Vào năm 1941 – 1943 làng Thanh Nam thuộc tổng Thanh Châu, huyện Hòa Vang phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Nguyên trước đây làng Thanh Nam chỉ là một giáp của làng Thanh Châu, tổng Thanh Châu.
Vị trí của làng Thanh Nam được tài liệu mô tả khá chi tiết: “làng ở giữa hai con sông (sông Cồn Một và sông Cái), từ Faifoo đi về hướng Đông dọc theo con đường Tỉnh số 99 (đường Cửa Đại ngày ngay), đến đình làng Sơn Phô khoảng 100 thước tây rẽ vào một con đường làng theo hướng tay mặt, đi khoảng 200 thước tây qua một bến đò tại con sông Cồn Một” là đến làng Thanh Nam. Làng có diện tích “khoảng 400 mẫu kể cả công tư điền thổ”.
Về lịch sử hình thành làng, theo truyền khẩu của các cụ kỳ hào, làng Thanh Nam được thành lập từ đời Cảnh Hưng thứ 12 (tức năm 1751) nhưng vì binh tai nên không còn hương lệ, hương ước gì truyền lại. Trong làng chỉ còn lưu giữ được 2 tờ lục chỉ từ đời Đồng Khánh, Thành Thái, phong cho ông Phạm Văn Hạnh làm chánh đội trưởng và 01 quyển đinh bộ từ thời Minh Mạng thứ 14 (tức năm 1833) do ông Phạm Văn Định lúc đó làm lý trưởng đứng khai đinh tráng lên Tỉnh. Tài liệu không cho biết tiền hiền của làng là ai.
Dân số trong làng lúc bấy giờ khá đông, tư liệu cho biết, “dân số được 500 nhân mạng, kể cả nam, phụ, lão ấu”. Về việc học hành, do nhiều nguyên nhân nên số lượng con em trong làng đi học không nhiều, “mỗi năm có khoảng 10 học sinh đến học tại trường Tổng ở làng Thanh Đông”. Người dân làng này chuyên về nghề nông nên thổ sản chủ yếu là lúa và một số loại thực phẩm khác như khoai lang, đậu phộng. Tuy nhiên, vẫn có một số người theo nghề đi buôn ở các tỉnh khác bằng ghe buồm. Nghề này rong ruổi trên biển với nhiều rủi ro nên dân làng cầu nguyện ngài Đông Hải Ngọc Lân cự tộc che chở, phò hộ được bình an. Về việc cai trị, làng có chánh phó trưởng ban, ban thường trực… cùng lý hương trong làng làm việc quan và họp hội đồng mỗi tháng hai kỳ để bàn chuyện xét xử những việc kiện cáo. Nếu làng xét ra người nào phạm tội nặng hay không tuân luật lệ thì giải lên quan trên để nghiêm trị.
Đặc biệt, tập tài liệu còn cung cấp những thông tin thú vị về làng Thanh Nam xưa như các sắc phong, tập tục trong tang ma cưới hỏi, các di tích đình làng, chùa,…
Trong số các di tích ở làng Thanh Nam, đình làng được mô tả khá chi tiết về vị trí và cảnh quan xung quanh: “qua bến đò, rẽ phải đi dọc theo con đường làng ấy độ 100 thước tây sẽ thấy hai cây cao bóng mát, tán rộng (cây đa, cây sộp), đấy là đình của làng Thanh Nam. Trước mặt đình, cách khoảng 200 thước tây là sông Cái (sông này chảy ra biển Cửa Đại)”. Đình làng Thanh Nam được lập từ đời Minh Mạng thứ 20 (tức năm 1839) và được trùng tu lại vào năm Bảo Đại thứ 6 (tức năm 1930), phong cách kiến trúc có sự giao thoa giữa xưa và nay. Tổng thể đình gồm có bình phong, nhà Đông, nhà Tây và Đại đình. Bình phong được xây bằng chất liệu vôi, hai bên có hai trụ tròn, phía trên có xây 02 bông sen. Bên trong Đại đình có một hương án và ba bàn thờ. Bàn hương án nằm ở gian giữa trước mặt lối vào hậu tẩm, hương án chạm trổ ba mặt, trong đó có một mặt được sơn son thép vàng rất công phu. Bên cạnh hương án là hai bàn thờ hai bên, chất liệu bằng vôi gạch, là nơi thờ tự các vị Tiền hiền của làng. Kế đến là hậu tẩm, bên trong có bàn thờ chất liệu vôi gạch và khám để sắc thần. Bên trong đình còn có một bộ lỗ bộ bằng gỗ. Nền đình được láng bằng ciment. Trong làng lúc bấy giờ còn có một ngôi chùa Phật có tên gọi là Phổ Quang Tự, có kết cấu kiến trúc đơn giản, bên trong có một tấm bia đá được lập vào năm Giáp Dần đời Tự Đức thứ 7 (tức năm 1854) và mười tượng Phật bằng đất, kích thước nhỏ.
Về thần sắc, đến năm 1943, làng Thanh Nam còn giữ 20 đạo sắc về các thần Thiên Y A Na, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Thành Hoàng, Quan Thánh Đế Quân, Đông Hải Ngọc Lân được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự từ thời vua Minh Mạng đến vua Khải Định. Theo các đạo sắc này, vị Thiên Y A Na được phong tặng, gia tặng các danh hiệu, mỹ tự: Hồng nhân (nhơn), Hồng huệ, Phổ tế, Linh cảm, Diệu thông, Trang huy (uy?), Mặc tướng, Dực Bảo Trung Hưng. Vị Thành Hoàng được phong tặng, gia tặng danh hiệu, mỹ tự: Tịnh hậu, Bảo an, Chánh trực, Hựu thiện, Đôn ngưng, Dực bảo. Vị Quan Thánh Đế Quân được phong tặng, gia tặng danh hiệu, mỹ tự: Dực Bảo Trung Hưng. Vị Đại Càn Quốc Gia Nam Hải được phong tặng, gia tặng danh hiệu, mỹ tự: Trang huy (uy?), Dực bảo, Trung hưng. Vị Đông Hải Ngọc Lân được phong tặng, gia tặng danh hiệu, mỹ tự: Trừng trạm, Dực bảo, Trung hưng.
Trong phong tục của làng, về cưới hỏi: khi cặp đôi trai gái yêu nhau và được sự đồng thuận của cha mẹ hai bên thì đám cưới sẽ được cử hành mà không cần trình làng cho dù đàng trai ở làng khác đến cưới vợ ở làng này cũng vậy. Lễ vật cưới hỏi cũng không bắt buộc, tùy theo hoàn cảnh kinh tế mà tiến hành cho hợp lẽ. Về tang ma, khi có người qua đời, thân nhân phải đến trình báo cho làng biết và kèm theo một khay cau, trầu, rượu, làng sẽ cấp đất chôn cất. Trường hợp nếu người qua đời là người có công đức với làng thì làng sẽ đi điếu và đưa tang.
Về lễ tế: tại đình làng Thanh Nam mỗi năm cúng tế hai kỳ, kỳ thứ nhất vào ngày 10 tháng giêng (kỳ Xuân), kỳ thứ hai vào ngày 11 tháng 8 âm lịch (kỳ Thu). Cả hai kỳ tế này đều dùng linh vật là heo và có cả lễ nhạc. Tại chùa Âm Linh mỗi năm cúng tế một kỳ vào ngày 15 tháng 3 âm lịch, linh vật được dùng là heo. Trước khi cúng tế tại chùa Âm Linh, người dân trong làng sẽ đi dọn cỏ tại tất cả ngôi mộ ở trong địa phận làng. Tại Phổ Quang Tự, người dân trong làng chỉ cúng trầm trà, không xuất công bổn làm mâm chay như các chùa khác.
Có thể nói, những thông tin điều tra về làng xã của Viện Viễn Đông Bác Cổ trước đây là một nguồn tài liệu quý, cung cấp nhiều thông tin giá trị góp phần nghiên cứu làng xã Hội An xưa, từ đó làm cơ sở cho việc bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa địa phương trong thời gian tới. Đối với xã Cẩm Thanh, những thông tin từ tài liệu sẽ là một trong những cơ sở khoa học góp phần phục hồi một số di tích tại địa phương, trong đó có đình làng Thanh Nam.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://hoianheritage.net là vi phạm bản quyền