1.Trong căn nhà cấp 4 ở thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, bà Nguyễn Thị Lâm, nữ chiến sỹ cách mạng trẻ trung ngày ấy, giờ đã ở tuổi bảy mươi. Tóc bạc trắng, làn da nhăn dày theo năm tháng và câu chuyện về phần đời hoạt động cách mạng của bà, dù giờ không còn phải bí mật chôn sâu dấu kín như thời chiến nhưng bà vẫn không dễ gì mở lòng chia sẻ với mọi người, ngoại trừ người mẹ hiền quá cố của bà. Bà bảo, 42 năm nay, bà chưa cho phép mình nói ra, vì như vậy tựa như đang kể lể hoặc ngợi ca công lao hay sự chịu đựng đau thương của chính mình. “Chất thép” của một người chiến sỹ cách mạng không cho phép bà làm điều đó. Với tôi, có lẽ cũng là cái duyên của nghề nên mới may mắn được tâm sự với bà, để rồi, câu chuyện cuộc đời hoạt động cách mạng của bà như một cuốn phim quay chậm trở về, tất cả hiện ra theo giọng kể lúc to, lúc nhỏ, đong đầy cảm xúc của một nữ tù yêu nước từng vào sinh ra tử.
Ngày ấy Trà Quế là một trận địa cam go, khốc liệt. Mĩ, ngụy, chư hầu liên tục tiến quân càn quét thôn Trà Quế. Tại đây, địch cắm cờ, dành đất, đốt nhà, phá hoại ruộng vườn, hoa màu, bắn giết nhiều người dân lành vô tội. Nhân dân Trà Quế bị địch bắt dồn vào khu vực chùa Cây Cau để cách ly với cách mạng. Địch đã chà đi, xát lại làm cho Trà Quế trở thành một vùng đất xơ xác, điêu tàn. Cũng như nhiều gia đình cách mạng khác, trong quá trình đấu tranh, cha của bà Nguyễn Thị Lâm bị địch bắt, tù đày, còn các anh trai lần lượt hy sinh, trong đó có cả người anh mới có 2 mặt con còn thơ dại. Nợ nước thù nhà, bà Lâm sớm giác ngộ, tham gia hoạt động cách mạng, rồi được kết nạp Đảng khi vừa tròn 20 tuổi, đảm nhận công tác do tổ chức phân công. Hoạt động ngay trong lòng địch cho đến khi bọn địch thám thính, lùng sục, tìm ra được danh sách các đảng viên của cơ sở cách mạng, bà Lâm bị bắt. Chuỗi ngày bị giam cầm, tra tấn trong lao xá Hội An của bà là chuyện không thể nào quên, để đến tận bây giờ, ngay cả trong giấc ngủ, bà Lâm vẫn còn ám ảnh, hãi hùng mơ thấy. Để bà khai nhận là đảng viên, có tên trong cấp ủy và tiết lộ bí mật của đồng chí đồng đội, chúng đánh đập tàn khốc, bà nhiều lần chết đi sống lại. Từ đổ nước xà bông vào miệng cho căng bụng, rồi dẫm đạp cho xì ra lỗ mũi, miệng, hậu môn, hay treo ngược hai chân lên để đánh đập cho tàn phế, cho điện giật vào răng, vào miệng, chà cháy da thịt, thả rắn vào trong ống quần,… đến dụ dỗ, chiêu hồi nữa đêm, biệt giam… tất cả đều được chúng thực hiện liên tục, man rợ. Mỗi lần ngất đi, chúng lại lôi bà vào ủ trong thùng lá Thù Đâu, khi tỉnh lại, chúng đem ra tra tấn tiếp. Cứ như vậy, máu trong người bà chảy ra từ ngày này sang ngày khác, tháng này qua tháng khác, kết khô trên bộ quần áo, trở nên dày như một bộ mo cau mặc trên người bà Lâm. Mái tóc dài ngày thanh xuân bị chúng cột quay rụng rời, lưa thưa, ngắn cũn, lõa xõa. Khai thác đòn roi không được, chúng dùng đến biện pháp tâm lý. 12 giờ đêm chúng đưa bà đi gặp “ông Lớn” – bà nói theo cách gọi của bọn lính trong đêm. Bà Lâm bảo, đòn roi đau mấy cũng chịu được nhưng khi chúng dùng cách khai thác này là biện pháp làm cho người chiến sỹ nao núng tinh thần nhất, vì sức ép tâm lý. Một cuộc đấu trí căng thẳng vì chúng đưa ra trước mặt danh sách tổ chức đảng, có tên họ tên bà Nguyễn Thị Lâm đầy đủ. Sức ép tâm lý cùng cực, cuộc đối mặt này bà chỉ muốn làm một việc gì đó để được chúng bắn đạn vào mình, chết cho thật nhanh. Bởi bà sợ rằng, ép quá, lỡ như mình thừa nhận, không giữ được bí mật thì không xứng đáng với cái chết của các anh trai mình, của những đồng đội, của bà con mình. Vì vậy, trong đêm, khi bà lừa được ông Lớn cho mở xiềng chân và tay ra, bất thình lình, bà giã bộ đứng dậy, vơ ngay chiếc ghế đập tới tấp vào Ông Lớn. Bọn lính lao lại, đánh dập vùi rồi đá bà lăn, cuộn tròn từ tầng 2 theo bậc cầu thang xuống đất. Bà lại ngất, chúng lại đưa đi ủ lá Thù Đâu. Mấy ngày sau khi tỉnh lại bị biệt giam trong một phòng riêng vừa đủ một chỗ ngồi và chỗ đi vệ sinh, tay chân xiềng cứng, nặng trịch, bà không thể nào nhấc tay chân lên được. Tê liệt, tàn phế, kiệt quệ. Khi được đưa ra nhốt chung với chị em, cả mấy tháng trời, bà Lâm không thể cử động ngón tay để xúc cơm ăn, chị em phải đút cho từng muỗng, thậm chí còn phải giúp bà trong việc đi vệ sinh. Khi ra tù, cả năm trời, hai cánh tay bà không thể cử động. Người mẹ hiền phải đút từng muỗng cơm, thìa cháo, lau rửa thân thể cho bà. Mất cả năm trời, lúc đó, từng ngón tay của bà mới dần dần có biểu hiện nhúc nhích. Thời điểm đó, trên sông Hàn, Đà Nẵng có một tàu khám bệnh của các bác sỹ nước Đức neo đậu, chuyên chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Nghe lời mẹ khuyên nên bà đã xin vào điều trị mấy năm trời, cơ thể mới dần dần hồi phục trở lại, tay chân cử động được. Nghiệm lại điều làm cho con người trở nên có sức mạnh phi thường để chịu đựng tất cả nỗi đau, bà Lâm bộc bạch: “Tôi ở Trà Quế đây, một khi Triều Tiên tới càn, hắn đốt nhà, tất cả xóm ni hắn đốt hết, ai chạy hắn thấy hắn bắn chết. Già chạy không được hắn núm đầu xô vô lửa, con nít họ bồng trên tay mà hắn núm lấy xé hai, dục vô lửa. Thử nghĩ, cái cảnh đó không bao giờ quên, cái căm thù đó không bao giờ quên. Điều đó làm cho con người ta có sức mạnh phi thường. Anh em mình cả nhà rứa mà hắn giết, hắn bắn phơi xác đó, không làm chi được, nghiến răng đó, đâm được hắn là đâm, chứ còn than van thì không còn cái lòng căm thù trong con người nữa. Cho nên trong những cái như thế mà chịu đựng được thì mới rèn được cái ý chí của mình. Tôi tới bây giờ thành quen, mỗi khi tôi đau không bao giờ tôi rên. Tôi đau chết ngay, mê man, cháu đưa vô bệnh viện, tỉnh lại tôi hỏi răng ở đây, mới biết mình bị sốt. Tôi thấy rất bình thường. Tôi thấy những cơn đau bây giờ có chết đi sống lại cũng không bằng mấy roi hồi đó đâu. Một con người mà nghĩ không sống nữa thì chết thì không dễ gì mình có được cái tư tưởng đó cho mình. Bao nhiêu người họ chết cách đây mấy mươi năm rồi cho nên nghĩ lại mình còn có phước nhiều hơn họ rồi, mình còn sống, mình còn biết độc lập tự do, còn họ đâu có biết. ”
Vượt qua lửa đạn, tù đày trong chiến tranh, ngày quê hương giải phóng, bà Lâm trở về tham gia công tác tại địa phương, đảm nhận nhiều công việc quan trọng ở xã Cẩm Hà và Uỷ ban kiểm tra thị ủy Hội An. Trong gia đình, bà gác lại chuyện hạnh phúc riêng tư của đời người con gái, một mình thay các anh trai phụng dưỡng liệu lo cha mẹ già đến khi nhắm mắt xuôi tay và nuôi dưỡng, dạy dỗ các con thơ của anh trai (liệt sỹ) nên người. Nhìn lại những gì đã trải qua, giờ đây, ở tuổi bảy mươi, bà thấy đã trọn nghĩa với quê hương và bà không hề cô quạnh, luôn có con cháu, có tình đồng chí, đồng đội, xóm giềng.
Các nữ tù yêu nước gặp lại nhau khi tuổi cao sức yếu- Ảnh: Lê Hiền
2.Trong khuôn khổ Đại hội Hội Tù yêu nước xã Cẩm Thanh mới đây, cuộc gặp gỡ của những người tù năm xưa diễn ra thật xúc động. Họ đều là những người cùng làng, cùng xã, khoảng cách địa lý không xa nhưng giờ đây vì tuổi cao, sức yếu, những cuộc hội ngộ đông đủ để cùng nhau ôn lại những năm tháng sống và chiến đấu kiên cường giờ đây cũng thưa dần. Trong câu chuyện bên lề Đại hội, ngoài những lời thăm hỏi, hàn huyên, những nữ tù yêu nước vẫn không thể nào quên những năm tháng từng trải qua trong các nhà tù. Bà Nguyễn Thị Thao, thôn Võng Nhi, người hoạt động cách mạng bị bắt giam tại Nhà lao Tân Hiệp (tỉnh Đồng Nai) – là một trong 6 nhà tù lớn nhất ở Miền Nam kể lại, ngoài đánh đập hành hạ thể xác, tra tấn tinh thần, kẻ thù còn dùng những thủ đoạn bỉ ổi đối với các nữ tù. Chúng đánh vào chỗ hiểm khiến nhiều chị em mất đi thiên chức làm vợ, làm mẹ, để rồi sau này, khi giải phóng, nhiều chị không đủ can đảm lấy chồng, sinh con. Dã man hơn, chúng còn dùng rắn, chó béc giê làm vật tra tấn phụ nữ, làm cho chị em khiếp đảm, hãi hùng. Ấy vậy mà bản chất cách mạng của những nữ tù năm xưa đã chiến thắng, làm thất bại âm mưu khai thác thông tin cơ sở cách mạng của kẻ thù. Bà Nguyễn Thị Thao tâm sự: “Hồi trước đi tham gia cách mạng có ai nghĩ là đi sau này được Nhà nước trả công đâu. Chỉ biết rằng cái sự ác liệt của đế quốc Mĩ hết sức dã man, lòng căm thù ngút ngàn nên là tham gia hoạt động cách mạng, vì độc lập tự do mà hy sinh tất cả thôi. Cho nên là thấy ác liệt như thế, cái chết trước mắt như thế nhưng không bao giờ sợ, chỉ muốn làm thế nào để được giải phóng thôi. Cho nên là người phụ nữ mình hắn đánh đập dã man, thậm chí sau này không thể sinh đẻ được nhưng chị em không bao giờ sợ ”.
Đối với cựu tù yêu nước Đinh Thị Tam cũng ở thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh cũng vậy. Ngày ấy, lòng căm thù địch khi mẹ bà bị giết hại, chú ruột, anh trai và kể cả người yêu đều hy sinh, còn cha đẻ thi bị bắt tù đày, 18 tuổi, bà Tam đã bắt đầu hoạt động cách mạng. Ban đầu bà làm giao liên, nắm tình hình, dẫn đường cho cán bộ cách mạng và chuyển thư từ, giấy tờ đến các cơ sở. Khi bà bị địch bắt, giam ở Nhà lao Hội An, vào lại ra, ra lại vào, nếm trải nhiều hình thức tra tấn, đợt nhiều nhất là trong khoảng thời gian bà bị giam giữ ròng rã suốt 3 năm trời. Trong ký ức của bà, từng trận đòn chưa thể phai mờ, còn hiện nguyên như vừa mới đây: “Hắn trói lại rồi hòa ớt, thuốc tím đổ vô cho nóng mình, rồi hắn dẫm lên bụng cho xì ra miệng, mũi, hậu môn. Người mình có lỗ nào là nó xì ra lỗ đó. Mình không khai hắn đánh, hắn kêu “đi tàu thủy không được, cho đi máy bay”. Máy bay tức là tra điện. Hắn trói mình, cột dây cho rút lên rút xuống, mình chết ngay, có biết cái chi nữa mô. Rồi hắn bắt rắn, hắn thọng vô cửa mình, hắn nắm cái đuôi rị vô, rị ra, cho mình sợ mình khai. Hắn tra tấn chị em nhiều thủ đoạn dã man lắm. Hắn làm dây điện cột vô núm vú, cho quay, giật, có người sứt luôn núm vú, chết ngay. Bữa ni đi dự đại hội đây mà mấy người bạn không đi được, đang phải cấp cứu đó. Rồi mấy người đi được thì kẻ xịnh qua, người xịnh lại, tàn phế. ”
Đi qua những đau thương mất mát của gia đình, bản thân, quê hương, sau ngày giải phóng, bà Tam chọn cho mình cuộc sống đơn chiếc. Một mình bà ở trong ngôi nhà tình nghĩa bé nhỏ do địa phương xây tặng, ban ngày bà qua nhà người em trai duy nhất để làm ruộng, làm vườn, ăn uống, trò chuyện cho khuây khỏa…
Tác giả: Lê Hiền
Nguồn tin: www.hoianrt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn