, chuyển lên thờ ở chùa Viên Giác ở Cẩm Phô[14].

          Cho đến nay, dấu tích của Tùng Bản tự xưa vẫn còn nhiều bí ẩn, đang là vấn đề thách thức những ai quan tâm nghiên cứu về lịch sử Hội An, bởi hiện nay vẫn chưa tìm thấy một nguồn sử liệu đáng tin cậy mô tả chính xác về vị trí của nó. Những nhận định trên của cá nhân các nhà nghiên cứu chỉ là những phỏng đoán chưa thật sự thuyết phục. Qua các đợt điều tra, thám sát và khai quật khảo cổ học trên đất Hội An, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy dấu vết chứng thực có một Tùng Bản tự tồn tại trong thế kỷ XVII. Các tượng Phật như tác giả Đỗ Bang vừa nêu trên, liệu có phải đã từng hiện diện trong Tùng Bản tự của người Nhật hay của một ngôi chùa nào khác?

           Sau khi phố Nhật suy giảm, ở Hội An lúc này vẫn còn khá đông người Nhật sinh sống, họ vẫn là những thương gia giàu có và rất sùng tín đạo Phật. Trên tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật ở động Hoa Nghiêm (thuộc di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) dựng năm 1640 cho biết, để chuẩn bị nguồn tài chính cho việc xây dựng chùa Non Nước, trong số 82 người tham gia cúng của cải cho chùa, có tên của 10 người Nhật và 5 người Việt, sinh sống tại Tùng Bản dinh (Hội An) chiếm 18,2%. Lượng tiền mà họ đóng góp cho chùa là 871 quan (chiếm 57,2%) và 50 lạng bạc chiếm đến 71,4% tổng lượng bạc quyên được để xây dựng chùa. Trong đó gia đình ông Heizaburo và vợ là bà Nguyễn Thị Chức đóng cao nhất là 300 quan[15].

          Hiện nay tại chùa Jomyo, thuộc thành phố Nagoya, tỉnh Aichi - miền Trung Nhật Bản còn lưu giữ bức tranh “Thác kiến Quan Thế Âm” là bức tranh tượng Phật nổi tiếng từ thời Edo. Người ta lưu truyền rằng bức tranh Phật này là tặng phẩm của vua nước An Nam cho thuyền Châu Ấn của dòng họ Chaya khi đi thuyền sang nước An Nam[16]. Đây là bức tranh Quan Âm rất có giá trị, nó khẳng định thời kỳ này Phật giáo phát triển mạnh mẽ, đã ăn sâu vào đời sống của người dân Nhật và cả cư dân lẫn chính quyền ở Đàng Trong.

           * Thiên Chúa giáo

           Như trên tôi đã đề cập, không hẳn tất cả thương nhân Nhật đến Hội An vì công cuộc mưu sinh, mà trong đó có một số vừa thực hiện mục đích kinh tế, đồng thời cũng thực hiện mục đích tôn giáo của mình. Bởi thời gian này, Chính phủ Nhật đã nhiều lần ban hành lệnh cấm đạo, sát đạo và trục xuất giáo sĩ Thiên Chúa giáo ra khỏi lãnh thổ Nhật Bản, nên các tín đồ người Nhật đã tìm đến những vùng đất khác nhau ở khu vực Đông Nam Á – có giáo sĩ phương Tây sinh sống, nơi đó họ được an ủi phần hồn của mình. Mà Đàng trong lúc này là mảnh đất khá màu mỡ, thu hút các nhà truyền giáo như Cristophoro Borri nhận xét: “Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta vào dùng cơm với họ. Tóm lại họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu. Đó là một cánh cửa rất tốt đẹp mở ra cho các nhà truyền giáo của Chúa Kitô đến giảng Phúc âm”[17].

           Lúc này những người Nhật theo đạo Thiên Chúa đến Đàng Trong ngày một đông. Với tư cách là một nhà truyền giáo, Alaxandre de Rhodes đã từng sinh sống ở Hội An (1624 – 1627), sau đó được chuyển ra Bắc để thiết lập giáo đoàn Đàng Ngoài (1627 – 1630), ông đã chú ý đến hiện tượng có rất nhiều tín đồ Công giáo Nhật Bản di cư đến An Nam. Theo ông: “Hoàng đế Nhật đã cấm hết công dân phải bỏ việc thương mại vì biết có rất nhiều giáo dân, kể từ năm 1614 bắt đầu có sắc lệnh cấm đạo, người Nhật đã kéo nhau đi lũ lượt, nhất là vào mùa chay, và cả ngoài mùa này nữa, mỗi năm ba hay bốn lần, để được xưng tội với các Cha dòng biết tiếng Nhật và nhận lễ ban thánh thể và mỗi lần ba hay bốn chiếc thuyền. Họ đi tự do, lấy cớ buôn bán. Và cứ thế gần mười năm nay họ vẫn tiếp tục ra đi và rất mãn nguyện vì được an ủi về phần hồn”[18].

           Như vậy, không phải tất cả công dân Nhật Bản khi đến cảng thị Hội An đều tham gia vào các hoạt động thương mại. Họ đến với nhiều mục đích khác nhau, vì kinh tế, vì tình cảm tôn giáo hoặc cả hai mục đích trên. Bởi các giáo sĩ phương Tây là những người thông hiểu ngôn ngữ, phong tục, tập quán của họ, giúp họ được an ủi phần hồn của mình.

            5. Di tích của người Nhật ở Hội An

          Trải qua nhiều thế kỷ, mọi cảnh quan kiến trúc của phố Nhật xưa ở Hội An hầu như thay đổi. Hiện nay, những dấu vết của người Nhật xưa chỉ còn xác định được thông qua cầu Nhật Bản và ba ngôi mộ còn sót lại.

          Cầu Nhật Bản bắt qua một lạch nước rộng gần 10m, nối liền phố Nguyễn Thị Minh Khai và phố Trần Phú. Cầu được xây vào đầu thế kỷ XVII, dài 18,7m, rộng 3m, bên trong đặt tượng của hai con chó và hai con khỉ. Đến năm 1653, người Nhật ở Hội An suy giảm, người Minh Hương tiến hành dựng một ngôi miếu nhỏ bên cạnh, bên trong thờ Bắc Đế Trấn Vũ, nhằm cầu mong ổn định về mặt phong thổ, ngăn chặn triều cường, giúp người dân thuận lợi trong công cuộc mưu sinh. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, các thiên tai, hỏa hoạn đã thiêu rụi cả khu phố, cầu Nhật Bản sau nhiều lần trùng tu, sửa chữa đã mang đậm yếu tố kiến trúc Trung Hoa.

           Bên cạnh đó, tại Hội An còn 3 ngôi mộ cổ của các thương gia Nhật Bản có niên đại hơn 400 năm, đây là một di sản vô giá minh chứng cho quá trình giao thương, buôn bán và giao lưu, tiếp biến văn hóa giữa người Việt và người Nhật vào thời kỳ sầm uất, phồn thịnh của thương cảng Hội An. Đó là mộ của thương nhân Gu Sikukun, Banjiro và Yajirobei được xây bằng hợp chất.

          Mộ ông Banjiro yên nghỉ trong một khu vườn của người dân ở thôn Trường Lệ, phường Cẩm Châu, trên đường từ đô thị cổ Hội An ra biển An Bàng. Ngôi mộ còn tương đối nguyên vẹn, có kích thước 190cm x 85cm quay về hướng đông bắc, trước mộ có tấm bia bằng đá muối, kích thước 80cm x 6,4cm x 8cm ghi: “Chính Hộ, Hiển khảo Phan Nhị Lang tự viết Thuần Tín thần mộ”, hai bên ghi những dòng lạc khoản: “Kỷ Tỵ niên cát đán (1629), hiếu nam Văn Công cung phụng lập”. Năm Chiêu Hòa thứ 3 (1928), GS.TS. Kuroita Katsumi cùng cộng đồng người Nhật ở Đông Dương đã ủy thác cho ông Nakayama ở phủ Thuận Hóa tiến hành việc tu sửa ngôi mộ và gắn bia lưu niệm.

           Cách mộ ông Banjiro khoảng 300m, giữa cánh đồng của thôn Trường Lệ  là nơi yên nghỉ của thương gia Tani Yajirobei quê ở Hirado. Mộ có kích thước 14m x 11m x 0,8m, nấm mộ cùng các hạng mục khác làm bằng vôi cứng, pha chế từ bột vỏ sò khô với lá cây bời lời và mía đường, chân mộ gắn bia bằng đá sa thạch xám, trán và diềm bia không trang trí. Giữa lòng bia chạm đóa hoa 5 cánh, phía dưới chạm đóa hoa nhỏ hơn. Bia khắc: “Hiền khảo Di Thứ Lang Binh Vệ Quốc Công chi mộ, Đinh Hợi niên (1647), mạnh thu lập” và dòng lạc khoản: “Nhật Bổn, Bình hộ”. Phía tả có 4 tấm bia đá 40cm x 20cm nằm liền nhau ghi cùng một nội dung bằng 4 thứ tiếng Việt, Nhật, Anh, Pháp: “... Ông đã tìm mọi cách để sống với người yêu của mình là một cô gái người Hội An đến khi từ biệt cõi đời. Di tích này là bằng chứng về mối quan hệ tốt đẹp giữa thương nhân Nhật với cư dân Hội An vào giai đoạn thương cảng Hội An phát triển sầm uất đầu thế kỷ XVII”

            Ngôi mộ thứ ba là mộ ông Gu Sikukun, đây là một thương gia nổi tiếng bậc nhất Hội An thời kỳ này, ngôi mộ tọa lạc tại An Hòa, phường Tân An, được lập năm Kỷ Tỵ - 1689. Nhiều tài liệu ghi có thể ông là một thương nhân giàu có nhiều thế lực, và giữ chức Thị trưởng điều hành toàn bộ hoạt động của người Nhật ở phố Nhật vào thế kỷ XVII.

           Cả 3 ngôi mộ trên hiện vẫn còn nguyên vẹn mô hình, cấu trúc xây dựng tự ban đầu và được người dân Hội An chăm nom, hương khói quanh năm. Kiến trúc sư Ando Katsuhiro - tình nguyện viên của tổ chức JICA Nhật Bản nói: “Cha ông chúng tôi đang còn đó, trong vòng tay của Hội An. Nhiều thế kỷ đi qua, họ vẫn trường tồn và nhắc cho người Nhật như tôi hôm nay nhớ về mối quan hệ tốt đẹp giữa 2 dân tộc”.

           Ba ngôi mộ này được Bộ Văn hóa – Thông tin cấp bằng công nhận di tích cấp Quốc gia ngày 29/11/1991.

           6. Thay lời kết

           Như vậy, sự hiện diện của thương nhân Nhật Bản ở Hội An chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian quá ngắn ngủi. Nhưng những hoạt động thương mại của họ ở Hội An là một trong những nhân tố kích thích kinh tế ở Đàng Trong phát triển. Dấu ấn kiến trúc của phố Nhật trước đây vốn rất đậm nét, nay cũng mờ nhạt theo thời gian, do hỏa hạn, chiến tranh và cả bàn tay con người tàn phá,… Hiện nay ở Hội An chỉ còn sót lại di tích cầu Nhật Bản và ba ngôi mộ của thương nhân người Nhật. Dẫu sao đó cũng là những minh chứng cho thời kì thịnh vượng huy hoàng của thương cảng cổ Hội An, nơi đây từng có một cộng đồng cư dân Nhật sinh sống, và đã đóng góp nền văn hóa của mình vào nền văn hóa chung của cảng thị Hội An.

           TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Đỗ Bang. Quan hệ và phương thức buôn bán giữa Hội An với trong nước. Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.231 – 245.
2.Chistophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
3.Ogura Sađao. Về bức tranh: “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” và “Thác kiến Quan Thế Âm”. Trong Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.193 - 205.
4.Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự. Viện Đại học Huế – Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam, 1963.
5.Kikuchi Seiichi. Sự hình thành và phát triển khu phố cổ Hội An (Qua tư liệu văn bia, thư tịch và khảo cổ học). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 2002, tr 47-54.
6.Alaxandre de Rhodes. Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Ủy ban Đoàn kết Công giáo, thành phố Hồ Chí Minh, 1994.
7.Vũ Minh Giang. Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An. Trong Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.205 - 215.
8.Trịnh Tiến Thuận. Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam thế kỷ XVI – XVII. Luận án Tiến sĩ Sử học. Trường đại học Sư phạm Hà Nội, 2002.
9.Trịnh Tiến Thuận. Hội An – Một trung tâm ngoại thương Việt – Nhật thế kỷ XVII. Trong Văn hóa Quảng Nam , những giá trị đặc trưng - Kỷ yếu Hội thảo 2001.
10. Phan Khoang. Việt sử Xứ Đàng Trong 1558 – 1777. Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1967.
11. Nguyễn Văn Kim. Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV – XVII. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
12. Kawamoto Kuniye. Nhận thức quốc tế của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiba Tsuusho (Ngoại phiên thông thư). Trong Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH Hà Nội, 1991, tr 169-178.
13.  Phan Huy Lê. Hội An: Lịch sử và hiện trạng. Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH Hà Nội, 1991, tr 15-25.

 

[1] Chistophoro Borri. Xứ Đàng Trong năm 1621 (Hồng Nhuệ, Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch và chú thích). Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.92.
[2] Ogura Sađao. Về bức tranh: “Giao Chỉ quốc mậu dịch độ hải đồ” và “Thác kiến Quan Thế Âm”. Trong Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.194.
[3] Kikuchi Seiichi. Sự hình thành và phát triển khu phố cổ Hội An (Qua tư liệu văn bia, thư tịch và khảo cổ học). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6, 2002, tr.49.
[4] Trịnh Tiến Thuận. Hội An – Một trung tâm ngoại thương Việt – Nhật thế kỷ XVII. Trong Văn hóa Quảng Nam, những giá trị đặc trưng - Kỷ yếu Hội thảo 2001, tr.181.
[5] Nguyễn Văn Kim. Quan hệ của Nhật Bản với Đông Nam Á thế kỷ XV – XVII. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.143.
[6] Trịnh Tiến Thuận. Quan hệ Nhật Bản – Việt Nam thế kỷ XVI – XVII. Luận án Tiến sĩ Sử học. Trường đại học Sư phạm Hà Nội, 2002, tr.145.
[7] Phan Khoang. Việt sử Xứ Đàng Trong 1558 – 1777. Nxb Khai Trí, Sài Gòn, 1967, tr.536-537.
[8] Thích Đại Sán. Hải ngoại kỷ sự. Viện Đại học Huế – Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam , 1963, tr.154.
[9] Kawamoto Kuniye. Nhận thức quốc tế của Chúa Nguyễn ở Quảng Nam căn cứ theo Gaiba Tsuusho (Ngoại phiên thông thư). Trong Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH Hà Nội, 1991, tr.172.
[10] Nguyễn Văn Kim. Sđd. tr.125-126.
[11] Nguyễn Văn Kim. Sđd. tr.172.
[12] Phan Huy Lê. Hội An: Lịch sử và hiện trạng. Đô thị cổ Hội An, Nxb KHXH Hà Nội, 1991, tr.23.
[13] Vũ Minh Giang. Người Nhật, phố Nhật và di tích Nhật Bản ở Hội An. Trong Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.214-215.
[14] Đỗ Bang. Quan hệ và phương thức buôn bán giữa Hội An với trong nước. Trong Đô thị cổ Hội An. Nxb KHXH, Hà Nội, 1991, tr.232.
[15] Vũ Minh Giang. Sđd. tr.209.
[16] Ogura Sađao. Sđd. tr.196-197.
[17] Cristophoro Borri. Sđd. tr.49.
[18] Alaxandre de Rhodes. Lịch sử vương quốc Đàng Ngoài. Ủy ban Đoàn kết Công giáo, thành phố Hồ Chí Minh, 1994, tr.36-37.
 

Tác giả: Võ Văn Hoàng

Nguồn tin: Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

liên kết web
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây