Nói đến Quảng Nam không thể không nhắc đến Hội An, một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, con sông lớn nhất của Quảng Nam. Trong lịch sử, vùng đất này có thế mạnh là hệ thống sông ngòi chằng chịt và phức hệ các cồn bàu ven biển tạo cho Hội An những ưu thế về giao thông và thương mại. Với hệ thống rất nhiều sông con như Để Võng, Bà Rén, Trường Giang, Hoài Giang, Vu Gia, Vĩnh Điện đổ vào sông lớn Thu Bồn để ra biển Cửa Đại khiến Hội An trở thành nơi gặp gỡ giao lưu buôn bán, trung chuyển hàng hóa của tàu bè các nơi tụ hội. Vì vậy nơi đây từng là một thương cảng quốc tế quan trọng tại miền Trung giai đoạn thế kỷ 16 đến thế kỷ 18.
Lịch sử hình thành vùng đất này trải qua các thời kỳ văn hóa Sa Huỳnh, Chăm-pa và phát triển rực rỡ nhất dưới thời Đại Việt. Mặc dù đến triều Nguyễn, Hội An không còn là một cảng thị sầm uất do việc bồi đắp nhanh chóng của các dòng sông, khiến thế mạnh giao thông đường thủy và hải cảng nơi đây dần mất đi. Tuy nhiên qua nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn nhận thấy, thế kỷ 19 vai trò của Hội An vẫn khá quan trọng trong các hoạt động thương mại tại miền Trung. Một trong những công việc triều đình nhà Nguyễn luôn nỗ lực để giữ cảng Hội An là khơi thông các con sông đổ ra biển và mở mang đường bộ nối Hội An với Đà Nẵng và các đô thị khác.
Năm 1824, nhận thấy có con sông nhỏ, nông hẹp nhưng khá dài (hơn 1640 trượng) chạy từ xã Cẩm Sa xuống qua nhiều làng mạc, nếu đào vét, mở rộng có thể thuận lợi cho tàu thuyền đi lại và làm nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, vua Minh Mệnh đã truyền lệnh cho đào sông Vĩnh Điện. Sông Vĩnh Điện nằm ở phía bắc huyện Điện Bàn, thượng lưu tiếp nguồn của hai sông Vu Gia và Thu Bồn chảy về phía Bắc đến xã Hòa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy ra biển cửa Hàn. Công việc đào sông ấy được giao cho viên Cai bạ Lê Đại Cương đốc suất 3000 dân phu các làng hai bên bờ sông để đào cho rộng ra. Sông đào hơn 2 tháng thì xong đặt tên là sông Vĩnh Điện, cầu qua sông ấy cũng gọi là cầu Vĩnh Điện. Công trình làm xong, vua Minh Mệnh ban Chỉ thưởng cho quan viên khơi thông sông ấy, Lê Đại Cương được thưởng ghi công 1 lần, 80 quan tiền và 2 tấm lụa the. 9 viên Thừa biện tham gia đào sông đều thưởng một lần ghi công và thưởng tiền theo thứ bậc. Nhân đó lại truyền mở đắp con đường dài hơn 2380 trượng dọc theo sông để tiện đi lại.
1 Bản phụng Thượng Dụ năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) về việc bồi thường ruộng đất, nhà cửa,
mộ phần của người dân nơi công trình sông Vĩnh Điện và Vĩnh Định đi qua.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn
Tuy nhiên năm sau (1825), vua Minh Mệnh có chuyến tuần du đến Quảng Nam thấy việc khơi thông sông Vĩnh Điện không đúng với kích thước yêu cầu đã truyền lệnh xử phạt một loạt các quan lại chuyên trách và cho cấp kinh phí khơi thông lại dòng sông này. Vua ban Dụ rằng:
Trước kia đào khơi sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dưới sông rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sụt lở, chỗ rộng không quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước, hai bờ quá cao lại đứng dựng như vách thì thế nước chảy mạnh sẽ khiến sụt lở càng nhiều. Như vậy thì của cải nhà nước và công sức của dân đều bị uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết.2 Bèn giao xuống cho hai bộ Lại Binh bàn bạc xét xử. Lại cho bọn Phạm Văn Tín chọn lấy 8000 dân phu hạt ấy chia làm 2 ban, mỗi ban 1 tháng đổi phiên 1 lần; phái Đô thống chế Trương Văn Minh đến trông coi điều hành công trường, lấy ngày mồng 8 tháng 6 khởi công, đem một bên đường bờ sông Vĩnh Điện mở rộng ra, đều chuẩn cho mặt nước ngang rộng 6 trượng, chỗ hẹp cũng mở cho rộng thêm, sâu thêm để tất cả đều thông suốt, thuyền bè qua lại thuận lợi.
Trong chuyến tuần du qua Quảng Nam, vua Minh Mệnh đã truyền Dụ cho các địa phương rằng:
Loan giá đi tuần cốt là thăm địa phương xét quan lại, ban ơn huệ cho nhân dân. Quan binh theo hầu, những nơi đi qua không được giày xéo ruộng lúa, không được làm càn quấy nhiễu. Một giải Hội An ở Quảng Nam tuy không được giàu có bằng trước, nhưng vẫn là nơi dân cư đông đúc, hàng hoá tụ tập, nếu có người tham lận, yêu sách mua rẻ, làm cho chợ phố sợ hãi, thì cho dinh thần lập tức tra xét xử tội, người buôn bán hay Lý trưởng được phép báo bắt, nếu đúng thực thì được thưởng bạc lạng. Các nhà phố cùng chợ búa hương thôn cứ làm ăn như thường, chớ có bày biện gì cả.3 Lại sai Bộ Hộ phàm đường xa giá đi qua, tất cả các thứ cung ứng như thuê phu, thuê thuyền, rơm cỏ cho voi ngựa, đều phải trả giá hậu, chớ bắt ở dân. Khi xa giá đến Hội An nhà vua cũng ban cho dân xã Minh Hương được giảm 5 phần bạc thuế, lại thưởng cho miếu Quan Đế 300 lạng bạc, miếu Thiên Hậu 100 lạng bạc để làm nhu phí đèn nhang.
4 Bản phụng Chỉ năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) về việc ban thưởng cho các miếu
Quan Đế, Thiên Hậu ở Hội An nhân việc Thánh giá đi tuần đến Hội An.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn
Thời vua Tự Đức, nhiều tàu thuyền các nước vẫn tiếp tục đến Hội An xin buôn bán như người Trung Hoa, người Pháp5. Việc nạo vét khơi thông các con sông vẫn tiếp tục được duy trì. Đến năm Thành Thái 11 (1899) Tổng đốc Nam Ngãi đã làm bản tấu xin nạo vét sông Ái Nghĩa và các sông Sãi, sông Vĩnh Điện để tàu thuyền có thể chạy thông đến các tấn Đại Áp, Đại Chiêm, Đà Nẵng. Đồng thời đắp đê lớn ở cửa sông để tích nước cho đồng ruộng6. Triều đình cũng cho tu bổ bồi đắp các con đường từ tỉnh thành Quảng Nam đến Hội An từ trước nha Hải Phòng đến Thanh Khê, Liên Chiểu, Phú Thượng và huyện Hòa Vang; tu bổ quan lộ từ Đà Nẵng đến đèo Hải Vân7.
Năm 1898, vua Thành Thái ban Dụ thành lập một loạt các thị xã tại miền Trung, trong đó có thị xã Faifo (tức Hội An) thuộc tỉnh Quảng Nam8. Từ đó đến năm 1975 Hội An luôn là tỉnh lị của Quảng Nam, có lúc là Nam-Ngãi (tức Quảng Nam và Quảng Ngãi).
Sau khi lấy Đà Nẵng làm nhượng địa, người Pháp mặc dù khai thác triệt để lợi thế của Đà Nẵng vì nhận thấy đây là một cảng biển rộng đẹp nhiều tàu lớn có thể ra vào nhưng họ cũng không thể bỏ qua Hội An. Bởi lẽ Hội An cách Đà Nẵng không xa và từng là một đô thị thịnh vượng trong nhiều thế kỷ. Tại Hội An người Pháp cho lập một Tòa Công sứ và cử viên đại diện người Pháp đứng đầu.
Bản Tấu của Viện Cơ mật năm Thành Thái thứ 6 (1894) về việc Toàn quyền Đông Dương
cử quan Pháp là Ba-Lanh giữ hàm Phó Công sứ đến làm việc tại Tòa Công sứ Hội An.
Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I/Châu bản triều Nguyễn
Đầu thế kỷ 20 nhận thấy việc bồi đắp của các dòng sông khiến việc giao thông đường thủy gặp khó khăn người Pháp đã cho xây dựng tuyến đường sắt nối Hội An với Đà Nẵng, tuy nhiên công trình đã không được hoàn thành như mong muốn. Việc có mặt của người Pháp tại Hội An đã khiến cho bộ mặt của Hội An có những thay đổi. Ngoài dấu tích kiến trúc còn sót lại của người Nhật Bản như Chùa Cầu hay các hội quán, đền miếu của người Hoa và các ngôi nhà truyền thống của người Việt là một số công trình mang phong cách kiến trúc Pháp.
Ngày nay dấu tích của một thương cảng sầm uất từng là một mắt xích trên con đường tơ lụa quốc tế qua biển Đông chính là khu phố cổ Hội An mang nét đặc trưng truyền thống của khu vực Đông Nam Á. Việc giao thoa của các nền văn hóa được du nhập trong giai đoạn Hội An là một cảng biển quốc tế phát triển và kể cả khi đã suy tàn khiến Hội An có nhiều nét đặc trưng độc đáo so với các đô thị cổ khác của Việt Nam. Điều đó đã tạo cho nơi đây một bản sắc văn hóa đa tầng, đa sắc diện thể hiện trong các phong tục tập quán, sinh hoạt đời sống, tín ngưỡng thờ phụng, ẩm thực, lễ hội… rất phong phú và hấp dẫn.
[1]
Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 10, tờ 35.
[2]
Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 10, tờ 96.
[3] Quốc sử quán triều Nguyễn,
Đại Nam thực lục (Chính biên), bản dịch, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2007, tập 2, tr.427.
[4]
Châu bản triều Nguyễn, Minh Mệnh tập 10, tờ 93.
[5]
Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức tập 82, tờ 105; tập 104, tờ 01.
[6]
Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái tập 95, tờ 71.
[7]
Châu bản triều Nguyễn, Thành Thái tập 23, tờ 71.
[8] Dương Kinh Quốc,
Việt Nam những sự kiện lịch sử (1858-1918), NXB Giáo dục, Hà Nội, 1999.